14:08 | 03/12/2024
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều chính sách quan trọng. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào ngày 19/11/2024 về Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ tháng 6/2022, các huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại cấp xã và thôn, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) đến từng hộ gia đình, từng người dân. Đây là bước đột phá trong việc đưa công nghệ vào đời sống, giúp hình thành thói quen sử dụng công nghệ và tạo lập hành vi số trong sinh hoạt hàng ngày.
Trước đây, khi đi khám chữa bệnh, người dân phải mang theo nhiều giấy tờ như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, gây bất tiện và mất thời gian. Từ khi tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) thôn được thành lập, người dân đã được hỗ trợ cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này tích hợp thông tin bảo hiểm y tế vào một nền tảng duy nhất, giúp việc thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
![]() |
Tổ công nghệ số xã Tân Hoà (Hưng Hà) hỗ trợ người lao động kích hoạt tài khoản định danh điện tử trực tiếp tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Hương |
Bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số đến từng hộ gia đình và người dân, các thành viên tổ CNSCĐ còn hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt và sử dụng các dịch vụ số đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ cũng hỗ trợ người dân mở tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng công nghệ số để đăng tải hình ảnh, quảng bá sản phẩm, lắng nghe và tổng hợp ý kiến về chuyển đổi số, cũng như khảo sát và thống kê thông tin, số liệu trong cộng đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã thành lập được 1.797 tổ CNSCĐ với gần 12.000 thành viên, phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn. Hoạt động của các tổ CNSCĐ đã có những chuyển biến rõ nét, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có khoảng 10 thành viên trong tổ CNSCĐ; mỗi thôn, tổ dân phố có từ 5 - 6 thành viên. Thành viên tổ CNSCĐ chủ yếu là lãnh đạo chủ chốt và đại diện các tổ chức, hội, đoàn thể ở địa phương. Sau hơn 2 năm hoạt động, các tổ CNSCĐ đã đóng góp đáng kể vào việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả hoạt động của các tổ CNSCĐ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, để các tổ CNSCĐ phát huy tốt vai trò, cần có sự hỗ trợ về kỹ năng, kiến thức cũng như điều kiện hoạt động. Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức lớp truyền thông, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số và giảm nghèo thông tin.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cho biết: “Tổ CNSCĐ đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người dân trong quá trình chuyển đổi số. Nhiệm vụ chính của tổ là tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng sử dụng nền tảng số, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ và tương tác với chính quyền hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vai trò của tổ CNSCĐ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, còn nhiều hạn chế cần được khắc phục”.
“Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các tổ CNSCĐ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề thiết thực như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến, bảo mật thông tin trên mạng và kỹ năng sử dụng một số dịch vụ công thiết yếu. Ngoài ra, Sở cũng triển khai thí điểm chương trình "Ngày chủ nhật số" để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về lợi ích của chuyển đổi số. Chương trình này đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía người dân.” - Ông nhấn mạnh.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các nền tảng số. Các tổ CNSCĐ sẽ được nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin thông qua các chương trình bồi dưỡng phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông sẽ được huy động để hỗ trợ nguồn lực, đào tạo kỹ năng số cho người dân. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ hoạt động cho tổ CNSCĐ cần sớm được triển khai để nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp tổ CNSCĐ thực sự trở thành cầu nối đưa công nghệ số vào đời sống người dân.
Với sự quan tâm của chính quyền tỉnh Thái Bình và sự vào cuộc đồng bộ của các tổ CNSCĐ, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và hình thành xã hội số hiện đại, tiện ích.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/tinh-thai-binh-hieu-qua-mang-lai-tu-to-cong-nghe-so-cong-dong-365150.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.