Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về một số vấn đề quốc tế (tiếp)

Tư tưởng của Hồ Chí Minh không phải là tổng hợp các nguồn tư tưởng, lý luận của loài người tiến bộ, không chỉ là sự vận dụng sáng tạo.

GS. Phan Ngọc Liên

V. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI THỜI ĐẠI

Tư tưởng của Hồ Chí Minh không phải là tổng hợp các nguồn tư tưởng, lý luận của loài người tiến bộ , không chỉ là sự vận dụng sáng tạo. Qua thực tiễn của phong trào cách mạng Việt Nam, thế giới và bản thân, Người còn phát triển, cụ thể hoá những nguyên lý cơ bản, phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hồ Chí Minh đã bổ sung, làm sáng tỏ nhiều quy luật phát triển của xã hội loài người nói chung, của các nước thuộc địa và phụ thuộc nói riêng. Những quy luật này, trước đó, chưa biểu hiện hoặc chưa biểu hiện đầy đủ. Cho nên tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sản phẩm của dân tộc, mà còn là của loài người tiến bộ, của thời đại chúng ta. Với tư cách là một hệ tư tưởng độc lập, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm tư tưởng về nhiều vấn vấn đề mang tính dân tộc và tính thế giới; là thành tựu tư duy của giai cấp công nhân và loài người tiến bộ. Khi nghiên cứu tư tưởng của Người, chúng ta không chỉ thấy nó phản ánh những nét riêng của quốc gia, dân tộc Việt Nam, mà còn tìm thấy những nét chung của nhiều nước, nhiều dân tộc khác nhau, chủ yếu là các nước thuộc địa và phụ thuộc. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới, chúng ta cũng bắt gặp nhiều điểm hiện thực Việt Nam, trở thành tiêu biểu, điển hình của các dân tộc cùng chung hoàn cảnh, cùng mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa lịch sử cách mạng Việt Nam với lịch sử cách mạng thế giới, mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu của mối quan hệ này.

Tuy nhiên tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của dân tộc và thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại trước mắt và lâu dài. Chúng ta biết rằng, bất cứ tư tưởng nào cũng hình thành, tồn tại và tác động ở những thời điểm nhất định, trong những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không ngoài quy luật ấy. Vậy vì sao tư tưởng Hồ Chí Minh có thể trường tồn, dù "thế giới đã và sẽ còn thay đổi"? Sở dĩ được như vậy vì tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn ở hoạt động tư duy và thực tiễn của bản thân Hồ Chí Minh, mà còn là sản phẩm của thời đại. Nó tiếp thu những giá trị, tinh hoa vǎn hoá, tư tưởng của loài người đã trở thành "vĩnh cửu", nó đáp ứng nhiều vấn đề của thời đại đã và còn tiếp tục đặt ra, cần tiếp tục giải quyết. Thế giới trong giai đoạn ngày nay có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc, phức tạp, nhưng những vấn đề lớn của thời đại mới bắt đầu từ Cách mạng tháng Mười Nga 1917 vẫn chưa thay đổi. Tính tất yếu của sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn phát huy tác dụng hợp quy luật của nó, dù chủ nghĩa xã hội thế giới đang gặp bước khủng hoảng lớn. Hầu hết các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trước đây đã giành được độc lập với nhiều hình thức, mức độ khác nhau và đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhưng sự lệ thuộc "kiểu mới" của các dân tộc đó vào "chủ nghĩa thực dân kiểu mới" vẫn còn tồn tại. Sự xung đột sắc tộc, chiến tranh đẫm máu giữa các dân tộc anh em vốn cùng trong một liên bang, trong một khu vực; sự trỗi dậy của những tôn giáo gắn liền với chính trị, dân tộc đang ngày càng trở nên quyết liệt phức tạp. Những "vấn đề toàn cầu" đang trở thành những vấn đề cấp bách, chung cho cả nhân loại phải cùng nhau giải quyết. Sự sa sút về phẩm chất đạo đức của thế hệ trẻ trong một thế giới bị đồng tiền chi phối, vì những cuộc chém giết man rợ, đang đòi hỏi có một đạo đức mới, một chủ nghĩa nhân vǎn mới cho thời đại.

Nhiều vấn đề của thời đại chưa được giải quyết cần có một lý luận, tư tưởng phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện nay. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin và những trào lưu tư tưởng tiến bộ khác, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần tiếp tục giải quyết những vấn đề của thời đại và nó "vẫn sống mãi trong kho tàng vǎn hoá của nhân loại".

Vậy vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào trong thời đại chúng ta? Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ của riêng Người, dù đó là sản phẩm tư duy của Người; nó là của chung dân tộc, giai cấp, nhân loại. Nó không chỉ tồn tại trong sinh thời Hồ Chí Minh mà tiếp tục được phát triển ở các thế hệ kế tiếp. Sự phát triển ấy được thực hiện qua sự vận dụng sáng tạo, như Hồ Chí Minh đã từng làm với chủ nghĩa Mác-Lênin.

Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là "Cẩm nang thần kỳ" trong nhận thức và hành động cách mạng của mỗi chúng ta. Song đó không phải là đáp án cho mọi vấn đề, do cuộc sống ngày nay đặt ra, mà cần nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng sáng tạo vào cuộc sống đang diễn ra trong nước và trên thế giới. Cho nên, điều quan trọng trước nhất là tìm hiểu và vận dụng những vấn đề có tính chất phương pháp luận trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nói riêng.

Sự kiên định trong nhận thức và hành động cho mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa được lựa chọn một cách khoa học, hợp với quy luật xã hội loài người là yêu cầu cơ bản về phương pháp luận để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thời đại.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" là cốt lõi của phương pháp luận Hồ Chí Minh để nhận thức và hành động trong thế giới đầy biến động hiện nay.

Nói đi đôi với làm thể hiện nguyên tắc phương pháp luận quan trọng của Người về lý luận gắn liền với thực tiễn, về hoạt động cho sự tiến bộ của thế giới không phải bằng lời nói mà bằng hành động thực tế.

Luôn luôn vươn tới cái mới, nghiên cứu cái mới với tinh thần đổi mới là nguyên tắc phương pháp luận trong tư duy và hành động của Hồ Chí Minh, phù hợp với yêu cầu phát triển của dân tộc và nhân loại hiện nay.

Từ những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới và những nguyên tắc phương pháp luận Hồ Chí Minh nêu trên, chúng ta tìm hiểu những vấn đề của tư tưởng Hồ Chí Minh đang soi sáng thời đại chúng ta.

1. Tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh

Tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay cũng có những quan điểm khác nhau về tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh, dù các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống dân tộc và tinh hoa nhân loại và được phát triển trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Tuy có những cách nhìn nhận khác nhau song có thể tập trung vào mấy ý kiến sau đây. Một số người đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc đời "vì nghĩa, quên mình", sống khiêm tốn, bình dị, hoà nhập với mọi người, không màng danh lợi cho bản thân của mình và xem đó là nội dung cốt lõi của tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh. Có nhà nghiên cứu lại cho rằng chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh "toát ra từ toàn bộ cuộc đời liên tục đấu tranh không biết mệt mỏi" của Người nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để cuối cùng đi đến giải phóng con người. Nói cách khác, theo các tác giả trên thì cả đạo đức, nhân cách và cuộc đời thanh bạch của Người tạo thành một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh.

