Mục tiêu tăng trưởng kinh tế địa phương Trung Quốc ra sao?

Sau bức tranh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các địa phương. Vậy mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà mỗi tỉnh đặt ra là gì?
Nhiều địa phương nỗ lực tăng trưởng kinh tế 8% trở lên Eurozone đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,1% trong quý 4/2024 Thủ tướng: Thúc đẩy động lực mới để tăng trưởng kinh tế

Theo Caixin của Trung Quốc, 2025 là năm kết thúc “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14”, kinh tế Trung Quốc vừa phải đối mặt với thách thức tổng cầu trong nước không cao và tính khó đoán định của môi trường quốc tế tăng lên rõ rệt. Cục diện thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua và xung đột thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt đang thử thách hơn nữa khả năng ứng phó của Trung Quốc thông qua các chính sách và biện pháp cải cách.

GDP 31 tỉnh tăng trưởng trung bình 5,3%

Về mục tiêu, 29 tỉnh Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 5-6%. Mức tăng trưởng trung bình của 31 tỉnh là 5,3%. Dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 có thể được đặt ở mức khoảng 5%. Năm 2025, Tây Tạng có mục tiêu GDP cao nhất, yêu cầu GDP tăng trưởng trên 7% và phấn đấu đạt 8%; Thanh Hải có mục tiêu GDP thấp nhất, dự kiến GDP tăng trưởng khoảng 4,5% và phấn đấu đạt kết quả tốt hơn.

Trung Quốc
Sản lượng công nghiệp năm 2024 tăng 6,2% so với cùng kỳ trước đó. Ảnh: Visual China

Mục tiêu GDP của 29 tỉnh còn lại được đặt ở mức từ 5-6%, trong đó Hải Nam trên 6%, Tân Cương, Nội Mông, Trùng Khánh và Hồ Bắc đều khoảng 6%; 9 tỉnh bao gồm An Huy, Tứ Xuyên, Chiết Giang và Hà Nam có mục tiêu khoảng 5,5% trở lên; Phúc Kiến đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 5-5,5%; 14 tỉnh bao gồm Sơn Đông, Giang Tô, Bắc Kinh và Thượng Hải kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.

So với mục tiêu năm 2024: Mục tiêu tăng trưởng GDP của địa phương nhìn chung ổn định. Mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình của 31 tỉnh trong năm 2025 là 5,3%, thấp hơn một chút so với mục tiêu trong năm 2024 là 0,1%, mức bình quân vẫn duy trì trên 5%.

Nâng mục tiêu sản xuất công nghiệp

Mục tiêu sản xuất công nghiệp tương đối cao, trong khi mục tiêu tiêu dùng lại tương đối thấp. Xét về sản xuất, hầu hết các tỉnh đều nâng mục tiêu kỳ vọng về giá trị gia tăng công nghiệp để đạt được khởi đầu thuận lợi trong nền kinh tế công nghiệp. Trong năm 2025, Quảng Đông tăng từ 5% lên khoảng 6%, Sơn Đông tăng từ 5,5% lên hơn 6%, Chiết Giang tăng từ khoảng 6% lên hơn 6%.

Tốc độ tăng trưởng dự kiến của các tỉnh và khu tự trị ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc tương đối cao, trong đó Tây Tạng đặt mục tiêu là 16%, cao hơn 10% so với năm 2024, Cam Túc và Tân Cương đặt mục tiêu 8%, trong khi Giang Tây và Hồ Bắc đặt mục tiêu 7,5%. Xét về tiêu dùng, mục tiêu tăng trưởng doanh số bán lẻ của hầu hết các tỉnh đều hạ đáng kể, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn cần được thúc đẩy.

Trong năm 2025, Hồ Bắc điều chỉnh từ 9% xuống khoảng 7%, Hà Nam điều chỉnh từ 7% xuống còn 6%, Phúc Kiến điều chỉnh từ 6% xuống 5,5%, Quảng Đông điều chỉnh từ 6% xuống 5,5%, Chiết Giang điều chỉnh từ khoảng 5,5% xuống hơn 5%.

Thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng đầu tư

Thứ nhất, thúc đẩy tiêu dùng. Tất cả các tỉnh và khu tự trị đều đặt nhiệm vụ thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước lên vị trí nổi bật hơn trong công tác năm 2025.

Trung Quốc
Xuất khẩu hiện là điểm sáng và trụ cột tăng trưởng của Trung Quốc. Năm 2024, thặng dư thương mại của nước này đạt kỷ lục hơn 990 tỷ USD. Ảnh: China Media Corporation

Một là, mở rộng thực hiện chính sách “hai mới” (thúc đẩy vòng đổi mới thiết bị quy mô lớn mới và đổi mới lấy cũ hàng tiêu dùng) và thúc đẩy hàng tiêu dùng chủ yếu; hai là, hỗ trợ mạnh mẽ dịch vụ tiêu dùng, mở rộng các kịch bản tiêu dùng để phát triển các loại hình tiêu dùng mới; ba là, tăng lương hưu, chăm sóc trẻ em và chăm sóc y tế để giải quyết nỗi lo tiêu dùng của người dân.

Thứ hai, mở rộng đầu tư. Nhiều tỉnh nhấn mạnh phải nâng cao hiệu quả đầu tư để giải quyết những bất cập cản trở đầu tư.

Một là, tối ưu hóa lĩnh vực đầu tư, các dự án đầu tư lớn tập trung vào cơ sở hạ tầng mới và chuyển đổi xanh; hai là, thúc đẩy 3 dự án lớn như cải tạo làng trong phố để ổn định đầu tư bất động sản; ba là, kích thích sức sống của đầu tư tư nhân thông qua các biện pháp pháp lý.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Phát huy vai trò cơ bản của đổi mới khoa học công nghệ trong lực lượng sản xuất chất lượng mới, phấn đấu xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại. Một là, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành tựu khoa học công nghệ và tăng cường các thực thể đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; hai là, đẩy nhanh sự phát triển cụm công nghiệp mới nổi và đẩy nhanh hệ thống chính sách ngành nghề tương lai, đồng thời khắc phục vấn đề cạnh tranh trong nội bộ; ba là, thúc đẩy số hóa, thông minh hóa và chuyển đổi xanh để cải tạo và nâng cấp các ngành nghề truyền thống.

Thứ tư, giải quyết rủi ro. Phối hợp tài chính và tiền tệ để giải quyết các khoản nợ tồn đọng và hạn chế gia tăng thêm nợ tiềm ẩn. Một là, mở rộng quy mô phát hành trái phiếu đặc biệt và tận dụng tốt nguồn vốn tài chính để hỗ trợ hoán đổi trái phiếu; hai là, tận dụng tốt các công cụ chính sách của ngân hàng trung ương để tăng cường hỗ trợ cho trái phiếu tài chính; ba là, kiểm soát chặt chẽ nợ tăng thêm, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi theo hướng thị trường của đầu tư đô thị.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2024, GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5%. Tốc độ này vượt dự báo của giới phân tích là 4,9% và đạt mục tiêu của giới chức Trung Quốc tăng trưởng quanh 5%. Giới phân tích đánh giá kinh tế Trung Quốc năm 2024 ổn định hơn kỳ vọng, nhờ hàng loạt chính sách kích thích kinh tế đưa ra từ tháng 9/2024. Dù vậy, nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong năm 2025.

Thanh Bình

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.