09:34 | 08/12/2022
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Tôi xin trình bày bản Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về: Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1976-1980.
Phần thứ nhất
Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chung
Giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng kế hoạch 5 năm 1976-1980.
Đây là lúc chúng ta càng thấm thía những lời Di chúc của Hồ Chủ tịch mang lòng thương yêu vô hạn đối với quần chúng nhân dân, vạch ra trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta:
"Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải là một kế hoạch thật tốt.
Muốn vậy, kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải có sự bố trí chiến lược đúng, phát huy các lực lượng sản xuất bao gồm lực lượng lao động và phương tiện sản xuất, khai thác các tiềm năng, khơi động lực lượng của quần chúng, một sự bố trí chiến lược hợp cho 5 năm này và thuận với hướng tiến lên lâu dài. Đồng thời phải có tổ chức và biện pháp thực hiện có hiệu lực mạnh mẽ, rút được kết luận từ ưu điểm và khuyết điểm trong thời gian vừa qua, đáp ứng những yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân và của đời sống nhân dân.
*
* *
Bước sang giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng, nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta phấn khởi và tự hào với những thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực.
Thực tiễn cách mạng rất phong phú chứng minh đường lối của Đảng vạch ra từ Đại hội III và được các hội nghị Trung ương từng bước bổ sung và cụ thể hoá phù hợp với những bước đi lên của cách mạng nước ta là rất đúng đắn.
Sau 20 năm cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà phần lớn thời gian phải làm đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, ngày nay trên miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân ta đã xây dựng một cách vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, với cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu của chủ nghĩa xã hội, với hệ tư tưởng và nền văn hoá mới, với cuộc sống mới và những con người mới.
Thực tiễn cách mạng trên miền Bắc đã làm nổi bật tác dụng lãnh đạo của Đảng, chế độ làm chủ tập thể của nhân dân, vai trò quản lý của Nhà nước, đã chứng minh sự tất yếu phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, đã vạch rõ nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ là đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đã cho thấy tác động qua lại giữa xây dựng và cải tạo, giữa cải tạo và xây dựng, đã soi sáng sự gắn bó chặt chẽ, thành cơ cấu, giữa công nghiệp và nông nghiệp, đã đặt ra vấn đề tổ chức và quản lý với tất cả ý nghĩa quan trọng của nó.
Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chúng ta có thêm nhiều năng lực sản xuất mới rất phong phú; kinh tế hai miền hỗ trợ và bổ sung cho nhau; tiềm lực kinh tế và tiềm lực mọi mặt của nước ta tăng lên gấp bội đã tạo ra những triển vọng rất to lớn, mở ra tiền đồ xán lạn cho Tổ quốc ta.
Những bài học và những kinh nghiệm về xây dựng và quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cùng với những kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước kể từ sau ngày chiến thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, là vô cùng quý báu đối với chúng ta.
Cũng như trước đây trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, ngày nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm 1976-1980, chúng ta ra sức phát huy truyền thống và bản lĩnh của dân tộc, động viên mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, tranh thủ sự ủng hộ của anh em và bè bạn, vận dụng một cách thông minh những bài học lớn vào việc phát triển kinh tế và văn hoá.
Như bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày đã vạch rõ, đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội là: "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".
Đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: "Đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp; vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tăng cường quan hệ phân công, hợp tác, tương trợ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi; làm cho nước Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công - nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học, kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc".
Kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải vận dụng đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng hợp với tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội hiện nay, đồng thời mở ra hướng tiến lên tốt đẹp của cả nước ta.
ánh sáng của đường lối của Đảng làm nổi bật những thuận lợi to lớn và cơ bản, những khó khăn tạm thời trong bước trưởng thành, cho thấy rõ nền kinh tế của chúng ta là một nền kinh tế đang trên đà lớn mạnh, bản thân nó có sức sống mãnh liệt, với những khả năng dồi dào cho phép đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh.
Chúng ta có đội ngũ 22 triệu người lao động, mỗi năm tăng thêm chừng 1 triệu người lao động mới; trong đội ngũ đó hiện có nửa triệu cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật và một triệu công nhân có nghề. Chúng ta có một diện tích đất nông nghiệp có thể mở rộng đến hơn 10 triệu hécta và làm nhiều vụ trong năm; 3.200 kilômét bờ biển và vùng biển rộng lớn; hàng chục triệu hécta rừng và đất rừng; nguồn năng lượng đa dạng và nhiều loại khoáng sản đủ để xây dựng một nền công nghiệp hiện đại; đường giao thông thuận lợi cho giao lưu trong nước và với nước ngoài. Chúng ta có một số cơ sở công nghiệp nặng, một hệ thống công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, một khối lượng thiết bị, máy móc, vật tư mà hiện nay chúng ta chưa tận dụng hết khả năng.
Lao động dồi dào, tài nguyên phong phú và những cơ sở vật chất - kỹ thuật nói ở trên, hiện nay phân bố chưa hợp lý, chưa thành một cơ cấu kinh tế cân đối và đồng bộ, chưa được quản lý tốt, cho nên nguồn tạo của cải thì nhiều mà khối của cải được sản xuất ra chưa tương xứng. Trong tình trạng đó đã nảy sinh nhiều sự lãng phí, nhiều điều khó khăn và những hiện tượng kinh tế, xã hội tiêu cực mà chúng ta phải đấu tranh để khắc phục.
Những khó khăn và những chỗ yếu, kém kể trên bắt nguồn từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh nhiều năm và chủ nghĩa thực dân mới phá hoại nặng nề.
Để thực hiện đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng, kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải thực hiện một sự bố trí chiến lược đúng đắn, nhằm hai mục tiêu cơ bản:
1. Xây dựng một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước mà bộ phận chủ yếu là cơ cấu công - nông nghiệp.
2. Cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động.
Làm tốt hai việc đó là chuẩn bị cơ sở và tiền đề, tạo ra bàn đạp để đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những kế hoạch tiếp sau.
Xây dựng một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới trong 5 năm 1976-1980 đòi hỏi phải tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lao động, đi đôi với một chính sách đầu tư đúng hướng nhằm sử dụng tốt nhất lực lượng lao động, các thiết bị, máy móc, vật tư, tác động ngay đến các loại tài nguyên cần khai thác trước nhất và nhanh nhất, tăng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân theo một nhịp độ nhanh. Đồng thời, phải bước đầu hình thành một cơ cấu kinh tế phù hợp với đường lối của Đảng, quán triệt nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, cho phép giải quyết tốt các mối quan hệ lớn của nền kinh tế quốc dân, như đã được nêu rõ trong đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Cải thiện một bước đời sống của nhân dân (đặc biệt chú trọng nhân dân các vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề) là nhằm trước hết những nhu cầu thông thường về ăn, mặc, ở, đồ dùng hàng ngày, về học tập, bảo vệ sức khoẻ..., thực hiện phân phối công bằng, hợp lý, thuận tiện cho nhân dân, chú trọng những tầng lớp nhân dân lao động hiện đang làm những việc khó khăn, nặng nhọc, đòi hỏi kỹ thuật cao, sản xuất nhiều sản phẩm quý, xây dựng những công trình quan trọng. Đi đôi với việc chăm lo đời sống vật chất, phải chú trọng cải thiện đời sống văn hoá của nhân dân, tạo ra cuộc sống mới, với những quan hệ xã hội tốt đẹp, là nguồn phấn khởi và niềm vui của người lao động.
Theo hai mục tiêu trên đây, những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm 1976-1980 là:
1. Tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp; phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm (bao gồm cả thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp) nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và một phần quan trọng hàng tiêu dùng thông dụng; cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, tạo tích luỹ cho công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.
2. Phát huy năng lực sẵn có và xây dựng thêm nhiều cơ sở mới về công nghiệp nặng, đặc biệt là cơ khí, nhằm phục vụ trước hết cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp nhẹ, chuẩn bị cho bước trang bị kỹ thuật trong thời kỳ tiếp theo. Tích cực mở manggiao thông vận tải; tăng nhanh năng lực xây dựng cơ bản; đẩy mạnh công tác khoa học - kỹ thuật. Chuẩn bị về mọi mặt để triển khai xây dựng lớn trong những kế hoạch dài hạn sau này.
3. Sử dụng hết mọi lực lượng lao động xã hội; tổ chức và quản lý tốt lao động, phân bố lại lao động giữa các vùng và các ngành nhằm tăng rõ rệt năng suất lao động xã hội. Hình thành bước đầu cơ cấu kinh tế mới công - nông nghiệp, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, từng bước xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
4. Hoàn thành về cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; cải tiến mạnh mẽ công tác thương nghiệp, giá cả, tài chính, ngân hàng.
5. Tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, trước hết là sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài.
6. Ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế, tiến hành cải cách giáo dục, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và công nhân; thanh toán hậu quả của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới về mặt xã hội.
7. Thực hiện một sự chuyển biến sâu sắc trong tổ chức và quản lý kinh tế, xây dựng một hệ thống mới về quản lý kinh tế trong cả nước.
Sự bố trí chiến lược trên đây trong 5 năm này là hết sức cần thiết và thuận lợi; nó đáp ứng những yêu cầu rất cấp bách, đồng thời nó phát huy những thế mạnh nhất của chúng ta là nguồn lao động dồi dào, đất đai và những tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước ta.
Nhưng, có thể có những đồng chí lo ngại rằng trong kế hoạch 5 năm 1976-1980, chúng ta tập trung lực lượng phát triển nông nghiệp và một số ngành như đã trình bày, thì có coi nhẹ công nghiệp nặng không? Không một chút nào, vì rằng:
1. Tập trung lực lượng phát triển nông nghiệp chủ yếu là tập trung lực lượng các ngành công nghiệp nặng để trang bị cho nông nghiệp; nếu không như vậy thì nông nghiệp nhất định không thể nào vươn lên được.
2. Nông nghiệp cùng lâm nghiệp, ngư nghiệp và các ngành sản xuất hàng tiêu dùng phát triển nhanh chóng sẽ là cơ sở cho sự phát triển với nhịp độ nhanh của các ngành công nghiệp nặng.
Khâu trung tâm của toàn bộ sự lớn lên của nền kinh tế quốc dân là cơ cấu công - nông nghiệp ngày càng hiện đại, gắn liền với sự kết hợp kinh tế trung ương và kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất. Có thể ví cơ cấu công - nông nghiệp ngày càng hiện đại như bộ xương của cơ thể con người, bộ xương có lớn lên vững mạnh và cân đối thì toàn bộ cơ thể mới phát triển đều đặn và tráng kiện.
Nội dung chính của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 gồm hai bộ phận liên quan chặt chẽ với nhau, một bên đóng vai trò cơ sở là nông nghiệp, cùng với lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng, một bên đóng vai trò chủ đạo là công nghiệp nặng, trước hết là cơ khí cùng các ngành công nghiệp nặng khác.
Muốn đẩy mạnh các ngành cơ sở phát triển bao nhiêu, thì phải phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp nặng bấy nhiêu, đồng thời cơ sở càng phát triển, thì càng đòi hỏi công nghiệp nặng vươn lên, cung ứng tư liệu sản xuất, trang bị kỹ thuật cho các ngành cơ sở.
Cơ cấu những ngành chủ yếu đó phải được bố trí hợp lý trên quy mô cả nước cũng như ở từng vùng lãnh thổ, từng tỉnh, huyện, kết hợp chặt chẽ kinh tế trung ương và kinh tế địa phương. Đó là chính sách cơ cấu đúng đắn, nó mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Như vậy, những chủ trương lớn của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 thể hiện nội dung cách mạng và khoa học của đường lối của Đảng vận dụng đúng đắn và sáng tạo quy luật phát triển kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, từ sản xuất nhỏ tiến thẳng lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Trong quá trình tiến lên của nền kinh tế quốc dân, công nghiệp nặng sẽ phát triển với tốc độ ngày càng cao, quy mô ngày càng lớn. Công nghiệp nặng ngày càng được cung ứng nhiều hơn về vốn đầu tư, lực lượng lao động và các lực lượng sản xuất khác, sẽ phát triển nhanh hơn các ngành khác, để trang bị kỹ thuật mới cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trong khi đó, nông nghiệp tiếp tục được coi trọng, cũng lớn lên không ngừng dưới tác động chủ đạo của công nghiệp nặng, để luôn luôn làm cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp nặng.
Trong suốt quá trình tăng cường lực lượng sản xuất, hai mặt xây dựng và cải tạo gắn liền nhau, tác động qua lại với nhau, làm cho quan hệ sản xuất ngày càng được củng cố và hoàn thiện, kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã đều lớn lên.
Đồng thời, đó cũng là quá trình giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ cả về lượng và về chất, nông dân xã viên ngày càng chuyển theo quan điểm tư tưởng của giai cấp công nhân và phong cách lao động công nghiệp, người lao động dần dần được công nhân hoá, con người mới nảy nở dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, về tư tưởng, chính trị cũng như mọi mặt của đời sống, ngày càng hấp thụ và thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tương lai tươi sáng đó mở đầu từ kế hoạch 5 năm này. Những viên đá nền tảng được đặt đúng chỗ và xây vững vàng, thì trên cơ sở đó cả sự nghiệp sẽ lớn lên.
Có đồng chí lo ngại: hiện nay chúng ta gặp khó khăn vì thiếu vật tư, và đây là các loại vật tư nhập khẩu từ nước ngoài (nhất là đối với những cơ sở sản xuất ở miền Nam). Khó khăn đó mọi người chúng ta đều biết, và xét cho cùng, đó là khó khăn của bước đường đi lên. Đứng trước vấn đề này, chúng ta phải nhìn một cách rộng lớn hơn những vướng mắc cụ thể của từng ngành, từng đơn vị sản xuất. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước biết bao công việc hoàn toàn có thể làm được với vật tư trong nước hoặc vật tư ta đang nhập khẩu, với lực lượng lao động và đội ngũ người làm khoa học - kỹ thuật của nước ta. Trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các ngành, nghề sản xuất hàng tiêu dùng, cho đến các ngành công nghiệp nặng như cơ khí, hoá chất, năng lượng, vật liệu xây dựng, khả năng tự lực cánh sinh, sáng chế phát minh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta thật là rộng lớn. Chỉ cần tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết chiến quyết thắng, thì thông minh và sáng tạo sẽ nảy nở và chiến công sẽ đến với những người chiến sĩ kiên cường. Cũng phải thấy rằng chỉ có dựa vào sức mình là chính để phát triển kinh tế, phát triển nhanh hơn mức bình thường các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu,thì chúng ta mới có khả năng nhập khẩu những mặt hàng mà chúng ta phải nhập, và ngày càng phải nhập nhiều hơn, nhất là các loại thiết bị và vật tư mà ta chưa sản xuất được.
Cũng có đồng chí lo ngại về trình độ và năng lực, trình độ lý luận Mác - Lênin, trình độ chính trị, năng lực quản lý, năng lực tổ chức. Đúng, chỗ yếu đáng lo nhất của chúng ta hiện nay là năng lực quản lý, năng lực tổ chức. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại bài học của hai cuộc kháng chiến. Phải đánh 9 năm mới thắng trận Điện Biên Phủ. Phải đánh hơn 15 năm mới có Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trình độ và năng lực về mọi mặt của chúng ta trong việc thực hiện đường lối chung và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ lớn lên trong quá trình phấn đấu nhằm biến những chỉ tiêu của kế hoạch thành hiện thực sinh động.
Lịch sử chỉ đặt ra những vấn đề mà điều kiện giải quyết đã sẵn có hoặc đang xuất hiện. Nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 đòi hỏi chúng ta phải lớn lên nhanh chóng về mọi mặt, phải tiến nhanh, phải cố gắng tiến rất nhanh về năng lực và trình độ quản lý nền kinh tế quốc dân.
Tóm lại, kế hoạch 5 năm đầu tiên sau chiến tranh ở nước ta đặt nhiệm vụ kết hợp phát triển công nghiệp với nông nghiệp trong một cơ cấu kinh tế thống nhất, trên phạm vi cả nước và trên địa bàn từng địa phương, là bước đi hợp lý nhất; tất nhiên, trong quá trình thực hiện phải tuỳ điều kiện địa lý và tài nguyên thiên nhiên từng nơi, mà kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lâm nghiệp, hoặc kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và ngư nghiệp.
Một loạt vấn đề trọng yếu và cấp bách đang và sắp được giải quyết trong kế hoạch 5 năm này, đồng thời một loạt vấn đề mới khác, to lớn hơn, sẽ đặt ra trước mắt chúng ta và phải tiếp tục được giải quyết trong những năm sau. Đây chính là tính liên tục của quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, chúng ta không một chút nào coi nhẹ tăng cường quốc phòng, và tăng cường quốc phòng gắn liền với phát triển kinh tế, phát huy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trang bị cho mọi người dân ý chí chiến đấu để bảo vệ thành quả của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa vĩ đại tự tay mình đã dựng lên.
Sự bố trí chiến lược của kế hoạch 5 năm đòi hỏi tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng lao động, biến cả nước ta thành một công trường. Đó là công trình tổ chức và quản lý có quy mô to lớn và tính chất phức tạp chưa từng có, đặt ra biết bao yêu cầu cấp bách, đòi hỏi giải quyết biết bao vấn đề mới mẻ.
Các cơ quan quản lý nền kinh tế quốc dân từ trung ương đến địa phương và cơ sở phải biết sử dụng một cách hợp lý lực lượng sản xuất hiện có và khả năng tiềm tàng có thể sử dụng được trong việc phát triển ngành, nghề, phát triển sản xuất theo chiều sâu và chiều rộng, thu hút toàn bộ lực lượng lao động của xã hội vào sản xuất và vào mọi công việc cần thiết khác; hàng năm thu hút thêm gần một triệu sức lao động mới. Đây là nguồn vốn quý báu nhất làm ra mọi của cải vật chất và văn hoá, làm thay đổi hàng ngày, hàng giờ bộ mặt của đất nước ta, làm nên những thành tựu kỳ diệu mà chúng ta chưa lường hết được, đưa nước ta, từ một nước có nền kinh tế kém phát triển, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thành một nước giàu mạnh, văn minh, với nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trên đà phát triển mạnh mẽ.
Phần thứ hai
Nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu phát triển các ngành kinh tế và văn hoá
Thưa các đồng chí,
Theo những nhiệm vụ và mục tiêu nêu ở phần trên, kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 phải tận dụng hợp lý nhất và càng nhanh càng tốt mọi lực lượng sản xuất hiện có, bao gồm lực lượng lao động, các nguồn lợi thiên nhiên và phương tiện vật chất, trong đó quan trọng nhất là lao động và đất đai.
Việc tận dụng các lực lượng sản xuất theo tinh thần đó đòi hỏi tất yếu phải đặt lên hàng đầu công cuộc phát triển nền nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Phấn đấu đạt một bước tiến vượt bậc về nông nghiệp là nhiệm vụ cao nhất và cấp bách nhất của kế hoạch 5 năm này.
Một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lâm nghiệp, ngư nghiệp, đề ra những yêu cầu rất lớn đối với các ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đối với xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, lưu thông phân phối, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển cân đối, nhịp nhàng và với tốc độ cao, một bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong kế hoạch 5 năm tiếp sau.
Triển vọng mới, tốt đẹp, mở ra trên lãnh thổ nước ta, từ Bắc đến Nam, từ Tây sang Đông, với sự xuất hiện những vùng nông nghiệp chuyên môn hoá và thâm canh, những vùng kinh tế mới có cơ cấu thích hợp với đồng bằng, trung du, miền núi và ven biển, đưa tới sự hình thành và phát triển nhiều ngành,nghề mới rất phong phú.
Trọng tâm của toàn bộ công cuộc tổ chức lại nền sản xuất xã hội là phân bố lại và sử dụng tốt 22 triệu người lao động; cùng với sự phân bố lại lao động và dân cư, là sự bố trí lại tương ứng các thiết bị, máy móc, vật tư hiện có, và sự phân phối tương ứng các nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch 5 năm này.
Với tổng số vốn khoảng 30 tỷ đồng đầu tư trong thời kỳ kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, chúng ta dành gần 30% cho nông nghiệp; 35% cho công nghiệp.
Một triệu hécta đất canh tác được mở rộng, cùng với những cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nông nghiệp được xây dựng mới; tăng thêm ba triệu hécta đất gieo trồng. Hơn một triệu hécta rừng được trồng mới hoặc được tu bổ, cải tạo. Nhiều cơ sở mới tăng lên trong công nghiệp rừng, ngư nghiệp, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hàng tiêu dùng. Một số cơ sở công nghiệp nặng có nhu cầu cấp bách được xúc tiến xây dựng để phát huy tác dụng trong 5 năm này, một số cơ sở quan trọng khác sẽ được bắt đầu khởi công, để phát huy tác dụng trong kế hoạch sau.
Dự kiến bình quân hàng năm sản phẩm xã hội tăng từ 14 - 15%, thu nhập quốc dân tăng 13 - 14%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 8 - 10%, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 16-18%. Năng suất lao động xã hội tăng 7,5 - 8%. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, cần phấn đấu đạt tốc độ phát triển cao hơn các chỉ tiêu đó, nhất là về những lĩnh vực có điều kiện, đặc biệt trong nông nghiệp.