Trong nghiên cứu về tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh còn xuất hiện một số ý kiến khác của nhiều học giả, các nhà hoạt động chính trị, xã hội nước ngoài. Họ cho rằng trong con người Hồ Chí Minh có sự kết hợp hài hoà giữa chủ nghĩa nhân vǎn với nhiệt tình và tinh thần cách mạng. T.N. Kaun, Chủ tịch "Trung tâm ấn Độ, nghiên cứu về Đông Dương" đã viết: "Bác Hồ ... Người đại diện cho sự vĩ đại vốn có của nhân dân Việt Nam, bình dị, chuyên cần, yêu quý trẻ thơ và thanh niên, thẳng thắn, trung thực chân thành và một ý thức mạnh mẽ về nhân vǎn kết hợp với nhiệt tình và tinh thần cách mạng". Tiến sĩ M. Atmét, giám đốc UNESCO khu vực châu á - Thái Bình Dương cũng nói: Trong khi chiến đấu cả đời mình chống lại ách thống trị thực dân, Người vẫn là một nhân vǎn chân chính trong tư tưởng và hành động".

Rõ ràng, ở đầy cần phân biệt tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh với nhân cách và hành động cách mạng của Người. Đương nhiên tư tưởng nhân vǎn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, và chính cuộc đời của Người lại là một tấm gương, một biểu hiện cụ thể, tiêu biểu nhất của chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

a- Quê hương, đất nước, dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống nhân ái. Chính vì thế trong chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh lòng thương người giữ vị trí hàng đầu. Song ở Hồ Chí Minh lòng thương người không chỉ bó hẹp trong tình "yêu nước thương nòi" mà được phát triển ở mức độ cao hơn, nó vượt ra ngoài giới hạn dân tộc, màu da và biên giới quốc gia, trên cơ sở tiếp tục những tư tưởng nhân đạo cao cả của thế giới, đặc biệt là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của C. Mác, Ph. Ǎngghen và V.I.Lênin.

Xuất phát từ tình thương yêu đồng bào bị nô lệ, đất nước bị đô hộ mà Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Chính cuộc hành trình ấy đã giúp Người nhận ra rằng không phải chỉ ở Việt Nam con người mới bị đoạ đày, đau khổ, mà ở khắp các nước, đâu đâu cũng có những người nghèo khổ, những người bị áp bức bóc lột. Từ đây tình thương yêu người dân nghèo Việt Nam của Nguyễn ái Quốc đã trở thành tình thương yêu tất cả những con người bị đau khổ, bị đầy đoạ trên thế giới. Khi còn là một đầu bếp trên tàu buôn, Nguyễn Tất Thành đã vô cùng phẫn uất và đau xót khi chứng kiến thực dân Pháp ở cảng Đaca bắt người lao động da đen nhảy xuống biển đang gầm thét nối dây cáp bị đứt để rồi bị sóng nhấn chìm. ở Luân Đôn, Người cũng khóc khi đọc báo biết một nhà yêu nước Ailenông thị trưởng Coóc - tuyệt thực đến chết để chống lại ách thống trị của Anh. ở Pari, Người cũng đã thực sự đau khổ khi kể chuyện về một ông cụ người Pháp xóm Êpinêt cùng khổ, gần xóm Etoen vương giả, đã mất nhà, mất hết vợ con vì chiến tranh, nay phải ngày ngày đứng chờ bữa cháo bố thí. Hồ Chí Minh đã tỏ lòng thông cảm sâu sắc và chia sẻ nỗi khổ với những người nông dân nghèo khổ bị bóc lột ở các nước thuộc địa. "Họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ ǎn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hóa và những bọn khác hưởng. Mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi, hễ mất mùa thì họ chết đói". Người thương những em bé người bản xứ vô tội, bị hành hạ, bị "tóm cổ ... ném xuống sông". ở khắp các nước, nơi nào Người đã đi qua, Nguyễn ái Quốc đều cảm thông với nỗi khổ của người dân thuộc địa. Đúng như một nhà thơ Cuba đã nói: "Trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nông dân ở Việt Nam, ở Angiêri, ở Tuynidi, ở Công gô, người bị áp bức ở quần đảo Angtidat, hoặc ở miền Nam già cỗi của nước Mỹ đều có một người nhiệt thành bênh vực mình". Có thể nói, lòng nhân ái, tình thương yêu con người và vì con người là tư tưởng xuyên suốt và chỉ đạo mọi hành động trong cuộc đời hoạt động giải phóng dân tộc mình và góp phần đấu tranh giành độc lập, tự do cho nhiều dân tộc khác của Hồ Chí Minh. Nếu trong số đầu tiên báo Người cùng khổ Người đã nói đến việc giải phóng con người, thì trong Di chúc, trước lúc phải đi xa, Người không những để lại "muốn vàn tình thương yêu" cho mọi tầng lớp, lứa tuổi trong nhân dân Việt Nam , không quên cǎn dặn những công việc cần làm sau khi đánh thắng Mỹ, trong đó "đầu tiên là công việc đối với con người", mà còn "gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế".

Chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh hướng trước hết vào những con người bị đau khổ, đọa đầy trên khắp hành tinh. Tình thương yêu của Người không có giới hạn về chủng tộc và biên giới quốc gia. Nhưng chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh tuyệt nhiên không phải là lòng trắc ẩn. Nó không dừng ở mức xót thương con người một cách thụ động kiểu tôn giáo, cũng không phải là tỏ mối thông cảm từ trên và từ ngoài, không phải bằng cách du thuyết, mà nó kiên quyết và không ngừng đấu tranh để xoá bỏ khổ đau cho con người, làm cho con người đau khổ và các dân tộc bị áp bức tự mình cởi ách ngựa trâu, thoát gông xiềng nô lệ.

Càng yêu thương nhân dân bị áp bức, bóc lột, Hồ Chí Minh càng cǎm ghét và tố cáo mạnh mẽ, toàn diện và có hệ thống tội ác của chủ nghĩa thực dân, của chủ nghĩa tư bản đối với các dân tộc thuộc địa, với cả giai cấp vô sản chính quốc. Từ "Bản án chế độ thực dân Pháp" đến những bài báo, phóng sự, bút ký, truyện ngắn của Người đã làm nổi bật bản chất vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản thực dân và thực chất của cái gọi là "tự do", "bình đẳng", "bác ái" và vǎn minh ở các nước tư bản. Người khẳng định "Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân, người ở Lôđannơ cũng như những người ở Lơ Havơrơ cũng như những người ở Mactinich đều là nạn nhân của một kẻ sát nhân: chủ nghĩa tư bản quốc tế" và "Lịch sử việc người Âu xâm chiếm châu Phi cũng như bất cứ lịch sử xâm chiếm thuộc địa nào khác thì từ đầu đến cuối đều được viết bằng máu những người bản xứ. Sau những cuộc tàn sát thẳng tay thì chính chế độ lao dịch, khuân vác, lao động khổ sai, rượu cồn, bệnh giang mai tiếp tục hoàn thành công cuộc tàn phá của sự nghiệp khai hoá. Kết quả tất nhiên của chế độ ghê tởm đó là sự tiêu diệt giống da đen".

