Đàm phán thuế quan Việt - Mỹ trên bàn cờ lớn: Một vài khuyến nghị

Trong môi trường địa kinh tế đầy biến động, thuế quan hiện không chỉ là rào cản thương mại, mà còn là bàn đạp chiến lược trong bàn cờ quyền lực kinh tế toàn cầu
Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường nước ngoài: Sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ WTO cảnh báo khủng hoảng thương mại khi các nhà sản xuất ô tô Đức đối mặt với các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ Điều kiện để Mỹ điều chỉnh chính sách thuế đối ứng

Tín hiệu từ “Không lực Một” và thông điệp chiến lược cho đàm phán

Ngày 3/4/2025, trên chiếc chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán thuế quan nếu các đối tác đưa ra “đề nghị tuyệt vời”. Và cuộc điện đàm quan trọng giữa Tổng thống Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm hôm qua thêm một lần cho thấy, cây cầu đối thoại đã bắc lên qua hàng rào thuế.

Bộ Công Thương đã gửi công hàm tới phía Mỹ, đề nghị tạm hoãn quyết định thuế vào ngày 9/4 để có thời gian đàm phán. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương đã gửi công hàm tới phía Hoa Kỳ, đề nghị tạm hoãn quyết định thuế để có thời gian đàm phán. Ảnh minh họa

Tổng thống Hoa Kỳ dù nhấn mạnh sẽ tiếp tục đánh thuế mạnh vào các lĩnh vực như chất bán dẫn và dược phẩm - những ngành có chuỗi cung ứng toàn cầu trải rộng, nhưng đồng thời cũng khẳng định: “Nếu ai đó mang đến điều gì có giá trị, tôi sẵn sàng đàm phán”. Điều này chứng tỏ, thuế quan hiện không chỉ là rào cản thương mại, mà còn là bàn đạp chiến lược trong "bàn cờ" quyền lực kinh tế toàn cầu.

Đàm phán thuế - làm gì để rủi ro thành cơ hội?

Trong môi trường địa kinh tế đầy biến động, thuế quan đã trở thành công cụ vừa hữu hình, vừa uyển chuyển. Không giống các hiệp định thương mại tự do (FTA) cần nhiều năm để đàm phán và có ràng buộc pháp lý chặt chẽ, thuế quan có thể được điều chỉnh linh hoạt, phản ánh ngay lập tức ý chí chính trị và lợi ích chiến lược của các bên.

Điểm đặc biệt của thời kỳ hậu toàn cầu hóa là: không còn “vùng an toàn” cho các quốc gia nhỏ. Việc Hoa Kỳ khôi phục các mức thuế lên tới 46% đối với nhiều mặt hàng từ Việt Nam, dù không nêu đích danh là mục tiêu chính, cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm gián tiếp của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là chống lẩn tránh xuất xứ.

Tuy nhiên, trong rủi ro có cơ hội. Với một chiến lược đàm phán khôn khéo và chủ động, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển hóa áp lực thành động lực, tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và “cửa mở” chính sách từ Washington để tái định vị vai trò trong quan hệ thương mại song phương.

Bài học từ các quốc gia

Ấn Độ: Đã chủ động hạ thuế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản và quảng cáo số từ Hoa Kỳ, đổi lại là môi trường thương mại ổn định hơn và thu hút FDI công nghệ cao. Cụ thể, Ấn Độ đã đề xuất giảm thuế đối với một số sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ như hạnh nhân, nam việt quất và rượu bourbon whisky, nhằm ngăn chặn các biện pháp thuế quan đối ứng từ phía Hoa Kỳ và tăng cường quan hệ thương mại song phương. ​Đồng thời, nhằm thu hút các công ty công nghệ Mỹ như Google, Meta và Amazon, Ấn Độ đã quyết định loại bỏ thuế 6% đối với quảng cáo kỹ thuật số từ ngày 1/4/2025.

Mexico: Việc Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được thay thế bởi Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đã đặt Mexico trước nguy cơ mất đi lợi thế xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Mexico đã chủ động điều chỉnh chính sách tận dụng cơ hội từ USMCA để tái cấu trúc chuỗi cung ứng ô tô, tăng nội địa hóa linh kiện, qua đó giữ vững vị thế xuất khẩu.

Brazil: Tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán FTA song phương và khu vực, đặc biệt là thông qua khối Mercosur, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đàm phán đa phương phức tạp. Hiệp định thương mại giữa EU và Mercosur, nếu được thông qua, dự kiến sẽ loại bỏ hơn 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa hai khối, tiết kiệm khoảng 4 tỷ Euro hàng năm cho các công ty châu Âu. Đồng thời cũng đầu tư mạnh vào công nghệ nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro từ các rào cản phi thuế quan.​

Anh: Ngay sau khi hoàn tất Brexit, Anh đã cử đoàn đàm phán thương mại sang Hoa Kỳ, chủ động xây dựng các kịch bản song phương linh hoạt thay vì đợi phía Hoa Kỳ đưa ra điều kiện. Anh cam kết mở cửa thị trường nông sản cho Hoa Kỳ - một vấn đề vốn rất nhạy cảm với EU. Đây là “đề nghị tuyệt vời” mà Washington mong đợi. Nhờ những nỗ lực trên, Anh đã đạt được mức thuế 10% cho các sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thấp hơn so với mức thuế mà EU phải chịu.

