TP. Hồ Chí Minh: Chi tiết hai phương án sắp xếp cấp xã, phường

Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về hai phương án bỏ cấp quận, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn toàn thành phố.
TP. Hồ Chí Minh: Chi tiết phương án sắp xếp các xã, phường 'Địa đạo' gây 'sốt' ở TP. Hồ Chí Minh, khơi dậy tự hào dân tộc TP. Hồ Chí Minh: Tăng trưởng GRDP quý 1/2025 cao nhất trong 5 năm qua

Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về Dự thảo Tờ trình Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó chỉ có 4 đơn vị đạt tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số theo quy định, bao gồm TP Thủ Đức, quận 7, quận 12 và Bình Tân. 18 đơn vị còn lại, chiếm 81,81%, chưa đạt tiêu chuẩn này.

Các đơn vị chưa đạt chủ yếu là 13 quận nội thành gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và 5 huyện. Trong số này, huyện Nhà Bè thuộc diện cần sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030 theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chi tiết 2 phương án sắp xếp cấp xã của TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh đề xuất 2 phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh minh họa

Về cấp xã, trong tổng số 273 đơn vị hiện có, chỉ có 30 đơn vị đạt tiêu chuẩn theo quy định, chiếm 10,99%. Còn lại 243/273 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 89,01% theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15. Trong số các đơn vị này, có 94 đơn vị thuộc diện cần sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030, trong đó đã có 32 đơn vị được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2025, còn lại 62 đơn vị cần tiếp tục thực hiện.

Phương án 1: Còn 32 đơn vị hành chính cấp xã

Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh đề xuất 2 phương sắp xếp lại hệ thống đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Cả hai phương án đều hướng tới mục tiêu tinh giản đầu mối, giảm số lượng đơn vị hành chính không còn phù hợp với quy mô dân số, địa bàn quản lý, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn lực thực thi nhiệm vụ ở cơ sở.

Phương án 1 đề xuất sắp xếp lại toàn bộ 273 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành 32 đơn vị.

Cụ thể, thành phố Thủ Đức sẽ giữ lại 1 đơn vị hành chính cấp xã; 16 quận tổ chức lại còn 21 đơn vị, trong đó các quận có quy mô lớn như quận 7, quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh và Gò Vấp được bố trí mỗi quận thành 2 đơn vị hành chính cấp xã.

Đối với 5 huyện còn lại gồm Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè, phương án đề xuất sắp xếp thành 10 đơn vị cấp xã. Tổng cộng sau sắp xếp sẽ còn lại 32 đơn vị hành chính cấp xã.

Để bảo đảm hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp không bị gián đoạn khi giảm mạnh số lượng đơn vị cấp xã, phương án 1 đề xuất thành lập 58 khu vực hành chính trực thuộc 32 đơn vị mới nhằm tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính và triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Mỗi khu vực dự kiến bố trí 10 cán bộ công chức, tương ứng với 580 người. Cùng với 52 cán bộ công chức cho mỗi đơn vị cấp xã, tổng số cán bộ công chức cần bố trí theo phương án này là 2.244 người. So với tổng số hiện tại 17.132 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, phương án 1 giúp tinh giản 14.888 người, tương ứng 86,9%.

Phương án 2: Sắp xếp thành 110 đơn vị hành chính cấp xã mới

Phương án 2 chọn hướng đi dung hòa hơn, khi sắp xếp lại 273 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành 110 đơn vị mới, tương ứng với việc giữ lại 40,29% số lượng hiện tại.

Cụ thể, Thủ Đức từ 34 phường sắp xếp còn 19 phường. Trong 16 quận với 176 phường, phương án phân bổ lại thành 47 đơn vị hành chính cấp xã mới. Trong đó, 9 quận gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11 và Phú Nhuận sắp xếp thành mỗi quận 2 đơn vị; các quận Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú mỗi quận thành 3 đơn vị; quận 7 và Bình Thạnh mỗi quận còn 4 đơn vị; riêng quận 12 và Bình Tân được giữ lại mỗi quận 6 đơn vị cấp xã.

Đồng thời, 5 huyện gồm Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè sẽ sắp xếp từ 63 xã, thị trấn hiện nay còn lại 44 đơn vị hành chính cấp xã. Tổng cộng, phương án 2 giữ lại 110 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, giảm 163 đơn vị, tương đương giảm 59,7%.

Không giống phương án 1, phương án 2 không phát sinh các khu vực hành chính trung gian mà giữ nguyên mô hình vận hành của các đơn vị hành chính cấp xã. Với mỗi đơn vị bố trí 52 cán bộ công chức, tổng số cán bộ cần cho 110 đơn vị cấp xã mới là 5.720 người. So với tổng số hiện tại, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo phương án này là 11.412 người, tương ứng giảm 66,61%.

Khi so sánh hai phương án, phương án 1 giúp tinh giản bộ máy mạnh mẽ hơn với tỷ lệ giảm lên đến gần 87%, tuy nhiên lại phát sinh thêm 58 khu vực hành chính trung gian và có nguy cơ gây khó khăn trong tiếp cận của người dân do đơn vị cấp xã mới có địa bàn rộng hơn. Trong khi đó, phương án 2 vẫn đạt được mục tiêu tinh giản đáng kể, đồng thời giữ được tính ổn định trong quản lý nhà nước ở cấp xã, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hành chính công mà không cần qua trung gian.

Trên cơ sở phân tích ưu nhược điểm, TP. Hồ Chí Minh đề xuất lựa chọn phương án 2 là phương án thực hiện. Đây là phương án phù hợp với Kết luận số 126-KL/TW và 127-KL/TW của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ không tổ chức chính quyền cấp huyện, chỉ còn hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã. Phương án 2 cũng bảo đảm giữ lại đủ số lượng cán bộ công chức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, hạn chế xáo trộn về tổ chức bộ máy, tránh gây gián đoạn hoạt động của chính quyền cơ sở.
Ngân Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.