Khánh Hòa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp huyện miền núi thoát nghèo

Tỉnh Khánh Hòa quyết tâm đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát nghèo nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa nhiều dấu hiệu khởi sắc Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới: Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Khánh Hòa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để đến năm 2025 đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo; nâng mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở 2 huyện này tiệm cận với các vùng khác.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Khánh Hòa tập trung chỉ đạo 2 huyện xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xây dựng các kênh tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định để người dân thoát nghèo bền vững.

Khánh Hòa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp huyện miền núi thoát nghèo

Cụm công nghiệp Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh)

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng cụm công nghiệp tại huyện miền núi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội của tỉnh, huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động 2 huyện miền núi. Chú trọng kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để đưa đồng bào miền núi đi làm việc tại nước ngoài.

Đặc biệt, tháng 4/2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh. Thay vì hỗ trợ cho tất cả các địa phương như chính sách trước đây, tinh thần chung của Nghị quyết số 03 đó là Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân chuyển đổi cây trồng ở những khu vực khó khăn; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Nhà nước hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình kỹ thuật; hỗ trợ một lần 30% chi phí vật tư xây dựng mới hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ chuyển đổi cây trồng. Chính sách hỗ trợ được áp dụng cho các xã khu vực I, II, III, trong đó, huyện Khánh Vĩnh có 7/7 xã được hỗ trợ; huyện Khánh Sơn có 13/14 xã được hỗ trợ (trừ xã Sông Cầu).

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Huyện Khánh Sơn có trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Người dân trên địa bàn huyện đa phần làm nông nghiệp với thói quen canh tác những cây trồng ngắn ngày như: Lúa, ngô, sắn… nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây nông sản ngắn ngày sang trồng những cây công nghiệp và cây ăn quả chủ lực đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Khánh Sơn tập trung phát triển những cây ăn quả chủ lực, đã có thương hiệu như: Cây sầu riêng, măng cụt, mía tím…

Bên cạnh đó, địa phương liên tục triển khai các đề án như: Khoanh nuôi, phát triển cây lồ ô với tổng diện tích thực hiện 232ha; đề án phát triển cây ăn quả chôm chôm với tổng diện tích trên 52ha; cây bưởi da xanh với diện tích trên 100ha… Từ một huyện nghèo nhất cả nước, đến nay, Khánh Sơn đã trở thành hình mẫu phát triển cây ăn trái nói chung và sầu riêng nói riêng để các địa phương học tập, làm theo. Tỉnh Khánh Hòa đang có chủ trương xây dựng thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn để phát triển du lịch.

Khánh Hòa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp huyện miền núi thoát nghèo

Xây dựng thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn

Với những tiềm năng hiện có, huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng tích cực hỗ trợ đồng bào chuyển sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao. Trong đó, chú trọng 4 cây trồng chủ lực là: Bưởi da xanh, sầu riêng, mít, xoài. Đồng thời, thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học về các loại cây trồng như cây chuối xen cây điều cao sản; trồng thử nghiệm các giống mì mới thay thế giống mì truyền thống hiện nay; trồng mới cây mít nghệ đã tăng năng suất… Nhờ làm tốt công tác định hướng, quy hoạch, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giá trị trồng trọt trên cùng đơn vị diện tích tăng cao; địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”.

Thời gian qua, để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ nông sản hàng hóa, huyện Khánh Vĩnh đã tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh cơ giới hóa, đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất. Quan tâm đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất để phục vụ sản xuất, vận chuyển nguyên liệu về các nhà máy chế biến. Phát triển hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động cho vùng cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả. Tăng cường mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, tiếp tục phát triển các tổ liên kết, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng nông sản…

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai sẽ giúp Khánh Hòa hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng; thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việt Hoàng

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.