21:45 | 08/01/2023
Hoàng Tùng
Cùng với cuộc đời hoạt động tổ chức, lãnh đạo cách mạng trên nửa thế kỷ, hoạt động báo chí của Bác Hồ chúng ta cũng lâu dài, phong phú, sôi nổi và để lại di sản đồ sộ, quý báu của nền báo chí cách mạng nước nhà. Người bắt đầu viết từ những bài nhỏ rồi thành một nhà báo có uy tín. Người sáng lập nền báo chí cách mạng của ta, chuẩn bị những cuộc chiến đấu lớn thắng Pháp, Mỹ, các thế lực xâm lược lớn của thời đại. Từ việc tham gia soạn thảo "Thư thỉnh nguyện" đòi quyền dân chủ cho nhân dân năm 1919 đến bản Di chúc, Người đã viết hầu như liên tục cho các báo trong nước và nước ngoài, bằng một phong cách văn chương độc đáo, giản dị, trong sáng, bác học mà vẫn đại chúng.
Bác Hồ viết báo có mục đích rõ ràng, không nhằm kiếm sống hoặc mưu cầu danh lợi, mà sẵn sàng chấp nhận tai họa, phục vụ sự nghiệp giải phóng nhân dân ta. Ngay ở Paris, Người phê phán chế độ cai trị của Pháp ở các nước thuộc địa. Người làm cách mạng bằng những bài viết đanh thép, song không như nhiều nhà chính trị khác nổi tiếng bằng những bài báo, mà ngay từ đầu, đã gắn liền việc tuyên truyền, viết báo, diễn thuyết với hoạt động thực tiễn cách mạng tổ chức quần chúng đấu tranh. Trong nhóm Ngũ Long có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, nhưng chỉ một mình Nguyễn ái Quốc chọn con đường này đi vào hoạt động thực tiễn trong quần chúng.
Do đi con đường riêng, quan điểm của Bác Hồ về công tác báo chí cách mạng không giống các nhà báo chuyên nghiệp. Qua các bài viết và phong cách văn chương cùng những lời Người dạy người làm báo, chúng ta có thể nhận rõ quan điểm của Người về công tác báo chí cách mạng.
Những quan điểm đó là:
1. Viết cho ai đọc, nhằm mục đích gì? tức là quan điểm thực tiễn: Tư duy báo chí cũng như tư duy cách mạng là như vậy. Trước khi rời nước Pháp tìm đường về nước, Bác Hồ gửi người bạn một bức thư nhờ khi nào biết tin Người đã đến Liên Xô sẽ đưa cho cụ Phan Chu Trinh. Bức thư viết: "Xin gửi lời tạm biệt Bác. Tôi phải về nước tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo đồng bào ta đứng dậy đấu tranh chống chế độ thuộc địa. Vận mệnh của Tổ quốc do đồng bào ta quyết định". Người đã làm như vậy và đã thành công.
Sau khi tập hợp nhóm thanh niên trong Tâm Tâm xã đang sống lưu vong ở Quảng Châu, thành lập Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Người xuất bản báo Thanh niên, đồng thời, kêu gọi thanh niên trong nước sang đây dự các lớp học chính trị do Người tổ chức. Bằng những bài giảng, bài viết, Bác Hồ xác định nền tảng lý luận về con đường cách mạng của dân tộc. Lớp người cách mạng đầu tiên được đào tạo về chính trị, tư tưởng, hoạt động cách mạng thực tiễn, lý tưởng, đạo đức của người cách mạng. Ngay từ đầu, Bác Hồ đã trình bày một cách hệ thống lý luận cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, mở ra một cuộc cách mạng tư tưởng, chính trị, đưa ra những quan điểm mới về thế giới, lịch sử, kết thúc cuộc khủng hoảng về tư tưởng chính trị kéo dài từ phong trào Văn Thân đến phong trào Yên Thế.
