Lai Châu kỳ vọng giảm nghèo bền vững bằng cây sâm

UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành kế hoạch phát triển cây sâm nhằm giúp bà con đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững từ loại cây này.
Lồng ghép nguồn lực để giảm nghèo bền vững Giảm nghèo đa chiều trong tình hình mới

Cuối năm vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Quyết định số 1452/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu xác định bảo tồn nguồn gen cây sâm Lai Châu có phân bổ trong tự nhiên với diện tích khoảng 100ha.

Địa phương cũng định hướng hỗ trợ đầu tư, xây dựng 5 cơ sở sản xuất giống, 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu sâm tập trung, chất lượng. Hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp với quy mô diện tích trên 3.000ha. Thu hút, hỗ trợ đầu tư, xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm tại những vùng nguyên liệu tập trung. Có ít nhất 1 nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm từ cây sâm Lai Châu.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2022 - 2030, tỉnh sẽ định hướng cụ thể về phát triển quy mô diện tích và vùng trồng sâm. Về cơ bản, đến năm 2045 Lai Châu phấn đấu vùng trồng đạt khoảng 10.000ha, hình thành các vùng trồng sâm tập trung trên địa bàn một số huyện; thu hút đầu tư, xây dựng 2 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu giai đoạn từ năm 2031 - 2045; 100% sản phẩm sâm thu hoạch được sơ chế, bảo quản đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, có 30% sản lượng sâm Lai Châu được chế biến sâu…

Lai Châu kỳ vọng giảm nghèo bền vững bằng cây sâm
Lai Châu kỳ vọng giảm nghèo bền vững bằng cây sâm

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Lai Châu xác định nhiều nhiệm vụ chính. Trong đó, sẽ tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án quản lý, bảo tồn cây sâm Lai Châu tự nhiên có phân bố trong rừng tự nhiên; xây dựng vùng bảo tồn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen sâm Lai Châu và xác định vùng trồng thích hợp. Nghiên cứu, chọn, tạo sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu và bệnh hại. Hình thành các cơ sở sản xuất giống hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô vùng trồng phù hợp.

Hoàn thiện các quy trình sản xuất giống và quy trình canh tác phục vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu ở quy mô sản xuất hàng hóa; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn gốc giống đảm bảo hợp pháp theo quy định.

Đồng thời, thúc đẩy đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến sâm gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại; ưu tiên đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm từ sâm. Đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển các kênh giới thiệu, phân phối sản phẩm ở trong và ngoài nước.

Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc; khuyến khích các tổ chức hình thành các phòng kiểm định nguồn gốc, chất lượng đạt tiêu chuẩn tại các vùng trọng điểm trồng và chế biến sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm. Xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại. Phát triển hạ tầng vùng trồng sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Định hướng là vậy, tuy nhiên việc phát triển cây sâm cũng như cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh xác định có nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh, hiện ngoài một số doanh nghiệp đầu tư với quy trình khép kín còn lại hầu hết các hộ dân sản xuất manh mún, tự phát. Mặt khác, các vùng để phát triển cây sâm chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, hạ tầng giao thông khó khăn do vậy cần có hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm thuận lợi cho vận chuyển cũng như giảm chi phí cho nhà đầu tư. Bệnh hại trên cây sâm, nhất là bệnh thối nhũ cũng cần được khắc phục để đảm chất lượng vùng trồng.

Về giải pháp khắc phục khó khăn, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là địa phương cần hình thành được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu tư vốn, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Với kế hoạch đã ban hành cần sớm huy động nguồn lực đưa vào triển khai thực hiện. Trước hết là phải thành lập trung tâm nghiên cứu, thu thập, lưu giữ những nguồn gen, để tạo thành nguồn gen gốc, nguồn gen có giá trị để phục vụ cho quá trình lai tạo, phát triển nguồn giống. Sau đó, tiếp tục mở rộng đến các khâu chế biến, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Hải Linh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.