Phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Đại đoàn kết toàn dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều nhân tố nhưng trước hết là phụ thuộc vào việc phát huy được hay không vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhận thức rõ ý nghĩa đó, Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”1. Trên tinh thần ấy, tại Đại hội lần thứ X, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” 2. Đại hội XI tiếp tục nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”3. Những quan điểm trên đây cho thấy, Đảng ta đã xác định:

Trước hết, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng vì mục tiêu chung của dân tộc chứ không nhằm phục vụ cho lợi ích của riêng một giai cấp, tầng lớp nào. Vì vậy, xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị. Đảng ta cho rằng, trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau hướng tới tương lai; cần tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, đề cao tinh thần dân tộc. Như vậy, đối tượng đoàn kết rất rộng rãi, bao gồm tất cả những người Việt Nam tán thành mục tiêu chung, với nguyện vọng, ý chí của dân tộc, củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công dân, nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc có nền tảng là liên minh giữa giai cấp công dân, nông dân và đội ngũ trí thức. Đó là những đồng minh tự nhiên, là lực lượng cơ bản trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và trong thời kỳ xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Giữa giai cấp công dân, nông dân và đội ngũ trí thức có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau và thống nhất với lợi ích của toàn dân tộc. Do vậy, sự vững chắc của liên minh này là cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở liên minh này, Đảng ta đề ra nhiệm vụ quan tâm giáo dục, đào tạo bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân; xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao; tạo điều kiện xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đạo đức và trách nhiệm xã hội cao,v.v..4

Thứ ba, thực hiện đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở những điểm tương đồng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta cho rằng cần phát huy những yếu tố tương đồng, cố gắng tìm ra mẫu số chung của tất cả các giai cấp, tầng lớp; quy tụ sức mạnh của tất cả các bộ phận cấu thành dân tộc ta. Trong thời kỳ hiện nay, đại đoàn kết toàn dân tộc “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung…để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”5.

Có thể nói, xét đến cùng, cơ sở sâu xa của sự tương đồng xuất phát từ lợi ích chung của các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội. Nói cách khác, cơ sở của sự đoàn kết phải phản ánh được lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội”6. Sự kết hợp hài hoà các lợi ích là động lực cơ bản, là nhân tố quyết định sự phát triển xã hội. Nhưng sự kết hợp hài hoà các lợi ích không phải là điều hoà, bình quân lợi ích, mà phải đảm bảo công bằng trong xã hội. Do vậy, về thực chất, khả năng mở rộng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tuỳ thuộc một cách quyết định vào việc giải quyết một loạt các mối quan hệ lợi ích: lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; lợi ích gia đình và lợi ích xã hội; lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc; lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế... Thông qua đường lối, chính sách, Đảng và Nhà nước ta thực hiện sự điều chỉnh cơ cấu lợi ích trên nguyên tắc kết hợp hài hoà các lợi ích, trong đó lấy lợi ích xã hội, lợi ích tập thể đặt lên trên lợi ích cá nhân, trên cơ sở tôn trọng và đề cao lợi ích cá nhân. Đảm bảo quyền lợi chính đáng, gắn lợi ích với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của các cá nhân trong xã hội để tự làm giàu cho bản thân trên cơ sở các điều kiện xã hội tạo ra, qua đó cống hiến cho xã hội. Tạo điều kiện cho các cá nhân thực hiện lợi ích của mình và bảo vệ lợi ích đó. Mỗi cá nhân đều có cơ hội và nghĩa vụ như nhau trong xã hội. Khuyến khích làm giàu chính đáng, cùng với làm giàu phải xoá đói giảm nghèo, hạn chế phân hoá giàu nghèo, phân cực xã hội. Phải đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Tuy nhiên, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị thế giới, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với phong trào cách mạng đấu tranh vì hoàn bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội nên việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết cũng đặt ra nhiều vấn đề mới.

Trong nước, có lúc, có nơi vẫn còn sự mất đoàn kết, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân về những lợi ích cục bộ, lợi ích trước mắt. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện những mục tiêu chung của đất nước, cũng như cản trở việc thực hiện những lợi ích riêng của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là các giai cấp, tầng lớp lao động cơ bản của xã hội là công nhân, nông dân và trí thức. Đó là tình trạng mất công bằng trong việc sử dụng tư liệu sản xuất chủ yếu, trong phân bổ các nguồn lực cho phát triển giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội; tình trạng phân phối của cải và phúc lợi xã hội chưa hợp lý, có biểu hiện bất công; tình trạng phân hoá giai cấp, phân hoá xã hội; sự chênh lệch, bất bình đẳng trong việc thụ hưởng phúc lợi xã hội giữa những người lao động, giữa các vùng miền và các tầng lớp dân cư;v.v.. Những điều này đã làm giảm sự đoàn kết thống nhất toàn dân trong việc phối hợp thực hiện những mục tiêu chung, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triểnkinh tế - xã hội chung của đất nước. Đúng như tại Đại hội XI, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận: “Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế đầy đủ bằng pháp luật; hoặc đã được thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên;v.v..”7.

