Thương hiệu du lịch Việt không chỉ là thị trường giá rẻ

Thương hiệu du lịch Việt Nam cần tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, hướng đến du lịch cao cấp, trải nghiệm độc đáo và phát triển bền vững.
Du lịch Việt: Thời cơ tăng trưởng nhờ cách nhìn mới Phim trường quốc tế đến Quần đảo Cát Bà: Lan toả vẻ đẹp Việt Nam với thế giới Bộ máy Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sau tinh gọn

Cơ hội vàng để ngành du lịch bứt phá

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 7/3/2025 về việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 12 quốc gia, gồm Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan.

Theo nghị quyết, công dân các nước này được miễn thị thực với thời gian tạm trú tối đa 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu hay mục đích nhập cảnh, với điều kiện tuân thủ đầy đủ các quy định nhập cảnh của pháp luật Việt Nam.

Chính sách miễn thị thực có hiệu lực từ ngày 15/3/2025 đến hết ngày 14/3/2028 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định.

Chị Nguyễn Thị Tho, quản lý một doanh nghiệp lữ hành tại quận Hoàng Mai cho biết: "Chính sách miễn thị thực không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn trong việc gia tăng lượng khách du lịch mà còn giúp Việt Nam củng cố vị thế cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế. Tôi tin rằng đây là cơ hội vàng để ngành du lịch bứt phá, thu hút nguồn khách chất lượng cao, tạo ra giá trị kinh tế lớn và mở ra nhiều triển vọng hợp tác quốc tế trong tương lai".

Việt Nam hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm du lịch để tăng trưởng doanh thu kinh tế. Ảnh: Bộ VHTTDL
Việt Nam hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm du lịch để tăng trưởng doanh thu kinh tế. Ảnh: Bộ VHTTDL

Theo nhận định của chị Tho, việc miễn thị thực đồng nghĩa với việc loại bỏ quy trình đầu tiên và quan trọng nhất đối với du khách nước ngoài khi quyết định đến Việt Nam. Đối với khách du lịch, quy trình xin visa thường là một trong những trở ngại lớn nhất, làm mất thời gian và có thể khiến họ chọn điểm đến khác trong khu vực thay vì Việt Nam. Khi rào cản này được gỡ bỏ, lượng khách đến từ các nước được miễn thị thực chắc chắn sẽ tăng trưởng đáng kể.

Nhìn từ thực tế, các quốc gia được miễn thị thực lần này như Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… đều là những thị trường nguồn quan trọng của du lịch Việt Nam. Theo số liệu trước đây, các nước châu Âu có thời gian lưu trú dài và mức chi tiêu cao, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường lớn nhất khu vực Đông Bắc Á với số lượng khách thường xuyên tăng trưởng qua từng năm. Miễn thị thực sẽ giúp chúng ta khai thác tối đa tiềm năng từ những thị trường này.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của chị Hạnh, quản lý đơn vị chuyên vận hành các tour du lịch inbound (đưa khách nước ngoài về Việt Nam) nêu, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đều có chính sách visa "thông thoáng", nếu Việt Nam không nới lỏng chính sách nhập cảnh thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Việc miễn thị thực cho 12 quốc gia không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực mà còn tạo ra sự thuận lợi hơn để giữ chân du khách và nâng cao trải nghiệm của họ.

Ngoài ra, chính sách này còn giúp các doanh nghiệp lữ hành dễ dàng hơn trong việc thiết kế tour trọn gói, đặc biệt là với khách châu Âu. Trước đây, khách du lịch Đức, Pháp, Italia khi muốn kết hợp du lịch Đông Nam Á thường gặp khó khăn khi nhập cảnh vào Việt Nam do thủ tục visa. Giờ đây, họ có thể dễ dàng lên lịch trình xuyên suốt Việt Nam và các nước lân cận mà không gặp trở ngại, giúp chúng ta cạnh tranh hiệu quả hơn với các điểm đến khác trong khu vực.