Càng thông cảm, thương yêu bao nhiêu đối với những người dân nô lệ, ngòi bút của Hồ Chí Minh càng có sức tố cáo mạnh mẽ bấy nhiêu đối với những kẻ đã gây nên nỗi đau khổ cho họ. Và càng tố cáo mạnh mẽ bao nhiêu càng có sức truyền cảm, thức tỉnh họ đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng mình trở thành người chủ thực sự của đất nước mình. Người khẳng định rằng sự đàn áp, khủng bố dã man cùng với chính sách ngu dân của bọn thực dân không thể đè bẹp được ý chí chiến đấu và sức sống mãnh liệt của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng như ở Đông Dương. Đó cũng là mảnh đất cho chủ nghĩa xã hội phát triển.

Hồ Chí Minh đã quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về sự kết hợp nỗi khổ nhục và sự thức tỉnh của lương tri. Con người không chỉ giam mình trong sự ô nhục hoặc chờ đợi sự ban ơn cứu vớt của kẻ khác, mà phải biết nhục và vùng dậy đấu tranh. Quan điểm này của Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện một tư tưởng nhân vǎn cao cả, mà còn là một phương pháp vận động, giáo dục quần chúng bị áp bức ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, các nước tư bản đế quốc. Nó đã làm cho ách áp bức hiện thực càng nặng nề hơn nữa bằng cách gắn vào nó cái ý thức về ách áp bức, làm cho sự ô nhục càng ô nhục hơn nữa bằng cách công bố nó lên. Nhấn mạnh đến sự đau khổ cũng như sự nhục nhã gấp hai lần, Hồ Chí Minh đã làm tǎng thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Lòng nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ sự tôn trọng con người, lấy con người làm xuất phát điểm và việc đem lại hạnh phúc cho con người làm mục đích cuối cùng. Bởi vậy, không chỉ tố cáo, cǎm thù tội ác dã man của chủ nghĩa đế quốc, thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa, phụ thuộc, Hồ Chí Minh còn luôn luôn chǎm lo tổ chức, xây dựng khối đoàn kết của nhân dân các nước thuộc địa để thức tỉnh họ vùng lên đấu tranh tự giải phóng, cũng như kêu gọi giai cấp vô sản và nhân dân ở chính quốc, các đảng cộng sản và công nhân trên toàn thế giới tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân vǎn của dân tộc các nước thuộc địa và phụ thuộc quyết ngẩng đầu lên giành lấy nhân phẩm của mình. Chính vì thế Hồ Chí Minh luôn dạy rằng "Cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do phải được đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác". Mohamét Lamari- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Angiêri tại Việt Nam - đã nhận xét rất đúng rằng "... ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài. Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và nhờ thế mà cuộc cách mạng do Người phát động đã mang tầm cỡ thế giới".

Đối với Hồ Chí Minh, giải phóng xã hội là để đi đến giải phóng con người thoát khỏi mọi sự áp bức bóc lột, bất công, để mỗi người có thể phát huy hết nghị lực sáng tạo của mình. Nhưng hạnh phúc của con người cũng như mọi giá trị đạo đức, mọi giá trị vǎn hoá của con người không phải chỉ dừng lại ở chỗ "ai cũng có cơm ǎn áo mặc, ai cũng được học hành", mà mục tiêu cuối cùng phải là "tất cả mọi người đều được phát triển hết khả nǎng của mình". Theo Người, xã hội sẽ là một vườn hoa đầy hương sắc mà ở đó tài nǎng được tự do phát triển như hoa nở mùa xuân.

Điều này biểu hiện một ước mơ cao đẹp của Người là không phải làm cho con người đau khổ, bị đàn áp ở các nước thuộc địa và phụ thuộc được sống trong cảnh thần tiên ở một cõi Thiên đường, cõi Niết bàn nào đó, mà giúp họ xây dựng "bồng lai tiên cảnh" ngay ở hạ giới, trên đất nước đã được giải phóng, bằng chính sức lực của mình. Cái hay, cái vĩ đại của tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh không phải ở chỗ làm cho người ta sống bằng mơ ước, chờ đợi, hy vọng mà bằng ý thức và hành động trong đấu tranh và xây dựng cuộc sống hiện tại của mình và cho mai sau của con cháu.

b- Trong chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh, lòng nhân ái giữ vị trí hàng đầu, song nó không bó hẹp lòng thương người ở tình nghĩa đồng bào, những "người trong một nước phải thương nhau cùng", mà mở rộng đến khắp nǎm châu bốn bể. Người luôn coi con người và cuộc sống ở bất cứ nơi đâu đều là giá trị cuối cùng và cao nhất phải đấu tranh giành được.

Khác với chủ nghĩa nhân vǎn tư sản chỉ đề cao chủ nghĩa cá nhân mà không hề đả động đến việc giải phóng con người lao động, tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh đề xướng việc giải phóng hoàn toàn con người, mà trước hết và chủ yếu là giải phóng con người lao động bị áp bức bóc lột, thủ tiêu mọi gông xiềng nô lệ, bất công, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc, cơm no áo ấm cho các dân tộc và mỗi con người. Cho nên, chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh mang tính dân tộc, tính quốc tế và tính giai cấp sâu sắc.

Qua hàng trǎm bài báo của Hồ Chí Minh với nhiều bút danh khác nhau, qua tuyên ngôn và hiệu triệu của các tổ chức Liên hiệp thuộc địa, Quốc tế nông dân, v.v. mà Hồ Chí Minh là một trong những người sáng lập hoặc lãnh đạo, người ta thấy nổi lên cuộc sống đau khổ, đói khát của những người phụ nữ Tây Phi, của người phu khuân vác ở các bến cảng Rufisco, Đaca, Braxin..., của người công nhân đồn điền ở Angiêri, Tuynidi, Marốc, Xyri, Libǎng..., của những người nông dân, kẻ hành khất ở Ghinê, Đahômây, Máctinich, v.v..

Tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn liền hạnh phúc của những con người bị áp bức, bị đoạ đầy thuộc các dân tộc bị thống trị và lệ thuộc ở thuộc địa, với độc lập dân tộc, với tự do của giai cấp được giải phóng. Vì thế Người cho rằng muốn giải phóng con người trước hết phải giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc. Quan điểm này thấu suốt trong cả cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh: "Người có lòng nhân đạo là người lạc quan, có một lòng thương cao cả đối với nhân loại, đối với nhân dân, đồng chí bạn bè của mình. Người ta không thể nói gì đến lạc quan hay tự trọng nếu người ta không có chút thương yêu đối với Tổ quốc, đối với nhân dân của mình. ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu này thật trong sáng và sâu rộng".

