10:35 | 03/01/2025
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhận thêm nhiệm vụ mới TP. Hồ Chí Minh: Vì sao 2 đơn vị vận tải Đông Á và Hồng Hà bị thu hồi giấy phép? 'Tăng tốc' chuyển đổi phương tiện giao thông xanh |
Đồng bộ từ hạ tầng
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó, 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn.
Hệ thống hạ tầng xe buýt gồm 4.400 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (12,6km làn đường dành riêng cho xe BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ). Toàn thành phố có gần 2.300 xe, tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch là 276 xe (chiếm 13,6%).
Tính đến hết năm 2024, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng chưa đến 20% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, mục tiêu Thành phố Hà Nội đặt ra đến năm 2024, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 22 - 25% nhu cầu đi lại của người dân và con số này phải đạt tối thiểu 30% trong năm 2025.
Vậy câu hỏi đặt ra, liệu con số này liệu có đạt được trong năm nay?
Thực tế, thời gian qua, mặc dù tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn nhưng con số này vẫn còn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng của các cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý.
![]() |
Vận tải khách công cộng phát triển mạnh nhưng chưa đạt kỳ vọng. Ảnh: N.H |
Để giải "bài toán" đầy thách thức đối với giao thông nội đô, đặc biệt khi hạ tầng giao thông Hà Nội còn thiếu đồng bộ, kéo theo tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng, những năm gần đây, chính quyền Thủ đô đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, điều hành gỡ điểm nghẽn cho giao thông nội đô.
Những nỗ lực này của chính quyền Thủ đô nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn, từ đó, "kéo" người dân đến với các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, thực trạng tắc nghẽn giao thông vẫn diễn ra nhức nhối là minh chứng cho thấy, vận tải hành khách công cộng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa thực sự lan tỏa được đến đại bộ phận người dân.
Làm thế nào để ‘hút’ khách?
Góp ý về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giao thông nội đô Hà Nội, nhiều chuyên gia trăn trở, vấn đề quan trọng là làm sao để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng trong giờ cao điểm. Quan trọng nhất vẫn là phải ưu tiên hạ tầng để rút ngắn thời gian đi lại, tăng khả năng cạnh tranh của phương tiện vận tải hành khách công cộng so với các phương tiện khác.
Theo đó, để rút ngắn được thời gian đi lại, cần dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như các tuyến BRT. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước phải bảo đảm vấn đề kết nối cho người dân có thể đi xe đạp, xe máy đến nhà ga, trạm xe buýt hoặc sử dụng xe buýt kết nối đến đường sắt đô thị, xe buýt đến tuyến BRT.
Để vận tải hành khách công cộng hút khách, như Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nghiêm Thắng từng chia sẻ, cần tập trung vào việc tối ưu dịch vụ, đảm bảo sự tiện lợi khi sử dụng dịch vụ. Từ đó, tăng sức cạnh tranh với các phương tiện cá nhân; không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng phương tiện; chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ xe buýt…
Đặc biệt, để hiện thực được Đề án cấm xe máy vào nội đô vào năm 2030 của UBND TP. Hà Nộị nhằm giảm ùn tắc, việc đầu tư đồng bộ cho hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng là yếu tố tiên quyết và là lựa chọn bắt buộc cho người dân.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, để thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe máy, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng các chính sách hiệu quả. Hồng Kông là một ví dụ điển hình, nơi hệ thống giao thông công cộng phát triển vượt bậc.
Một blogger đã nhận xét rằng, nếu ở Singapore, người ta sử dụng giao thông công cộng vì đó là lựa chọn bắt buộc, thì ở Hồng Kông (Trung Quốc), người dân tự nguyện chọn giao thông công cộng vì những trải nghiệm tuyệt vời mà nó mang lại.
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xe buýt và tàu điện ở Hồng Kông đã thúc đẩy chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp còn cung cấp các chương trình tích điểm, cho phép hành khách đổi điểm lấy các chuyến đi miễn phí hoặc các ưu đãi khác.
Thêm vào đó, hệ thống thanh toán bằng thẻ Octopus tiện lợi, cho phép sử dụng rộng rãi cho nhiều dịch vụ và đặc biệt, chính sách trợ cấp 25% cho những người chi tiêu trên 400 đô-la Hồng Kông (Trung Quốc) mỗi tháng cho phương tiện công cộng đã làm tăng thêm sức hấp dẫn cho giao thông công cộng ở đây.
Về phía chính quyền Hà Nội, để thu hút người dân sử dụng, nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm thực hiện các giải pháp như triển khai đề án phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, triển khai thí điểm vé điện tử liên thông, thẻ vé điện tử số phi vật lý, cùng một loạt các chính sách… để có thể thu hút thêm người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đang thực hiện đề án rà soát, đánh giá tổng thể phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai các hệ thống giao thông thông minh ứng dụng trong quản lý và vận hành.
Với loạt giải pháp đã và đang được triển khai, song, thách thức vẫn còn rất lớn. Do đó, để nâng cao hiệu quả đáp ứng nhu cầu đi lại của vận tải hành khách công cộng, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giao thông, cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ các bên liên quan. Đặc biệt, cần sự đồng thuận và ủng hộ của người dân trong việc nâng cao ý thức trong việc lựa chọn sử dụng giao thông công cộng, góp phần thay đổi diện mạo văn minh, hiện đại của Thủ đô.
Theo Bộ Giao thông vận tải, để phát huy tất cả các thế mạnh của vận tải hành khách công cộng, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Song song đó, hệ thống đường sắt đô thị cần được hoàn thiện và kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng sẽ thu hút nhiều người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/giai-phap-nao-de-van-tai-hanh-khach-cong-cong-hut-khach-367636.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.