HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP - TẬP 8

HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP - TẬP 8
HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP - TẬP 8

HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP - TẬP 8

  • Chính trị Quốc gia - Sự thật
  • 2011
  • Tải về

LỜI GIỚI THIỆU TẬP 8

Tập 8 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, gồm 231 tác phẩm, bài nói, bài viết, thư, điện (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 1-1-1953 đến ngày 21-7-1954.

Đây là giai đoạn đấu tranh quyết liệt và có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và can thiệp Mỹ của dân tộc ta; đồng thời, đây cũng là thời gian Đảng ta quyết định đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ dân chủ, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ chống đế quốc với giải phóng giai cấp nông dân khỏi ách thống trị phong kiến.

Các tác phẩm giới thiệu trong tập 8 phản ánh những hoạt động phong phú, sôi nổi và sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với từng vấn đề của đất nước nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ quan trọng nói trên.

Nhiều tác phẩm trong tập 8 thể hiện tập trung những quan điểm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ngày 25-1-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ âm mưu và hành động hiếu chiến của thực dân Pháp trong tình thế thất bại của chúng. Bị thất bại liên tiếp trên chiến trường, thực dân Pháp cầu xin Mỹ tăng thêm viện trợ; đẩy mạnh càn quét, bắt lính để thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta: “tuy thắng lợi nhiều, chúng ta quyết không được chủ quan, khinh địch” (tr.27). Người khẳng định, “kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Và từ nay cuộc chiến tranh giữa ta với địch sẽ gay go, phức tạp hơn (tr.27).

Để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nhiều bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trong tập 8 thể hiện rõ chủ trương tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Người nhấn mạnh: “Đảng phải ra sức đoàn kết toàn dân để đẩy mạnh kháng chiến. Đoàn kết các đảng bạn, các đoàn thể trong Mặt trận. Không phải đoàn kết ngoài miệng, mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết bằng tinh thần, đoàn kết thật sự” (tr.78).

Quan điểm đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết rộng rãi, lâu dài, đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc và để xây dựng nước nhà. Người chỉ rõ, trong chính sách đại đoàn kết, cần chống hai khuynh hướng sai lầm là cô độc, hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc; phải lấy công tác mà củng cố đoàn kết, lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác. Người khẳng định: “Đoàn kết là một lực lượng vô cùng mạnh mẽ. Ngoài thì ta đoàn kết với nhân dân Miên, Lào, Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Trong thì đoàn kết toàn thể nhân dân yêu nước, tức là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những thân sĩ kháng chiến nghĩa là 99 phần trăm toàn dân ta. Đó là một sức mạnh vô địch” (tr.272).

Về những định hướng quan trọng của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) ngày 15-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích những biến chuyển của tình hình thế giới, trong nước và đi tới nhận định: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào” (tr.549).

Người xác định: “Hiện nay, tình hình đã đổi mới, nhiệm vụ của ta do đó cũng có thay đổi, chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi, cho hợp với tình hình mới” (tr.550-551). Đế quốc Mỹ đang biến thành kẻ thù chính của ta, do đó phải chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ. Người khẳng định: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải phối hợp và liên hệ với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục, v.v..” (tr.555).

Người chỉ rõ những khó khăn, phức tạp do có việc điều chỉnh khu vực đóng quân, vì vậy, cần phải làm tốt công tác tư tưởng, làm cho đồng bào phân biệt được lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn bộ để không bi quan, tiêu cực. “Nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng, không kịp thời lãnh đạo, thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hành động sẽ hỗn loạn” (tr.553). Người cũng dự kiến những tư tưởng sai lầm tả khuynh và hữu khuynh có thể xảy ra để chủ động giải quyết. Người đề ra ba nhiệm vụ và mười công tác, bao quát các lĩnh vực tư tưởng, đấu tranh ngoại giao, tăng cường lực lượng quân đội, tiếp thu vùng mới giải phóng, chuyển hướng công tác trong vùng địch tạm đóng quân, tiếp tục củng cố vùng tự do cũ, đẩy mạnh việc thực hiện cải cách ruộng đất, tăng cường công tác kinh tế, tài chính, củng cố tổ chức Đảng trong vùng mới giải phóng, tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia với tinh thần: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.

Ngoài những vấn đề chủ yếu nêu trên, trong tập 8 còn có nhiều tác phẩm thể hiện những luận điểm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, dân tộc, tôn giáo, v.v..

Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8 xuất bản lần thứ ba, ngoài những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố trong lần xuất bản thứ hai, còn được bổ sung thêm 118 tác phẩm mới sưu tầm được.

Tuy đã có nhiều cố gắng, song lần xuất bản này vẫn không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau được tốt hơn.

HỘI ĐỒNG XUẤT BẢN

HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP LẦN THỨ BA

.

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.