Lòng yêu thương con người gắn chặt với tình yêu Tổ quốc và Dân tộc đã thúc giục Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Và trong hàng chục nǎm dài đầy khó khǎn, nguy hiểm ở nước ngoài, lúc nào Người cũng hướng về đất nước, quan tâm đến cuộc sống bị đoạ đầy của nhân dân Việt Nam, của nhân dân nhiều nước thuộc địa khác, trước hết là nhân dân hai nước anh em Lào và Campuchia. Trong bài "Khai hoá giết người" in trên báo Người cùng khổ ngày 1 tháng 8 nǎm 1922 Người đã nêu cái nghịch lý vô nhân đạo: "Trong lúc ở Mácxây người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở Việt Nam đang có những người bị chết đói. ở bên này người ta ca tụng lòng trung thành thì ở bên kia người ta đang giết người . Cảnh tượng này được diễn ra nhan nhản ở các nước thuộc địa và "chính quốc". Sau ngày trở thành Chủ tịch nước, mặc dù bận trǎm công nghìn việc trọng đại, Người vẫn rất quan tâm đến cuộc sống của nhân dân, đặc biệt đối với nhân dân miền Nam đang chịu nhiều đau khổ do đế quốc Mỹ và nguỵ quyền gây nên. Người nói "miền Nam luôn ở trong trái tim tôi". Ngay cả trước lúc "đi xa", Người vẫn nhớ "để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng".

Khi đi thǎm bất cứ nước nào, Người đều dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động. Đặc biệt, đối với các cháu thiếu niên nhi đồng, Hồ Chí Minh không chỉ là "Bác Hồ" của nhân dân, của thiếu nhi Việt Nam, mà của cả nhân dân, thiếu nhi nhiều nước trên thế giới. Chính lòng nhân ái, tư tưởng nhân vǎn của Người là một yếu tố đã chinh phục được nhân dân thế giới.

ở chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh, không có tình yêu thương con người chung chung, mà chỉ có tình thương yêu dành cho người bị áp bức, nghèo khổ ở bất cứ nước nào. Người đã phân biệt bạn, thù rõ rệt, phân biệt nhân dân Pháp, Mỹ với những bọn thực dân đế quốc là người Pháp, Mỹ - những kẻ chủ mưu xâm lược, nuôi mộng thôn tính các dân tộc nhỏ yếu và đẩy nhân dân nước họ đến chỗ chết chóc. Vì vậy, Hồ Chí Minh bao giờ cũng độ lượng, khoan dung với những người lầm đường lạc lối đi đánh thuê cho bọn thực dân đế quốc. Với ý nghĩa đó, tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân vǎn của những người nghèo khổ trên thế giới.

Tình yêu thương dân tộc trong Hồ Chí Minh đã quyện chặt với tình yêu thương nhân loại bị áp bức bóc lột. Đó là lý do vì sao tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh được ca tụng, được noi theo và dần dần trở thành tư tưởng của thời đại. Nó không chỉ có tác dụng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, mà còn phát huy ảnh hưởng trong công cuộc xây dựng xã hội vǎn minh, tiến bộ sau khi các dân tộc đã thoát được ách đô hộ của thực dân.

Trong tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh, việc giải phóng người lao động không chỉ là sự giải phóng khỏi sự thống trị của nước ngoài, mà phải vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật để xây dựng đất nước. Nǎm 1921, khi tiên đoán "sự bùng nổ ghê gớm" của nhân dân Đông Dương và nhân dân các nước thuộc địa, Nguyễn ái Quốc không phải chỉ nghĩ đến sự vùng dậy đấu tranh bạo lực chống đế quốc, thực dân, mà còn chờ đợi một sự "bùng nổ" tiếp theo, nhân dân bắt tay xây dựng cuộc sống mới sau khi dân tộc được giải phóng.

Dự đoán thiên tài ấy ngày nay đang trở thành hiện thực ở các nước độc lập dân tộc đang vươn lên trong sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, về kinh tế.

c- Để thực hiện sự "ham muốn tột bậc" duy nhất của mình là làm cho "dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ǎn áo mặc, ai cũng được học hành", chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một xã hội mới với những con người mới phát triển toàn diện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, suy cho cùng là nhằm giải phóng sức lao động, phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội mới mà trong đó mọi người đều được phát huy hết khả nǎng sáng tạo của mình. Giải phóng con người, giải phóng sức lao động- đó vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để cải tạo xã hội cũ xấu xa thành xã hội mới tươi đẹp. Xã hội đó chính là xã hội xã hội chủ nghĩa. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã hội chủ nghĩa không phải là một cái gì cao siêu. Người chỉ rõ: "Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và vǎn hoá của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy". Một xã hội như thế chỉ có thể đạt được nhờ sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người. Vì thế, theo Hồ Chí Minh, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa.

Con người mới xã hội chủ nghĩa đó trước hết phải là con người có hoài bão cứu nước, giải phóng cho nhân dân và có tinh thần quốc tế vô sản, phải "lấy việc xây dựng tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người làm lý tưởng cao cả, làm hạnh phúc lớn của mình". Những con người mới đó sẽ được tự do phát triển hết tài nǎng của mình vì họ là người chủ thực sự của đất nước. Trong một bức thư gửi cho các cháu thiếu nhi, Người viết: "Từ chỗ là "bầy nô lệ trẻ con" chúng ta đã trở thành "tiểu chủ nhân" của một "đất nước độc lập".

Khẳng định con người là vốn quý nhất, Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm sao để mọi người đều được tự do lao động, tự do phát triển đời sống vật chất và vǎn hoá của mình, "làm sao cho dân đủ ǎn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy đều được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ. .." , nhưng đồng thời cũng phải làm sao để mỗi một bộ phận xã hội, mỗi một giai cấp, tập thể hay cá nhân đều phải "thấy mình cũng là một bộ phận làm chủ của nước nhà". ở đây chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh không chỉ là "một chủ nghĩa nhân vǎn thấm nhuần bản chất vô sản" mà còn là tư tưởng nhân vǎn tiêu biểu của một thời đại tương lai.

Đánh giá về giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, trong đó có tư tưởng nhân vǎn, giáo sư sử học ấn Độ Xanti Mauroi đã viết: "Ngày nay... nhân loại dần dần đang nhường bước cho sự xuất hiện tàn nhẫn của ham muốn cá nhân, ích kỷ để thống trị như chưa hề thấy. Chính sự xuyên tạc của giá trị nhân đạo đã làm nảy sinh những sự thiên lệch nghiêm trọng khác, xa rời khỏi con đường biến đổi cách mạng về xã hội và vǎn hoá của con người ở xung quanh ta. Điều cần đến là cuộc nổi dậy về đạo đức, một sự phục hưng mới, chống lại quá trình bất ổn định phi nhân tính này, ít nhiều nổi bật khắp thế giới. ở giữa cơn khủng hoảng này, nhân loại đã sản sinh ra những danh nhân lỗi lạc làm nên thời đại như Lênin, Hồ Chí Minh và Gǎngđi, là những người đã để lại những dấu ấn không thể sai lầm của mình để được tiếp tục theo đuổi trong các đảo lộn nhiều biến động".