Bác Hồ thể hiện một phong cách mới về cách viết, cách diễn giảng, thể hiện ý nghĩa cách mạng về văn hoá, văn chương và báo chí. Người trình bày những vấn đề cơ bản của cách mạng bằng ngôn ngữ dân tộc và quần chúng, dễ hiểu đối với cả người trí thức lẫn người ít học.
Điều quan trọng nhất thể hiện tư duy của Người là tập trung nói về những vấn đề quan trọng trước mắt, không nói nhiều những vấn đề còn xa xôi. Các bài viết, bài nói của Người đều tập trung vào một nhiệm vụ trung tâm là tập hợp mọi lực lượng yêu nước và nhân dân vào sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, giải phóng đồng bào. Quan điểm chân lý bao giờ cũng cụ thể, sinh động, không trừu tượng. Người nói tư duy biện chứng bằng phân tích cụ thể những hoàn cảnh cụ thể, không định nghĩa theo sách. Người nói: phân tích lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, giai cấp nhà nước theo mẫu nước khác là điều ngớ ngẩn. Chúng ta không hề bắt gặp một trường hợp như vậy trong các tác phẩm của Bác Hồ. Trong văn tập của Bác: tư duy khái quát bao giờ cũng xuất phát từ tình hình cụ thể.
2. Viết về quần chúng, viết cho quần chúng: Khác với các nhà yêu nước lớp trước và cả những người viết báo hợp pháp dưới chính quyền thuộc địa là viết cho tầng lớp có học, viết về những vấn đề chẳng liên quan gì đến quần chúng, thậm chí có hại. Nếu xét từ quan điểm quần chúng là chủ thể của lịch sử, của cách mạng, sứ mạng của báo chí cách mạng là thức tỉnh, tập hợp hướng dẫn hành động của quần chúng. Đó là quan điểm quần chúng của báo chí cách mạng. Sự ra đời của tờ báo Thanh niên đã mở đầu cuộc cách mạng báo chí nước ta. Tờ báo này viết cho tầng lớp thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Họ chuyền tay nhau đọc và đọc cho công nhân, nông dân mù chữ cũng hiểu và hưởng ứng những ý tưởng lớn của cách mạng. Khác với một số đồng chí trẻ mới đọc qua một số sách lý luận đã vội vàng nói và viết tràng giang đại hải, mà chưa chắc mình đã hiểu nổi tinh thần những điều viết trong trang sách đó, Bác Hồ dạy chúng ta chỉ nói và viết những điều chính mình đã hiểu. Nhiều người đã thấy, trong khi giảng bài, Người thường ngừng lại hỏi người nghe: các đồng chí hiểu rõ chưa. Do thói quen đó, khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Người cũng dừng lại, hỏi: Đồng bào nghe rõ tôi không? Hàng vạn tiếng trả lời: Rõ!
Khi viết xong bài báo, Bác thường gọi các đồng chí lái xe, nấu bếp đến đọc, rồi hỏi: có dễ hiểu không. Chỗ nào khó hiểu, thì sửa lại. Có lần Người viết bức thư có hai từ "suy diễn", "quy nạp". Khi gặp cán bộ, nhiều người hỏi ý nghĩa hai từ ấy. Sau đó, khi viết, Người thường đắn đo tìm những từ thông dụng, cố gắng tránh dùng ít từ Hán - Việt.
Bác Hồ rất quan tâm bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, muốn thay đổi một số chữ cái như d thành z, ph thành f, ngh thành ng. Viết cho ai và viết để làm gì là vấn đề Người thường nhắc nhở những người làm báo. Người phê bình nghiêm khắc những người thích khoe khoang sự hiểu biết của mình kiểu những nhà thông thái rởm, những người thích dùng từ Hán - Việt hoặc tiếng Tây, mà không hiểu nghĩa như khi dùng "một binh sĩ", một người là binh thì không thể vừa là sĩ, đã là sĩ quan thì không thể là lính nữa, giúp đỡ lẫn nhau là tương trợ v.v... Người không biết đến nơi, đến chốn còn thích dùng chữ là như vậy!