Tất cả những ví dụ này chứng minh một điều: quốc gia nào định vị được lợi ích chung và biết cách trình bày “đề nghị tuyệt vời”, quốc gia đó có cơ hội thắng thế trong đàm phán.

Việt Nam vào cuộc: Chủ động, kịp thời và có chiến lược

Trước tình thế Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% với hàng xuất khẩu Việt Nam, Bộ Công Thương đã lập tức hành động quyết liệt. Tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều 4/4, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã gửi công hàm tới phía Hoa Kỳ, đề nghị tạm hoãn quyết định thuế vào ngày 9/4 để có thời gian đàm phán.

Bộ Công Thương đã và đang sắp xếp các cuộc trao đổi với phía Hoa Kỳ để bàn về các vấn đề liên quan đến lệnh áp thuế này. Thứ trưởng cũng cho biết, tuần sau sẽ có đoàn công tác cấp cao do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn sang Hoa Kỳ làm việc.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị nhiều nội dung mà Hoa Kỳ quan tâm. Mục tiêu là giải thích rõ hơn về các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế... Đồng thời, triển khai nhiều nội dung, thậm chí sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.

Không chỉ vậy, Bộ Công Thương còn tổ chức họp khẩn với doanh nghiệp xuất khẩu, lắng nghe ý kiến, đánh giá tác động và đưa ra các phương án ứng phó phù hợp, đúng hướng “gắn đàm phán với quyền lợi doanh nghiệp”

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhấn mạnh, đàm phán thuế không phải việc riêng của một bộ, mà là nỗ lực tổng thể của Chính phủ, các bộ ngành, và khối doanh nghiệp. Đây là tư duy hiện đại, phản ánh cách tiếp cận “toàn quốc gia” trong bảo vệ lợi ích kinh tế - thương mại.

Việt Nam nên đàm phán điều gì?

Dựa trên các bài học quốc tế và thế mạnh nội tại, một số chuyên gia và truyền thông quốc tế khuyến nghị: Việt Nam có thể đưa ra một “đề nghị song phương thực chất” với Hoa Kỳ:

Ưu đãi thuế nhập khẩu có chọn lọc với hàng Hoa Kỳ: Các mặt hàng Hoa Kỳ có tiềm năng tiêu thụ như dược phẩm, lúa mì, công nghệ năng lượng sạch… có thể được giảm thuế trong khuôn khổ rõ ràng.

Hợp tác công nghệ cao và chuyển giao chuỗi cung ứng: Hoa Kỳ đang ưu tiên đầu tư vào bán dẫn, AI, pin và hydrogen - lĩnh vực mà Việt Nam có thể đón đầu với điều kiện chính sách và ưu đãi hợp lý.

Thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ: Tăng cường đối thoại cấp chuyên gia giữa Bộ Công Thương - USTR, có thể theo chu kỳ 3 - 6 tháng để giải quyết tranh chấp kịp thời.

Cam kết minh bạch và cải thiện quản trị thương mại: Để tránh bị gắn mác “lẩn tránh xuất xứ”, Việt Nam cần công khai dữ liệu, chủ động truy xuất nguồn gốc và sẵn sàng sửa đổi các văn bản pháp lý chưa phù hợp.

Đàm phán thuế và sức mạnh đồng thuận Việt Nam

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhìn cuộc đàm phán này về mức thuế. Đây thực chất là phép thử bản lĩnh chiến lược của Việt Nam - một quốc gia đang vươn mình trở thành trung tâm sản xuất và công nghệ mới của khu vực.

Việc Hoa Kỳ dành sự quan tâm đặc biệt cho thấy Việt Nam đã “lên bàn cờ lớn”. Và như mọi bàn cờ, người thắng không phải lúc nào cũng là kẻ mạnh hơn, mà là kẻ đi nước đúng lúc.

Nếu biết tận dụng “khe cửa mở” từ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, kết hợp với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, như cuộc điện đàm mang lại hiệu ứng tích cực của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành địa phương, sự chủ động tích cực đồng bộ như Bộ Công Thương đang làm, Việt Nam hoàn toàn có thể biến nguy thành cơ, giữ vững thị trường Mỹ và nâng cao vị thế quốc tế.

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nơi thương mại không còn đơn thuần là trao đổi hàng hóa mà là “trò chơi quyền lực mềm” giữa các quốc gia, đàm phán trở thành công cụ sống còn. Việt Nam - với vị trí địa chính trị quan trọng, năng lực sản xuất ngày càng cải thiện và một đội ngũ lãnh đạo ngoại giao thương mại năng động - đang đứng trước một cơ hội hiếm có để khẳng định vị thế.
Thanh Thanh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.