Nhằm đạt các chỉ tiêu tổng hợp trên đây, nhiệm vụ phát triển các ngành kinh tế và văn hoá như sau:
1. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung cao độ mọi lực lượng của chúng ta để đưa nông nghiệp phát triển một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; đồng thời đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng
Trong kế hoạch 5 năm này, chúng ta tập trung lực lượng của cả nước, của tất cả các ngành, các địa phương phục vụ cho nông nghiệp, làm cho nông nghiệp phát triển rất mạnh mẽ cả về trồng trọt và chăn nuôi, trên khắp các vùng của đất nước để giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực và thực phẩm, tăng nguồn cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp và tăng nhanh hàng xuất khẩu.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách và cơ bản hiện nay về lương thực (cho người và cho chăn nuôi), cả nước ta phải đẩy mạnh cao trào sản xuất lương thực, đồng thời đẩy mạnh sản xuất các loại thực phẩm, cả về thực vật và động vật, để đến năm 1980 đạt ít nhất 21 triệu tấn lương thực quy thóc, 1 triệu tấn thịt hơi các loại.
Trên địa bàn cả nước, các địa phương ở đồng bằng và trung du cần tăng nhanh diện tích cây lương thực đi đôi với thâm canh để có sản lượng lương thực cao nhất, bảo đảm đủ cho nhu cầu của nhân khẩu nông nghiệp ở địa phương mình, làm tốt nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước; các địa phương ở miền núi, trong khi phát huy ba thế mạnh về lâm nghiệp, cây công nghiệp và chăn nuôi, vẫn phải rất coi trọng việc trồng các loại cây lương thực trên những diện tích thích hợp, nhằm tăng thêm sức giải quyết lương thực tại chỗ cho địa phương mình.
Phải rất coi trọng hoa màu. Đẩy mạnh sản xuất hoa màu phải gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở từng vùng. Các địa phương phải có kế hoạch trồng cây hoa màu các loại: ngô, khoai, sắn, khoai tây, cao lương, dong riềng, các loại cây có bột khác..., phấn đấu đưa tỷ trọng hoa màu lên 30% sản lượng lương thực như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Trung ương đã nhấn mạnh. Đi đôi với sản xuất, phải tổ chức tốt việc chế biến hoa màu, việc vận chuyển và phân phối hoa màu đã chế biến, làm cho việc dùng hoa màu trong bữa ăn hàng ngày trở thành một tập quán của nhân dân các vùng trên đất nước ta.
Tăng cường hơn nữa diện tích và sản lượng rau, đậu các loại. Đậu tương, một nguồn đạm quan trọng cho người và gia súc, cần được phát triển mạnh ở khắp nơi; tăng nhanh diện tích cây có dầu như lạc, vừng, dừa, sở, cọ dầu, v.v. để cung ứng dầu và đạm thực vật cho bữa ăn.
Phải rất coi trọng việc trồng cây công nghiệp và cây ăn quả theo hướng sản xuất tập trung và trên quy mô lớn nhằm phục vụ cho công nghiệp và xuất khẩu. Kiên quyết dành diện tích trồng mía để đẩy mạnh sản xuất đường. Phát triển thêm diện tích mía ở một vài địa phương trên miền Bắc, trồng tập trung trên diện tích lớn ở miền Đông Nam Bộ và một phần ở Tây Nguyên. Ưu tiên dành diện tích ở những vùng có điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp (Phú Khánh, Thuận Hải, Cheo Reo) cho cây bông. Chăm sóc diện tích đã trồng cao su để có thu hoạch tốt, đồng thời mở rộng diện tích trồng loại cây nguyên liệu quan trọng này ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Phát triển mạnh diện tích trồng đay, cói ở các tỉnh phía Bắc và Nam Bộ, đồng thời phát triển những cây có sợi khác như gai, lanh, gòn, dứa dại... Mở thêm diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên, phát triển trồng chè và thuốc lá ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và một phần ở phía Nam. Tăng nhanh diện tích các loại cây ăn quả, nhất là dứa, chuối..., phát triển mạnh các loại cây làm thuốc, cây tinh dầu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tận dụng mọi khả năng để đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, đưa chăn nuôi thành một ngành chính, từ đó mà tăng thêm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tăng nhanh nguồn phân bón hữu cơ, tăng thêm sức kéo cho nông nghiệp và lâm nghiệp. Sớm hình thành các vành đai thực phẩm xung quanh các thành phố lớn, các khu công nghiệp để có thịt, cá, rau các loại cung ứng trực tiếp và thuận lợi cho nhu cầu ngày càng lớn của các khu dân cư này. Đẩy mạnh chăn nuôi phải bắt đầu từ việc lập kế hoạch bố trí cơ cấu cây trồng. Kiên quyết dành diện tích trồng cây thức ăn cho gia súc đi đôi với việc tổ chức chế biến thức ăn gia súc. Đàn lợn phải được tăng cả về số lượng và trọng lượng đầu con; coi trọng phát triển đàn lợn gia đình, đồng thời tăng nhanh đàn lợn của tập thể và đàn lợn của quốc doanh. Tích cực khôi phục và phát triển đàn trâu, bò; xây dựng các vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở Mộc Châu, Lâm Đồng, Tuyên Đức...; từng bước mở rộng việc nuôitrâu sữa ở các vùng có điều kiện. Phát triển mạnh việc nuôi gà theo kiểu công nghiệp, đặc biệt là ở các vùng quanh thành phố, khu công nghiệp; phát triển nhanh đàn vịt ở các vùng đồng bằng và ven biển. ở những nơi có điều kiện thì phát triển chăn nuôi dê, thỏ, ngựa, ong...
Với cơ cấu nông nghiệp như trên đây, chúng ta từng bước cải tiến cơ cấu bữa ăn cho có thành phần dinh dưỡng tốt hơn, phù hợp với khả năng và tập quán từng vùng.
Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chúng ta vừa thâm canh, tăng vụ, vừa mở rộng diện tích trồng trọt. Diện tích đất nông nghiệp của chúng ta trong tương lai dù có tăng đến trên 10 triệu hécta (gần gấp đôi mức năm 1975), thì tính theo đầu người diện tích đất nông nghiệp vẫn rất thấp. Do đó thâm canh cao độ là con đường cơ bản và lâu dài trong nông nghiệp nước ta. Trước mắt, để tăng thêm đất canh tác, phải ra sức phục hoá và khai hoang, diện tích được mở đến đâu phải thâm canh ngay đến đó. Trong 5 năm này, chúng ta phấn đấu khai hoang 1 triệu hécta, nhằm chủ yếu vào Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, ngoài ra là một số vùng ở Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ và những nơi có điều kiện ở các tỉnh phía Bắc.
Phát triển nông nghiệp gắn liền với việc đẩy mạnh ba cuộc cách mạng trong nông nghiệp.
Phải ra sức củng cố và hoàn thiện việc quản lý các hợp tác xã nông nghiệp và các nông trường quốc doanh ở các tỉnh phía Bắc, ra sứcxây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Nông nghiệp phía Nam có những điều kiện tốt để đi thẳng và đi nhanh lên sản xuất lớn với những nông trường chuyên canh được trang bị tốt, với những hợp tác xã nông nghiệp có khả năng phát triển nhanh về nhiều mặt.
Cần nắm vững ưu thế về thời tiết và khí hậu của đất nước ta để đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, nghiên cứu sâu những vấn đề đặc thù của nông nghiệp nước ta, ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới, phục vụ ngày càng thiết thực sự nghiệp phát triển nông nghiệp.
Kinh nghiệm bao đời nay của nhân dân ta chứng tỏ thuỷ lợi bao giờ và ở đâu cũng là biện pháp hàng đầu để mở rộng diện tích, để thâm canh, tăng vụ, cải tạo đất. Là mũi nhọn quyết định thắng lợi của toàn bộ công cuộc phát triển sản xuất nông nghiệp, khối lượng xây dựng các công trình thuỷ lợi trong 5 năm này của cả nước dự kiến sẽ gấp đôi tổng khối lượng đã thực hiện trong 20 năm qua ở các tỉnh phía Bắc. Khởi công sớm, hoàn thành nhanh và tốt các công trình thuỷ lợi, chúng ta sẽ tận dụng được đất đai sẵn có với hiệu quả cao, thu hút được nhiều lao động vào sản xuất, có thêm nhiều sản phẩm, trước hết là lương thực. Chúng ta phải có những biện pháp đặc biệt mạnh mẽ, nhanh chóng phát triển màng lưới thuỷ lợi ở khắp các địa phương, trước hết ở các vùng trọng điểm lúa và cây công nghiệp quan trọng. Bộ thuỷ lợi phải giúp các tỉnh lực lượng khảo sát, quy hoạch, thiết kế, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho việc động viên quần chúng làm thuỷ lợi. Các ngành công nghiệp phải ưu tiên sản xuất các loại công cụ, phương tiện và vật liệu cần thiết cho công tác này. Chúng ta không chờ đợi và ỷ lại vào máy móc, phải triệt để tận dụng lao động thủ công, tận dụng những khả năng sẵn có để tự làm nhiều công trình ở địa phương. Phải dấy lên một phong trào cách mạng rộng lớn, thu hút hàng triệu quần chúng ở nông thôn, thành thị, quân đội, học sinh, công nhân, viên chức tiến quân mạnh mẽ vào mặt trận thuỷ lợi bằng những ngày công lao động xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, phải tính toán rất kỹ, không để có tình trạng huy động nhân lực ồ ạt mà không chuẩn bị phương tiện và dụng cụ thi công, dẫn đến lãng phí sức người, của cải và đất đai; cố gắng hết sức tránh không để các công trình được xây dựng có thể gây trở ngại cho các quy hoạch phát triển kinh tế lâu dài. Chúng ta phải dành sự chú ý đúng mức đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có những điều kiện địa lý và khí hậu rất thuận lợi để trở thành một vựa lúa quan trọng của nước ta. Chúng ta phải động viên và tổ chức ở đó một phong trào quần chúng hào hứng làm thuỷ lợi, nạo vét hệ thống kênh cũ và đào thêm nhiều kênh, rạch mới, đắp đập ngăn nước mặn và giữ nước ngọt, mau chóng đem lại hiệu quả kinh tế to lớn của vùng đất phì nhiêu này. Các tỉnh phía Nam Trung Bộ cần khôi phục các công trình thuỷ lợi cũ, xây dựng hàng loạt công trình chống hạn, giải quyết nước ăn, nước tưới và nước chăn nuôi gia súc ở các vùng kinh tế mới. Các tỉnh miền Trung cần xây dựng thêm các công trình chống hạn và chống úng. Các tỉnh miền Bắc cần sớm hoàn chỉnh hệ thống thuỷ nông, kiên quyết thanh toán diện tích úng ở đồng bằng Bắc Bộ. Trên địa bàn cả nước, cần mở rộng màng lưới điện phù hợp với kế hoạch xây dựng thêm các trạm bơm điện cỡ lớn. Phát triển đào giếng ở các vùng, bảo đảm có nước ăn và nước tưới.
Thâm canh đòi hỏi phải làm tốt việc cải tạo đất. Phải sản xuất đủ vôi, đá vôi nghiền, phân lân, apatít nghiền để bón ruộng và cải tạo đất, nhất là ở đồng bằng Nam Bộ và các vùng đất chua mặn khác. Nhà nước cần tăng mức cung ứng than đá cho nông dân làm chất đốt và sản xuất ngói lợp nhà, tích cực vận động nông dân để lại rạ cho ruộng.
Phân hữu cơ là nguồn phân bón chủ yếu của chúng ta. Sau này, khi ta có nhiều phân đạm thì phân hữu cơ vẫn là một nguồn phân không thể thiếu. Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm ra nhiều phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh, phân mùn rác...) để thay thế phân hoá học phải nhập khẩu. Cần đưa kinh nghiệm dùng phân hữu cơ vào các tỉnh phía Nam. Đi đôi với phát triển chăn nuôi để tăng nguồn phân bón, cần trồng nhiều cây phân xanh và rất coi trọng bèo hoa dâu.
Đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp, đó là biện pháp rất quan trọng để thực hiện thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất lao động, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Việc cơ giới hoá đồng bộ đòi hỏi phải hoàn chỉnh thuỷ lợi, cải tạo và xây dựng đồng ruộng, quy hoạch các điểm dân cư, quy hoạch đường giao thông nông thôn. Trước mắt, chúng ta phấn đấu để bảo đảm đủ sức kéo cho các tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ, các vùng mới khai hoang, tích cực mở rộng diện cơ giới hoá tại các vùng sản xuất lúa tập trung ở đồng bằng phía Nam và phía Bắc; riêng phía Bắc thì ưu tiên mở rộng diện cơ giới hoá ở những vùng có điều kiện tăng vụ và rút bớt lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Ngoài việc cơ giới hoá khâu làm đất, cố gắng đẩy mạnh việc cơ giới hoá các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, v.v.. Tiến hành thí điểm cơ giới hoá đồng bộ ở một số huyện, chú ý một số huyện ở đồng bằng Bắc Bộ, để có kinh nghiệm mở nhanh ra các huyện khác. Ngành cơ khí phải đẩy mạnh sản xuất các loại thiết bị đi theo máy kéo, các máy cày loại nhỏ, đặc biệt chú trọng sản xuất phụ tùng, tổ chức tốt màng lưới sửa chữa.
Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống giống cây trồng và giống gia súc, gia cầm của Nhà nước và hợp tác xã, nhằm bảo đảm có đủ giống tốt và được chọn lọc cho các cây trồng và các gia súc, gia cầm.
Tăng cường trang bị và cung ứng đủ thuốc cho công tác thú y, bảo vệ thực vật, phòng, trừ sâu, bệnh.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phải kết hợp với việc xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phải lập quy hoạch xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa, sắp xếp lại các khu dân cư trên tinh thần tiết kiệm đất nông nghiệp, bố trí hợp lý các công trình sản xuất và công trình văn hoá. Việc chuyển các khu dân cư lên đồi núi để có thêm đất trồng trọt phải bàn bạc dân chủ với nhân dân và phải được nhân dân đồng tình; khi thực hiện phải làm từng bước vững chắc, tránh vội vã, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực trong sản xuất và đời sống.
Bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp là kết quả của sự lãnh đạo tập trung của Đảng và sự quản lý có hiệu lực của Nhà nước. Tất cả các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục, quốc phòng, tất cả các cơ quan quản lý tổng hợp và toàn thể đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật phải coi việc đáp ứng các nhu cầu của nông nghiệp, thuỷ lợi là nhiệm vụ hàng đầu của mình. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần tạo mọi điều kiện cho nông nghiệp và thuỷ lợi phát triển nhanh.
Phải tăng cường năng lực quản lý và chỉ đạo nông nghiệp cho các tỉnh mới giải phóng, cho cấp huyện; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho huyện, cho các hợp tác xã nông nghiệp và cho tổ chức nông hội các cấp ở các tỉnh phía Nam.
Phát triển mạnh lâm nghiệp
Một yêu cầu hết sức quan trọng trước mắt và lâu dài của nền kinh tế nước ta là ra sức phát triển lâm nghiệp. Rừng và đất rừng là nguồn tài nguyên to lớn và quý giá nằm trên hơn nửa phần diện tích của đất nước, ở đó mật độ dân số đang còn rất thấp. Phải mau chóng chuyển bớt lực lượng lao động quá đông ở đồng bằng lên góp phần khai thác những tiềm lực kinh tế rất phong phú ở trung du và miền núi. Làm như vậy là tạo ra những lợi ích to lớn và quý báu về nhiều mặt: lợi ích về điều hoà khí hậu và thời tiết, đặc biệt là lợi ích đối với nguồn nước và môi trường sống, lợi ích về nguồn sản phẩm phục vụ cho đời sống nhân dân, cho công nghiệp và xuất khẩu, lợi ích về phân bố lao động và phân bố dân cư, lợi ích về kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Công cuộc phát triển lâm nghiệp đòi hỏi chúng ta coi trọng cả ba khâu: trồng rừng, bảo vệ và tu bổ rừng, khai thác và chế biến lâm sản.
Bằng mọi biện pháp tích cực, cần phủ kín đồi trọc trong khoảng hai hoặc ba kế hoạch 5 năm. Phải có quy hoạch và kế hoạch dài hạn trồng rừng; phát động liên tục, sâu rộng phong trào "trồng cây gây rừng". Gắn chặt công cuộc phát triển lâm nghiệp với việc vận động đồng bào ở miền núi định canh, định cư và tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp ở miền núi để chấm dứt nạn phá rừng làm rẫy. Đối với đồng bào hiện du canh, du cư, cần giúp đồng bào đẩy mạnh sản xuất lương thực và trong điều kiện cần thiết thì cung ứng thoả đáng lương thực cho đồng bào để tổ chức đồng bào thành những người thợ rừng, những người bảo vệ tài nguyên rừng, hoặc làm các ngành, nghề khác. Phải xem chính sách định canh, định cư ổn định và cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi là một chính sách kinh tế có nội dung chính trị to lớn, thể hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Trong 5 năm này, phấn đấu trồng ít nhất 1,2 triệu hécta rừng. Khẩn trương quy hoạch các khu vực đất rừng để trồng rừng, bảo vệ và tu bổ, cải tạo rừng. Xây dựng các cơ sở chọn giống, các vườn ươm, khoanh vùng khai thác giống và tận thu giống nhằm bảo đảm cung ứng đủ giống cây cho các lâm trường quốc doanh, hợp tác xã và nhân dân trồng rừng. Hướng trồng rừng là nhằm hình thành các vùng rừng cây tập trung cho nhu cầu công nghiệp như gỗ trụ mỏ, gỗ cho công nghiệp giấy, sợi, nhất là ở trung du và miền núi phía Bắc. Trong thời gian sớm nhất, phải phủ xanh các đồi trọc, ra sức khôi phục và trồng kín rừng ở vùng bờ biển, khoanh nuôi và gây trồng các khu rừng đầu nguồn. Phát triển rừng cây đặc sản ở những nơi thích hợp. Khoanh những khu rừng nguyên thuỷ thành các rừng quốc gia, ở đó nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác và săn bắn để bảo vệ những loại thực vật và muông thú quý.
Phải tăng cường sự chỉ đạo của các cấp đối với công tác lâm nghiệp, làm cho các cấp đủ sức chỉ đạo tốt công tác trồng rừng, bảo vệ rừng. Sử dụng lực lượng quân đội, thu hút nhiều lao động tại chỗ và thu hút ngày càng đông đảo lao động ở đồng bằng lên trung du, miền núi làm lâm nghiệp. Cùng với việc phát triển mạnh quốc doanh lâm nghiệp, xây dựng các lâm trường trồng rừng và khai thác rừng, phải rất coi trọng vai trò của các hợp tác xã và lực lượng nhân dân trong công cuộc phát triển lâm nghiệp. Phải mạnh dạn giao rừng và đất rừng cho hợp tác xã quản lý kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch, và chính sách của Nhà nước. Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ đối với nhân dân trồng rừng như đãi ngộ đồng bào đi xây dựng kinh tế mới. Các huyện miền núi phải được từng bước xây dựng thành những đơn vị kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp - công nghiệp, kinh doanh tổng hợp nghề rừng, kết hợp trồng cây công nghiệp với chăn nuôi, ở những nơi có điều kiện thì tận dụng khả năng làm thêm lương thực.
Phải khẩn trương củng cố lực lượng kiểm lâm nhân dân để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng có hiệu quả. Phải kiên quyết ngăn chặn nạn phá rừng và nạn cháy rừng, hết sức bảo vệ rừng đầu nguồn.
Đi đôi với công tác trồng rừng trên quy mô lớn và bảo vệ rừng, phải đẩy mạnh việc khai thác, chế biến gỗ và các lâm sản khác. Phấn đấu đưa sản lượng gỗ khai thác năm 1980 lên 3,5 triệu m3 bằng nhiều biện pháp, trong đó chú ý việc làm thêm đường lâm nghiệp, tăng thêm thiết bị khai thác, vận chuyển, tận dụng những phương tiện khai thác và vận chuyển thô sơ. Tổ chức việc khai thác rừng một cách hợp lý và khoa học, quản lý tốt việc sử dụng và chế biến tổng hợp gỗ nhằm tiết kiệm gỗ. Tận dụng số gỗ cành, ngọn, sơ chế ngay tại nơi khai thác để đưa nửa thành phẩm về nơi sử dụng. Chấn chỉnh các khâu kinh doanh khai thác, vận xuất, chế biến, cung ứng gỗ, khắc phục những chỗ không hợp lý. Hình thành mạng lưới chế biến và cung ứng gỗ ở khắp nơi trong nước, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các ngành xây dựng và sản xuất, đáp ứng yêu cầu của nhân dân để làm nhà cửa, phương tiện lao động và sinh hoạt. Phấn đấu hạ giá thành sản xuất để hạ giá bán gỗ và đồ gỗ.
Phát triển mạnh ngư nghiệp (hải sản và thuỷ sản)
Với điều kiện thiên nhiên và khí hậu thuận lợi của ta, phát triển mạnh nghề nuôi, đánh bắt và chế biến hải sản và thuỷ sản là một nhiệm vụ quan trọng để tăng nhanh nguồn thực phẩm giàu chất đạm cho bữa ăn của người, tăng nguồn thức ăn cho gia súc và tăng nguồn hàng xuất khẩu.
