Bà Rịa - Vũng Tàu: Khát vọng trở thành trung tâm logistics đầu mối Đông Nam Bộ

Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ những tiềm năng, lợi thế để hướng tới mục tiêu là đầu mối trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ chế ‘cảng mở’ giúp Cái Mép – Thị Vải có thêm trợ lực phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu: Kiểm tra tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp chủ động hạ tầng, liên kết tối ưu chuỗi cung ứng

Ngày 30/11, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết, đơn vị vừa khánh thành Cổng số 3 để phục vụ cho hoạt động logistics. Theo đó, Cổng số 3 sẽ kết nối LSP với Nhà kho số 3 (tại thôn 2, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho phép LSP sử dụng tuyến đường mới cho hoạt động logistics, giúp giảm lưu lượng xe tải lớn trên tuyến đường cộng đồng, từ đó nâng cao an toàn giao thông, tiết kiệm chi phí.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc LSP chia sẻ: “Chúng tôi luôn mong muốn trở thành một doanh nghiệp có trách nhiệm, nỗ lực hoạt động kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững, tuân thủ theo các nguyên tắc ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị minh bạch)”.

Cũng theo công ty, cơ sở hạ tầng mới này khẳng định cam kết của LSP trong việc đảm bảo an toàn và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khát vọng trở thành trung tâm logistics đầu mối Đông Nam Bộ
Cổng số 3 cho phép LSP sử dụng tuyến đường mới cho hoạt động logistics, giúp giảm lưu lượng xe tải lớn trên tuyến đường cộng đồng và nâng cao an toàn giao thông. Ảnh: LSP

Mới đây, bốn đơn vị hàng đầu trong ngành logistics gồm: Công ty cổ phần Tân Cảng - Cái Mép, Công ty cổ phần Proship, Công ty cổ phần Logistics Cái Mép và Công ty Yes4ALL đã ký kết hợp tác “Giải pháp kho ngoại quan - tối ưu chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.

Trong liên minh này, Tân Cảng - Cái Mép đóng vai trò trung gian kết nối các dịch vụ logistics và kho bãi. Proship chuyên vận chuyển container lạnh đi các thị trường quốc tế. Logistics Cái Mép cung cấp dịch vụ kho ngoại quan và logistics tích hợp. Yes4All LLC cung cấp sản phẩm chất lượng cao với chiến lược tích hợp nhà sản xuất và đối tác dịch vụ.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty CP Tân Cảng - Cái Mép cho biết, khu cảng Cái Mép - Thị Vải đang trở thành trung tâm giao thương quan trọng, kết nối trực tiếp với các thị trường lớn như châu Mỹ và châu Âu. Liên minh này không chỉ tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Còn theo ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Công ty Proship (đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển đa phương thức, hải quan), năng lực của đơn vị kết hợp cùng với năng lực khai thác cảng hàng đầu của Tân Cảng - Cái Mép và năng lực kho ngoại quan rộng lớn của Logistics Cái Mép tạo nên một liên minh tốt nhất cho doanh nghiệp với chi phí tiết kiệm.

Theo đó, thông qua việc hợp tác các đơn vị sẽ tận dụng tối đa thế mạnh, cơ sở hạ tầng và công nghệ của từng bên để cung cấp các dịch vụ trọn gói, bao gồm vận tải, logistics, kho bãi, thông quan và các dịch vụ hỗ trợ khác cho khách. Mục tiêu là tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian xử lý hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu đầu mối trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho hay, Bà Rịa – Vũng Tàu có đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho sự phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ

Bà Rịa – Vũng Tàu có hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng, có hạ tầng biển, cảng biển, logistic, du lịch, khai thác thủy hải sản, khai thác dầu khí và công nghiệp ven biển.

Theo quy hoạch đến 2050, Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ châu Á và thế giới. Ảnh: Portcoast
Theo quy hoạch đến 2050, Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ châu Á và thế giới. Ảnh: Portcoast

Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện nay chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do hạ tầng giao thông kết nối chưa hoàn thiện. Sự phát triển của cụm cảng không chỉ có ý nghĩa với riêng Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn chung cho cả vùng. Từ đó, doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai khai thác những lợi thế từ phát triển logictics, cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải.

Ngoài ra, hệ thống logistic chưa được quy hoạch, đầu tư đồng bộ và hiệu quả, hàng đến, hàng đi thiếu hệ thống kho bãi, thiếu hệ thống kiểm tra chuyên ngành.

“Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, đo lường bây giờ doanh nghiệp phải lên TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục là bất cập lớn. Do đó, Trung ương cần nghiên cứu, xem xét thận trọng về vấn đề này để khơi thông tiềm năng, lợi thế”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định.

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sự ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy vùng Đông Nam Bộ được xem là đầu tàu cho cả nước về kinh tế.

Trong đó, khẳng định vai trò của Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải không chỉ là cảng cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ, của cả nước mà còn là cảng biển đặc biệt cấp quốc gia.

“Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vào vị thế cảng cửa ngõ quốc tế, cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ châu Á và thế giới để đề ra những giải pháp nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của cụm cảng này trong mối liên kết vùng Đông Nam Bộ, phát triển tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả trong toàn vùng”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ.

Cũng theo ông Mai Ngọc Thuận, với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics đã được địa phương xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế.

“Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn là đầu mối của vùng Đông Nam Bộ”, ông Mai Ngọc Thuận cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng, để trở thành trung tâm dịch vụ logistics đầu mối của khu vực Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiếp tục cải thiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics.

Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế để thu hút nguồn vốn, công nghệ, và kinh nghiệm trong việc phát triển logistics. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong logistics, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động vận chuyển, kho bãi, sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Trong 2 ngày 1-2/12 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, lấy chủ đề chính là "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics". Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ này.
Nguyễn Ngọc

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.