Không thể để Việt Nam chỉ là thị trường du lịch giá rẻ

Trên thực tế, những quốc gia mới được Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh đều có công dân đạt thu nhập cao. Điều này được nhận định góp phần tạo động lực giúp ngành du lịch nước ta nâng cao giá trị sản phẩm để khai thác kinh tế.

Về vấn đề này, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing tại đơn vị lữ hành Best Price nhận định rằng du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một điểm đến hấp dẫn trên thế giới.

"Từ trước đến nay, Việt Nam được nhiều khách du lịch biết đến là thị trường giá rẻ, dễ tiếp cận. Do đó, một số quốc gia có lượng khách đến nhiều nhưng doanh thu chưa đạt như kỳ vọng. Nên hiện nay, chúng ta cần phải thay đổi tư duy, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng hơn, có tầm, để tăng khả năng chi tiêu đối với khách du lịch. Thay vì chỉ tập trung vào số lượng du khách, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, từ việc phát triển các dịch vụ cao cấp, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ đến việc quảng bá thương hiệu mạnh mẽ và phát triển bền vững. Chỉ khi làm được điều đó, du lịch Việt Nam mới có thể cạnh tranh với các điểm đến hàng đầu thế giới và tạo ra giá trị lâu dài”, ông Bùi Thanh Tú nhận định.

Cụ thể, theo ông Bùi Thanh Tú, để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững và thu hút du khách quốc tế, không chỉ cần gia tăng số lượng khách mà còn phải nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch. Điều này giúp tăng mức chi tiêu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao trải nghiệm tổng thể.

Điển hình, việc phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp và độc đáo là yếu tố then chốt. Việt Nam có tiềm năng lớn để mở rộng phân khúc du lịch hạng sang với các khu nghỉ dưỡng 5 sao, du thuyền cao cấp và dịch vụ cá nhân hóa.

Du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đang là một xu hướng toàn cầu, và Việt Nam có thể tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như suối nước nóng, thảo dược bản địa để phát triển mô hình "wellness tourism" (mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe). Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch trải nghiệm như sống thử trong nhà cổ Hội An, trekking đỉnh Fansipan hay khám phá hang Sơn Đoòng sẽ mang lại cảm giác mới lạ, giúp du khách có những trải nghiệm sâu sắc hơn thay vì chỉ tham quan đơn thuần.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong du lịch cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Chuyển đổi số có thể giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng thông qua việc cá nhân hóa hành trình du lịch bằng trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng du lịch thông minh tích hợp thông tin về điểm đến, dịch vụ và đặt vé sẽ giúp du khách thuận tiện hơn khi di chuyển. Công nghệ thực tế ảo (VR) cũng có thể được triển khai để du khách có thể trải nghiệm trước khi đặt tour. Ngoài ra, việc áp dụng thanh toán không tiền mặt hay ví điện tử sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và tiện lợi trong quá trình thanh toán.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực cần được cải thiện. Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân sự chất lượng cao, từ hướng dẫn viên du lịch đến nhân viên khách sạn, để họ có thể phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp và thân thiện. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức văn hóa và kỹ năng giao tiếp sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, ngành du lịch cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý khách sạn, nhà hàng và dịch vụ lữ hành để đảm bảo khách hàng có trải nghiệm tốt nhất.

Đáng chú ý, du lịch Việt Nam cần hướng tới phát triển bền vững. Việc bảo vệ thiên nhiên, kiểm soát lượng khách tại các điểm du lịch nhạy cảm như vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng là điều cần thiết để tránh tình trạng khai thác quá mức.

Các mô hình du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm rác thải nhựa sẽ giúp Việt Nam phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, việc gắn kết cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch sẽ không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn nâng cao đời sống của người dân, tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025. Cũng trong năm nay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đề ra các giải pháp đồng bộ để phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, bao gồm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng, và xây dựng hệ sinh thái du lịch cao cấp.

Lê An

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.