Đẩy mạnh nghề đánh cá biển và chế biến hải sản. Phấn đấu đến năm 1980 khai thác được 1 triệu tấn cá biển trở lên, chế biến khoảng 40.000 tấn tôm và cá ướp đông cho xuất khẩu, khoảng 3-4 vạn tấn bột cá làm thức ăn gia súc. Hiện nay sản lượng cá lớn nhất là do khu vực tập thể và cá thể cung ứng. Phải sớm củng cố các hợp tác xã đánh cá và quốc doanh đánh cá ở các tỉnh phía Bắc, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ngành đánh cá ở các tỉnh phía Nam, tổ chức lại các lực lượng đánh cá, phát triển và tăng cường lực lượng đánh cá quốc doanh, đưa ngành hải sản nước ta thành một ngành công nghiệp quan trọng.
Xây dựng thêm các bến cá, kho lạnh, các cơ sở đóng và sửa chữa tàu, thuyền ở các địa phương, trang bị đồng bộ các khâu hậu cần và chế biến để phát huy tốt nhất năng lực sản xuất. Tổ chức lực lượng chuyên xây dựng cho ngành hải sản để đảm nhận khối lượng xây dựng rất lớn của ngành.
Trang bị các tàu cá cỡ vừa và cỡ lớn và tàu đánh tôm cho các cơ sở quốc doanh; tăng thêm thiết bị thăm dò nguồn cá, tăng cường hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy trong nghề cá. Phát triển những tàu cỡ vừa và cỡ lớn làm trạm nổi, thu mua cá, cung ứng dịch vụ ngoài khơi. Xây dựng các công ty quốc doanh liên hiệp đánh bắt và chế biến cá.
Vùng biển nước ta, nhất là vùng biển phía Nam, có những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ và toàn diện công nghiệp khai thác và chế biến hải sản. Nhà nước cần dành số vốn đầu tư tương xứng để nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp còn non trẻ nhưng rất có triển vọng này. Các ngành công nghiệp phải cung ứng ngày càng đầy đủ vật tư, phương tiện, thiết bị cho nghề khai thác và chế biến hải sản.
Cùng với nghề cá biển, phải tích cực đưa nghề nuôi cá, tôm, nuôi các thuỷ sản nước ngọt và nước lợ thành một nghề chăn nuôi quan trọng trong các cơ sở quốc doanh nuôi thuỷ sản, các hợp tác xã nông nghiệp và trong nhân dân. Phải tận dụng các hồ, đầm, sông cụt, các công trình thuỷ lợi lớn và các mặt nước khác để nuôi cá, tôm và các loại thuỷ sản. Mở rộng mạng lưới gây cá giống áp dụng kỹ thuật tiến bộ, sớm bảo đảm đủ cá giống cho khắp các vùng trong nước. Phấn đấu đến năm 1980 đạt sản lượng 35 vạn tấn trở lên cá nước ngọt và nước lợ.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng
Nhiều nguyên liệu nông sản, lâm sản, thuỷ sản tăng lên tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển nhanh. Chúng ta đang có những nhu cầu rất to lớn và bức thiết về hàng tiêu dùng, vừa để cải thiện đời sống của nhân dân, vừa để thúc đẩy sự giao lưu giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, kích thích sản xuất nông nghiệp, và tăng nguồn hàng xuất khẩu.
Phải khai thác các năng lực sản xuất trong cả nước của công nghiệp quốc doanh, của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, của hợp tác xã và nghề phụ gia đình để làm ra nhiều mặt hàng phong phú.
Các ngành sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng phải quán triệt quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân, kiên quyết khắc phục xu hướng kinh doanh bản vị, cục bộ, kiên quyết đả phá tư tưởng chạy theo lợi nhuận đơn thuần.
Đồng thời với việc ra sức thực hiện kế hoạch sản xuất hàng tiêu dùng do Nhà nước giao cho, mỗi địa phương cần tận dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ, làm thêm nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu và tập quán tiêu dùng của địa phương.
Ngoài việc tận dụng và mở rộng các cơ sở hiện có, chúng ta xây dựng một số nhà máy mới để sản xuất các mặt hàng thiết yếu.
Để có vải may mặc và để gia công hàng dệt cho nước ngoài, chúng ta xây dựng thêm cơ sở kéo sợi, bổ sung thêm máy dệt, tận dụng năng lực dệt của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, đưa sản lượng vải và lụa năm 1980 lên khoảng 450 triệu mét. Mở rộng sản xuất hàng dệt kim, hàng may sẵn, quần áo ấm, bít tất, hàng bằng da và giả da, giầy dép, mũ, áo mưa, trong đó cần chú ý các mặt hàng cho trẻ em, phụ nữ và các trang phục bảo hộ lao động. Phát triển mạnh nghề dệt thảm len và thảm đay, các mặt hàng làm bằng tre, mây, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, dành chủ yếu cho xuất khẩu.
Đi đôi với đẩy mạnh khôi phục và xây dựng các nhà máy giấy lớn, phát triển thêm các cơ sở làm giấy nhỏ, tận dụng mọi nguồn nguyên liệu, kể cả việc thu hồi giấy loại để chế biến lại, đưa sản lượng giấy năm 1980 lên khoảng 13 vạn tấn. Chuẩn bị xây dựng những nhà máy giấy và nhà máy bìa cứng khi có điều kiện.
Phấn đấu cung ứng ngày càng nhiều cho nhân dân các đồ dùng sinh hoạt thông thường, nhất là những đồ dùng làm bằng nguyên liệu trong nước. Phát triển mạnh các mặt hàng làm bằng tre, gỗ (bàn, ghế, giường...), các đồ dùng làm bằng sành, sứ, thuỷ tinh. Đẩy mạnh sản xuất các dụng cụ gia đình bằng kim loại, như nồi, xoong, ấm, v.v.. Tăng mức sản xuất xe đạp, quạt điện, đồng hồ báo thức. Coi trọng làm thêm nhiều mặt hàng bảo hộ lao động. Quan tâm đầy đủ đến các đồ dùng phục vụ đời sống văn hoá của nhân dân như đồ dùng giảng dạy, dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em, nhạc cụ, văn hoá phẩm, đồ dùng cho thể dục, thể thao, v.v., đặc biệt chú ý sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu của các cơ sở sinh hoạt công cộng và phúc lợi tập thể.
Để phát triển nhanh các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, phải chủ động giải quyết vấn đề nguyên liệu bằng việc xây dựng các cơ sở nguyên liệu trong nước đi đôi với việc sử dụng tổng hợp nguyên liệu, tận dụng phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu tái sinh. Đối với các mặt hàng thiết yếu cho đời sống nhân dân và cho xuất khẩu, chúng ta tranh thủ nhập thêm nguyên liệu.
Ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cần phấn đấu nâng cao chất lượng, mỹ thuật công nghệ và hạ giá thành sản phẩm.
Công nghiệp thực phẩm phải bảo đảm chế biến tốt nguồn nông sản và thuỷ sản, góp phần cải tiến bữa ăn của nhân dân.
Trong 5 năm tới phải phát triển công nghiệp chế biến lương thực, bảo đảm xay xát đại bộ phận thóc của Nhà nước, chế biến hết số lúa mì và bột mì nhập khẩu, phát triển rộng rãi việc chế biến các loại màu, nhất là sắn, khoai, ngô. Chú ý sản xuất các loại bột cho trẻ em.
Tận dụng các nguồn nguyên liệu thuỷ sản và nông sản, đẩy mạnh sản xuất nước mắm và nước chấm. Tổ chức rộng rãi việc chế biến thức ăn làm sẵn, phát triển việc chế biến các loại dầu thực vật, các loại nước giải khát. Mở rộng các nhà máy đường hiện có, xây dựng thêm một số nhà máy cỡ 1-2 nghìn tấn mía/ngày trở lên và nhiều cơ sở nhỏ làm đường, mật, sản xuất thêm đường nha, đường gờluycô, đưasản lượng đường và mật năm 1980 đạt khoảng 22-25 vạn tấn.
Phát triển công nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu, xây dựng thêm nhiều cơ sở đông lạnh để sản xuất rau quả ướp đông, đặc biệt là dứa ướp đông. Phát triển chế biến chè, thuốc lá.
Nghề muối phải thoả mãn nhu cầu muối ăn và muối nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.
2. Xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nặng
Phải đẩy mạnh xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nặng trước hết là ngành cơ khí, để phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp nặng, phục vụ tốt nhu cầu rất lớn trước mắt của nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành kinh tế khác, đồng thời chuẩn bị khả năng đáp ứng nhu cầu trang bị kỹ thuật lớn hơn cho nền kinh tế trong kế hoạch sau.
Cơ khí là ngành then chốt có nhiệm vụ trang bị kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động của gần 22 triệu lao động hiện nay. Phát triển mạnh ngành cơ khí là một trọng tâm của kế hoạch 5 năm này.
Phải kết hợp chặt chẽ lực lượng sản xuất cơ khí của các ngành kinh tế và quốc phòng, của quốc doanh, hợp tác xã và của các thành phần kinh tế khác. Tổ chức lại sản xuất trong toàn ngành cơ khí, phân công hợp lý giữa các lực lượng cơ khí trong cả nước, bổ sung thiết bị, đồng bộ hoá một bước năng lực sản xuất cơ khí. Ra sức phát huy công suất của các nhà máy hiện có, tích cực xây dựng thêm một số nhà máy cơ khí quan trọng. Trong kế hoạch 5 năm này, ngành cơ khí phải phấn đấu đáp ứng những nhu cầu chủ yếu sau đây:
- Nhanh chóng cung ứng đủ công cụ thường và công cụ cải tiến cho các ngành kinh tế, trước hết là cho nông nghiệp và xây dựng.
- Cung ứng một phần quan trọng máy móc, thiết bị lẻ phục vụ nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng cơ bản và giao thông vận tải, nhất là về các loại sản phẩm như máy công cụ, máy kéo nhỏ, máy bơm, tàu hút bùn, tàu cá, tàu ven biển, toa xe...
- Bước đầu sản xuất một số loại thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp sản xuất gạch, ngói, xi măng, chế biến phân lân, sản xuất đường, chè, xay xát gạo, chế biến màu...
- Đáp ứng phần lớn nhu cầu phụ tùng thông thường của các ngành công nghiệp; nâng cao đáng kể mức đáp ứng nhu cầu phụ tùng ô tô, máy kéo; đáp ứng phần lớn nhu cầu sửa chữa máy móc, thiết bị của các ngành.
Phải rất coi trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm cơ khí.
Để có năng lực đáp ứng nhu cầu lớn hơn về trang bị kỹ thuật cho nền kinh tế trong kế hoạch sau, cần tích cực chuẩn bị và khởi công xây dựng một số công trình cơ khí rất quan trọng như nhà máy sản xuất máy kéo cỡ vừa, các nhà máy sản xuất máy mài, nhà máy sản xuất máy rèn dập, nhà máy rèn đúc tập trung, nhà máy cơ khí nặng và một số nhà máy cơ khí phục vụ chuyên ngành quan trọng khác.
Hiện nay và trong nhiều năm tới, chúng ta đặc biệt quan tâm phát triển ngành điện, ngành than và tích cực xây dựng công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt.
Để đưa sản lượng điện đến năm 1980 đạt 5 tỷ kwh trở lên, đồng thời chuẩn bị nguồn điện cho các năm sau, phải khẩn trương xây dựng nhiều nhà máy điện vừa và lớn, trong đó có các Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Đáp Cầu, Đông Hà, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng, chuẩn bị khởi công Nhà máy Thuỷ điện Cốc San (Hoàng Liên Sơn). Chúng ta sẽ khởi công xây dựng công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà. Khi công trình này hoàn thành và phát huy đầy đủ công suất thiết kế, chúng ta sẽ có thêm hàng năm khoảng 7,5 tỷ kwh điện với giá thành rẻ, việc chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ sẽ được giải quyết một bước rất quan trọng. Phải phát triển mạng lưới điện cân đối với nguồn điện, mở rộng mạng lưới điện phục vụ nông nghiệp, thuỷ lợi, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tận dụng khả năng xây dựng thêm các trạm thuỷ điện nhỏ và vừa, đồng thời rất coi trọng việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm điện.
Phấn đấu đưa sản lượng than năm 1980 lên 10 triệu tấn. Ngoài nhiệm vụ cung ứng than cho nhu cầu công nghiệp, phải bảo đảm có đủ than cho nông dân làm chất đốt thay rạ và sản xuất ngói. Xây dựng một số mỏ than công suất cỡ 1 đến trên 2 triệu tấn/năm, chú trọng xây dựng nhanh mỏ Cao Sơn; đồng thời tích cực xây dựng nhiều mỏ vừa và nhỏ, khai thác thêm than địa phương, thu hồi và tận dụng triệt để các loại than nhiệt lượng thấp. Đẩy mạnh việc chế biến các loại than. Thực hiện phân phối than chặt chẽ, tăng cường quản lý và cải tiến kỹ thuật để sử dụng than hợp lý và tiết kiệm.
Đặc biệt coi trọng đẩy mạnh công tác thăm dò và tiến tới khai thác dầu mỏ, khí đốt ở cả phía Bắc và phía Nam, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhà máy chế biến dầu mỏ đầu tiên ở nước ta.
Nhìn chung, nguồn năng lượng trong thời gian tới chưa tăng được nhiều, vì vậy càng cần tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng, tích cực nghiên cứu sử dụng thêm các nguồn năng lượng khác như trồng cây lấy củi, dùng khí sinh vật, dùng năng lượng mặt trời, sức gió, v.v..
Hết sức coi trọng phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu trong nước, trước hết là tăng sản xuất thép, phân bón, hoá chất và vật liệu xây dựng.
Để đáp ứng được một phần nhu cầu cấp bách về thép, phải hoàn chỉnh các cơ sở gang thép ở khu vực Lưu Xá, Gia Sàng, tăng thêm năng lực sản xuất thép ở các tỉnh phía Nam, phát triển sản xuất thép đúc trong các nhà máy cơ khí. Tổ chức phong trào quần chúng thu nhặt thép vụn và các phế liệu kim loại khác, tích cực thu hồi phế liệu kim loại, cung ứng cho các cơ sở luyện kim. Phấn đấu năm 1980 đạt sản lượng thép cán 30 vạn tấn. Để tăng sản xuất thép vào kế hoạch 5 năm sau, cần chuẩn bị và khởi công xây dựng nhà máy gang thép mới ở khu vực Thái Nguyên với công suất 25 vạn tấn thép/năm. Mở rộng sản xuất crômít, thiếc. Tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng khu gang thép mới và một số cơ sở luyện kim màu khác khi có điều kiện.
Trong công nghiệp hoá chất, sản lượng các loại phân bón hoá học năm 1980 tăng lên 1,3 triệu tấn, chủ yếu là phân lân và apatít nghiền. Mở rộng sản xuất thuốc trừ sâu, trừ cỏ, các hoá chất kích thích cây trồng và gia súc sinh trưởng. Ra sức phát huy năng lực sản xuất săm lốp ô tô và đắp lại lốp ô tô hiện có, đồng thời tăng thêm công suất mới. Đẩy mạnh sản xuất thuốc chữa bệnh. Tận dụng khả năng của các cơ sở công nghiệp hoá chất, đặc biệt là khả năng của lực lượng tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, dùng nguyên liệu trong nước làm ra các loại hoá chất công nghiệp thông thường.
Để tăng đáng kể năng lực của công nghiệp hoá chất vào những năm sau, trong kế hoạch 5 năm này sẽ khởi công xây dựng một số nhà máy hoá chất quan trọng, trong đó có Nhà máy phân đạm (công suất 80 vạn tấn phân tiêu chuẩn/năm), công trình mở rộng khai thác và làm giàu quặng apatít, Nhà máy sợi Vítcô (công suất 2 vạn tấn/năm), Nhà máy xút cốttích (công suất 6,6 vạn tấn/năm) và một số nhà máy hoá chất khác.
Trong những năm tới, việc phát triển mạnh mẽ và rộng khắp công nghiệp sản xuất các loại vật liệu xây dựng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo điều kiện mở rộng xây dựng trong cả nước. Đi đôi với việc xây dựng một số nhà máy xi măng lớn cỡ trên dưới 1 triệu tấn/năm, cần phát triển nhiều cơ sở xi măng vừa và nhỏ ở các địa phương, sản xuất thêm các chất kết dính cấp thấp dùng cho các công trình ít chịu lực và xây dựng ở nông thôn. Phấn đấu đến năm 1980 sản xuất được 2 triệu tấn xi măng.
Quy mô xây dựng rộng lớn trong cả nước đòi hỏi mở rộng sản xuất gạch, ngói, tấm lợp, bê tông đúc sẵn, kính xây dựng, đồ sứ vệ sinh, đồ gốm xây dựng, gạch lát các loại, v.v.. Đồng thời với việc phát triển các xí nghiệp quốc doanh sản xuất trung ương, phải phát triển mạnh các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của địa phương, của hợp tác xã, tận dụng mọi nguồn vật liệu địa phương để phục vụ xây dựng ở địa phương. Coi trọng cung ứng vật liệu xây dựng cho nông nghiệp, thuỷ lợi, cho xây dựng nông thôn. Chú trọng mở rộng khai thác đá và nung vôi, vừa để đáp ứng nhu cầu xây dựng, vừa để cung ứng cho nhu cầu bón ruộng và cải tạo đất.
3. Phát triển giao thông vận tải. Đẩy mạnh xây dựng cơ bản
Giao thông vận tải và xây dựng cơ bản gắn liền với sự phát triển của công nghiệp và nông nghiệp, nối liền hoạt động của các ngành sản xuất công - nông nghiệp và phục vụ cho các ngành sản xuất công - nông nghiệp thực hiện các mục tiêu của kế hoạch.
Quy mô phát triển kinh tế và việc phân bố lại lực lượng sản xuất đòi hỏi mở rộng hoạt động của giao thông vận tải và thông tin liên lạc trong phạm vi cả nước, cũng như trong từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt rất lớn của các ngành kinh tế, đồng thời chuẩn bị đáp ứng những nhu cầu to lớn hơn trong kế hoạch sau. Muốn vậy, phải kiên quyết sớm khắc phục tình trạng năng lực giao thông vận tải và thông tin liên lạc không cân đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và không cân đối giữa các bộ phận trong nội bộ ngành.
Phát huy những thuận lợi lớn của vận tải đường biển, trong 5 năm này, xúc tiến cải tạo và phát triển một bước các cảng biển (chú ý cảng Hải Phòng), mở rộng các cảng than, xây dựng cảng mới ở Cửa Lò, tăng cường có trọng điểm năng lực thông qua của các cảng ở miền Trung và miền Nam. Đẩy mạnh công tác nạo vét các luồng lạch. Tăng thêm tàu biển và sà lan.
Vận tải đường sắt giữ vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tiếp tục củng cố các tuyến đường đã thông xe, cải tạo, mở rộng và trang bị hệ thống thông tin tín hiệu nửa tự động cho một số tuyến đường quan trọng. Chấn chỉnh tổ chức quản lý để tăng năng lực vận chuyển trên các trục đường chính. Chú ý làm thật tốt những công trình lớn trong 5 năm này là khu đầu mối Hà Nội, cầu Thăng Long, mở rộng đường Hà Nội, Hải Phòng lên 1,435m, bắt đầu mở rộng đường sắt Bắc - Nam.
Trong thời gian tới, để tận dụng hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch rất thuận lợi cho vận tải đường sông, ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Bắc Bộ, cần cải tạo và phát triển hệ thống cảng sông, nạo vét luồng lạch, cơ giới hoá khâu bốc dỡ, phát triển rộng rãi việc đóng các phương tiện vận tải cơ giới và thô sơ trên sông và phương tiện vừa đi sông vừa đi ven biển.
Về đường bộ, đi đôi với việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, chú trọng xây dựng và mở rộng hệ thống đường giao thông ở nông thôn, đường giao thông miền núi và đường ra vào các vùng kinh tế mới. Sắp xếp lại lực lượng ô tô vận tải hiện có để sử dụng hợp lý. Phát triển thêm các loại phương tiện vận tải thô sơ và cải tiến để phục vụ nông thôn, phục vụ miền núi.
Cải tạo và xây dựng hệ thống đường ống vĩnh cửu với lưu lượng lớn hơn. Phát triển một bước ngành hàng không dân dụng để phục vụ việc đi lại trong nước và với các nước ngoài.
Ngành vận tải hành khách phải tăng thêm thích đáng phương tiện vận tải công cộng, coi trọng cải tiến tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ.
Cùng với việc phát triển giao thông vận tải trên các tuyến do trung ương quản lý, cần hết sức coi trọng phát triển giao thông vận tải địa phương ở từng tỉnh, từng huyện và xã, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và tổ chức lại sản xuất ở địa phương.
Trong giai đoạn mới, phải coi trọng phát triển bưu điện, tăng cường hệ thống thông tin đường dài, đặc biệt là hệ thống thông tin từ trung ương đến các tỉnh phía Nam, song song với việc tăng cường mạng lưới thông tin trong các thành phố, khu công nghiệp. Từng bước mở rộng trang bị điện thoại đến các huyện, đến phần lớn xã ở đồng bằng, trung du, đến các nông trường và các hợp tác xã nông nghiệp lớn.
Quy hoạch hợp lý hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc trong cả nước cho phù hợp với quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất.
Nâng cao trình độ tổ chức và quản lý để phát huy hơn nữa hiệu quả của phương tiện vận tải và phương tiện thông tin hiện có.
