15:02 | 09/07/2014
CôngThương - Lý giải cho việc chọn chủ đề cho phần đặc biệt này, WB chongayfb, vấn đề bất bình đẳng đã trở thành một chủ đề được quan tâm chung tại Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới.
Theo ghi nhận của WB, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao trong khi bất bình đẳng về thu nhập chỉ tăng ở mức khiêm tốn trong thời gian qua. Ngược lại tăng trưởng thường đi kèm với mức tăng lớn trong bất bình đẳng ở nhiều quốc gia mà điển hình là tại một quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc.
Theo nhận định của WB, tại Việt Nam đã có được điều mà WB gọi là sự chia sẻ về thịnh vượng. WB đo lường sự chia sẻ thịnh vượng bằng tỷ lệ tăng trưởng mức thu nhập bình quân của 40% dân số nghèo nhất. Tại Việt Nam từ năm 1993 đến 2013, thu nhập bình quân của nhóm 40% có thu nhập thấp nhất tăng 9% mỗi năm. Ông Gabriel Demombynes- chuyên gia kinh tế cao cấp của WB- nhận xét, đây là một trong các tỷ lệ tăng cao nhất về thu nhập của nhóm 40% dân số nghèo nhất trên thế giới.
Tuy nhiên các chuyên gia của WB cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế là xu hướng chi phối nhưng những quan ngại về bất bình đẳng vẫn phát sinh cho dù Việt Nam đạt thành tích về tăng trưởng đồng đều. Những quan ngại đó phần nào phản ánh sự khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo nhóm dân tộc và vùng miền. Bên cạnh đó là khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người Việt Nam cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội.
Một quan ngại khác được nêu lên trong báo cáo của WB là bất bình đẳng về cơ hội đối với trẻ em. Ông Gabriel Demombynes mô tả, cơ hội ở đây được hiểu là những hoàn cảnh của trẻ em sẽ ảnh hưởng đến việc thành công của các em trong tương lai. WB ghi nhận hiện tồn tại bất bình đẳng lớn ở tỷ lệ dinh dưỡng, tỷ lệ theo học bậc trung học và tiếp cận hệ thống vệ sinh.
Hầu hết những quan ngại về gia tăng bất bình đẳng tập trung vào khoảng cách giữa những người rất giàu so với số đông người Việt Nam. Theo WB, cứ khoảng 1 triệu người Việt Nam thì có một người siêu giàu (là người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên). Theo WB số người siêu giàu ở Việt Nam tương đương với các quốc gia khác có cùng mức thu nhập như Việt Nam.
Dựa trên khảo sát nhận thức về bất bình đẳng do WB và Viện Khoa học lao động và xã hội- Bộ LĐTBXH thực hiện năm 2013, người dân đô thị - nhất là những người trẻ tuổi và những người có được thông tin qua tivi và internet tỏ ra quan ngại hơn về bất bình đẳng. Báo cáo của WB cho thấy, trên ba phần tư người dân đô thị và một nửa người dân khu vực nông thôn coi bất bình đẳng là một vấn đề. Bất bình đẳng sẽ gây lo lắng nhiều hơn với quá trình đô thị hóa đang tiếp diễn ở Việt Nam.
Những quan ngại về bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trở nên lớn hơn khi những người được tham gia khảo sát cho rằng bất bình đẳng là do những “hành vi thiếu chính đáng”. Những người này cũng ủng hộ mạnh mẽ các chính sách tái phân phối của chính phủ nhằm giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/viet-nam-da-kiem-che-bat-binh-dang-ve-thu-nhap-35852.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.