Chuyên gia 'hiến kế' giải pháp dẫn nước từ sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch

Việc mở một cống mới cho sông Hồng và bơm nước vào hồ Tây, từ đó hồi sinh sông Tô Lịch sẽ khó khả thi, giải pháp được chuyên gia khuyến nghị đến Hà Nội là gì?
Hà Nội: Đưa công nghệ hiện đại "giải cứu" sông Tô Lịch Bàn giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch

Những ngày vừa qua, thông tin về việc tìm giải pháp kỹ thuật, vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây và từ đó cải thiện môi trường sông Tô Lịch được nhiều người quan tâm.

Sông Tô Lịch sẽ được bơm nước vào từ sông Hồng
Sông Tô Lịch sẽ được bơm nước vào từ sông Hồng

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, GS. Võ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, việc đưa nước sông Hồng vào hồ Tây và từ hồ Tây đưa vào sông Tô Lịch trước đây chúng ta có hẳn một hệ thống dẫn nước và hiện nay vẫn đang hoạt động.

Cũng có thể có người đặt giả thuyết về việc mở một cống mới cho sông Hồng và đưa nước từ sông Hồng vào hồ Tây sau đó đưa vào Tô Lịch. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng, chúng ta không nên làm cống mới bởi hiện nay sông Hồng là con sông già cỗi. Nếu chúng ta nhìn ảnh vệ tinh sẽ thấy ven bờ sông Hồng có những chỗ nước đứng lại, không chảy nữa và xoáy khoét vào bên trong bờ. Mực nước sông Hồng hiện nay đang dao động, có lúc xuống thấp quá. Sông Hồng cũng sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó có khai thác cát, điều này ảnh hưởng đến lòng sông.

“Nếu chúng ta cứ theo các giải pháp thông thường như lấy nước từ sông Hồng bằng một cống mới sẽ không khả thi, do cửa lấy nước chưa chắc đã ổn định. Cửa lấy nước phải ổn định và chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ thì mới triển khai được việc này”, GS. Võ Trọng Hồng chia sẻ và cho hay, muốn hồi sinh sông Tô Lịch cần phải có giải pháp đột phá.

Giải pháp làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng đến hồ Tây và từ đó bơm ra sông Tô Lịch sẽ khó khả thi. Do đó, tôi cho rằng, cần phải làm trạm bơm thuyền, tức là mô hình giống cái thuyền và phía trên đặt máy bơm với công suất cao, khi nước lên hay nước xuống chúng ta đều có thể bơm được.

Giải pháp này có khả thi hay không? Hiện nay cống Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) đang triển khai giải pháp này. Đây cũng là giải pháp mà ngành thủy lợi đang triển khai đối với các trạm bơm không cố định.

Còn vấn đề đặt bơm thuyền ở đâu trên sông Hồng thì chúng ta cũng cần phải nghiên cứu, tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là trạm bơm đó phải ổn định. Quyết tâm Hà Nội đã có, nhưng về việc có thực hiện được hay không lại liên quan đến vấn đề kỹ thuật.

Đồng tình với việc đưa nước sông Hồng vào hồ Tây là đúng đắn. Tuy nhiên, PGS.TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho rằng, cơ quan chuyên môn cần tính toán giải pháp máy bơm, đường ống phù hợp vì mực nước hồ Tây đang cao hơn sông Hồng. Bên cạnh đó, điều cần quan tâm đến chất lượng nước sông Hồng khi đưa vào hồ Tây, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường hồ. Việc lấy nước từ sông Hồng cần có đánh giá chất lượng nước cẩn thận để xem có cần phải xử lý hay không.

Trước đó, sáng 2/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra tiến độ dự án xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch.

Sau khi thị sát trực tiếp cửa xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, các điểm thu gom nước thải dọc hai bờ sông và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì dự án khẩn cấp dẫn nước từ sông Hồng qua hồ để bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Mục đích là tạo dòng chảy, giảm sự ô nhiễm cho sông Tô Lịch.

Để đảm bảo môi trường sinh thái cho hồ Tây, ông Thanh yêu cầu khi dẫn nước từ sông Hồng về đến hồ Tây phải làm hai đường ống bằng thép chạy song song đi ngầm dưới lòng hồ. Một ống thép dẫn nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch, ống còn lại để sẵn sàng cấp nước cho hồ Tây khi cần thiết.

"Tôi giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục trong 3 tháng và tổ chức thi công trong 6 tháng. Làm sao để dự án hoàn thành dịp 2/9/2025", ông Thanh yêu cầu.

Nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 27/11 vừa qua, trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu Hà Nội phải làm sống lại các dòng sông nội đô, trước mắt là sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện phải đẩy nhanh tiến độ, vào cuộc quyết liệt để tập trung xử lý vấn đề môi trường của Hà Nội. Sắp tới, Hà Nội sẽ phát động phong trào làm sạch môi trường để thay đổi căn cơ bộ mặt đô thị.

Nguyễn Hạnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.