Trong kế hoạch 5 năm, quy mô phát triển sản xuất và xây dựng đòi hỏi công tác xây dựng cơ bản tăng lên vượt bậc. Bên cạnh khối lượng xây dựng của trung ương, khối lượng xây dựng của địa phương, của hợp tác xã, của nhân dân rất lớn. Ngành xây dựng giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc hoàn thành những nhiệm vụ chủ yếu của các ngành kinh tế, nhất là của nông nghiệp và thuỷ lợi. Phải bảo đảm đưa vào sản xuất đúng hạn nhiều công trình quan trọng đáp ứng sự phát triển cân đối giữa ngành này với ngành khác. Phải xây dựng nhanh nhà ở cho dân để mọi người được an cư lạc nghiệp và có đời sống gia đình yên vui. Phải quy hoạch các khu vực dân cư ăn khớp với sự phân bố mới của lực lượng sản xuất. Từng bước xây dựng theo quy hoạch đã định Thủ đô của nước nhà thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng các khu công nghiệp, các thành thị phải tiến hành đồng bộ, vừa có các cơ sở kinh tế, vừa có đủ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của dân cư.
Để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó, trong những năm tới, ngành xây dựng phải được phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, lớn mạnh cả về lực lượng khảo sát, thiết kế, thi công, lực lượng sản xuất vật liệu và lực lượng nghiên cứu khoa học. Ngoài lực lượng xây dựng của Bộ Xây dựng, phải phát triển lực lượng xây dựng của các ngành kinh tế khác, lực lượng xây dựng chuyên nghiệp của quân đội và lực lượng xây dựng của các địa phương, của các hợp tác xã nông nghiệp.
Tăng cường nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong xây dựng, tăng cường lực lượng cán bộ nghiên cứu và tăng cường trang bị cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu mới về khoa học, kỹ thuật xây dựng của thế giới vào điều kiện nước ta, sáng tạo ra những kinh nghiệm của ta về xây dựng ở vùng nhiệt đới.
Xây dựng nhanh, có hiệu quả, với chất lượng tốt và giá thành rẻ là những yêu cầu cấp bách hiện nay. Vì vậy, phải tập trung lực lượng làm dứt điểm và đồng bộ từng công trình, nhất là những công trình quan trọng về kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân. Càng rút ngắn thời gian thi công, đưa nhanh công trình vào sử dụng, nâng cao chất lượng của công trình bao nhiêu, càng đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế bấy nhiêu.
Cả nước cũng như từng ngành, từng địa phương phải có kế hoạch xây dựng cơ bản vững chắc. Kế hoạch đầu tư xây dựng công trình phải dựa trên cơ sở làm tốt các khâu chuẩn bị ban đầu, phải cân đối kế hoạch thiết kế, kế hoạch thi công, kế hoạch cung ứng vật liệu xây dựng và thiết bị lắp đặt vào công trình. Hết sức chống xu hướng bố trí phân tán vốn đầu tư và vật tư trong xây dựng cơ bản, gây ra lãng phí, kéo dài thời gian xây dựng và chậm phát huy hiệu quả.
Đặc biệt coi trọng cải tiến tổ chức quản lý thi công, mở rộng việc áp dụng các phương pháp tổ chức lao động khoa học, các phương pháp quản lý thi công theo sơ đồ mạng.
Coi trọng đúng mức công nghiệp hoá ngành xây dựng. Trang bị đủ công cụ với chất lượng ngày càng tốt cho đội ngũ lao động xây dựng. Nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị thi công hiện có, tăng cường việc trang bị máy thi công, chủ yếu cho các công việc xây dựng nặng nhọc, có khối lượng lớn, trước hết là trong xây dựng các công trình đầu mối về thuỷ lợi, các công trình công nghiệp lớn.
Để góp phần khắc phục khó khăn về vật liệu xây dựng, phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật liệu xây dựng từ thiết kế đến thi công, tích cực tìm các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm vật liệu, nhất là thép, gỗ, xi măng, tích cực dùng vật liệu thay thế được sản xuất trong nước.
Một khâu có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng của kế hoạch 5 năm là gấp rút tăng cường công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị xây dựng, trước hết là tăng cường các công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế. Ra sức tăng cường đội ngũ thăm dò, khảo sát, trang bị thêm thiết bị khảo sát, đo đạc, nghiên cứu, thử nghiệm...
4. Chuyển hướng mạnh công tác lưu thông, tài chính, ngân hàng theo yêu cầu cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa
Trong 5 năm này, phải chuyển hướng mạnh công tác lưu thông, phân phối, phù hợp với yêu cầu tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất, cải tạo và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Các ngành làm công tác lưu thông phải chuyển biến căn bản về quan điểm, tổ chức, phương thức và chất lượng kinh doanh để nối liền sản xuất với tiêu dùng, công nghiệp với nông nghiệp, làm người hậu cần tốt cung ứng vật tư kỹ thuật cho sản xuất và xây dựng, làm người nội trợ giỏi cung ứng hàng tiêu dùng cho toàn dân.
Hệ thống cung ứng vật tư hiện nay còn gây nhiều trở ngại cho sản xuất và xây dựng, cần được cải tiến mạnh. Sự phân công về cung ứng vật tư, tổ chức màng lưới và phương thức cung ứng vật tư, cần được đổi mới theo hướng thực hiện bán buôn tư liệu sản xuất một cách đúng đắn, khắc phục lối quản lý bao cấp, chống tệ cửa quyền, móc ngoặc, phục vụ tốt các cơ sở sản xuất và xây dựng, từng bước thực hiện đưa vật tư kịp thời, đúng với yêu cầu về số lượng và chất lượng, đến tận xí nghiệp, tận hợp tác xã hoặc đến địa điểm gần nơi sản xuất. Cải tiến việc cung ứng vật tư, đáp ứng tốt các nhu cầu về công cụ lao động, các phương tiện làm việc, hiện nay là nhân tố có tác dụng rất quan trọng để nuôi dưỡng phong trào quần chúng thi đua lao động và sản xuất với nhiệt tình cao. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều thành phần, ngành nội thương còn phải đảm nhận chức năng cung ứng một số vật tư, bán một phần tư liệu sản xuất. Phương thức hoạt động của ngành nội thương trong lĩnh vực này phải đáp ứng yêu cầu khuyến khích tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển các mặt hàng phong phú và đa dạng, thoả mãn các nhu cầu nhiều mặt của nhân dân mà kế hoạch nhà nước không bao quát hết.
Về cung ứng hàng tiêu dùng cho nhân dân, ngành thương nghiệp phải nhạy cảm trước yêu cầu của quần chúng, tìm cách tác động, kích thích phát triển thêm nguồn hàng, tăng rất mạnh những mặt hàng thiếu để thoả mãn thị trường, bảo đảm phục vụ tốt nhất, kịp thời nhất các nhu cầu của nhân dân, bảo đảm phân phối hàng hoá thuận tiện đến tay mọi người lao động.
Bằng những mối quan hệ bán tư liệu sản xuất và hàng công nghiệp tiêu dùng, ký hợp đồng hai chiều, thương nghiệp phải kích thích sản xuất nông nghiệp và thu mua nắm nguồn hàng nông sản. Thông qua việc cải tiến rõ rệt cách gia công, bán nguyên liệu, thu mua thành phẩm, bằng chính sách giá cả hợp lý, thương nghiệp phải nắm phần lớn nhất hàng công nghiệp tiêu dùng của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.
Nhà nước phải có kế hoạch nắm và điều động hàng hoá trong phạm vi cả nước, tổ chức lưu thông hàng hoá giữa các vùng kinh tế. Các địa phương phải đề cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt nghĩa vụ thu mua, giao nộp sản phẩm và điều động hàng hoá, nhất là lương thực và nông sản thực phẩm, theo kế hoạch của trung ương. Khắc phục tình trạng lỏng lẻo và xu hướng cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa hiện nay trong việc thu mua, giao nộp sản phẩm và điều động hàng hoá.
Với việc phân bố lại lao động và dân cư trên nhiều vùng kinh tế mới, màng lưới thương nghiệp phải trải rộng ra, đi sâu vào nông thôn, các khu vực công trường, nông trường, lâm trường mới. Mở rộng và sắp xếp lại màng lưới thu mua, màng lưới bán lẻ, tăng thêm nhiều điểm thu mua, bán hàng và quầy hàng lưu động.
Bố trí hợp lý thời gian thu mua và bán hàng, dùng nhiều hình thức thu mua và bán hàng thuận tiện nhất cho người sản xuất, cho khách hàng, nâng cao nghiệp vụ thương nghiệp, xây dựng thái độ phục vụ đúng đắn, chống thái độ cửa quyền, gây phiền hà cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Đặc biệt coi trọng mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ ăn uống công cộng, phát triển màng lưới phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Phát triển mạnh thành phần thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đồng thời đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân,tiếp tục chuyển phần lớn những người buôn bán nhỏ sang sản xuất, đấu tranh chống đầu cơ, tích trữ và quản lý tốt thị trường tự do, nhất là ở vùng mới giải phóng. Tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động lưu thông ở chợ nông thôn, duy trì chợ nông thôn làm nơi trao đổi trực tiếp sản phẩm kinh tế phụ gia đình giữa nông dân với nhau và với những người tiêu dùng khác.
Tuỳ theo tình hình phát triển sản xuất, từng bước thu hẹp các mặt hàng bán theo định lượng. Trong việc phân phối hàng hoá phục vụ nhân dân, ngành thương nghiệp phải kiên quyết thực hiện phân phối công bằng, hợp lý, luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên".
Dự kiến đến năm 1980, tổng mức hàng hoá bán lẻ toàn xã hội tăng trên 50% so với năm 1976, trong đó mức bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã sẽ tăng gần gấp đôi và chiếm 80% tổng doanh số bán lẻ.
Trong khi tổ chức lại nền sản xuất xã hội, hệ thống tài chính phải bảo đảm huy động đầy đủ và sử dụng tốt tất cả mọi nguồn vốn trong nước để đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tích luỹ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, cũng như nhu cầu nâng cao phúc lợi cho nhân dân.
Để làm được nhiệm vụ đó, cần kiểm kê, nắm vững và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng mọi nguồn tài sản cố định và tài sản lưu động hiện có, kiểm tra nghiêm ngặt việc chấp hành chế độ hạch toán kinh tế và các chế độ, thể lệ tài chính khác, thúc đẩy các cơ sở sản xuất và kinh doanh tận dụng hết mọi nguồn dự trữ về sức lao động, thiết bị, vật tư và tiền vốn hiện có, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đồng vốn sản xuất. Vận dụng tốt để phát huy tác dụng tích cực của chế độ thu quốc doanh, chế độ nộp lợi nhuận và phân phối lợi nhuận, trích lập ba quỹ của xí nghiệp quốc doanh, các chế độ thưởng, phạt... Nghiên cứu cải tiến và thực hiện đầy đủ chế độ thuế công bằng, hợp lý đối với khu vực kinh tế tư doanh, tập thể và cá thể, góp phần điều tiết đúng đắn nguồn thu nhập của các tầng lớp dân cư. Tóm lại, tài chính phảitìm mọi cách tạo ra những nguồn tích luỹ mới từ nội bộ nền kinh tế quốc dân, chủ yếu là tích luỹ từ nguồn lao động dồi dào, tài nguyên phong phú và năng lực sản xuất sẵn có.
Trong kế hoạch 5 năm, phải xây dựng được một ngân sách tích cực, thống nhất cả nước, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương. Phải quản lý chặt chẽ việc thu chi tài chính thống nhất trong tất cả các cấp ngân sách, bảo đảm sử dụng tập trung, đúng hướng mọi nguồn vốn của Nhà nước vào việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và củng cố quốc phòng. Đồng thời, cần xác định đúng đắn quyền hạn về thu, chi tài chính của các cấp chính quyền địa phương, tương ứng với nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho mỗi cấp tỉnh, huyện, xã. Trong việc phân phối vốn, nhất là vốn đầu tư, cần hết sức chặt chẽ, tập trung cao để tránh lãng phí và phát huy được hiệu quả lớn. Phải tiết kiệm các khoản chi, nhất là chi về quản lý hành chính.
Quản lý tốt việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, ra sức tiết kiệm ngoại tệ.
Nghiên cứu để chuyển một phần chế độ cấp phát tài chính không hoàn lại hiện nay sang chế độ cấp phát dưới hình thức tín dụng, nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các đơn vị sản xuất đối với việc sử dụng có hiệu quả tiền vốn.
Vai trò của ngân hàng trong hệ thống quản lý kinh tế là hết sức quan trọng. Ngân hàng cần phát huy hết các chức năng của mình để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường chế độ hạch toán kinh tế trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Công tác quan trọng nhất của ngân hàng là sử dụng mạnh mẽ đi đôi với cải tiến chế độ tín dụng. Cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ vốn tín dụng trong vốn lưu động của xí nghiệp quốc doanh, thực hiện chế độ lãi suất có phân biệt, có thưởng, phạt, để khuyến khích các tổ chức quốc doanh và hợp tác xã quay vòng vốn nhanh và thanh toán đúng thời hạn. Từng bước thực hiện cho vay vốn đầu tư đối với các công trình dưới hạn ngạch, cũng như đối với một số công trình trên hạn ngạch. Mạnh dạn cho vay đối với các thành phần kinh tế tập thể và tư doanh để mở mang sản xuất và lưu thông theo đúng kế hoạch nhà nước.
Ra sức vận động cán bộ và nhân dân gửi tiền tiết kiệm, cải tiến thủ tục gửi và rút tiền tiết kiệm.
Quản lý chặt chẽ tiền mặt và việc lưu thông tiền tệ nói chung, bảo đảm sự cân đối tích cực giữa khối lượng tiền lưu hành với nhu cầu sản xuất và lưu thông, ổn định tiền tệ và giữ vững sức mua của đồng tiền.
Là trung tâm thanh toán, ngân hàng cần tăng cường quản lý và đề cao kỷ luật thanh toán, thông qua đồng tiền để giám đốc sát các hoạt động của mọi cơ sở kinh tế, góp phần thúc đẩy quay vòng vốn nhanh và đưa lại hiệu quả lớn của tiền vốn.
Trong công tác quản lý ngoại tệ, ngân hàng cần phát huy chức năng của mình nhằm tác động tốt đến việc mở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại.
5. Mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế với nước ngoài
Trong khi dựa vào sức mình là chính để phát huy tới mức cao nhất năng lực sản xuất hiện có, chúng ta ra sức tăng cường quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và với các nước khác.
Muốn nhập được những thiết bị và vật tư cần thiết cho việc phát triển sản xuất và đẩy mạnh nhịp độ xây dựng trong nước, phải chủ động có kế hoạch, có chính sách, có tổ chức tốt để tạo nguồn hàng xuất khẩu có khối lượng lớn, giá trị cao, mở rộng khả năng hợp tác kinh tế của nước ta với nước ngoài. Thực hiện đúng các hiệp nghị và hợp đồng kinh tế giữa nước ta với các nước.
Tất cả các ngành, các địa phương, các cơ sở sản xuất phải phấn đấu hết sức mình đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, coi đó là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của mình trong kế hoạch 5 năm này. Để hỗ trợ cho việc đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước phải bổ sung hàng loạt chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Nguồn xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, thuỷ sản, lâm sản, hàng công nghiệp tiêu dùng và hàng mỹ nghệ, hàng may mặc, đồ thêu ren, thảm len, thảm đay, một phần khoáng sản và hàng công nghiệp nặng.
Coi trọng phát triển kinh doanh du lịch, tổ chức tốt việc cung ứng cho tàu biển nước ngoài và các dịch vụ khác.
Đi đôi với việc đẩy mạnh xuất khẩu, phải quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng nguồn ngoại tệ của chúng ta một cách hợp lý, tập trung vào việc nhập những vật tư kỹ thuật và hàng hoá thiết yếu nhất cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Dùng thiết bị, vật tư nhập khẩu phải tính toán chặt chẽ hiệu quả kinh doanh, phải xem xét thời gian thu hồi vốn đầu tư và khả năng trả nợ. Cần nghiên cứu, lựa chọn nhập đúng những thiết bị kỹ thuật hiện đại cần thiết cho nền kinh tế quốc dân. Đối với những loại nguyên liệu, vật liệu, thiết bị mà trong nước có khả năng vươn lên sản xuất được, Nhà nước và các ngành cần phải có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất để giảm nhập hoặc tiến tới không phải nhập.
Trong giai đoạn mới, chúng ta phải ra sức tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chúng ta rất coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, và giúp đỡ lẫn nhau với các nước láng giềng anh em Lào và Campuchia. Chúng ta mở rộng quan hệ kinh tế và kỹ thuật với các nước dân tộc chủ nghĩa và với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi.
6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát huy vai trò then chốt của cách mạng khoa học - kỹ thuật
Gắn liền với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng tư tưởng và văn hoá, cách mạng khoa học - kỹ thuật là một nhân tố góp phần quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, quyết định quá trình từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, quá trình xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Công tác khoa học và kỹ thuật phải phục vụ đắc lực việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế và văn hoá, củng cố quốc phòng.
Trong kế hoạch 5 năm, phải tiến một bước thực sự trong việc gắn chặt khoa học, kỹ thuật với sản xuất và quản lý kinh tế, phát huy tác dụng của khoa học và kỹ thuật (bao gồm các ngành khoa học - kỹ thuật và khoa học xã hội quan hệ chặt chẽ với nhau và thâm nhập vào nhau). Phải làm cho khoa học - kỹ thuật trở thành căn cứ của kế hoạch và hoạt động kinh tế, thể hiện trong việc chuẩn bị các quyết định chiến lược cho nhiều năm cũng như trong việc điều hành sản xuất hàng ngày, trong công tác của các cơ quan lãnh đạo, của những người thủ trưởng, cũng như trong lao động của quần chúng. Kế hoạch phát triển khoa học - kỹ thuật, bao gồm chỉ tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phải gắn liền với kế hoạch phát triển các ngành, các đơn vị cơ sở và là một bộ phận hợp thành của kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân.
Kiên quyết tập trung lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật, hoàn thành dứt điểm một số công trình nghiên cứu có tính chất liên ngành, đem lại giải đáp khoa học, kỹ thuật cho những bài toán kinh tế lớn đang đặt ra theo đúng nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Trước hết, khoa học, kỹ thuật phải bảo đảm sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp. Khoa học, kỹ thuật phải góp phần quan trọng đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hàng tiêu dùng, góp phần giải quyết các khó khăn về nguyên liệu, vật liệu và năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng nhanh khả năng xuất khẩu, tăng nhanh năng lực xây dựng cơ bản và phát triển giao thông vận tải.
Trong những năm trước mắt, để thúc đẩy việc tổ chức lại sản xuất, phải đặc biệt coi trọng công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên, điều tra cơ bản về kinh tế và xã hội, làm căn cứ chắc chắn cho việc lập các quy hoạch và kế hoạch. Chú ý đẩy mạnh điều tra địa chất, tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng tài nguyên địa chất phục vụ việc phát triển kinh tế, nhất là việc xây dựng công nghiệp nặng.
Trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực tự cường, cần tranh thủ nhập khẩu những thiết bị và kỹ thuật hiện đại của thế giới, phấn đấu mau chóng làm chủ những thiết bị và kỹ thuật đó, hướng vào mục tiêu phấn đấu trước mắt của kế hoạch nhà nước.
Chú trọng nghiên cứu ứng dụng, triển khai nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đồng thời quan tâm đầy đủ đến nghiên cứu cơ bản,đặc biệt là những vấn đề khoa học, kỹ thuật nhiệt đới. Rất coi trọng nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu về khoa học quản lý vào việc cải tiến công tác quản lý kinh tế của chúng ta.
Ra sức chấn chỉnh nền nếp quản lý kỹ thuật trong sản xuất và lưu thông, phân phối, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, tăng cường công tác đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm, quản lý sáng kiến phát minh. Cải tiến các chính sách, chế độ và hệ thống tổ chức quản lý công tác khoa học, kỹ thuật trong cả nước, bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống quản lý kinh tế. Chú trọng thực hiện chính sách bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật cả về kiến thức, tinh thần và vật chất.
Để phát huy tác dụng của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, phải sớm tập hợp lực lượng khoa học và kỹ thuật của cả nước, kể cả lực lượng trí thức Việt kiều ở nước ngoài, tham gia nghiên cứu những vấn đề cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở nước ta, theo một kế hoạch thống nhất, có tổ chức, phân công và lãnh đạo chặt chẽ.
Ra sức xây dựng tiềm lực khoa học, kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và công nhân (kể cả việc đào tạo trên đại học trong nước). Tăng cường năng lực quản lý của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Nâng cao năng lực nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam, của các viện, các trạm, trại nghiên cứu, thí nghiệm và điều tra cơ bản. Sắp xếp lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và các trường đại học trong cả nước, kết hợp chặt chẽ các lực lượng nghiên cứu - giảng dạy - sản xuất ở các ngành và địa phương.
Phát triển mạnh công tác thông tin khoa học - kỹ thuật và mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật.
Phát động một phong trào quần chúng sôi nổi, liên tục tiến quân vào mặt trận khoa học - kỹ thuật, không ngừng cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, đạt chất lượng tốt và năng suất cao, đưa cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật thật sự đi sâu vào quần chúng, vào đời sống.
7. Xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước
Cách mạng về quan hệ sản xuất có vai trò to lớn trong việc thực hiện những nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976-1980. Trong cả nước, kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa cần mở rộng trận địa, thể hiện tính hơn hẳn và vai trò chủ đạo của mình. ở các tỉnh phía Bắc, phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, trong tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. ở các tỉnh phía Nam tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách tích cực và vững chắc để hoàn thành về cơ bản trong thời gian kế hoạch 5 năm này việc hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tổ chức lại những người thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ. Công cuộc xác lập, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước gắn liền với quá trình tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Nông nghiệp hợp tác hoá ở các tỉnh phía Bắc tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thông qua việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý từ hợp tác xã và trên địa bàn huyện, theo quy hoạch chung của cả nước và của tỉnh. Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp hợp tác hoá ở phía Bắc phát huy tác dụng quan trọng lâu dài của mình bằng cách tổ chức lại sản xuất, tăng cường trang bị kỹ thuật và cải tiến quản lý, coi trọng củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, khắc phục các khuyết điểm của lối làm ăn sản xuất nhỏ và thói xấu của kinh doanh cá thể. Nói chung, đối với khu vực kinh tế tập thể, ở các tỉnh phía Bắc, những chủ trương và biện pháp đẩy mạnh cách mạng về quan hệ sản xuất đã được khảo nghiệm trong thực tiễn và được xác định trong nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Phải phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết đó, đạt kết quả thiết thực.
Trong toàn bộ hoạt động kinh tế ở các tỉnh phía Bắc, cả kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, cần tích cực cải tiến chế độ quản lý, cải tiến chế độ phân phối, để đạt hiệu quả cao.
ở các tỉnh phía Nam, tiến lên chủ nghĩa xã hội là tiến hành đồng thời cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh phía Nam là phát động quần chúng xoá bỏ tư sản mại bản và tàn dư bóc lột phong kiến, xoá bỏ giai cấp tư sản, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, chống đầu cơ và làm ăn phi pháp, mở đường cho những người tư sản tiếp thu con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của đất nước; xoá bỏ bất công trong đời sống xã hội, thực hiện một sự phân phối mới, công bằng, tạo điều kiện cho nền kinh tế của cả nước sớm thống nhất trong chủ nghĩa xã hội. Đây thực sự là một sự chuyển biến cách mạng sâu rộng ở các tỉnh phía Nam, mở đường đưa lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, có ý nghĩa to lớn chẳng những về kinh tế, mà cả về chính trị, tư tưởng và xã hội, đem lại sự đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống và đối với mọi tầng lớp nhân dân ở các tỉnh phía Nam.
Điều cực kỳ quan trọng là tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa phải kết hợp với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tổ chức lại sản xuất là khâu nối liền cải tạo quan hệ sản xuất với phát triển lực lượng sản xuất. Tổ chức lại sản xuất đi đôi với cải tiến quản lý, xây dựng chế độ quản lý kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam.
Trong nông nghiệp, nhanh chóng cắt đứt quan hệ của giai cấp tư sản với nông dân, kịp thời tổ chức các mối quan hệ giữa Nhà nước với nông dân, dùng các mối quan hệ ấy để giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, đồng thời đề cao nghĩa vụ của nông dân bán lương thực và nông sản khác cho Nhà nước. Việc hợp tác hoá nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam phải tiến hành tích cực, vững chắc và khẩn trương. Vấn đề quan trọng nhất là đào tạo cán bộ quản lý, làm thí điểm để mở rộng nhanh khi đã tạo được các điều kiện cần thiết.
Đối với những vùng đất đai rộng lớn, trên diện tích của các đồn điền cũ cũng như trên diện tích mới được khai hoang, sẽ thành lập những nông trường quốc doanh.
Tại các vùng phục hoang và các vùng kinh tế mới, cần quy hoạch các khu vực sản xuất kết hợp tổ chức các khu vực dân cư, tạo thuận lợi cho việc tiến lên sản xuất lớn trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đối với những xí nghiệp tư bản tư doanh, tuỳ theo tình hình cụ thể của từng ngành sản xuất, tổ chức công tư hợp doanh hoặc để tồn tại kinh doanh tư nhân dưới sự quản lý của Nhà nước và theo yêu cầu của kế hoạch nhà nước.
Đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, dùng nhiều hình thức linh hoạt, từ những người làm thủ công cá thể được đăng ký kinh doanh sản xuất, đến tổ sản xuất, hợp tác xã cung tiêu, hợp tác xã sản xuất và thông qua các chính sách thuế, tín dụng, giá cả, cung ứng vật tư, hợp đồng kinh tế, gia công đặt hàng và thu mua sản phẩm để giúp đỡ và cải tạo, đưa họ vào con đường làm ăn đúng đắn, phát triển sản xuất đúng hướng, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong xây dựng, ra sức phát triển lực lượng xây dựng của Nhà nước, đồng thời sử dụng tốt các lực lượng thi công của tư nhân, có quy chế kiểm soát của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của công nhân xây dựng và của người giao thầu. Tuỳ theo tình hình cụ thể, sẽ thu hút những người làm công tác xây dựng vào các công ty xây dựng công tư hợp doanh hoặc tổ chức những hợp tác xã xây dựng.
Trong vận tải, nhanh chóng sắp xếp lại màng lưới vận tải theo hướng phát triển mạnh vận tải quốc doanh, tổ chức lực lượng vận tải đường bộ và đường sông thành các công ty công tư hợp doanh hoặc hợp tác xã vận tải, có phân công hợp lý trên từng tuyến, từng khu vực, tổ chức liên vận giữa các phương thức vận chuyển.
Trong các ngành phục vụ, Nhà nước nắm kinh doanh khách sạn và các công ty du lịch, nhanh chóng quy hoạch lại màng lưới các cơ sở du lịch, nghỉ mát, tổ chức thành những đơn vị kinh doanh.
Đối với thương nghiệp, phát triển thương nghiệp quốc doanh, sớm tổ chức và nắm chắc khâu thu mua và bán buôn. Nhà nước giữ trọn quyền thu mua, phân phối và cung ứng lương thực cho nhân dân. Nhà nước thu mua đại bộ phận hàng công nghiệp và tổ chức việc bán buôn hàng công nghiệp. Mở rộng màng lưới thương nghiệp quốc doanh bán lẻ, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tổ chức các hợp tác xã mua bán, đồng thời sớm tiến hành cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh và tiểu thương, chuyển phần lớn tiểu thương sang sản xuất.
Đối với ngoại thương, Nhà nước nắm độc quyền.
8. Xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, phát triển công tác văn hoá, xã hội, đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hoá
Phải làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin từng bước thấm nhuần trong quần chúng, trang bị cho nhân dân những tư tưởng lớn của đường lối của Đảng, những tư tưởng lớn của kế hoạch 5 năm 1976-1980, khiến cho công cuộc phấn đấu thực hiện những mục tiêu của kế hoạch thực sự là sự nghiệp của quần chúng. Phải đưa công tác giáo dục, văn hoá, nghệ thuật tiến lên một bước mạnh mẽ, xây dựng nền văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân.
Trước hết phải phát triển mạnh màng lưới mẫu giáo, thu nhận phần lớn các cháu hết tuổi nhà trẻ. Tất cả thanh niên, thiếu niên đều phải được học đầy đủ bậc giáo dục phổ thông. Từng bước phổ cập giáo dục theo độ tuổi. Để tăng số học sinh phổ thông lên 13 triệu 70 vạn em năm 1980, Nhà nước đầu tư và huy động sự đóng góp của nhân dân, xây dựng thêm 14 vạn phòng học mới. Việc soạn thảo và xuất bản sách giáo khoa tăng gấp 1,6 lần so với hiện nay để có đủ sách giáo khoa phát không cho học sinh. Đội ngũ giáo viên tăng gấp 1,5 lần và được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng. Trong 5 năm, bắt đầu thực hiện cuộc cải cách giáo dục sâu rộng trong cả nước theo hướng kết hợp nhà trường với xã hội, kết hợp giáo dục với lao động, đưa giáo dục kỹ thuật vào chương trình phổ thông, phát triển hình thức vừa học vừa làm.
Hệ thống các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải được sắp xếp lại, hoàn chỉnh và mở rộng từng bước, bố trí khớp với sự bố trí các ngành, các vùng kinh tế trong cả nước. Tăng thêm thiết bị giảng dạy và thí nghiệm, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo. Trong 5 năm, để đào tạo 20 vạn cán bộ có trình độ đại học và 34 vạn cán bộ kỹ thuật trung học, sẽ mở rộng, cải tạo và xây dựng mới 32 trường đại học và trung học chuyên nghiệp.
Đồng thời cần hết sức coi trọng đào tạo công nhân kỹ thuật với trình độ lành nghề ngày càng cao, phù hợp với phương hướng phát triển các ngành kinh tế, khắc phục sự mất cân đối hiện nay giữa lực lượng cán bộ và đội ngũ công nhân. Mở rộng hệ thống các trường công nhân ở trung ương và địa phương cũng như các trường dạy nghề bên cạnh xí nghiệp, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng các giáo viên dạy nghề và sử dụng hợp lý những thiết bị, phương tiện hiện có trong các cơ sở sản xuất vào công tác đào tạo.
Ngoài việc đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật tại các trường tập trung, cần phát triển hình thức học hàm thụ, học tại chức và kèm cặp trong sản xuất.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hoá cho những người lao động lớn tuổi. Ngoài việc tổ chức những lớp bình dân và bổ túc văn hoá ở các khu phố, thôn, xã và ở cơ quan, xí nghiệp, cần tổ chức các trường, lớp bổ túc văn hoá tập trung ở huyện, tỉnh, trước hết cho những cán bộ cách mạng và thanh niên miền Nam đã tham gia kháng chiến.
Như vậy, nếu tính số người đi học, ở các lứa tuổi, ở tất cả các cấp và theo các hình thức, thì đến năm 1980 ở nước ta cứ ba người dân có một người đi học.
Trên cơ sở nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân, cần phát triển đều khắp các hoạt động văn hoá, nghệ thuật nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đường lối, chính sách của Đảng, động viên khí thế cách mạng và dấy lên phong trào thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi những mục tiêu của kế hoạch 5 năm.
Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng của công tác xuất bản sách, báo, truyền thanh, truyền hình, điện ảnh và chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao. Các ngành, các cấp và các đoàn thể phải thực sự tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng các đội văn nghệ nghiệp dư làm hạt nhân cho phong trào. Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân sẽ xây dựng nhiều trung tâm văn hoá ở các tỉnh, thành phố, huyện và các cơ sở văn hoá nông thôn, với thư viện, nhà văn hoá, câu lạc bộ..., làm cho việc đọc sách, báo, nghe đài, xem phim, sinh hoạt văn nghệ trở thành nếp sống hàng ngày ở khắp mọi nơi, kể cả những miền xa xôi hẻo lánh nhất. Dự kiến đến năm 1980 số sách xuất bản tăng hơn 2 lần, số lượt người xem chiếu bóng tăng gấp 1,6 lần. Hơn 80% số hộ thành thị và 50% số hộ nông thôn sẽ có phương tiện nghe đài. Đồng thời cần chăm lo tổ chức những hoạt động giải trí, vui chơi lành mạnh khác cho nhân dân lao động.
Làm tốt công tác bảo tồn bảo tàng, xây dựng những tượng đài kỷ niệm cách mạng và kháng chiến, giữ gìn và tu bổ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tổ chức tốt việc triển lãm và các cuộc tham quan nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh, lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Sau nhiều năm chiến tranh gian khổ, hiện nay mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn dân là bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, giải quyết tốt những bệnh tật do chiến tranh và xã hội cũ để lại.
Nắm vững phương châm phòng bệnh là chính, cần gây một phong trào thể dục vệ sinh rộng rãi trong toàn dân theo khẩu hiệu "khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", kết hợp với các biện pháp bảo đảm vệ sinh công cộng, chống ô nhiễm môi trường. Kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện các chế độ vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động, tổ chức tiêm chủng phòng dịch rộng rãi trong nhân dân. Thanh toán bệnh sốt rét trong cả nước, từng bước giải quyết các bệnh xã hội. ở nông thôn, phát triển phong trào ăn sạch, ở sạch, có đủ giếng nước, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám bệnh và chữa bệnh của nhân dân, Nhà nước đầu tư và huy động sự đóng góp của nhân dân, xây dựng và mở rộng hơn 60 bệnh viện, lập xong màng lưới y tế cơ sở ở các xã, quận, huyện. Trong 5 năm, tăng thêm 53 nghìn giường bệnh ở các bệnh viện và trạm xá từ trung ương đến xã. Tăng cường đội ngũ thầy thuốc giỏi về chuyên môn và có tinh thần phục vụ tận tuỵ người bệnh, biết kết hợp tốt tây y với đông y. Sử dụng rộng rãi nguồn thuốc trong nước, đẩy mạnh sản xuất tân dược và chế biến thuốc nam.Xây dựng và phát triển nền y học và dược học dân tộc. Thừa kế và phát huy những kinh nghiệm cổ truyền của dân tộc ta về chữa bệnh và làm thuốc, kết hợp với kinh nghiệm của y học và dược học thế giới. Tiến tới thực hiện chính sách chữa bệnh không phải trả tiền thuốc cho toàn thể nhân dân.
Tổ chức tốt việc điều dưỡng, nghỉ ngơi cho công nhân, viên chức và nhân dân lao động. Chăm lo chu đáo việc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, phát triển rộng rãi màng lưới nhà trẻ theo nơi cư trú và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, bảo đảm đến năm 1980 thu nhận được ít nhất 80% trẻ em ở các thành phố và khu công nghiệp, 50% trẻ em ở các vùng nông thôn. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm, phấn đấu đến năm 1980 tỷ lệ tăng dân số là trên 2% một ít. Mọi ngành, mọi cấp phải coi cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là một công tác có tầm quan trọng to lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân ta.
Nhà nước và toàn dân có trách nhiệm chăm lo sức khoẻ và đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ. Tổ chức tốt việc nuôi dạy trẻ mồ côi, săn sóc chu đáo những người già không nơi nương tựa và những người tàn tật vì chiến tranh.
9. Cải thiện một bước đời sống của nhân dân
Cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, là mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 1976-1980 này, bởi vì nhân dân cả nước ta đã trải qua một cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong suốt 30 năm, bởi vì con người là vốn quý nhất để xây dựng nền kinh tế và văn hoá xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta phải ra sức phấn đấu bảo đảm việc làm cho mọi người trong tuổi lao động và có khả năng lao động, sắp xếp cho mỗi người có công việc hợp lý và đòi hỏi mỗi người làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, có năng suất lao động cao, để có thu nhập xứng đáng với cống hiến của mình.
Để cải thiện bữa ăn, mức bán lẻ một số thực phẩm chủ yếu trên thị trường có tổ chức từng năm đều tăng, đến năm 1980 sẽ tăng nhiều so với năm 1976, như thịt các loại, cá tươi, trứng, nước chấm, rau quả. Trước mắt trong khi mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm chưa tăng được nhiều, điều có thể làm được và có tác dụng rất lớn để cải thiện bữa ăn là tổ chức tốt việc chế biến và phân phối, nâng cao chất lượng phục vụ ăn uống công cộng, phục vụ tốt bữa ăn ca ba và giữa ca cho cán bộ và công nhân.
Để giảm bớt khó khăn về nhà ở, nhất là ở thành thị, các khu công nghiệp, những vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trong 5 năm, Nhà nước đầu tư và huy động sự đóng góp của nhân dân, xây dựng và cải tạo khoảng 14 triệu m2 nhà ở, trong đó 6 triệu m2 ở các thành phố và khu công nghiệp thuộc các tỉnh phía Bắc. Huy động rộng rãi công nhân, viên chức và nhân dân tham gia sản xuất và khai thác vật liệu địa phương, xây dựng nhiều nhà ở một tầng, hai tầng bằng vật liệu địa phương. Cần khuyến khích các hình thức hợp tác xã xây dựng nhà ở và nhân dân tự xây dựng với sự giúp đỡ của tập thể hoặc của Nhà nước về vật liệu và về cho vay vốn.
ở các thành thị, chú ý xây dựng đồng bộ các công trình vệ sinh, điện, nước, cống rãnh và phục vụ công cộng, để xây dựng xong là có thể ở được ngay.
ở nông thôn, phấn đấu đến năm 1980 hầu hết các hộ nông thôn có đủ giếng nước, nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh.
Trong khi chưa có điều kiện tăng nhanh mức tiêu dùng vải, hướng cải thiện về mặc tập trung vào việc nâng cao chất lượng vải và hàng may mặc sẵn, có nhiều cỡ loại, nhất là quần áo trẻ em, phụ nữ. Phấn đấu để mọi người đều mặc lành, đủ ấm và có đủ quần áo lao động.
Trong vài năm tới, cố gắng đáp ứng nhu cầu về những hàng tiêu dùng thông thường mà trong nước có sẵn nguyên liệu và khả năng sản xuất. Dự kiến đến năm 1980 sẽ tăng đáng kể mức bán xà phòng, giấy viết, đồ sứ và các hàng thông thường khác. Ngoài ra, phấn đấu để từng bước cung ứng cho nhiều gia đình có quạt điện, máy thu thanh, các gia đình nông dân có đủ màn, phích nước, đồng hồ để bàn, xe đạp... Công nghiệp địa phương chú ý sản xuất và cung ứng cho các vùng dân tộc ít người những hàng hoá cần thiết phù hợp với đặc điểm và tập quán sinh hoạt của đồng bào.
Sau khi đất nước đã thống nhất và hoà bình, phải bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân thông suốt trong cả nước, giữa miền xuôi, miền núi và các vùng kinh tế mới, giữa thành thị và nông thôn. Giao thông công cộng trong các thành phố và khu công nghiệp phải được tổ chức lại cho thuận tiện và hợp lý...
Trên cơ sở phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động, cần cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương cho công nhân, viên chức nhằm thực hiện đầy đủ hơn nữa nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa theo số lượng và chất lượng lao động. Đồng thời, chú trọng tăng các quỹ phúc lợi xã hội. Tổng số các khoản trợ cấp và phúc lợi xã hội do ngân sách nhà nước đài thọ năm 1980 gấp 2,6 lần so với năm 1976. Nếu kể cả các khoản phúc lợi do quỹ xí nghiệp, quỹ hợp tác xã, quỹ công đoàn đài thọ, và khoản giảm giá một số mặt hàng tiêu dùng, thì thu nhập thực tế của công nhân, viên chức tăng khoảng 30 - 35%, của nông dân tăng 15 - 20%.
*
* *
Theo những nhiệm vụ và mục tiêu chung và trong từng lĩnh vực như trình bày trên đây, việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 sẽ tăng cường một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa lại một sự bố trí mới các lực lượng sản xuất trên địa bàn cả nước với nhiều ngành, nghề mới, với những vùng kinh tế mới, những khu vực dân cư mới kết hợp thành phố và nông thôn, kết hợp hoạt động và đời sống của con người với điều kiện thiên nhiên và cảnh đẹp của đất nước.
Trong sự bố trí chiến lược đó, ăn khớp với các khu vực sản xuất là những khu vực dân cư, có địa điểm và số dân hợp lý, gồm những khu vực dân cư hiện có được điều chỉnh lại và những khu vực dân cư mới, ở đồng bằng, trung du, miền núi và ven biển. Các khu vực dân cư đó đều được tổ chức thuận lợi cho lao động sản xuất, cho đời sống của nhân dân, cho việc bảo vệ môi trường.
Bố trí kinh tế và đời sống xã hội theo khu vực sản xuất và khu vực dân cư như vậy tiêu biểu rõ rệt tính hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân ta đối với xã hội, đối với tự nhiên và đối với bản thân mình. Đó là điều chủ nghĩa tư bản dẫu có bao nhiêu phương tiện vật chất và tiền bạc cũng không bao giờ làm được, trái lại, chính trong những nước tư bản phát triển nhất, sự phân bố tự phát và hỗn loạn các khu vực sản xuất và khu vực dân cư đã gây ra biết bao hậu quả khốc hại về kinh tế và đời sống, phá hoại môi trường, khoét sâu các mâu thuẫn xã hội.
Việc tổ chức hợp lý các khu vực dân cư và chăm lo đời sống của nhân dân ở từng nơi là trách nhiệm trực tiếp của các cấp chính quyền địa phương tỉnh, huyện, dưới sự chỉ đạo và giúp đỡ của các cơ quan nhà nước có trách nhiệm ở trung ương. Theo quy hoạch chung của cả nước, từng địa phương phát huy sức lao động và tài nguyên thiên nhiên tại chỗ, giải quyết các vấn đề về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, giữ gìn sức khỏe, vui chơi, giải trí của nhân dân. Bất kỳ tại vùng nào của đất nước, đều có thể từng bước tạo ra đời sống tốt đẹp, dùng khả năng của địa phương, theo truyền thống và tập quán địa phương, từ cơ cấu bữa ăn, vật liệu và kiểu xây nhà, loại vải và cách may mặc, chủng loại và quy cách hàng tiêu dùng, các thứ thuốc chữa bệnh bằng dược liệu địa phương.
Đời sống văn hoá thể hiện trong các mối quan hệ xã hội từ quy mô cả nước đến từng gia đình, và diễn ra toàn diện tại các khu vực dân cư, với những cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động văn hoá bố trí chung cho dân cư trong khu vực, với nội dung sinh hoạt văn hoá có màu sắc địa phương.
