Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sữa tươi

Sáng nay (28/11), tại Hà Nội, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT)), Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) và Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam”.

CôngThương - Năm 2012, tổng giá trị thị trường sữa Việt Nam đạt 50.000 tỷ đồng (2,3 tỷ USD) trong đó sữa nước đạt gần 20 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Việt Nam nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc. Trong nước, sữa hoàn nguyên (sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập khẩu nên chất lượng không thể so sánh với sữa tươi sạch. Nghịch lý là sữa hoàn nguyên này được pha lại đôi khi giá còn đắt hơn cả sữa tươi.

Theo TS. Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, thị trường sản xuất sữa tươi Việt Nam mới đáp ứng khoảng 28% nhu cầu. Dự kiến, năm 2015 cả nước sản xuất 1,4 triệu tấn sữa tươi, chỉ đáp ứng 41% nhu cầu.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, để nền nông nghiệp, đặc biệt là ngành sữa phát triển mạnh, cần phải ứng dụng CNC trong sản xuất. Điển hình là Tập đoàn TH, với thương hiệu sữa tươi sạch TH True Milk. Tập đoàn đã đầu tư dây chuyền công nghệ Israel trị giá 1,2 tỷ USD, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư 350 triệu USD hoàn thành đầu năm 2013, ứng dụng thành công tại dự án chăn nuôi bò sữa tập trung với quy mô lớn hiện đại nhất châu Á tại tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, tăng cường áp dụng CNC vào phát triển  giống bò sữa; ứng dụng chuồng trại có khả năng chống bức xạ nhiệt mặt trời, giảm nhiệt độ chuồng nuôi… Thức ăn, nước uống cho bò sữa phải được cung cấp sạch mới đảm bảo cho chất lượng sữa nhiều và tốt, từ đó giảm thiểu được nguồn sữa nhập khẩu, tăng nguồn thu vào ngân sách, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Kim Tuyến

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.