Lời nhận định trên đây đã nói lên tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh có giá trị to lớn như thế nào trong thời đại ngày nay, khi mà nhiều thế lực đang giương cao ngọn cờ "nhân quyền" mà thực chất là đòi can thiệp vào đời sống xã hội của các nước có chế độ chính trị khác nhau. Lòng nhân ái rộng lớn, tình thương yêu nhân loại bị áp bức của tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa nhân vǎn tư sản. Nếu chủ nghĩa nhân vǎn tư sản trong khi đề xướng việc giải phóng cá nhân con người khỏi mọi ràng buộc của chế độ phong kiến không hề đả động đến việc giải phóng cá nhân con người lao động, thì tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh lại đề xướng việc giải phóng hoàn toàn con người, mà trước hết và chủ yếu, là giải phóng con người lao động bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Nếu chủ nghĩa nhân vǎn tư sản lấy chế dộ tư hữu và chủ nghĩa cá nhân làm cơ sở cho lý tưởng nhân đạo của mình, mà bản chất của nó là chống lại con người bị áp bức bóc lột - lực lượng đông đảo nhất của xã hội -, thì tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh lại lấy tư tưởng Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học làm cơ sở lý luận, mang bản chất giải phóng hoàn toàn con người khỏi mọi áp bức bóc lột và bất công xã hội. Tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh "xuất hiện trước mặt ta như ngọn hải đǎng dẫn đường cho cuộc chiến đấu sống còn của chúng ta".

Tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh gắn liền tình cảm, lý tưởng với hành động cách mạng để thực hiện mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp bị bóc lột, giải phóng người lao động. Vì vậy nó mang tính thực tiễn sâu sắc và tính thời đại rộng lớn. "Chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh đặc biệt trong sáng và cao cả vì người cưu mang nó là một người vì nghĩa quên mình, suốt đời tận tuỵ mà không nghĩ đến bản thân, danh lợi". Thế giới đã nói nhiều đến chiến thắng thực dân, đế quốc của nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Có thể nói thêm rằng vượt lên trên tinh thần dũng cảm, hy sinh, sức kiên trì chịu đựng, sự khôn khéo về tài nǎng chỉ đạo chiến thuật và tầm nhìn chiến lược, là sự chiến thắng của chủ nghĩa nhân vǎn kiểu mới và đích thực - chủ nghĩa nhân vǎn Hồ Chí Minh. Chỉ có tinh thần nhân vǎn kiểu mới ấy mới có ý thức và sức mạnh giải phóng con người quyết liệt và thành công đến như thế. Vì vậy nó đã nâng cao tinh thần đấu tranh bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của các dân tộc đang chiến đấu để thực hiện những quyền cơ bản và sự phát triển toàn diện của con người. Với ý nghĩa đó, bà Laila Enghebali - biên tập viên đối ngoại của báo Cộng hoà (Cộng hoà Arập thống nhất) - đã viết: "Bác Hồ đã gieo những hạt giống cho cuộc đấu tranh của chúng tôi. Bác Hồ đã gieo những hạt giống cho cuộc đấu tranh cách mạng ở tất cả các nơi đang bị áp bức, bóc lột. Người đã thành công trong việc gieo trồng những giá trị vǎn minh nhất, nhân đạo nhất trong tâm trí mỗi người công dân Việt Nam. Chắc chắn Người cũng là vị lãnh tụ xã hội chủ nghĩa nhân đạo, vǎn minh, vĩ đại nhất chưa từng có trong thời đại chúng ta".

2- Tư tưởng Hồ Chí Minh với những vấn đề toàn cầu hiện nay.

Trong mấy thập kỷ gần đây nhiều vấn đề mới nảy sinh, có liên quan đến tất cả mọi người trên hành tinh chúng ta, không loại trừ bất cứ nước nào, dân tộc nào. Đó là những vấn đề toàn cầu.

Những vấn đề toàn cầu gồm các vấn đề về nguyên liệu, nǎng lượng, môi trường sống, thực phẩm, dân số, những vấn đề về hoà bình, chinh phục vũ trụ, khai thác tài nguyên dưới đại dương, phòng ngừa và đẩy lùi bệnh tật, xoá đói, giảm nghèo, chống thất học. Có thể đưa những vấn đề nêu trên vào hai loại chính: về mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội; về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với môi trường sống.

Nguyên nhân nào khiến cho các vấn đề nêu trên trở thành những vấn đề toàn cầu? Có những nguyên nhân mang tính chất xã hội - kinh tế, có những nguyên nhân mang tính chất khoa học - kỹ thuật.

Sinh thời Hồ Chí Minh, những vấn đề toàn cầu chưa được đặt ra, cho nên Người cũng không thể có ý kiến về việc giải quyết những vấn đề như vậy. Song trong kho tàng tư tưởng của Người, chúng ta có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm bổ ích, những tư tưởng chỉ đạo có giá trị để giải quyết các vấn đề của ngày nay.

Gần nửa thế kỷ trước đây, tại Đại hội lần thứ hai của Đảng (1951) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh của lực lượng sản xuất, ý nghĩa và tác động của việc sử dụng thành quả khoa học - kỹ thuật theo những mục đích, quyền lợi khác nhau. Điều đó có nghĩa là, thực tiễn phát triển lịch sử, các quan hệ của con người với thế giới chung quanh, tác động của thiên nhiên, môi trường sống đến xã hội không chỉ phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, những mặt tổ chức và kỹ thuật, mà còn phụ thuộc vào những mối quan hệ kinh tế - xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ những phát minh to lớn về chiếu bóng, vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình cho đến sức nguyên tử làm cho loài người đã tiến một bước dài trong việc điều khiển sức thiên nhiên, nhưng đồng thời nó cũng gây nên những biến đổi mau chóng hơn và quan trọng hơn về mặt xã hội. Đó là việc chủ nghĩa tư bản từ chỗ tự do cạnh tranh, đã đổi ra độc quyền lũng đoạn, đã tiến lên chủ nghĩa đế quốc. Quan trọng nhất là "Cách mạng tháng Mười Nga thành công... và gần một nửa loài người đã tiến vào con đường dân chủ mới, những dân tộc bị áp bức lần lượt nổi dậy chống chủ nghĩa đế quốc, đòi độc lập tự do".

Hồ Chí Minh đã đánh giá tính chất của thời đại ở hai mặt gắn chặt nhau: sự phát triển của lực lượng sản xuất qua sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và những biến đổi to lớn về chính trị - xã hội, có ảnh hưởng quyết định đến lịch sử loài người. Sự phát triển về mặt khoa học - kỹ thuật tạo điều kiện cho con người khai thác ở thiên nhiên nhiều tài nguyên phục vụ cho cuộc sống của mình; mặt khác sự "bóc lột" thiếu tổ chức, không tuân theo quy luật của tự nhiên cũng đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và con người sẽ phải bị "trừng phạt" nặng nề. Sự "phản ứng" của tự nhiên đã bắt đầu cản trở bước tiến của sản xuất xã hội, tác động tiêu cực đến bản thân con người. Sự xung đột giữa con người và tự nhiên đã mang tính toàn cầu.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta góp phần vào việc tìm hiểu những nguyên nhân xã hội - kinh tế của những vấn đề toàn cầu.

a- Vấn đề chiến tranh và hoà bình đang là "điểm nóng" của thế giới. Sức tàn phá của chiến tranh huỷ diệt sẽ to lớn về các mặt kinh tế, chính trị, những hậu quả của nó về tâm lý, xã hội cũng nặng nề. Ngǎn chặn chiến tranh, bảo vệ hoà bình là nhiệm vụ trọng tâm của loài người, và ở đây chúng ta có thể tìm được phần nào lời giải đáp trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

b- Vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ngày nay đang được đặt ra khẩn cấp về sự khai thác và tàn phá của con người làm cho tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Việc sử dụng diện tích canh tác trở nên vô cùng khó khǎn, do người thì sinh sôi nảy nở nhanh chóng mà đất đai không những không được mở mang mà còn bị thu hẹp nhiều. Hiện nay, con người trên hành tinh sử dụng khoảng 1,5 tỉ hécta ruộng đất (từ 10-11% mặt địa cầu), nếu kể cả đồng cỏ, đất rừng thì tỉ lệ ấy cũng chỉ khoảng 15-20%, mà hàng nǎm thế giới bị mất 6-7 triệu hécta đất tốt. Cùng với sự gia tǎng dân số, diện tích canh tác hàng nǎm cứ bị thu hẹp dần.