3. Mạch lạc, ngắn gọn, có đầu, có đuôi, tức là quan điểm khoa học trong bút pháp, kết cấu những bài báo. Chúng ta hãy đọc lại những bài Bác Hồ viết khi còn là một nhà báo mới vào nghề đến khi là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, từ những bài ngắn gọn viết cho nhiều tờ báo Pháp và tờ Lơ Paria đến những luận văn chính trị, tuyên ngôn, cương lĩnh, lời kêu gọi, thì thấy rõ cách viết của Người. Ngắn gọn, súc tích, mạch lạc, chặt chẽ, vừa đủ, không thừa, không thiếu một đoạn, một từ. Từ giản mà ý hùng. Gọi Người là nhà bác học hay là một nhà báo của quần chúng cũng được. Đối với thời hiện đại, sử dụng theo tốc độ máy tính điện tử ngày càng nhanh hơn, những bài viết của Bác Hồ cũng mang đậm tính hiện đại: một bản cương lĩnh, một văn bản nghị quyết lịch sử, một báo cáo chính trị chỉ viết gọn mà đủ trong một hai trang. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng, Bác Hồ nêu ba nhiệm vụ lớn của cách mạng: diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm - đó là những nhiệm vụ lịch sử to lớn, được Bác Hồ biểu đạt cô đọng trong vài dòng mà phải thực hiện trong mấy thế hệ mới xong. Đối với các quan chức trong bộ máy nhà nước, Bác Hồ chỉ nêu ra ba tai họa phải khắc phục là quan liêu, tham ô, lãng phí. Trong thời kháng chiến, ba cái tệ ấy bị đẩy lùi rất nhiều, song chẳng may ngày nay lại đang hoành hành dữ dội. Văn chương càng dài dòng, càng vô ích. Bác Hồ gọi những bài báo dài dòng, nói lý thuyết suông, đầu Ngô mình Sở là thứ văn chương bè rau muống, rối như mớ bòng bong.
Nhiều người thích dẫn điển tích, danh ngôn cổ của nước ngoài để loè đời. Người thầy của chúng ta lấy cổ để nói kim, lấy ngoài nói trong như "dụng nhân như dụng mộc" của Quản Trọng, hoặc dẫn kinh Phật kêu gọi Ngô Đình Diệm: "Biển ác mênh mông, quay đầu thấy bến" là dùng danh ngôn đúng chỗ.
Bác Hồ tìm thấy Mác, Ănghen, Lênin, nắm vững cái linh hồn, cái tâm của học thuyết để suy nghĩ giải quyết những vấn đề của cách mạng nước ta, tức là trước hết nắm được phương pháp biện chứng. Người nói rõ với chúng ta, các nhà sáng lập học thuyết cách mạng chỉ cho ta phương hướng đi tới, chứ không làm thay chúng ta; người Việt Nam phải tìm con đường cách mạng cụ thể của mình. Vì vậy, Người đã xác định nền tảng lý luận của con đường giải phóng đất nước, xã hội ta. Người đọc nhiều: Khổng Tử, Thích Ca, Giếu, Rútxô, Vônte, Tôn Trung Sơn... tìm thấy ở các học thuyết ấy những viên ngọc có ích cho ta và đều là những giá trị của loài người đã được sàng lọc theo thời gian.
Đi sâu hơn nữa, chúng ta có thể khám phá nhiều điều quan trọng về quan điểm, nguyên tắc, phong cách của Bác Hồ về báo chí cách mạng Việt Nam. Đặt những áng văn tiêu biểu của Hồ Chí Minh sau Chiếu rời đô, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Chiếu lên ngôi, Chiếu xuất quân..., chúng ta thấy rõ: một mạch tư tưởng, một phong cách, một mạch văn. Đó là mạch văn hoá Việt Nam.
Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 2/2002
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/may-quan-diem-cua-bac-ho-ve-cong-tac-bao-chi-237585.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.