Giao ban xúc tiến thương mại: Chủ động thích ứng trước biến động

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 3/2025 đã đề cập đến giải pháp củng cố nội lực, tăng cường năng lực cạnh tranh, ứng phó với biến động của thế giới
Giao ban xúc tiến thương mại tháng 2: Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 Thương vụ khuyến nghị hàng Việt khi xuất khẩu vào Mỹ Giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ tháng 3/2025: Cơ hội từ thị trường Halal

Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Cùng tham dự hội nghị có đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ động củng cố nội lực thương mại

Một trong những nội dung nổi bật và gây nhiều quan tâm tại hội nghị lần này là thông tin về việc Hoa Kỳ áp thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Diễn biến này tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại song phương, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách cho Việt Nam về việc tái cấu trúc chiến lược tiếp cận thị trường và củng cố năng lực cạnh tranh.

Giao ban xúc tiến thương mại: Chủ động thích ứng trước biến động
Toàn cảnh hội nghị giao ban

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các chính sách điều chỉnh thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu được Hoa Kỳ áp dụng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước những thách thức mới từ chính sách điều chỉnh thuế của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đã nhanh chóng đề xuất một loạt giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam cũng như duy trì đà phát triển bền vững trong hoạt động xuất khẩu.

Phía cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đề xuất một số giải pháp nhằm ứng phó với lệnh thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trước hết, cần đẩy mạnh hợp tác song phương thông qua các cơ chế đối thoại hiệu quả như Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), từ đó tạo nền tảng để tháo gỡ các vấn đề phát sinh một cách kịp thời, minh bạch.

Song song đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cũng được xác định là nhiệm vụ then chốt. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thiểu rào cản hành chính, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Đại diện cơ quan thương vụ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xem đây là bước đi cần thiết để từng bước giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, gia tăng khả năng tự chủ và sức đề kháng của nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc vận động chính sách, đẩy mạnh đàm phán cấp cao với các đối tác thương mại lớn và các tổ chức kinh tế quốc tế cũng được đặt lên hàng đầu. Đây không chỉ là nỗ lực bảo vệ lợi ích trước mắt mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng hình ảnh một Việt Nam chủ động, chuyên nghiệp và đáng tin cậy trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Giao ban xúc tiến thương mại: Chủ động thích ứng trước biến động
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (bên phải màn hình).

"Các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, chứng từ xuất xứ để sẵn sàng ứng phó với các rủi ro về thuế và phòng vệ thương mại", ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến cáo.

Hệ thống thương vụ cần chuyển mình mạnh mẽ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trước các thách thức đang ngày càng phức tạp, các thương vụ không thể chỉ giải quyết từng thị trường đơn lẻ mà cần mở rộng tư duy kết nối khu vực, hiểu rằng các vấn đề thương mại mang tính liên thông và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần có sự liên kết với khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Không thể chỉ nhìn vấn đề cá biệt mà bỏ qua hệ lụy toàn diện”.

Giao ban xúc tiến thương mại: Chủ động thích ứng trước biến động
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Một trong những kết quả cụ thể được thống nhất tại hội nghị là việc xây dựng báo cáo định kỳ với các tiêu chí rõ ràng về thời hạn, nội dung và chất lượng. Đồng thời, Thứ trưởng giao Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan để khẩn trương xây dựng một đề án chi tiết, trình báo cáo sơ bộ trong vòng 15 ngày để tiếp tục thảo luận và hoàn thiện.

Đặc biệt, Thứ trưởng cũng yêu cầu hệ thống thương vụ phải tuân thủ nghiêm túc thời hạn xử lý kiến nghị từ các hiệp hội doanh nghiệp và địa phương. “Chúng ta đã thống nhất nguyên tắc này trong các cuộc giao ban trước đây, do đó, đề nghị các đồng chí đặc biệt lưu tâm và thực hiện nghiêm túc”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 lần này không chỉ là hoạt động báo cáo thường kỳ, mà còn đóng vai trò như một bước chuyển mình trong tư duy xúc tiến thương mại. Từ chỗ “bị động phản ứng” trước biến động thị trường, các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam buộc chuyển sang trạng thái chủ động thích ứng, đi trước một bước, nắm bắt xu hướng và đề phòng rủi ro từ chính sách của đối tác.

Hội nghị giao ban với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng, đã trở thành diễn đàn quan trọng để các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước kết nối, trao đổi với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tích cực trong công tác phát triển thị trường xuất nhập khẩu.
Lê Trang

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.