Khai mạc Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X năm 2023

Sáng 13/11, Hội nghị hợp tác hành lang Việt - Trung lần thứ X năm 2023 do UBND TP. Hà Nội chủ trì, khai mạc tại Hà Nội.
Khai mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp Hội nghị hợp tác Việt Nam - Pháp lần thứ 12: Bước tiến mới cho quan hệ hai nước

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 05 tỉnh, TP. Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) (gọi tắt là Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung) là cơ chế hợp tác thành lập từ năm 2002 với mục đích trao đổi, thúc đẩy hợp tác đa dạng trên các lĩnh vực: Kinh tế - thương mại, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế… nhằm xây dựng “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc.

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X năm 2023 do UBND Thành phố chủ trì được tổ chức trong 02 ngày 13-14/11/2023 với chủ đề: “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”.

Khai mạc Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X năm 2023
Hội nghị diễn ra sáng 13/11

Đây được xem là sự kiện đối ngoại lớn của thành phố Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tích cực triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm 2023.

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Trung Quốc dọc tuyến hành lang kinh tế Việt – Trung (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Vân Nam, Trung Quốc) từ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung lần thứ IX (2019) đến nay.

Trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách, hoạt động hợp tác, liên kết cùng có lợi giữa các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả.

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X là sự kiện đối ngoại chính trị và kinh tế quan trọng của Thủ đô Hà Nội, thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hóa, tiềm năng và những thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị tường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 (sau Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc) trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc; đồng thời trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Tính từ tháng 1-8/2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 103,92 tỷ USD. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 11,7 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Về hợp tác đầu tư, Trung Quốc nằm trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành và chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước. Dòng vốn đa dạng ngành nghề và lĩnh vực từ dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng đến dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp.

Dự kiến, Hội nghị sẽ có sự tham dự của 200 - 250 đại biểu của Việt Nam và Trung Quốc.

Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương liên quan, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc, các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội/đại diện doanh nghiệp Việt Nam và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái.

Về phía Trung Quốc: Cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội/đại diện doanh nghiệp của Trung Quốc và đại biểu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Chương trình Hội nghị gồm: Lễ khai mạc; phiên toàn thể; các phiên thảo luận chuyên đề: Đầu tư, thương mại/văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch/giao thông vận tải, logistics.

Các hoạt động bên lề gồm có: Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương/doanh nghiệp; Chương trình khảo sát thực địa và tham quan Hà Nội.

Ngọc Linh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.