Ngoài ra, ở một số lĩnh vực cụ thể đã xuất hiện những mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân và lợi ích xã hội, cản trở sự phát triển chung của xã hội:

- Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội về mặt nghĩa vụ, quyền lợi trong việc thụ hưởng các lợi ích. Trong xã hội hiện nay, bên cạnh đa số cá nhân tích cực tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội thì vẫn có một bộ phận không nhỏ cá nhân còn trốn tránh nghĩa vụ cá nhân đối với việc thực hiện những lợi ích chung của xã hội. Hiện tượng trốn lậu thuế, cản trở quá trình thực hiện lợi ích của các cá nhân, các nhóm, các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại phức tạp. Nhiều cá nhân còn xâm hại lợi ích của tập thể của xã hội, thực hiện lợi ích cá nhânbằng mọi giá. Đặc biệt hiện nay còn xuất hiện mâu thuân giữa quần chúng nhân dân với một bộ phận không nhỏ cá nhân là cán bộ bị thoái hoá biến chất gây ra tệ tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và nhân dân. Điều này làm cho việc giải quyết quan hệ lợi ích khó hài hoà.

- Mâu thuẫn giữa tiềm năng phát triển phong phú đa dạng của cá nhân với môi trường xã hội trong đó điều kiện, cơ sở vật chất chưa thuận lợi cho việc thực hiện các lợi ích và phát triển cá nhân. Biểu hiện của mâu thuẫn này là tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm, thời gian lao động nhàn rỗi ở các địa phương còn rất lớn, trong khi tiềm năng kinh tế ở các vùng miền kinh tế còn dồi dào chưa được khai thác có hiệu quả. Đời sống của cá nhân người lao động ở nhiều vùng còn rất thấp, môi trường xã hội trong đó đạo đức, lối sống, văn hoá,… bị xuống cấp. Điều này làm gia tăng thêm khoảng cách giữa cá nhân và xã hội, cản trở sự phát triển xã hội theo những mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, để huy động, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta phải có một cách nhìn toàn diện có tính chiến lược về vấn đề này. Có như vậy mới huy động được nhân tài, vật lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Để tăng cường, củng cố và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, chúng ta cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có thể nói, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với việc tăng cường, củng cố, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua đường lối, chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước đã tạo cơ sở cho sự thống nhất các lợi ích, thống nhất về ý chí và hành động của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là giữa giai cấp công nhân, nông dân và trí thức. Do vậy, tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ hiện nay.

Thứ hai, cần đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, mọi chính sách phát triển phải lấy con người là mục tiêu, tạo mọi điều kiện để con người phát huy tốt nhất những năng lực bản chất của mình. Có như vậy chúng ta mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nhân cách cao đẹp... của các cá nhân vào quá trình phát triển đất nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta, khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội còn hạn hẹp, trong khi đó nguồn lực con người Việt Nam lại vô cùng phong phú.

Thứ ba, phải coi trọng việc tăng cường, củng cố khối liên minh công - nông - trí trong điều kiện hiện nay.

Trong những năm qua, sự đoàn kết, thống nhất giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, quan hệ giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nhất là trong quan hệ lợi ích kinh tế, có một số vấn đề nảy sinh, ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng khối liên minh công - nông - trí, và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp ở những lợi ích cục bộ, lợi ích trước mắt, dẫn đến thái độ thiếu hợp tác, nhất trí trong sản xuất và các hoạt động xã hội chung. Điều này ít nhiều tác động tiêu cực, cản trở việc xây dựng, phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Lịch sử của dân tộc ta đã chứng tỏ khi nào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy thì đất nước ta được phát triển, biên cương của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, lòng dân an bình, xã hội phát triển về mọi mặt. Do vậy, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng, phát huy vai trò to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có như vậy, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc mới vững chắc.

___________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.23.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.116

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.48.

4. Xem:Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.49-50 và 240-243.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.239-240.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.240.

7. Xem:Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.171

PGS.TS Trần Văn Phòng

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.