Chính trong từng khu vực dân cư, nhân dân lao động trực tiếp thực hiện quyền làm chủ tập thể về sản xuất và phân phối, về đời sống vật chất và văn hoá, kiểm tra công tác của các cơ quan nhà nước, trực tiếp phê bình, nhận xét các cán bộ có trách nhiệm ở địa phương. Mặc dầu đời sống vật chất chưa thể cải thiện nhanh, trong từng khu vực dân cư, đời sống văn hoá có thể có sự đổi mới rõ rệt ngay trong kế hoạch 5 năm này, một đời sống văn hoá lành mạnh, tươi vui, với những giá trị tinh thần cao quý, mọi người đều chăm chỉ lao động, mọi người thân ái hợp tác, giúp đỡ nhau, bài trừ các thói hư, tật xấu và các hiện tượng tiêu cực.
Trong những năm qua ở các tỉnh phía Bắc, và từ ngày giải phóng ở các tỉnh phía Nam, ngày càng xuất hiện những địa phương biết theo tinh thần trên đây mà tổ chức lao động và đời sống của nhân dân với những thành tựu đáng phấn khởi.
Trong kế hoạch 5 năm này, tất cả các địa phương cần phấn đấu làm được như vậy, khiến cho đất nước ta, từ Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến những vùng xa xôi nhất, đâu đâu cũng có cuộc sống mới, xã hội chủ nghĩa, phong phú, đa dạng, như sự phong phú của con người, và sự đa dạng của đất, rừng, trời, biển nước ta.
Phần thứ ba
Những biện pháp lớn để thực hiện kế hoạch 5 năm 1976 - 1980:
Tổ chức và quản lý
Thưa các đồng chí,
Theo những nhiệm vụ và mục tiêu đề ra trên đây cho các ngành kinh tế và văn hoá trong kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, chúng ta thực hiện một cuộc tái sản xuất mở rộng về lực lượng sản xuất, về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, về cơ cấu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và cả về tổ chức đời sống xã hội.
Để thực hiện những mục tiêu đó, nhất thiết phải có sự chuyển hướng rất mạnh mẽ trong các lĩnh vực, công tác, trong các ngành, các cấp, ở khắp mọi nơi. Chúng ta phải chuyển từ nhận thức để quán triệt đường lối, chuyển trong việc bố trí chiến lược, chuyển các mặt quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, để cuối cùng thể hiện trong phong trào lao động sản xuất của quần chúng nhân dân, bao gồm cả phong trào trong các lực lượng vũ trang.
Chúng ta phải thực hiện sự chuyển hướng mạnh mẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, bắt đầu từ các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từ cơ quan làm kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, từ cơ quan nghiên cứu chính sách, chế độ, mà thúc đẩy, lôi cuốn tất cả các ngành, các cấp và tác động mạnh mẽ tới cơ sở. Mọi nỗ lực đều nhằm hình thành thế chiến lược mới của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng những yêu cầu trước mắt, đồng thời tạo cơ sở cho những bước phát triển sau này.
Sự chuyển hướng mạnh mẽ ngay từ năm 1977 sẽ đem lại bộ mặt mới cho xã hội ta; những sức mạnh mới cho nền kinh tế của chúng ta; nền nếp suy nghĩ, cung cách quản lý và khí thế lao động mới cho cán bộ, công nhân và mọi tầng lớp lao động trên đất nước ta.
I- Tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại
lực lượng sản xuất trong cả nước
Tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất vừa là một nhiệm vụ cơ bản nằm trong nội dung kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, vừa là biện pháp có tính chất chiến lược để thực hiện kế hoạch. Tận dụng những khả năng về tài nguyên thiên nhiên như đất đai, rừng, biển, khoáng sản... và những khả năng về sức lao động, là nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của nền kinh tế quốc dân và của đời sống nhân dân, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của lực lượng sản xuất, và của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong thời gian tiếp theo.
Đối với nước ta hiện nay, tận dụng khả năng về đất nông nghiệp càng sớm càng tốt là một đòi hỏi to lớn, cấp bách và có tác dụng quý báu nhất; và phải sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch và kế hoạch hợp lý để đẩy mạnh nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.
Cũng phải có chủ trương như vậy đối với đất trồng rừng theo một quy hoạch và kế hoạch dài hạn, tập trung việc trồng rừng ở các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng phía Tây Trung Bộ và vùng Tây Nguyên...
Vùng biển của chúng ta giàu hải sản và biết bao nguồn lợi thiên nhiên khác chưa lường hết và chưa được khai thác đúng mức, có khả năng thu hút không ít lao động các loại và cung ứng sớm những sản phẩm phong phú và quý giá.
Những việc trên đây đòi hỏi phân bố lại lao động (trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật) và trang bị cho người lao động những công cụ cần thiết tuỳ theo khả năng của nước ta, nhằm thực hiện kế hoạch sản xuất càng sớm càng tốt.
Việc tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất như vậy có tầm quan trọng cơ bản trước mắt và lâu dài, nhằm sử dụng một cách hợp lý nhất "hai nguồn làm nảy sinh mọi của cải: đất và người lao động", như Các Mác đã nói.
Đây là sự kết hợp ngay từ trong kế hoạch 5 năm đầu tiên của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả nước ta sau chiến tranh, nông nghiệp với công nghiệp hoặc công nghiệp với nông nghiệp, bước đầu hình thành cơ cấu công - nông nghiệp, thực hiện liên minh công nông dưới nhiều hình thức: kinh tế, chính trị, văn hoá...
Chúng ta phải thấy hết ý nghĩa quan trọng của chủ trương trên đây về lý luận và thực tiễn, kết quả của một sự tổng kết kinh nghiệm của nước ta và của nhiều nước trên thế giới về quá trình phát triển công nghiệp và nông nghiệp.
Phân bố lại lực lượng sản xuất một cách có quy hoạch và kế hoạch tức là bố trí cân đối những lực lượng ấy thành những ngành và những vùng chuyên môn hoá lớn hoặc nhỏ, nhằm đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng trong nước và về xuất khẩu.
Bố trí lực lượng sản xuất thành ngành và thành vùng để hình thành cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên môn hoá và thâm canh kết hợp sản xuất và chế biến, nhằm tạo khối lượng sản phẩm hàng hoá ngày càng lớn với giá thành hạ và chất lượng tốt, là sự thể hiện điển hình quá trình đưa sản xuất nhỏ, phân tán trong nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở nước ta, dưới nhiều hình thức khác nhau về phương tiện sản xuất (cơ khí và thủ công), về quan hệ sản xuất (quốc doanh, hợp tác xã, kinh tế phụ gia đình), về quy mô (lớn, vừa và nhỏ).
Trong sự bố trí lực lượng sản xuất theo vùng, chúng ta có ý thức tạo ra những điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế và văn hoá miền núivới tốc độ nhanh, làm cho kinh tế miền núi gắn với nền kinh tế cả nước, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, hoà nhịp cùng nhau xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh và vững mạnh.
Quá trình phân bố lại lực lượng sản xuất là quá trình thực hiện ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, bởi vì đó là đòn bẩy của lực lượng sản xuất, của trang bị kỹ thuật, của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.
Một mặt, chúng ta ra sức trang bị kỹ thuật hiện đại cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến mức cao nhất, mặt khác chúng ta ra sức tận dụng mọi khả năng sẵn có cung ứng cho người sản xuất công cụ thô sơ và cải tiến, nửa cơ giới. Đây là cách dùng ba thứ quân trên mặt trận sản xuất, và dùng giỏi ba thứ quân sẽ có thể đánh lớn và thắng lớn.
Để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp với quy mô ngày càng lớn, tốc độ ngày càng nhanh, phải thấy rõ hai luồng trong sự chi viện của các ngành công nghiệp đối với nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp: một là, cung ứng vật tư và trang bị kỹ thuật cần thiết cho sản xuất và chế biến; hai là, cung ứng hàng tiêu dùng cần thiết cho đời sống như vật liệu làm nhà, các loại hàng thông thường, các đồ dùng cho đời sống vật chất và văn hoá... Các ngành có trách nhiệm ở trung ương phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, có quy hoạch và kế hoạch sản xuất và cung ứng các mặt hàng ấy một cách vững chắc và kịp thời. Đây là cơ hội tốt nhất để kết hợp kinh tế trung ương và kinh tế địa phương cùng nhau lớn lên về mọi mặt.
Đi đôi với việc phân bố lại lực lượng sản xuất phải bố trí các khu vực dân cư thuận lợi đối với sản xuất, nhất là thuận lợi đối với đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động. Muốn vậy, phải có sự tính toán về nhiều mặt và phải có sự chỉ đạo và quản lý chặt chẽ. Nhưng chúng ta không cầu toàn. Toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi nhiều năm công phu nghiên cứu và xây dựng, chúng ta phải làm từng bước, từng phần. Ngay từ đầu, chúng ta phải đặt vấn đề xây dựng những khu vực dân cư, gắn liền với những vùng sản xuất nhất định, ở khu công nghiệp, ở nông thôn, ở vùng ven biển, hoặc ở vùng rừng núi, và phải thấy những vấn đề cần giải quyết ở từng vùng đó. Như vậy trên toàn bộ lãnh thổ nước ta, sẽ có những khu vực dân cư khác nhau về điều kiện thiên nhiên, kinh tế và xã hội, trong đó các vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, bảo vệ sức khỏe, đời sống văn hoá đều có những nét khác nhau, phong phú và đa dạng, nhưng nói chung là thuận tiện cho sản xuất và đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Phải thực hiện ngay từ năm 1977 một cuộc phân bố lại lực lượng lao động với quy mô non 4 triệu người trong 4 năm, và trong những năm kế tiếp sẽ tăng lên hơn nữa, để đưa vợi bớt lao động từ những thành thị lớn ở phía Nam, những vùng đồng bằng quá đông dân và thừa sức lao động ở các tỉnh phía Bắc đến những nơi sẵn có đối tượng lao động (nhất là đất đai) mà không có người làm. Cần phải tập trung sự cố gắng của Nhà nước, của các ngành có trách nhiệm, của các tỉnh có người đi và các tỉnh có người đến, để làm tốt cuộc phân bố lớn lao này. Các cơ quan có trách nhiệm phải tổ chức chu đáo việc di chuyển dân, bố trí chu đáo sản xuất và đời sống ở các vùng kinh tế mới, làm cho đời sống sớm ổn định và ngày càng tươi vui, sản xuất ngày càng phát triển. Cùng với việc di chuyển lớn này, phải thu hút hàng triệu lao động khác vào công việc xây dựng, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ. Phải tạo điều kiện cho các lực lượng của quân đội làm tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng kinh tế, nhất là xây dựng các cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các công trình thuỷ lợi, xây dựng cơ bản, giao thông và các công trình khác. Quân đội phải giữ vai trò xung kích và nòng cốt trên những địa bàn chiến lược, ở các vùng có nhiều khó khăn. Phải tận dụng mọi lực lượng đến tuổi lao động tham gia xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất.
Để đặt cơ sở cho việc tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất, cần xúc tiến nghiên cứu các quy hoạch phát triển dài hạn của các ngành kinh tế, dự kiến phân vùng kinh tế cơ bản, lập sơ đồ chung về phân bố lực lượng sản xuất trong cả nước và đối với từng vùng, từ đó mà có quy hoạch dài hạn về phát triển kinh tế, văn hoá cho từng tỉnh, từng huyện.
Tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất trong phạm vi cả nước đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, khai thác kết quả của nhiều công trình nghiên cứu. Vì vậy, phải thành lập một cơ quan chuyên trách của Hội đồng Chính phủ để triển khai công việc ngay từ đầu năm 1977.
Cần chủ động thúc đẩy nền kinh tế tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa từ hai phía liên quan mật thiết với nhau: một phía từ sự phân bố lại lực lượng sản xuất, làm xuất hiện nhiều ngành, nghề mới, nhiều vùng kinh tế mới, khiến cho nền kinh tế lớn lên về quy mô và cơ cấu sản xuất; phía khác, từ sự tích tụ sản xuất diễn ra trong bản thân mỗi đơn vị, mỗi ngành, mỗi vùng sản xuất. Quá trình tích tụ, chuyên môn hoá, hợp tác và liên hiệp sản xuất gắn liền với ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Các ngành, các cấp phải chủ động thanh toán tình trạng chia cắt, phân tán, không đồng bộ hiện nay giữa các ngành sản xuất, giữa kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, giữa các đơn vị, giữa các cơ sở sản xuất với các tổ chức cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.
Theo quy hoạch và kế hoạch chung của cả nước, các ngành kinh tế phải vạch ra quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành mình, tổ chức lại sản xuất của ngành, thực hiện sự kết hợp giữa kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, thực hiện sự hợp tác và liên hiệp sản xuất trong ngành và giữa các ngành với nhau. Cần xác định đúng đắn quy mô và cơ cấu của từng ngành, chọn hình thức liên hiệp sản xuất thích hợp (liên hiệp các xí nghiệp; công ty; xí nghiệp liên hợp; nhóm sản phẩm, v.v..), hình thành ngành kinh tế - kỹ thuật một cách vững chắc, có chuẩn bị điều kiện và tiền đề chu đáo, bảo đảm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Như vậy, chúng ta xây dựng và tăng cường sức mạnh của các ngành kinh tế, và từ đó, các ngành có điều kiện phục vụ tốt hơn cho các địa phương và cơ sở.
Là một bộ phận hết sức trọng yếu của nền kinh tế quốc dân, phần kinh tế do địa phương trực tiếp quản lý hiện nay đang là nguồn cung ứng một phần lớn lương thực, thực phẩm, nguyên liệu nông sản, lâm sản, hải sản và hàng loạt hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Với nguồn lao động dồi dào, với tiềm lực về đất đai, rừng, biển, các địa phương có thuận lợi to lớn để vươn lên phát triển sản xuất nhanh chóng, cùng với kinh tế do trung ương trực tiếp quản lý tạo nên thế cân đối mới và cái đà phát triển mới cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Phải đặt kinh tế địa phương trong lãnh thổ quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, đồng thời các ngành trung ương phải hết lòng hết sức giúp đỡ địa phương, tăng cường sức mạnh cho địa phương, qua đó mà thúc đẩy sự phát triển của chính bản thân ngành mình.
Theo quy hoạch và kế hoạch chung của cả nước, phải chủ động hình thành trên địa bàn mỗi tỉnh một cơ cấu kinh tế kết hợp công nghiệp và nông nghiệp, kết hợp kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, phát huy thế mạnh của từng tỉnh về tài nguyên và sức lao động.
Trên địa bàn huyện, phải tổ chức sản xuất kết hợp nông nghiệp và công nghiệp, thực hiện chuyên môn hoá và thâm canh nông nghiệp theo cơ cấu hợp lý, phân bố và sử dụng tốt lực lượng lao động, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật trên quy mô ngày càng lớn. Đồng thời địa bàn huyện là nơi thực hiện mối quan hệ mật thiết giữa sản xuất và lưu thông, phân phối.
Theo quy hoạch phân vùng và phương án sản xuất của huyện, các hợp tác xã nông nghiệp hoặc nông - lâm nghiệp, nông - ngư nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, tận dụng đất đai và mọi khả năng về lực lượng sản xuất, tăng cường quản lý lao động, đất đai, tài sản, chấn chỉnh việc phân phối trong nội bộ hợp tác xã. Các ngành công nghiệp phải hết sức giúp đỡ các hợp tác xã nông nghiệp về trang bị kỹ thuật cho sản xuất và chế biến, qua đó giúp cho hợp tác xã tăng cường lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất và từng bước đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Đối với các xí nghiệp công nghiệp, nội dung của việc tổ chức lại sản xuất là căn cứ theo quy hoạch và phương án sản xuất của ngành mà xác định nhiệm vụ và quy mô sản xuất, sắp xếp hợp lý dây chuyền sản xuất theo quy trình công nghệ tiến bộ, cải tiến tổ chức và quản lý lao động, phấn đấu ổn định việc cung ứng vật tư, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, đặt các mối quan hệ hợp lý của xí nghiệp với các đơn vị kinh tế khác có liên quan.
Để phục vụ việc tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất, Nhà nước cần có kế hoạch, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm cho mọi người có sức lao động đều có việc làm có ích cho xã hội, đồng thời đòi hỏi mỗi người làm tốt nghĩa vụ lao động của mình. Các ngành quản lý kinh tế, nội chính, văn hoá, y tế, giáo dục phải phục vụ tốt công tác phân bố lại lực lượng sản xuất.
Từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở, phải soát xét lại sự phân bố lực lượng sản xuất trong ngành, trong địa phương, trong cơ sở mình, từ đó mà bố trí lại lao động một cách hợp lý, xác định biên chế. Đối với số lao động không cần thiết trong các cơ quan, xí nghiệp, cần kiên quyết chuyển sang sản xuất, hoặc làm một việc gì thật sự có ích cho xã hội. Đối với số lao động thừa ở địa phương sau khi cân đối lao động, cần kiên quyết chuyển đi các vùng kinh tế mới, hoặc chuyển sang các ngành, nghề đang cần lao động.
II- Cải tiến phương thức quản lý
Chính là nhằm yêu cầu tổ chức lại nền sản xuất xã hội và phân bố lại lực lượng sản xuất trong mấy năm qua, nhất là trong năm 1976, Đảng ta và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương và biện pháp cải tiến quản lý trong nhiều nghị quyết quan trọng. Đó là những văn bản đánh dấu một bước tiến rõ rệt của chúng ta về kiến thức và kinh nghiệm quản lý, có nội dung thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1976-1980. Cần tiếp tục phấn đấu thực hiện các nghị quyết đó, từ kinh nghiệm thực tiễn mà bổ sung và cụ thể hoá các biện pháp quản lý kinh tế, mau chóng thống nhất quản lý và kế hoạch hoá nền kinh tế trong cả nước, tiến lên xây dựng phương thức quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước ta.
1. Cải tiến phương thức quản lý, trước hết phải cải tiến công tác kế hoạch hoá
Đây là một sự cải tiến đồng bộ, từ việc thể hiện đường lối của Đảng thành phương hướng phát triển dài hạn về kinh tế - văn hoá - xã hội của cả nước, phân vùng và quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất, xác định nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch đến phương pháp, trình tự kế hoạch hoá, từ việc xây dựng kế hoạch đến việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
Phải quán triệt trong các kế hoạch dài hạn và hàng năm đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa bảo đảm việc kế hoạch hoá tập trung và thống nhất của Nhà nước, vừa mở rộng quyền chủ động của các đơn vị cơ sở, đề cao trách nhiệm kế hoạch hoá toàn ngành của các bộ, tổng cục, và trách nhiệm kế hoạch hoá của các cấp chính quyền địa phương. Thi hành những biện pháp thiết thực, làm cho kế hoạch nhà nước thực sự là sản phẩm của trí tuệ tập thể của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật và đội ngũ đông đảo nhân dân lao động. Cần nhấn mạnh một điều rất quan trọng, một vấn đề có tính nguyên tắc trong quá trình xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm: phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu cho đến các chỉ tiêu của kế hoạch phải gắn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện thực và vững chắc. Phải làm cho kế hoạch phát triển khoa học kỹ thuật trở thành một bộ phận hợp thành của kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế và văn hoá. Phải làm như vậy để thể hiện chủ trương của Đảng coi cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt trong ba cuộc cách mạng.
Kế hoạch ở mỗi cấp đều phải được cân đối tích cực, vững chắc và linh động trong chừng mực cho phép. Cần dựa trên kết quả điều tra, nghiên cứu về kinh tế và kỹ thuật, sử dụng thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các ngành kinh tế, để xác định đúng đắn kế hoạch đầu tư và sản xuất, làm cho căn cứ của kế hoạch thực sự vững chắc và khoa học. Mặt khác, kết hợp chặt kế hoạch với phong trào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, bằng công tác tư tưởng, chính trị gắn liền với chế độ khuyến khích vật chất và kích thích kinh tế thích hợp. Tranh thủ mọi nhân tố thuận lợi, tạo thêm những khả năng mới trong quá trình thực hiện kế hoạch, vươn lên đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế.
Để thực hiện tốt chủ trương "vừa xây dựng kinh tế trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất", phải vận dụng đúng đắn nguyên tắc kết hợp quản lý và kế hoạch hoá theo ngành với quản lý và kế hoạch hoá theo địa phương và theo vùng lãnh thổ. Các bộ, tổng cục cần tích cực và chủ động lập kế hoạch toàn ngành, thống nhất quản lý toàn ngành trên những mặt chủ yếu, tác động mạnh mẽ và đúng đắn vào hoạt động của ngành ở địa phương. Các cấp tỉnh, thành phố cần chủ động lập kế hoạch, bao gồm phần kinh tế trực thuộc địa phương quản lý và phần nhiệm vụ của địa phương đối với kinh tế trung ương trên địa bàn của tỉnh, thành phố. Trong kế hoạch của cấp tỉnh, thành phố, phải cân đối theo lãnh thổ về sức lao động, lực lượng xây dựng, vật liệu xây dựng, vận tải, điện, nước trong tỉnh, thành phố, lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng bảo đảm đời sống của dân cư ở địa phương. Về đầu tư xây dựng cơ bản, phải kết hợp tốt và chặt chẽ kế hoạch đầu tư theo ngành với kế hoạch đầu tư ở từng địa phương, thực hiện nghiêm chỉnh việc các bộ, tổng cục cùng bàn bạc, thống nhất ý kiến với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về những phần trong quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của ngành có liên quan đến các mặt đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội trong tỉnh, thành phố.