Các nguồn tài nguyên khác cũng đang cạn dần. Với tốc độ khai thác hiện nay, mỗi nǎm thu được 600 tỉ tấn dầu mỏ, thì liệu con người còn có thể sử dụng loại nhiên liệu quý này trong bao nhiêu nǎm nữa? Theo tính toán của các nhà bác học thời gian khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên dưới đất được tồn tại như sau: nhôm đủ dùng cho 570 nǎm; sắt trong 250 nǎm; kẽm 25 nǎm; đồng 29 nǎm; chì 19 nǎm; thiếc 35 nǎm... Theo dự tính đến nǎm 2500 việc khai thác các quặng mỏ kim loại sẽ kết thúc, trong số đó các loại mỏ quý càng sớm chấm dứt (vàng, bạc, bạch kim, đồng, niken... vào nǎm 2000-2100; côban, mǎnggan, nhôm vào khoảng nǎm 2100-2200...). Việc khai thác nguồn nước làm thuỷ điện - than trắng - cũng không tồn tại được lâu, vì rừng đầu nguồn bị tàn phá.

Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng ấy, có thể càng tệ hơn vì nạn khai thác bừa bãi, tuỳ tiện, vì sự tàn phá rừng và các nguồn nước.

Những lời di huấn của Hồ Chí Minh về bảo vệ "rừng vàng, bể bạc", giúp chúng ta hiểu tính cấp thiết của gìn giữ, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

c- Vấn đề môi trường sinh thái ngày nay cũng là vấn đề cấp thiết đối với con người, vì sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hiện đại, vì sự tàn phá của chiến tranh và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Hậu quả của môi trường sống ngày một xấu đi có ảnh hưởng đến khí hậu, sức khoẻ, mọi lĩnh vực khác của đời sống con người. Mỗi nǎm bầu khí quyển tiếp nhận một khối lượng lớn chất thải của con người: 250 triệu tấn bụi, gần 70 triệu mét khối hơi đất, gần 145 triệu tấn điôxítsulfua (lưu huỳnh),1 triệu tấn hợp chất chì, hàng chục vạn tấn hợp chất khác. Chất thải vào không trung phá huỷ tầng ôdôn, làm bức xạ mặt trời tǎng lên, làm ô nhiễm môi trường sống.

Tài liệu về việc giảm lượng nước ngọt đã minh chứng hậu quả trên. Theo số liệu khoa học, hiện nay trên hành tinh chúng ta có 1,4-1,6 tỷ km3 nước. Trong khối lượng này, nước ở các đại dương chiếm 94%, nước trong các tầng bǎng giá, trong bầu khí quyển chiếm 2%; nước dùng cho sinh hoạt chiếm tỷ trọng rất nhỏ lại phân phối không đều ở các khu vực và bị ô nhiễm. Mỗi nǎm 160 km3 nước thải công nghiệp làm bẩn 4000km3 nước sông các vùng dân cư. ở một vài nước công nghiệp phát triển, 25% nước các dòng sông bị ô nhiễm nặng. Việc khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa thế giới, mỗi nǎm thu 13-14 triệu tấn dầu thô lại làm bẩn 13-14 nghìn m3 nước đại dương; đó là chưa kể việc cháy các giếng dầu (mà nguyên nhân chủ yếu là do chiến tranh), nạn đắm tàu chở dầu gây ra sự ô nhiễm lâu ngày ở một vùng biển rộng lớn.

Diện tích rừng được che phủ bằng cây xanh trên thế giới giảm đáng kể. Những khu rừng nguyên sinh trở thành của hiếm. ở nhiều nước, đồi trọc, núi trọc trở nên phổ biến. Rừng trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 3,9 tỷ hécta; diện tích mất rừng đã lên tới 9,3 tỷ hécta, gấp hơn 2,5lần diện tích rừng hiện có. Theo số liệu của FAO nǎm 1981, cứ mỗi phút có những 20-40 hécta rừng trên thế giới bị phá1 . Rừng bị tàn phá, môi sinh của nhiều giống thực vật, động vật cũng không còn. Cùng với nạn sǎn bắn, nhiều động vật quý bị diệt chủng dần và mất nơi sinh sống.

Mâu thuẫn giữa môi trường tự nhiên và cuộc sống con người trên hành tinh trở nên gay gắt. Công nghiệp hoá và đô thị hoá, những điều kiện mới của lao động và sinh hoạt, cơ giới hoá và tự động hoá sản xuất, sự phát triển mạnh mẽ của hoá học, sự thay đổi hệ môi sinh, sự tàn phá và làm biến đổi nhanh chóng thiên nhiên của con người. Nó đặt ra các vấn đề cấp thiết, có tính chất toàn cầu là phải giải quyết sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên.

Hồ Chí Minh chưa có điều kiện để suy nghĩ toàn diện, sâu sắc những vấn đề môi trường sinh thái, đang đặt ra cho ngày nay. Song, trong cuộc đấu tranh cứu nước, Người đã ý thức về quan hệ giữa môi trường thiên nhiên với hoạt động và sinh sống của con người, nhất là thời kỳ hoạt động bí mật và kháng chiến. Người cǎn dặn cán bộ phải tìm nơi làm việc ǎn ở sao cho:

"Trên có núi

Dưới có sông

Có đất ta trồng

Có bãi ta vui..."

Một sự hài hoà trong cuộc sống của con người, lại thuận lợi cho công cuộc cách mạng!

Trong xây dựng hoà bình ở miền Bắc, Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến việc "phải đấu tranh chống những tai hoạ của thiên nhiên...", đến việc "trồng cây" và "bảo vệ rừng".

Chủ trương "Tết trồng cây" của Hồ Chí Minh xây dựng theo phong tục tập quán của dân tộc nhằm mục đích làm cho nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hoà hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn... góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta". Tác dụng của chủ trương này không chỉ ở mặt kinh tế, mà còn thể hiện một cách tổng hoà các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, khoa học, thẩm mỹ. ý nghĩa của nó không chỉ giới hạn trong nước mà lan rộng trên thế giới. Có thể xem Hồ Chí Minh là một trong số ít người của thời đại chúng ta có ý thức và quyết tâm thực hiện việc "trồng cây gây rừng" để "ảnh hưởng tới khí hậu và sức khoẻ của nhân dân". Theo Người, công việc này "chẳng những có ý nghĩa kinh tế to lớn mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn". Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta còn tìm thấy những lời dự đoán tài tình, những lời rǎn dạy quý báu về bảo vệ thiên nhiên: "nếu rừng kiệt thì không còn gì, vì mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán". Người cǎn dặn"phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng..., phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình".

