Giá thực phẩm tăng nhanh dịp Tết, lại lo ngại buôn lậu

Nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 10 - 15%, nếu để tình trạng buôn lậu xảy ra, người chăn nuôi trong nước sẽ không được hưởng lợi.
Giá heo hơi hôm nay 20/1/2025: Duy trì sự ổn định Giá heo hơi hôm nay 21/1/2025: Tiếp tục đứng giá Đến hẹn lại lên, buôn lậu thuốc lá lại 'nóng' dịp cuối năm

Thông tin này được ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết tại Hội nghị Phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 21/1.

Giá heo hơi sẽ lên mức 70.000 đồng/kg

Thông tin về giá một số sản phẩm chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho biết, hiện nay giá heo hơi tại trại khu vực tư nhân trên cả nước bình quân dao động 65.000 - 67.000 đồng/kg, còn giá tại trại của các công ty lớn cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Giá heo hơi có thể 3-5% trong dịp Tết 2025
Giá heo hơi có thể tăng 3-5% trong dịp Tết 2025. Ảnh: N.H

Giá heo hơi trong nước như vậy cao hơn không đáng kể so với mức giá của các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số tỉnh biên giới của Trung Quốc.

Cùng với việc giá nguyên liệu thức ăn và thức ăn thành phẩm giảm thì người chăn nuôi đang có lãi, tạo động lực cho người nuôi tái đàn. Đây là những yếu tố đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng đàn heo.

Theo ông Phạm Kim Đăng, giá thành sản xuất heo của doanh nghiệp, trang trại, nông hộ dao động 47.000 - 52.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, lợi nhuận trong chăn nuôi heo đang là khá tốt.

Dự báo trong các tháng đầu năm 2025, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán 2025, giá heo hơi trên các vùng miền sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng 3 - 5% so với mức giá hiện tại và đứng ở mức 68.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, đến cuối năm 2024, tổng heo cả nước đạt 26,59 triệu con, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Đàn gia cầm khoảng 575 triệu con, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng đàn trâu khoảng 2,07 triệu con, đàn bò khoảng 6,29 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023, trong đó thịt heo hơi 5,16 triệu tấn, tăng 6,6%. Ngành nông nghiệp nhận định, với tổng đàn heo, gà, bò, trứng... hiện có, hoàn toàn đảm bảo thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Cần ngăn chặn việc buôn lậu

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 10 - 15%, nếu để tình trạng buôn lậu xảy ra thì người chăn nuôi trong nước sẽ không được hưởng lợi, chưa kể nguy cơ dịch bệnh gia tăng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, năm 2024, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc và gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm vào Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi.

Năm 2024, các cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y đã phối hợp với địa phương xử lý tổng số 229 vụ vi phạm với tổng số 91.500 quả trứng gia cầm; trên 1,12 triệu con động vật và gần 243.000 kg sản phẩm động vật. So với cùng kỳ năm 2023 đã tăng lên 53 vụ vi phạm; 38.400 quả trứng gia cầm; trên 671.900 con động vật và gần 213.000 kg sản phẩm động vật nhập lậu. Riêng tháng 1/2025, cơ quan chức năng xử lý 13 vụ vi phạm với tổng số gần 11.700 kg sản phẩm động vật nhập lậu.

Trước tình hình trên, trong tháng 1/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 15 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành về việc tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, protein động vật qua biên giới vào Việt Nam; tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Cục Thú y đã chỉ đạo quyết liệt cơ quan thú y thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhập lậu động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y. Các đơn vị tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, thường xuyên cử nhân viên kiểm dịch phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trực tại các trạm/chốt kiểm dịch 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật tại các trạm đầu mối giao thông và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm pháp luật về thú y.

Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch khống, Giấy chứng nhận kiểm dịch giả; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định nguồn gốc động vật trong thực hiện kiểm dịch vận chuyển xuất tỉnh, từ chối kiểm dịch các trường hợp không rõ nguồn gốc, hợp thức hóa lô hàng kiểm dịch.

Đối với Chi cục Thú y vùng/Chi cục Kiểm dịch động vật cửa khẩu, ông Nguyễn Văn Long yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu (nhất là các phụ phẩm), nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu; tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Về phía Cục Chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng cho hay, triển khai Công điện số 12/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam, Cục Chăn nuôi tổ chức Đoàn công tác kiểm tra làm việc tại một số địa phương. Tại tỉnh Cao Bằng, đoàn công tác nhận thấy, việc kinh doanh con giống gia cầm tại chợ Cao Bình trái với quy định pháp luật.

Ông Phạm Kim Đăng cho rằng, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép chất cấm, động vật sống qua biên giới, trên biển còn diễn biến phức tạp, địa bàn hoạt động rộng, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu ngày càng tinh vi. Do đó, gây khó khăn cho lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Phạm Kim Đăng cũng đề nghị lực lượng chức năng thường xuyên chia sẻ thông tin trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, thu giữ, xử lý tang vật và có biện pháp thích đáng với người tham gia nhập lậu, buôn bán hàng nhập lậu.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhấn mạnh: Ngành chăn nuôi nhiều năm qua rất khó khăn. Nhiều hộ, trang trại mất sổ đỏ, thua lỗ nặng. Năm nay, chăn nuôi có sự khởi sắc thì lại để xảy ra tình trạng buôn lậu. Các tỉnh, thành phố cần tập trung quyết liệt, có sự phối hợp với các đơn vị liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật để bảo vệ sản xuất chăn nuôi trong nước.

Nguyễn Hạnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.