14:15 | 09/01/2025
Một loại gia vị ví như “thần dược” giúp giảm mỡ máu cao Vì sao rau ngải cứu được ví như thần dược? Hộp thư ngày 11/6: Phản ánh về ‘thần dược’ bỏ đói tế bào ung thư; nhà nghỉ Trường Hưng |
Suýt mất mạng vì thần dược chữa bệnh dạ dày
Mới đây, một bệnh nhân nữ 67 tuổi (quê huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) phải nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim ngoại viện, tổn thương não nghiêm trọng sau khi uống một loại bột được bào chế từ hạt cây để chữa bệnh dạ dày.
Người nhà bệnh nhân chia sẻ, bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày, nên đã tự tìm kiếm thuốc bột được chế biến từ hạt sang tại một cơ sở ở cùng thôn để chữa bệnh. Theo quan niệm dân gian, đây là một trong những loại ‘thần dược’, có tác dụng điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày và đại tràng.
![]() |
Nữ bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc sau khi uống bột hạt sang chữa bệnh dạ dày. Ảnh: Nguyên Hà |
Sau khi bệnh nhân uống hết 2 thìa bột hạt khoảng 40 phút, bắt đầu xuất hiện co giật, khởi đầu tay trái sau tăng dần co giật toàn thân. Trên đường từ nhà đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện cách nhà 500m, bệnh nhân có dấu hiệu cứng toàn thân, ưỡn cong người, tím tái, ngừng thở và bất tỉnh.
Sau khi được cấp cứu khẩn cấp tại bệnh viện thì bệnh nhân có tuần hoàn trở lại, tuy nhiên vẫn còn xuất hiện nhiều cơn co giật toàn thân, kéo dài khoảng 2 - 3 phút nên sau đó được chuyển tới bệnh viện tuyến tỉnh, rồi chuyển về Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu đã phát hiện chất độc Strychnin, một chất có trong hạt mã tiền, có hình dạng giống với hạt sang. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.
Tuy nhiên kết quả chụp MRI sọ, não bệnh nhân nữ này đã có những tổn thương nặng, tiên lượng khó cải thiện, di chứng do ngừng thở, ngừng tim. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị viêm phổi, tiêu cơ vân cấp; bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất Strychnin.
Chất độc Strychnin gây ngộ độc nói trên vốn là một loại alkaloid chiết xuất từ cây mã tiền. Hạt cây này thường chỉ được ngâm với rượu, dùng để xoa bóp ngoài da. Hiện, Strychnin thường dùng chủ yếu trong các loại thuốc diệt chuột và pha trong các chất cấm như heroin, cocain.
![]() |
Nhiều sản phẩm viên nang, bên trong dạng bột được quảng cáo như 'thần dược' chữa bệnh dạ dày. Ảnh: Sở Y tế Thanh Hóa |
Theo Ths.Bs. Nguyễn Tiến Đạt, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, hạt mã tiền có hình dạng, màu sắc rất giống với hạt sang. Rất có thể khi chế biến hạt sang với mục đích chữa bệnh dạ dày, hạt mã tiền đã bị lẫn vào, sau đó bệnh nhân uống nhầm.
“Các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy, trong người bệnh nhân có chất độc Strychnin. Xét nghiệm loại bột bệnh nhân uống cũng cho kết quả có chứa chất này. Khi uống phải Strychnin, sẽ kích thích tủy sống gây co giật, sau đó dẫn đến suy hô hấp, tiêu cơ vân, ngừng tim.... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ tử vong nhanh chóng”, Ths.Bs. Nguyễn Tiến Đạt thông tin.
Tiềm ẩn nguy hiểm từ các cơ sở tự phát
Ngay sau khi nhận thông tin về trường hợp ngộ độc trên, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại huyện Hậu Lộc và xác định; hiện nay nhu cầu sử dụng hạt sang tăng nhanh (vì thông tin được lan truyền là có tác dụng chữa bệnh dạ dày, đại tràng...) nên một số cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện mua hạt sang về nghiền, chế biến và bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh qua nhiều phương thức, trong đó chủ yếu là bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội.
Kết quả phân tích do Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa thu thập được từ mẫu nguyên hạt và sản phẩm đã xay nghiền từ hạt sang tại một số cơ sở xay nghiền bột trên địa bàn huyện Hậu Lộc đều có chứa hai hoạt chất là Strychnin và Brucin. Đây là hoạt chất có trong cây mã tiền, thuộc danh mục dược liệu có độc (hạt mã tiền sống thuộc nhóm độc bảng A, hạt mã tiền đã bào chế thuốc nhóm độc bảng B).
Theo các tài liệu y học cho thấy, chưa có đủ cơ sở khoa học chứng minh hạt sang có tác dụng điều trị bệnh dạ dày, đại tràng. Bên cạnh đó, hình thức hạt sang trông giống hạt mã tiền nên người sử dụng rất dễ nhầm lẫn, dễ tin thậm chí có hiện tượng các cơ sở xay thuốc cố tình dùng hạt mã tiền để thay thế do dễ kiếm và rẻ hơn hạt sang.
Cũng theo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, việc sản xuất, lưu hành, sử dụng dược liệu làm thuốc phải được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn, được chỉ định bởi người có đủ bằng cấp và chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Vì vậy, việc sản xuất bào chế, kinh doanh, mua bán các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, chế biến từ hạt sang để quảng cáo công dụng, bán cho người sử dụng như thuốc để điều trị bệnh dạ dày, đại tràng là không đúng quy định của pháp luật.
![]() |
Các loại hạt tại xưởng chế biến tự phát, sau khi xét nghiệm có chất độc Strychnin. Ảnh: Sở Y tế Thanh Hóa |
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân không sử dụng sản phẩm trôi nổi từ hạt sang, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến (xay nghiền các loại hạt...) trên địa bàn không tham gia sản xuất chế biến, kinh doanh sản phẩm từ hạt sang với mục đích chữa bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trịnh Danh Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc - chia sẻ, sau khi ghi nhận thông tin, đơn vị đã triển khai đến tất cả các trạm y tế xã, thị trấn về trường hợp ngộ độc trên để các trạm triển khai rà soát, thống kê số liệu các gia đình, cơ sở đang sản xuất loại hạt đó. Đồng thời, chúng tôi viết các bài tuyên truyền, thông báo đồng loạt đến người dân toàn huyện để cảnh báo.
“Đối với xã Hoa Lộc hiện có khoảng 6, 7 nhà đang chế biến, chúng tôi đã chỉ đạo Trạm Y tế xã Hoa Lộc tham mưu cho UBND xã Hoa Lộc mời các hộ trên làm việc, ký cam kết dừng sản xuất các loại bột trên” - ông Minh chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Minh, tất cả các cơ sở trên đều tự phát, không có chứng nhận kinh doanh, không bảng biển; chủ yếu kinh doanh online. Các nguyên liệu cũng được thu mua trôi nổi trên mạng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trường hợp ngộ độc suýt mất mạng như kể trên là hồi chuông cảnh tỉnh trước mối nguy hiểm khi sử dụng các sản phẩm tự phát, không rõ nguồn gốc nguyên liệu cũng như kiểm định, giám sát của các cơ quan chức năng. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức cộng đồng về sử dụng thuốc và dược liệu. Người dân cần thận trọng, chỉ sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chứng minh an toàn bởi cơ quan chức năng. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, sản xuất dược liệu tự phát để ngăn chặn những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/hat-sang-than-duoc-chua-benh-da-day-hay-lieu-thuoc-doc-368732.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.