Ngày nay khi hành tinh của chúng ta vang lên tiếng kêu cứu vì bị tàn phá dữ dội, khi nhân loại nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, chống lại nguy cơ thừa cácbonníc, chống lại thiên tai do biến đổi đột ngột về thời tiết, khí hậu, khi mà nhân dân lao động thế giới đấu tranh chống các nước phát triển có thái độ vô trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường sống, thì những ý kiến của Hồ Chí Minh nêu trên có giá trị nhân vǎn, khoa học rất lớn.

Xuất phát từ quan điểm chǎm lo mọi mặt đời sống nhân dân, Hồ Chí Minh quan tâm đến đời sống của con người. Nǎm 1947, với bút danh "Tân Sinh", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới, đề cập toàn diện đến các vấn đề của đời sống, trong đó có môi trường sống. Trong xây dựng nông thôn mới ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở nhân dân "phải giữ gìn vệ sinh, ǎn sạch, uống sạch, ở sạch thì sức mới khoẻ; sức càng khoẻ thì lao động sản xuất càng tốt". Và "muốn có vệ sinh phải có nước sạch, muốn có nước sạch phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch". Những điều chỉ dẫn của Ngừơi thể hiện đặc trưng của tính vǎn hoá rộng lớn của cộng đồng người, nó vẫn có giá trị trong thời đại ngày nay, đặc biệt đối với các dân tộc kém phát triển, vừa thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa thực dân.

Khi chǎm lo đến đời sống yên vui, hoà bình của nhân dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và gay gắt lên án những kẻ chế tạo và âm mưu sử dụng vũ khí giết người hàng loạt gây tác hại lớn với môi trường sống. Người cho rằng việc thử bom hạt nhân ở khu vực Thái Bình Dương gây nên "mưa phóng xạ sẽ tràn về phương Nam đến Inđônêxia, ấn Độ, Nam Việt Nam, châu Phi, châu Nam Mỹ..."cho nên phải kiên quyết đòi triệt để cấm vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học huỷ diệt môi trường, gây thảm hoạ cho nhân dân lao động thế giới".

Một điều chúng ta rút ra từ tư tưởng Hồ Chí Minh là cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, tổ chức đời sống mới phải gắn liền với đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình thế giới.

d- Việc xoá đói, giảm nghèo, chống mù chữ, phòng trừ bệnh tật cũng là vấn đề lớn của thời đại, mà nhân loại phải cùng nhau giải quyết.

Một vấn đề lớn đang đặt ra cho loài người là "sự bùng nổ" dân số. Nǎm 1000 dân số thế giới mới có 265 triệu người, nǎm 1990 đã tǎng lên 4630 triệu và hiện nay đã vượt con số 5 tỷ người. Theo dự đoán, đến nǎm 2000, dân số toàn cầu sẽ đạt đến mức 6,2 tỷ, nǎm 2010 là 7 tỷ và đến 2050 sẽ có 10-12 tỷ người. Tốc độ tǎng dân số cũng quá nhanh: trong khoảng từ nǎm 1800 đến nǎm 1849, tỷ lệ tǎng dân số trên thế giới trung bình là 0,5%; đến những nǎm 1965-1975 tỷ lệ này là 2% và đến những nǎm 1980-1983 hạ xuống còn 1,7%. Song tỷ lệ tǎng dân số ở một số nước, chủ yếu là các nước kém phát triển vẫn còn khá cao: 3-4%.

Việc tǎng dân số kéo theo nhiều hậu quả lớn. Số dân tập trung ở các đô thị quá cao, không có đủ điều kiện vật chất cần thiết để đảm bảo cho cuộc sống người lao động; nạn mù chữ phát triển, hiện nay số người không biết đọc, biết viết trên thế giới lên tới 820 triệu người, chủ yếu tập trung ở các nước chậm phát triển; dự tính đến nǎm 2000 con số này sẽ tǎng lên 1 tỷ.

Nạn đói cũng là cǎn bệnh kinh niên của nhân dân lao động ở các nước vốn là thuộc địa, phụ thuộc cũ. Hiện nay có nhiều nguyên nhân đưa đến nạn đói và mức sống thấp ở các nước kém phát triển và nguyên nhân quan trọng nhất là do dân số tǎng nhanh mà sản xuất còn thấp. ở Bǎngđalét, lương thực chỉ tǎng 1,8% mà dân số tǎng 3% mỗi nǎm. ở châu Phi, lương thực tǎng 1-1,5%, dân số lại tǎng 2,9-3%. Nếu ở các nước phát triển, khẩu phần ǎn mỗi người được đảm bảo 3200-3400 calo, thì ở các nước kém phát triển chỉ đạt được 2200 calo, nhiều khi giảm xuống 1700-1500 calo.

Tình trạng bệnh tật còn khá nghiêm trọng ở các nước đói kém. Những bệnh thời đại như AIDS, ung thư... vẫn là mối hiểm hoạ cho cả nhân loại.

Hồ Chí Minh chưa có dịp đề cập đến các vấn đề nêu trên, nhưng trong hoạt động của mình, đặc biệt từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Người đã hết lòng chǎm lo đến đời sống nhân dân. Việc chống giặc đói, giặt dốt được đặt ngang hàng với việc chống ngoại xâm, thể hiện tư tưởng chiến lược của Người không chỉ với dân tộc mà cả với thời đại, tư tưởng này phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng xã hội mới của nhân dân các nước đã giành được độc lập. Những nhận thức của Người như: "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", con đường để xoá đói, giảm nghèo là tǎng gia sản xuất vẫn còn nguyên giá trị đối với các dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử và mang tính chất thời đại. Những giá trị đích thực của tư tưởng này đã trở thành bài học kinh nghiệm cho hiện tại, soi sáng nhận thức và hành động của việc thực hiện một tương lai hợp lôgích của sự phát triển xã hội. Việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu của cuộc sống, là sự đảm bảo cho việc giải quyết những vấn đề lớn của thời đại, nổi bật là những vấn đề toàn cầu.

KẾT LUẬN

Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới thể hiện thế giới quan của dân tộc Việt Nam, của giai cấp công nhân, đồng thời phản ánh quan điểm, nhận thức của nhân loại tiến bộ, mà chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu. ở đây, chúng ta nhận thấy, Hồ Chí Minh quán triệt, vận dụng những quan điểm cơ bản của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, song tài nǎng trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh đã làm phong phú, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, đã có những đóng góp thiết thực to lớn vào lý luận về giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội của các dân tộc vốn là thuộc địa và phụ thuộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới hình thành và phát triển trong những điều kiện cụ thể của hoàn cảnh lịch sử. Những điều kiện ấy chế định tư tưởng của Hồ Chí Minh, song Hồ Chí Minh đã tạo được sự thống nhất giữa điều kiện khách quan với nǎng lực tư duy và hoạt động thực tiễn của bản thân. Sự thống nhất là một nhân tố đảm bảo được sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần vào sự thành công của cách mạng thế giới. Hồ Chí Minh đã xác nhận quy luật mà V.I. Lênin đề xuất về sự thống nhất của những nhân tố khách quan và chủ quan trong hoạt động cách mạng.

ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới được xác nhận bởi những luận điểm quan trọng của Người về cách mạng thế giới, đặc biệt về cách mạng giải phóng dân tộc, và những kết quả thực tiễn trong cuộc sống mà Người đã góp phần tạo nên. Những sự xuyên tạc, bịa đặt hòng hạ thấp công lao, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh đều bị sự thực khách quan bác bỏ.

Tính chất thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới càng quan trọng, thiết thực đối với cuộc sống ngày nay của các dân tộc, nhất là nhân dân các nước kém phát triển, vừa giành được độc lập, tự do. ý nghĩa lịch sử, tính chất thời đại của một sự kiện, một tư tưởng quan hệ mật thiết với nhau. Những giá trị đích thực của quá khứ bao giờ cũng là bài học, kinh nghiệm cho hiện tại, soi sáng nhận thức và hành động ở hiện tại và thực hiện một tương lai hợp lôgích của sự phát triển xã hội. Cho nên chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là "nền tảng tư tưởng", "kim chỉ nam cho hành động" của chúng ta. Sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nói riêng, là một hiện tượng hợp quy luật. Tư tưởng nào cũng sinh ra trong những bối cảnh, điều kiện lịch sử nhất định và tồn tại trên những cơ sở đã tạo nên nó. Nhưng tư tưởng Hồ Chí MInh, cũng như những tư tưởng tiến bộ khác vẫn "sống mãi" và nó kế thừa những giá trị "vĩnh cửu" của nhân loại, đáp ứng được những yêu cầu của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một đóng góp vào kho tàng vǎn hoá nhân loại. Hơn nữa, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là kết quả nǎng lực tư duy và hoạt động của bản thân Hồ Chí Minh, mà còn của nhân dân Việt Nam, của nhân loại tiến bộ. Các thế hệ đương thời và tiếp nối sẽ kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Giá trị của tinh hoa vǎn hoá nhân loại, đặc biệt lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống dân tộc, kết quả hoạt động thực tiễn, việc đáp ứng yêu cầu lâu dài của cuộc sống... làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn.

Việc vận dụng sáng tạo, có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nói riêng là yêu cầu có tính quy luật của nghiên cứu khoa học. Nó thể hiện việc kết hợp lý luận với thực hành, điều chỉnh lý luận và hoạt động thực tiễn, làm cho tư tưởng được phong phú, có sức sống mạnh mẽ.

Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống trước hết phải tuân thủ những nguyên tắc phương pháp luận khoa học, cả những vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phải tiến hành trên cơ sở sự kiên định trong nhận thức và hành động cho mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghiã đã được lựa chọn, hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người. Đó là sự lựa chọn của lịch sử, của nhân dân, của Đảng và Hồ Chí Minh. Một sự dao động, viêc hiểu biết không thấu đáo, sự vận dụng giáo điều ... là những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống.

Thứ hai, nắm vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt những vấn đề cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu quan trọng của việc tiếp thu và vận dụng. Đó là những tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập tự do", "thà chết không làm nô lệ", "bốn bể đều là anh em", "dĩ bất biến ứng vạn biến", "nói đi đôi với làm", ...

Thứ ba, thấm nhuần tinh thần đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là việc thực hiện một nguyên tắc phương pháp luận có tính chất quyết định sự thành công của cách mạng.

Thế giới tự nhiên và xã hội luôn luôn vận động, phát triển. Đó là quy luật. Vì vậy trong nhận thức và hành động, Hồ Chí Minh chống việc rập khuôn, công thức, Người thường cǎn dặn phải vươn tới cái mới, nghiên cứu cái mới, ủng hộ cái mới với tinh thần đổi mới. Công cuộc đổi mới, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hiện nay thực hiện những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho xã hội Việt Nam phát triển theo xu thế chung của sự phát triển lịch sử thế giới.

Từ kết quả nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới, chúng tôi rút ra một số nhận thức, có thể xem như những kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước về những vấn đề có liên quan đến vấn đề đang tìm hiểu:

a- Việc giáo dục, phổ biến tuyên truyền những vấn đề của thế giới (lịch sử và hiện tại), là cơ sở để nhận thức đúng đắn về thời đại, về sự khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa đã được lựa chọn. Những nǎm gần đây, giới nghiên cứu phương Tây đẩy mạnh việc biên soạn, xuất bản nhiều chuyên khảo về thời đại chúng ta làm một cǎn cứ "khoa học" cho việc tấn công vào chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào cách mạng thế giới và Hồ Chí Minh. Điều này không thể không gây ra những hậu quả xấu trong nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, như bǎng hoại tư tưởng cách mạng, giảm sút lòng tin vào sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội khoa học, tiếp nhận thụ động những độc hại của nếp sống vǎn hoá tư sản thù địch... Sự hoà nhập vào cộng đồng quốc tế là việc cần thiết, song không để bị hoà tan vào chủ nghĩa tư bản, xa rời mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước. Đây là bài học mà chúng ta rút ra trong bước đầu quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Chính lòng yêu nước, tinh thần dân tộc khiến cho Nguyễn Tất Thành, với vốn kiến thức ít ỏi về thế giới, xa lạ với cuộc sống nước ngoài, đã biết tiếp nhận những gì tốt đẹp nhất để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình.

b- Tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập tự do" và tinh thần "thà chết không làm nô lệ!" cần được quán triệt trong việc "mở cửa", "làm bạn" với thế giới bên ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam "có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc" thì cũng sẽ bảo vệ độc lập dân tộc, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc bảo vệ độc lập, tự do vẫn phải tiến hành trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, trước hết về kinh tế và vǎn hoá. Không thể vì lợi ích nhất thời, cục bộ mà vi phạm đến chủ quyền dân tộc, độc lập, tự do của nhân dân. Không thể tiếp thu vǎn hoá nước ngoài mà đánh mất bản sắc dân tộc. Tư tưởng tự lực tự cường, độc lập tự chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng cần được quán triệt trong mọi hoạt động đối ngoại của chúng ta hiện nay, thể hiện việc kiên trì vừa hợp tác vừa đấu tranh.

c- Sự đoàn kết quốc tế trên tinh thần quốc tế vô sản vẫn có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay. Việc bảo vệ độc lập dân tộc, gìn giữ hoà bình thế giới vẫn gắn với việc ủng hộ các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế, phong trào cách mạng thế giới và xã hội tiến bộ, vǎn minh nhân loại. Một dân tộc thuỷ chung, giàu nhân nghĩa như dân tộc Việt Nam không bao giờ quên ơn và nghĩa vụ quốc tế của mình. Việc mở rộng mối bang giao, việc "muốn làm bạn với tất cả mọi người" càng làm chúng ta xích gần hơn với nhân dân các nước, trước hết là nhân dân các nước cùng một điều kiện, mục tiêu, yêu cầu phát triển đất nước.

Việc "đối thoại hoà bình", việc gia nhập vào cộng đồng quốc tế, việc hợp tác với các nước, nhất là các nước phát triển... không hề làm giảm ý nghĩa của việc đoàn kết quốc tế, càng không phải là việc thủ tiêu cuộc đấu tranh cho lý tưởng cách mạng của chúng ta. Dĩ nhiên hình thức đấu tranh phải linh hoạt, khéo léo, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại ngày nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi với chúng ta, thể hiện trong tư duy, hoạt động cụ thể. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh được phát triển và phong phú hơn.

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995

.

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.