Với việc từng bước xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp, nội dung kế hoạch hoá ở cấp huyện có nhiều vấn đề rất mới đặt ra. Phải sớm xác định nội dung quản lý kinh tế và kế hoạch hoá ở cấp huyện để các huyện thực hiện được trách nhiệm của mình về sản xuất và tổ chức đời sống, chỉ đạo được việc xây dựng và thực hiện kế hoạch theo nội dung mới. Trong tương lai, kế hoạch nhà nước phải được xây dựng và tổng hợp từ huyện lên.
Đi đôi với việc cải tiến công tác kế hoạch hoá ở các ngành, các cấp, phải chuyển biến mạnh mẽ công tác kế hoạch hoá ở đơn vị cơ sở.Hướng cơ bản là mở rộng hơn nữa quyền chủ động của xí nghiệp, thúc đẩy xí nghiệp hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của mình, xí nghiệp có điều kiện thì xây dựng và thực hiện kế hoạch cao hơn mức kế hoạch nhà nước, có lợi cho Nhà nước, cho xí nghiệp và cho người lao động.
Đối với các xí nghiệp quốc doanh, các ngành, các cấp phải giúp các xí nghiệp xây dựng tốt kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính, cân đối kế hoạch toàn diện, thống nhất hai mặt hiện vật và giá trị; gắn chặt kế hoạch sản xuất với kế hoạch tiêu thụ, với hợp đồng kinh tế; gắn chặt kế hoạch với các đòn bẩy kinh tế như: giá cả, tiền lương, tiền thưởng, lợi nhuận, tín dụng; nâng cao các chỉ tiêu chất lượng và đưa thành chỉ tiêu pháp lệnh; bảo đảm mỗi chỉ tiêu đều được tính toán, so sánh hiệu quả với chi phí bỏ ra.
Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, phải gắn công tác kế hoạch hoá với cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý, định các chính sách khuyến khích, các biện pháp nhằm phát huy tác động tích cực của Nhà nước, của công nghiệp, đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Đối với các hợp tác xã thủ công nghiệp, cũng như đối với các hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp, kế hoạch cung ứng tư liệu sản xuất phải ăn khớp với kế hoạch thu mua và giao nộp sản phẩm, tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, đồng thời đòi hỏi hợp tác xã làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Các ngành, các cấp chính quyền cần tăng cường giúp đỡ, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng và cân đối tốt kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính theo những thể thức đơn giản, chú trọng đến kế hoạch trang bị kỹ thuật, và cải tiến kế hoạch phân phối trong nội bộ hợp tác xã.
Theo hướng mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ sở đồng thời vẫn bảo đảm sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Nhà nước, cần cải tiến hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, đối với các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.
Chúng ta cần vận dụng đúng đắn các quan hệ hàng hoá - tiền tệ, quan hệ thị trường, vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
Dưới chế độ ta, sản xuất là để thoả mãn nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và của nhân dân, tức là sản xuất giá trị sử dụng. Đó là điều cần làm nổi bật. Đồng thời cũng rất cần thiết nói ngay ở đây rằng dưới chế độ ta, công tác quản lý kinh tế phải biết vận dụng quy luật giá trị, tính toán chặt chẽ, không ngừng hạ giá thành và nâng cao chất lượng, thoả mãn yêu cầu của thị trường. Về mặt này chúng ta chưa biết coi trọng đúng mức. Và một loạt những ngành có liên quan đều không có sự phối hợp chặt chẽ để cùng nhau nghiên cứu và đề ra những chính sách và biện pháp nhằm vận dụng một cách hợp lý quy luật giá trị và những phạm trù có liên quan như giá (giá thành, giá bán), tiền lương, lợi nhuận, đầu tư (cho vay), chính sách và chế độ khuyến khích vật chất, v.v.. Đây là những đòn bẩy mà một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải biết dùng một cách chủ động, đúng đắn, và có hiệu quả. Ngay từ bước đầu của chính quyền Xôviết, Lênin đã dạy chúng ta, nhất là những người quản lý nền kinh tế quốc dân, phải biết tính toán từng đồng xu, phải biết kiểm kê, kiểm soát mọi tài sản của Nhà nước, và đó là chủ nghĩa xã hội, phải biết buôn bán, phải biết kinh doanh. Đối với chúng ta đây là một sự chuyển hướng rất quan trọng trong ý thức, trong lý thuyết và trong thực tiễn về quản lý và kinh doanh. Hiện nay chúng ta lệch ở cả hai hướng: sản xuất không nhằm nhu cầu một cách thiết thực, đồng thời ham "kinh doanh" một cách vô tội vạ, không tính toán hiệu quả kinh tế. Nói chung các cơ quan tài chính, ngân hàng, vật giá, lao động, tiền lương... đều không thấy hết vấn đề và chuyên tâm nghiên cứu và đề xuất chính sách và biện pháp để giải quyết vấn đề. Trong thời gian tới, đây là một trong nhiều vấn đề quản lý mà chúng ta phải đặc biệt coi trọng.
Hợp đồng kinh tế phải thực sự trở thành cơ sở để xây dựng và thực hiện kế hoạch thành phương tiện quan trọng để kết hợp kế hoạch hoá với sử dụng quan hệ thị trường, thành nếp quan hệ thường xuyên giữa các đơn vị kinh tế cơ sở. Hội đồng trọng tài các cấp phải xét xử nghiêm túc mọi việc tranh chấp về hợp đồng và vi phạm hợp đồng. Đối với các bên vi phạm - kể cả cán bộ thuộc cơ quan quản lý cấp trên - cần phải xử phạt nghiêm túc.
Theo phương hướng cải tiến công tác kế hoạch hoá nói trên, phải kiên trì và tích cực đưa chế độ kế hoạch hoá vào nền nếp, tăng cường công tác điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, chấn chỉnh hệ thống thông tin kinh tế, nghiên cứu áp dụng toán kinh tế và điều khiển học trong công tác kế hoạch. Xúc tiến xây dựng và ban hành các luật lệ ngày càng hoàn chỉnh về kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.
2. Trong hệ thống quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, chế độ hạch toán kinh tế là một nhân tố cơ bản, giúp xoá bỏ lối bao cấp. Tuy chế độ hạch toán kinh tế thực hiện tại các đơn vị sản xuất và kinh doanh, nhưng đó là kết quả tổng hợp của sự hoạt động của cả hệ thống quản lý, của toàn thể bộ máy quản lý.
Chế độ hạch toán kinh tế đòi hỏi các đơn vị sản xuất và kinh doanh bù đắp đủ các chi phí sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm thặng dư, thu được lợi nhuận, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước, đồng thời đem lại lợi ích cho tập thể và cho người lao động. Đó là cách quản lý quán triệt đầy đủ nhất nguyên tắc hiệu quả kinh tế, cũng tức là nguyên tắc tiết kiệm. Chế độ hạch toán kinh tế phải có căn cứ khoa học, phải dựa trên hệ thống tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật đúng đắn và hệ thống thông tin kinh tế chính xác.
Trong kế hoạch 5 năm 1976-1980, phải phấn đấu để sau chừng vài ba năm, thay chế độ tài chính "thu đủ chi đủ" bằng chế độ hạch toán kinh tế thực sự trong các đơn vị kinh tế cơ sở và mọi tổ chức sản xuất và kinh doanh, của kinh tế quốc doanh, cũng như kinh tế tập thể.
Tiền đề chủ yếu của hạch toán kinh tế trong khu vực quốc doanh là:
1- Ban hành và thực hiện Điều lệ xí nghiệp, mở rộng thích đáng các quyền hạn và xác lập tư cách pháp nhân của đơn vị sản xuất và kinh doanh, khuyến khích xí nghiệp vì lợi ích của Nhà nước và của bản thân, phấn đấu đạt lợi nhuận cao, và được hưởng quyền lợi tuỳ thuộc vào mức độ hoàn thành kế hoạch Nhà nước.
2- Ban hành và thực hiện chế độ thủ trưởng quản lý xí nghiệp, gắn liền với sự lãnh đạo của đảng uỷ, đồng thời phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức, lôi cuốn quần chúng tham gia tự giác và tích cực vào việc thực hiện chế độ hạch toán kinh tế.
Cơ chế hạch toán kinh tế được hình thành bằng cách ban hành và thực hiện các chính sách, chế độ:
- Nhà nước giao kế hoạch cho xí nghiệp gồm một số chỉ tiêu hạn chế hơn, trong đó chú ý thay chỉ tiêu giá trị tổng sản lượng bằng chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện.
- Trên cơ sở chấp hành các nguyên tắc quản lý, các chỉ tiêu pháp lệnh và các định mức, tiêu chuẩn Nhà nước, xí nghiệp có quyền chủ động sử dụng các năng lực sản xuất của mình và bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho sát với nhu cầu của người tiêu thụ.
- Chế độ khấu hao tài sản cố định, chế độ quản lý tiền vốn, chế độ trích nộp lợi nhuận cho ngân sách, chế độ lợi tức tiền vay cần được cải tiến nhằm thúc đẩy xí nghiệp khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn vốn, kể cả vốn do ngân sách nhà nước cấp cũng như vốn vay của ngân hàng.
- Chế độ quản lý giá thành, giá bán buôn xí nghiệp và giá bán buôn công nghiệp, đòi hỏi xí nghiệp ra sức phấn đấu hạ giá thành, vì lợi nhuận của xí nghiệp chủ yếu tuỳ thuộc vào kết quả hạ giá thành.
- Chính sách, chế độ tiền lương và tiền thưởng phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc phân phối theo lao động.
- Chế độ phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ của xí nghiệp, để xí nghiệp dùng vào việc mở rộng sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng phúc lợi tập thể, tăng lương và tiền thưởng cho công nhân, viên chức.
- Theo đúng các quy định của Nhà nước, các xí nghiệp có quyền chủ động đặt quan hệ trực tiếp mua vật tư và bán sản phẩm, ký hợp đồng kinh tế với nhau, trong quá trình xây dựng kế hoạch từ dưới lên và sau khi có kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước giao xuống.
Bằng cách cải tiến công tác kế hoạch hoá và bằng các chính sách (nghĩa vụ giao nộp sản phẩm, thu mua, cung ứng vật tư, giá, tín dụng...), Nhà nước chỉ đạo và khuyến khích các hợp tác xã thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Phải vừa bảo đảm sự quản lý tập trung của Nhà nước, vừa tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền tự chủ của hợp tác xã và quyền làm chủ tập thể của xã viên; khắc phục lối quản lý bao cấp cũng như thái độ cửa quyền của các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế quốc doanh, làm cho hợp tác xã bị động, ỷ lại, thiếu tích cực và sáng tạo.
Muốn thực sự thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, cần tạo những điều kiện và tiền đề cần thiết, song không thể cầu toàn, đòi hỏi có thật đầy đủ mọi điều kiện và tiền đề rồi mới bắt đầu thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Phải bắt tay ngay vào việc nghiêm chỉnh hạch toán kinh tế, vừa làm vừa tạo điều kiện và tiền đề, từng bước cải tiến và hoàn thiện chế độ hạch toán kinh tế.
3. Trong hệ thống quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa các chính sách kinh tế có tác dụng rất lớn, vừa bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch nhà nước, vừa bảo đảm thúc đẩy quản lý kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế. Các chính sách quản lý kết hợp chặt với kế hoạch, tác động cùng một hướng vào mục tiêu chung.
Để phục vụ tốt việc tổ chức lại nền sản xuất xã hội, mau chóng thống nhất quản lý kinh tế trong cả nước, cần soát xét lại toàn bộ hệ thống các chính sách kinh tế, làm cho những công cụ này quán triệt đường lối của Đảng và phù hợp với các quy luật kinh tế.
Theo yêu cầu đó, trong kế hoạch 5 năm này phải cải tiến chính sách giá cả, chính sách tiền lương và thu nhập, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giá cả, tiền lương và sức mua của đồng tiền, cải tiến chính sách đầu tư, cải tiến các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, cải tiến tổ chức và phương thức hoạt động của thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, v.v.. Tất cả những việc cải tiến này phải được tiến hành đồng bộ và phải nhằm phục vụ sản xuất, thực hiện sự phân phối công bằng, hợp lý, góp phần khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong quản lý kinh tế và đời sống xã hội.
Chính sách giá cả và tiền lương phải quán triệt những quan điểm cơ bản đã nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày. Chính sách giá cả phải khuyến khích mạnh mẽ sản xuất, nhất là khuyến khích đẩy mạnh những ngành trọng điểm của kế hoạch 5 năm: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất cơ khí..., phải phát huy tác dụng hỗ trợ đắc lực cho sự phân phối lực lượng sản xuất. Giá cả phải khuyến khích mạnh mẽ việc hình thành các vùng chuyên môn hoá, vùng kinh tế mới, vùng vành đai thực phẩm, có tác dụng rõ rệt thúc đẩy sự phân công lao động mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm ra nhiều hàng hoá xuất khẩu. Trong việc xác định giá cả, phải có quan điểm toàn diện, tính toán đúng mức và chặt chẽ, sát với thực tiễn, bảo đảm cho giá cả bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho cơ sở sản xuất để từ đó cải thiện đời sống của người lao động và thực hiện tái sản xuất mở rộng. Cần nghiên cứu giảm giá bán lẻ một số hàng tiêu dùng trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành.
Chế độ tiền lương phải quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động, bảo đảm tái sản xuất sức lao động. Cần cải tiến chế độ tiền lương một cách cơ bản, chuyển dần chế độ nửa cung cấp sang tiền lương. Kết hợp với tăng lương, việc cải tiến tiền lương phải nhằm khuyến khích trau dồi nghề nghiệp, đãi ngộ tốt hơn các ngành, nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, lao động nặng nhọc, tiếp xúc với môi trường độc hại. áp dụng rộng rãi hình thức trả lương theo sản phẩm đi đôi với quản lý chặt chẽ các định mức lao động và tiêu chuẩn chất lượng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất.
Cùng với việc vận dụng đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động, thể hiện qua chính sách giá cả, tiền lương phải chú ý tăng cường các mặt phúc lợi xã hội, phúc lợi tập thể cho nhân dân.
III- Tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước
Việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 đòi hỏi gấp rút tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước.
Bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, do đồng chí Lê Duẩn trình bày, đã vạch rõ:
"Tăng cường và hoàn thiện Nhà nước là tăng cường hiệu lực của bộ máy hành chính, của tổ chức quản lý kinh tế và văn hoá. Song, vì hoạt động kinh tế là hoạt động làm nền tảng cho những hoạt động xã hội khác, đồng thời là một nhiệm vụ tương đối mới mẻ và khó khăn đối với Nhà nước ta, cho nên trước hết phải đặc biệt chú ý tăng cường hiệu lực của Nhà nước về mặt tổ chức quản lý kinh tế".
Muốn vậy, cần có sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, tổ chức và tác phong của từng ngành, từng cấp, từng cán bộ của bộ máy nhà nước.
Trong quản lý kinh tế, cần kết hợp tốt giữa quản lý hành chính kinh tế và quản lý sản xuất, kinh doanh, không lẫn lộn giữa hai mặt ấy, để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Quản lý hành chính - kinh tế là lập các quy hoạch, kế hoạch của cả nền kinh tế quốc dân, của từng ngành hoặc từng địa phương, ban hành các chính sách kinh tế, các chế độ quản lý, xây dựng các bộ máy quản lý, quyết định các chủ trương về phát triển khoa học - kỹ thuật trong từng ngành, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các kế hoạch, chủ trương, chính sách, chế độ ấy. Như vậy, là giải quyết những vấn đề nhằm đặt phương hướng đúng đắn, vạch ra quỹ đạo phát triển, hướng dẫn chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời ngăn chặn và trừng phạt mọi việc làm trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương, các đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm tốt việc quản lý hành chính - kinh tế, là tác động một cách cơ bản đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở, và do đó, làm tròn trách nhiệm của mình về kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành, toàn lĩnh vực kinh tế mà mình được giao phụ trách.
Theo đúng quỹ đạo và dựa trên các điều kiện đã được sự quản lý hành chính - kinh tế của cấp trên tạo ra, thủ trưởng các đơn vị sản xuất trực tiếp quản lý sản xuất - kinh doanh, sử dụng tốt sức lao động và các lực lượng vật chất được Nhà nước giao cho, giải quyết mọi vấn đề cụ thể đặt ra trong quá trình hoạt động của đơn vị, và trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Hiện nay nhiều khi người đứng đầu các ngành, các cấp chính quyền can thiệp quá sâu và một cách sự vụ có tính chất tác nghiệp vào sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở, trong khi đó lại không quan tâm đầy đủ đến trách nhiệm làm tốt việc quản lý hành chính - kinh tế.
Trong kế hoạch 5 năm này, bắt đầu ngay từ kế hoạch 1977, Hội đồng Chính phủ cũng như các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương, chủ tịch các Uỷ ban nhân dân địa phương cần tập trung sức nghiên cứu giải quyết hàng loạt vấn đề về quản lý hành chính - kinh tế, như: xây dựng kịp thời các quy hoạch và kế hoạch dài hạn của từng ngành, trong đó nhiệm vụ sản xuất và phương hướng tiến lên của từng đơn vị cơ sở được xác định rõ; cải tiến một cách thiết thực những chế độ, thể lệ và thủ tục quản lý không còn phù hợp nữa, nghiên cứu và ban hành những chế độ quản lý mới sát với điều kiện và nhiệm vụ hiện nay. Trong việc này cần có sự cộng tác chặt chẽ giữa các ngành, giữa trung ương với địa phương, các ngành và các địa phương cần đề xuất ý kiến với Nhà nước. Nhấn mạnh tăng cường quản lý hành chính - kinh tế, khắc phục lối quản lý bao biện, không có nghĩa là khoán trắng mọi việc cho cơ sở, đi vào lối quản lý quan liêu. Trái lại, các ngành, các cấp càng phải đi sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, đưa công việc quản lý ở cơ sở vào nền nếp, tìm mọi biện pháp có hiệu lực giúp cho cơ sở khắc phục những khó khăn về cung ứng vật tư, về sắp xếp lao động thừa, về vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, về tổ chức đời sống của người lao động...
Về phần mình, với những nhiệm vụ, quyền hạn được tăng cường một cách thích đáng, từng đơn vị cơ sở, từng tổ chức sản xuất phải vươn lên, từ người thủ trưởng đến cả đội ngũ cán bộ và công nhân phải phát huy sáng kiến, chủ động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý, đảm đương trách nhiệm trực tiếp quản lý sản xuất và kinh doanh.
Công tác quản lý kinh tế và các hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ có thể tiến hành thuận lợi trong điều kiện bảo đảm tốt an ninh chính trị và trật tự xã hội, thực hiện tốt các quyền tự do, dân chủ và nghĩa vụ của người lao động.
Đây chính là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh:
"Đi đôi với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, Nhà nước phải kiểm tra nghiêm ngặt việc thi hành pháp luật, đề cao kỷ luật Nhà nước, cưỡng bức những người không thi hành nghĩa vụ công dân, trừng phạt những kẻ phạm pháp. Trong các cơ quan nhà nước, phải kiên quyết tẩy trừ những hiện tượng cán bộ, nhân viên lạm dụng chức quyền, xâm phạm tài sản của Nhà nước và của tập thể, vi phạm quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa của nhân dân, kiên quyết chống bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, nghiêm khắc thi hành kỷ luật những trường hợp vi phạm kỷ luật lao động, không chấp hành quyết định của tổ chức. Đó cũng là một biện pháp cấp thiết để củng cố tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ và đảng viên".
Bằng luật pháp nhà nước và dư luận xã hội, chúng ta cần biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt, đồng thời ngăn chặn những việc làm xấu, kiên quyết trừng trị những hành động ăn cắp, buôn lậu, côn đồ, những kẻ phá hoại trật tự và an ninh xã hội, làm thiệt hại đến nền kinh tế quốc dân và tài sản xã hội chủ nghĩa.
Mỗi cán bộ, nhân viên nhà nước, từ người thủ trưởng cấp cao đến người giữ kho, người bán hàng, người gác cổng... đều phải ghi nhớ và theo đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Làm được như vậy, Nhà nước chuyên chính vô sản tỏ rõ bản chất ưu việt của mình, đáp ứng được yêu cầu to lớn và bức thiết của đông đảo quần chúng, khiến cho mỗi người lao động đều phấn khởi, hồ hởi, thấy rõ mình là người chủ, với tất cả các quyền và các nghĩa vụ của mình từ đó khơi dậy mãnh liệt lòng hăng hái và tài năng của nhân dân lao động.
Làm được như vậy, Nhà nước tăng cường được pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện một nhiệm vụ cơ bản của mình, là thể chế hoá quyền làm chủ tập thể của nhân dân, thể chế hoá sự lãnh đạo của Đảng, thể chế hoá vai trò quản lý của Nhà nước đối với toàn bộ đời sống xã hội.
Hội đồng chính phủ phải tăng cường trách nhiệm chỉ đạo tập trung thống nhất của mình đối với công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội trong cả nước, đúng với chức năng là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực cao nhất và là cơ quan hành chính cao nhất trong cả nước.
Phải nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương theo đúng Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ, cụ thể hoá những quyền hạn và trách nhiệm ấy, nhất là về quyết định các phương tiện vật chất - kỹ thuật, xây dựng bộ máy quản lý, lựa chọn cán bộ, theo tinh thần quyền hạn tương xứng với trách nhiệm. Mỗi bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, phải tôn trọng quyền quản lý của bộ khác và của các Uỷ ban nhân dân tỉnh. Nhà nước giao quyền hạn cụ thể và phương tiện đầy đủ cho mỗi bộ trưởng, Nhà nước cũng đòi hỏi mỗi bộ trưởng sử dụng đúng những quyền hạn và phương tiện được giao và làm tốt mọi trách nhiệm của mình. Phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tương trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ với nhau và giữa bộ với các Uỷ ban nhân dân chống bản vị, cục bộ, đồng thời chống ỷ lại, dựa dẫm vào nhau, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Bộ máy quản lý của các bộ cần được chấn chỉnh và tăng cường để làm tốt công việc quản lý hành chính nhà nước đối với các ngành kinh tế, văn hoá trong phạm vi cả nước.
Phải tăng cường bộ máy quản lý của chính quyền cấp tỉnh, thành phố, đặc biệt chú trọng các tỉnh, thành phố thuộc vùng mới giải phóng, để cấp tỉnh có đủ sức thực hiện những quyền hạn và trách nhiệm rất quan trọng đã được Nhà nước giao cho, đủ sức quản lý kinh tế trên một địa bàn lớn, gồm từ 1 triệu đến vài triệu dân, nhất là chỉ đạo nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong tỉnh, thành phố.
Phải quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm quản lý, đồng thời tăng cường bộ máy quản lý của chính quyền cấp huyện, để cấp huyện có đủ quyền hạn và phương tiện, kể cả phương tiện vật chất - kỹ thuật, tài chính, tổ chức lại sản xuất và quản lý các đơn vị kinh tế trong huyện.
Đối với cấp xã, Nhà nước cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm quản lý hành chính nhà nước ở xã. Phải phân rõ quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp xã với quyền hạn, trách nhiệm của hợp tác xã nông nghiệp. Uỷ ban nhân dân xã phải làm toàn bộ công tác quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tập trung vào công việc sản xuất, kinh doanh tập thể.
Cùng với việc tăng cường bộ máy quản lý, phải đề cao kỷ luật nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân trong tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Kỷ luật nhà nước và trách nhiệm cá nhân phải được thi hành nghiêm túc ngay từ Hội đồng Chính phủ, trong các cơ quan lãnh đạo của bộ và chính quyền các tỉnh, thành phố, để từ đó dẫn đến sự nghiêm túc ở các cấp dưới và ở đơn vị cơ sở. Kỷ luật nhà nước cần được mọi cấp uỷ Đảng, mọi đảng viên tôn trọng và triệt để tuân theo, coi đó là kỷ luật của Đảng, như đã ghi rõ trong Điều lệ Đảng.
Đề cao kỷ luật nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân gắn liền với việc thực hiện chế độ thủ trưởng trong tất cả các bộ, tổng cục và các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước. Người thủ trưởng của mỗi cơ quan, đơn vị thuộc bất cứ cấp nào cũng phải có đầy đủ quyền hạn và phương tiện, phải dám quyết định, dám chịu và phải chịu trách nhiệm về những công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình. Chế độ thủ trưởng gắn liền với chế độ lãnh đạo tập thể của cấp uỷ Đảng, với chế độ làm việc tập thể trong bộ máy nhà nước. Cần kiên quyết chấm dứt tình trạng vô trách nhiệm, vô kỷ luật, dân chủ một chiều, cũng như tình trạng thiếu dân chủ tập thể, quan liêu độc đoán, chuyên quyền trong công việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế.
Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm đòi hỏi phải đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo, sắp xếp, điều chỉnh đội ngũ cán bộcủa cả nước. Phải có kế hoạch đào tạo một cách có hệ thống cán bộ làm công tác quản lý hành chính và cán bộ quản lý kinh tế, giúp cho cán bộ ở các ngành, các cấp có đầy đủ kiến thức và nghiệp vụ về quản lý hành chính và quản lý kinh tế. Hết sức coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ các tỉnh mới giải phóng. Về phần mình, mỗi cán bộ của Đảng và Nhà nước ở bất cứ cấp nào, ngành nào đều phải cố gắng tự nâng cao trình độ và năng lực công tác bằng cách ra sức học tập. Trong những năm trước mắt, cần điều chỉnh lại cán bộ trong phạm vi cả nước, để tăng cường lực lượng cho các tỉnh mới giải phóng, cho các vùng kinh tế mới, cho cấp huyện. Phải cải tiến chế độ sử dụng và đề bạt cán bộ, bảo đảm cho cán bộ ở mỗi cương vị công tác đều có đủ những tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, và có đủ khả năng hoàn thành tốt chức vụ được giao. Mạnh dạn đề bạt những cán bộ trẻ, cán bộ khoa học, kỹ thuật có phẩm chất tốt và đã qua thử thách, kết hợp đúng đắn giữa các loại cán bộ, theo tinh thần Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị. Toàn bộ công tác cán bộ cần được tiến hành với nhận thức sâu sắc rằng cuối cùng đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với mọi thắng lợi của việc thực hiện kế hoạch nhà nước, thực hiện đường lối của Đảng.
Để phù hợp với bước chuyển biến mới trong công tác quản lý, phải đổi mới tác phong và lề lối làm việc của chúng ta. Phải bỏ lối làm việc đại khái, quan liêu, xa thực tế; rèn luyện tác phong làm việc thiết thực, có tính toán, có tổ chức, có kế hoạch cụ thể, để thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch và nhiệm vụ công tác. Khắc phục tác phong lề mề, làm ăn vô trách nhiệm, xây dựng tác phong khẩn trương, có kỷ luật, là tác phong của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Phải biết tổ chức công việc (như công việc làm kế hoạch, công việc sản xuất, công việc nghiên cứu) một cách khoa học: cải tiến quá trình chuẩn bị quyết định, ra quyết định, tổ chức thực hiện và kiểm tra. Tất cả những điều kể trên là nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý.
Cán bộ phụ trách ở mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị đều phải nhìn bao quát công việc của ngành, của địa phương, của đơn vị mình, và phải hiểu biết yêu cầu của cả nước, lo lắng cho yêu cầu của cả nước, khắc phục cách nhìn hẹp hòi, thiển cận và cục bộ.
Phải đi sát quần chúng, đi sát cấp dưới để thấy rõ thực tế, gắn đường lối, chính sách của Đảng với thực tế và phát hiện những điều mới, những nhân tố tích cực. Kiên quyết chống quan liêu, cửa quyền, sửa chữa và xoá bỏ mọi thủ tục gây phiền hà cho cấp dưới, cho cơ sở và cho nhân dân.
Đối với Đảng ta, Nhà nước có vị trí và chức năng đặc biệt quan trọng. Trong hệ thống Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, chức năng và tác dụng của Nhà nước một mặt thể hiện đường lối của Đảng và sự lãnh đạo của Đảng, một mặt thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân, và Nhà nước thể hiện cả hai mặt đó trong mọi lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải nhận thức một cách sâu sắc rằng đường lối của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng là hoàn toàn nhất trí với lợi ích của quần chúng nhân dân, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Như vậy, Nhà nước có khả năng phát huy nguồn sức mạnh to lớn và sâu xa của mình, làm tròn trách nhiệm của mình, là người quản lý mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, ngoại giao, đúng với đường lối của Đảng và vì lợi ích của nhân dân. Đội ngũ cán bộ của cơ quan nhà nước, từ Trung ương đến cơ sở, phải quán triệt quan điểm trình bày trên đây trong tư tưởng và công tác để làm tốt công việc quản lý của mình, làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
IV- Phát động một phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp nhằm thực hiện các nhiệm vụ,
mục tiêu của kế hoạch
Thực hiện sự chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội nước ta nhằm hoàn thành những nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch 5 năm là một cuộc đấu tranh cách mạng gay go, phức tạp giữa hai con đường, và chúng ta nhất định giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Đó là ý chí sắt đá của Đảng ta và Nhà nước ta, của nhân dân Việt Nam ta. Cách mạng bao giờ cũng là sự nghiệp của quần chúng. Sự nghiệp cách mạng trong thời gian sắp tới đòi hỏi ý chí đấu tranh, đòi hỏi bàn tay và khối óc của hàng chục triệu người lao động Việt Nam. Sự nghiệp ấy chỉ có thể thực hiện được bằng cách động viên và tổ chức quần chúng, tạo ra phong trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục. Đường lối của Đảng do Đại hội lần thứ IV của Đảng vạch ra, những mục tiêu phấn đấu của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, Điều lệ mới của Đảng sẽ đem lại cho nhân dân nước ta niềm phấn khởi và những mục tiêu phấn đấu to lớn, thúc đẩy mọi người hăng hái hơn bao giờ hết, góp phần xứng đáng nhất của mình vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Đó là những thuận lợi để chúng ta tổ chức phong trào lao động, sản xuất sôi nổi, mạnh mẽ và liên tục, thi đua lập thành tích trên mặt trận kinh tế và văn hoá.
Chúng ta có những căn cứ lịch sử để tin tưởng vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã và sẽ làm nên những việc lay trời chuyển đất. Phải làm cho nhân dân cả nước ai ai cũng hiểu rõ đường lối của Đảng, hiểu rõ con đường của dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, biến đường lối, chủ trương của Đảng thành ý chí và hành động cách mạng của mình. Phải động viên và tổ chức quần chúng tiến lên với tinh thần phấn khởi và khí thế cách mạng tiến công, hưởng ứng và hăng hái thực hiện việc tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng để hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch.
Hãy tưởng tượng hơn hai mươi triệu người lao động ở khắp nước ta, mỗi người một việc, mỗi người là một người lao động xã hội chủ nghĩa, một chiến sĩ trên mặt trận sản xuất, mọi người làm việc với tất cả nhiệt tình và năng lực của mình, tập trung vào các ngành trọng yếu và cấp bách, là nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời ra sức đẩy mạnh các ngành công nghiệp nặng, đẩy mạnh xây dựng cơ bản, giao thông vận tải và các ngành kinh tế khác... Thật khó mà lường hết tầm quan trọng và hiệu quả về mọi mặt của một phong trào lao động, sản xuất rộng lớn và mạnh mẽ như vậy. Trước đây chúng ta đã chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược bằng một sức mạnh tổng hợp. Giờ đây, với một sức mạnh tổng hợp có thể còn lớn hơn, được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ hơn, nhất định chúng ta làm nên những thành tựu to lớn trên mặt trận kinh tế và văn hoá.
Phải luôn luôn nhấn mạnh một điều rất có ý nghĩa: chúng ta nêu cao quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Quyền làm chủ tập thể đó, trước hết và chủ yếu là làm chủ quyền lao động, làm chủ nghĩa vụ lao động, làm chủ sức lao động của mình để sản xuất ra các loại sản phẩm: tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, vì lợi ích của mình, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội cũng như lợi ích về không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam ta đã là người làm chủ giỏi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vừa qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta sẽ là người làm chủ giỏi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết trong việc sản xuất ra ngày càng dồi dào các loại sản phẩm cần thiết, đúng với các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm.
Ngay sau khi Đại hội này kết thúc, cùng với việc phổ biến các văn kiện của Đại hội, tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phải phát động phong trào cách mạng của quần chúng theo khẩu hiệu "Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân". Nội dung cơ bản của phong trào là tổ chức mọi người lao động đem hết nhiệt tình và tài năng của mình, với ý thức trách nhiệm đầy đủ và tinh thần kỷ luật nghiêm túc, phấn đấu đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng đây là một phong trào cách mạng, và là một phong trào cách mạng có tổ chức.
Trong nông nghiệp, phải phát động các phong trào tổ chức lại sản xuất, làm thuỷ lợi, đi xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang, phục hoá, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thâm canh, tăng vụ, làm nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước, xây dựng nông thôn mới.
Trong lâm nghiệp, phải phát động phong trào trồng rừng, tu bổ và bảo vệ rừng, khai thác và chế biến lâm sản. Trong ngư nghiệp, phải phát động phong trào đánh bắt, nuôi thả và chế biến các loại hải sản và thuỷ sản.
Trong công nghiệp, xây dựng, vận tải, phải phát động các phong trào tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, tiết kiệm vật tư và hạ giá thành, tận dụng nguyên liệu, vật liệu trong nước.
Trong các ngành lưu thông, phân phối, trong các cơ quan khoa học - kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, nội chính, phải phát động phong trào mỗi người làm tốt công việc của mình, phục vụ tốt nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, phục vụ tốt các ngành công nghiệp, phục vụ tốt những người lao động ở cơ sở sản xuất.
Giao chỉ tiêu kế hoạch đến từng tổ, đội lao động và từng cá nhân, để từng tổ, đội, từng cá nhân có kế hoạch và biện pháp thi đua thực hiện vượt mức kế hoạch.
Làm cho mỗi người lao động biết rõ mình phải làm gì, phải làm như thế nào và làm bao nhiêu để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời cải thiện đời sống cho mình. Động viên mọi người mỗi ngày làm việc tốt trong 8 giờ quy định, ngoài ra còn làm việc thêm 1-2 giờ cho bản thân và tập thể, như xây nhà ở, chăm lo phúc lợi công cộng, tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống,v.v..
Để bảo đảm phong trào lao động, sản xuất của quần chúng đạt hiệu quả cao, các cơ quan có trách nhiệm phải cố gắng hết sức cung ứng kịp thời công cụ lao động, nguyên liệu, vật tư, quyết không để người lao động phải ngừng việc vì thiếu tư liệu sản xuất. Các ngành, các cấp và nhất là thủ trưởng đơn vị cơ sở phải thi hành đúng các chính sách động viên, khuyến khích, nhằm khen thưởng thích đáng, kịp thời những người làm giỏi, những đơn vị làm giỏi. Nêu cao gương những người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất, phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tốt cho tất cả mọi người học tập và làm theo.
Phải chăm lo đầy đủ đến đời sống vật chất và văn hoá của người lao động, điều đó là nguồn cổ vũ tinh thần hăng say lao động, đồng thời là một yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu suất công tác của mọi người. Các ngành có trách nhiệm như thương nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục... phải đi sát cơ sở, phục vụ tốt cho người lao động, đặc biệt chú trọng những vùng ở xa, miền núi và hải đảo.
Để thúc đẩy phong trào thi đua không ngừng phát triển phải kết hợp đúng đắn ba loại biện pháp: giáo dục tư tưởng, khuyến khích vật chất, tăng cường kỷ luật.
Phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật cho người lao động, làm cho mỗi người ngày càng có năng lực cống hiến tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ trung ương đến cơ sở, phải tổ chức sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, và Nông hội (ở miền Nam), để giải quyết mọi vấn đề cụ thể nhằm thúc đẩy phong trào quần chúng. ở các xí nghiệp quốc doanh, việc ký kết hợp đồng tập thể giữa giám đốc xí nghiệp và công đoàn phải được coi là kỷ luật bắt buộc để bảo đảm những điều kiện vật chất - kỹ thuật cho phong trào quần chúng phát triển.
Các cơ quan quản lý cũng như các cán bộ quản lý ở mọi ngành, mọi cấp phải thâm nhập phong trào quần chúng, phát huy tác dụng qua lại giữa cơ quan quản lý và phong trào quần chúng. Cơ quan quản lý, cán bộ quản lý càng ra sức phục vụ phong trào, ra sức cải tiến chế độ quản lý, sửa đổi cách làm việc, thì phong trào quần chúng càng có điều kiện phát triển tốt. Ngược lại phong trào quần chúng càng phát triển, thì càng làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong công tác quản lý, giúp cho cơ quan quản lý và cán bộ quản lý nâng cao trình độ, giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh trong phong trào mà ngoài những kinh nghiệm rút ra từ phong trào thì không thể giải quyết nổi.
Đảng viên của Đảng phải là người tiên phong, gương mẫu, là đầu tàu trong mọi phong trào cách mạng. Thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", trong kế hoạch 5 năm này, mỗi đảng viên của Đảng phải là một chiến sĩ hăng hái nhất trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, tổ chức và lãnh đạo quần chúng tiến lên mạnh mẽ thực hiện cho được những mục tiêu to lớn của kế hoạch.
Thưa các đồng chí,
Việc xây dựng cũng như việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 đòi hỏi chúng ta phải nắm vững đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới cũng như đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, và vận dụng đường lối đó trong mọi hoạt động của toàn bộ hệ thống chuyên chính vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng. Muốn vậy, mọi người chúng ta phải quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng đã được trình bày sáng tỏ trong bản Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do đồng chí Lê Duẩn trình bày trước Đại hội lần thứ IV của Đảng.
Chúng ta thường nói rất đúng rằng đường lối của Đảng ta là đường lối độc lập tự chủ, thông minh và sáng tạo. Đường lối của Đảng là ánh sáng soi đường cho nhân dân ta, hơn lúc nào hết, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, thực hiện ước mơ của mình, biến lý tưởng xã hội chủ nghĩa thành hiện thực sinh động trên quê hương thân yêu của mình. Đường lối của Đảng vạch rõ con đường nhân dân làm nên lịch sử, nghĩa là cùng một lúc làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Kế hoạch nhà nước - kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm - là sự thể hiện tập trung và có ý nghĩa toàn diện đường lối của Đảng và lợi ích mọi mặt của nhân dân. Nhà nước phải chứng tỏ tác dụng của mình một cách nổi bật và thiết thực trong việc xây dựng kế hoạch từ trên xuống và từ dưới lên, cũng như trong việc tổ chức thực hiện vượt mức và toàn bộ các chỉ tiêu của kế hoạch. Đây là vấn đề hiệu lực của hệ thống quản lý, một chỗ yếu của chúng ta hiện nay, mà chúng ta phải suy nghĩ, nghiên cứu, từng bước có biện pháp tích cực để khắc phục, làm cho hệ thống quản lý ngày càng phát huy tác dụng của nó. Trong các chỉ tiêu trọng yếu nhất của kế hoạch, cần nhấn mạnh các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, về lương thực và thực phẩm, những chỉ tiêu ghi trong các kế hoạch nhà nước (cho cả nước) và những chỉ tiêu ghi trong kế hoạch của từng tỉnh và từng huyện cho đến cơ sở. ở đây, cần nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của cấp huyện với chức năng quản lý kinh tế, quản lý cơ cấu nông - công nghiệp của nó, một khâu quan trọng trong quá trình đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tất nhiên các ngành ở trung ương cũng như các tỉnh trong khắp nước ta đều phải cố gắng hết sức mình góp phần từng bước xây dựng huyện thành một đơn vị kinh tế nông - công nghiệp. Đó là bước tiến có tầm quan trọng to lớn về nhiều mặt trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân ở nước ta.
Có kế hoạch tốt là điều rất quan trọng. Chỉ đạo, thực hiện kế hoạch lại càng quan trọng.
Bác Hồ thường dạy chúng ta:
"Đường lối chủ trương có rồi, phải có biện pháp thực hiện cho tốt. Kế hoạch một phần, biện pháp hai phần, quyết tâm phải ba phần. Có như thế thì mới hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước".
Các đồng chí lãnh đạo các ngành ở trung ương và các địa phương (tỉnh, huyện) cho đến cơ sở cần phải căn cứ vào mục tiêu phấn đấu của kế hoạch, đề ra những biện pháp cụ thể và thiết thực (bao gồm các biện pháp về tư tưởng, tổ chức và chính sách) nhằm bảo đảm thực hiện vượt mức và toàn diện kế hoạch của Nhà nước. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, thực hiện kế hoạch là một cuộc đấu tranh cách mạng, cuộc đấu tranh giữa ý chí tiến công với sức ỳ của tư tưởng ngại khó và bảo thủ, giữa tinh thần tập thể, chí công vô tư với tư tưởng bản vị và cục bộ. Vì vậy, chúng ta phải vũ trang cho mình ý chí quyết chiến quyết thắng và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc kế hoạch của ngành và địa phương mình, đồng thời góp phần tích cực nhất vào việc hoàn thành toàn bộ kế hoạch nhà nước.
Kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 là một công trình vĩ đại, nó vĩ đại ở chỗ nó bắt đầu giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn cả nước, nó vĩ đại ở chỗ nó thể hiện quyết tâm của chúng ta thực hiện một bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, một bước cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để tiến những bước lớn hơn trong thời gian tiếp theo.
Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 là một sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Sự nghiệp đó đòi hỏi chúng ta phải ra sức phát động, tổ chức và đẩy mạnh phong trào cách mạng mạnh mẽ và rộng khắp của quần chúng, phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mỗi đảng viên chúng ta, mỗi người dân Việt Nam chúng ta có nghĩa vụ lao động vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, lao động có tổ chức, có kỷ luật, thông minh và sáng tạo để đạt năng suất cao trong sản xuất và hiệu quả thiết thực trong công tác. Chúng ta quyết phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy hăng hái tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, thực hiện những biến đổi to lớn về mọi mặt, làm cho nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổ quốc thân yêu của chúng ta mau chóng trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, vững mạnh và hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam:
Phương hướng, nhiệm vụ và
mục tiêu chủ yếu của kế hoạch
5 năm 1976 - 1980, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/bao-cao-phuong-huong-nhiem-vu-va-muc-tieu-chu-yeu-cua-ke-hoach-5-nam-1976-1980-230013.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.