Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981 - 1985) và những năm 80

Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981 - 1985) và những năm 80

Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu,


Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày, đã nêu lên bức tranh toàn cảnh của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội lần thứ V của Đảng.

Báo cáo tổng hợp những diễn biến phong phú của tình hình đất nước trong những năm đầu của giai đoạn mới, giai đoạn nhân dân cả nước cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phân tích những thành tựu cũng như những mặt yếu kém của chúng ta trên bước đường tiến lên, báo cáo khẳng định "5 năm qua được ghi vào lịch sử dân tộc như một đoạn đường thắng lợi rất vẻ vang của cách mạng Việt Nam"; đồng thời, Báo cáo cũng vạch ra những vấn đề gay gắt trong tình hình kinh tế và xã hội hiện nay. Trên cơ sở ấy, Báo cáo xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, chủ trương lớn cho các lĩnh vực hoạt động của nhân dân ta trong chặng đường trước mắt bao gồm thời kỳ kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), cho đến năm 1990.

Căn cứ Báo cáo chính trị, Báo cáo này kiểm điểm những nét lớn về tình hình thực hiện kế hoạch trong 5 năm (1976-1980), trình bày phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội trong 5 năm (1981 - 1985) và những năm 80, nhằm hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch nhà nước 5 năm (1981 - 1985).

Phần thứ nhất: Nhìn lại tình hình kinh tế, xã hội những năm 1976 - 1980 và hiện nay

Năm năm (1976 - 1980) mở đầu giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, là một thời kỳ đấu tranh oanh liệt của toàn dân ta trên hai mặt trận: chiến đấu chống âm mưu và hành động phá hoại và xâm lược của nhiều loại kẻ thù, xây dựng cuộc sống mới trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Đó cũng là thời kỳ mà công cuộc chiến đấu và lao động đã làm sáng ngời bản lĩnh anh hùng và phẩm chất cao quý của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Trên mặt trận kinh tế, nhân dân ta đã làm được nhiều việc đáng kể. Chúng ta đã nỗ lực khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh xâm lược, do đế quốc Mỹ... và bè lũ tay sai gây nên; khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá. Kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc tiếp tục được củng cố. ở miền Nam, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản, công thương nghiệp tư doanh bước đầu được cải tạo và sắp xếp, một bộ phận nông dân Nam Bộ được tổ chức lại trong các tập đoàn sản xuất, nông dân Nam Trung Bộ được đưa vào con đường làm ăn tập thể. Bộ mặt của nông thôn xã hội chủ nghĩa, nhất là ở miền Bắc, đang hình thành với những cải thiện về đời sống vật chất và văn hoá. Lực lượng lao động xã hội bước đầu được phân bố lại. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, năng lực sản xuất trong hầu hết các ngành và các địa phương được tăng thêm. Trên một số mặt, sản xuất phát triển hơn trước, nhất là sản xuất nông nghiệp. Nhờ những cố gắng của Nhà nước và của toàn dân trong việc phục hoá, khai hoang, tăng vụ, làm thủy lợi, mở thêm diện tích gieo trồng, chúng ta đã vượt qua những thiên tai dồn dập và nặng nề, khắc phục nạn đói từng uy hiếp nghiêm trọng nhiều vùng rộng lớn của đất nước. Trên mặt trận văn hoá, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, y tế..., chúng ta cũng thu được nhiều thành tựu.

ở mỗi địa phương, mỗi ngành đều nổi lên những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm phong phú; đó là nhân tố thuận lợi cho bước phát triển trong những năm tiếp theo. Chúng ta cần đánh giá đúng mức những thành tựu ấy, những thành tựu đã đạt được với biết bao công sức của công nhân, nông dân, lao động trí óc và các lực lượng vũ trang của chúng ta trong những điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn của một nước vốn rất nghèo nàn, lại trải qua cuộc chiến đấu ác liệt, gian khổ và lâu dài trong một hoàn cảnh rất phức tạp của tình hình quốc tế và tình hình khu vực.

Tuy nhiên, trong 5 năm (1976 - 1980), kết quả sản xuất không tương xứng với sức lao động và vốn đầu tư bỏ ra, những mất cân đối lớn của nền kinh tế vẫn trầm trọng, thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng của xã hội trong khi dân số tăng nhanh; thị trường, vật giá, tài chính, tiền tệ không ổn định, đời sống của nhân dân lao động còn nhiều khó khăn, nhất là đời sống của công nhân, viên chức và nông dân những vùng bị thiên tai, địch hoạ.

Càng tự hào về nhân dân anh hùng đã làm nên thắng lợi, chúng ta càng nghiêm túc trong việc phân tích những khuyết điểm và sai lầm, rút bài học kinh nghiệm, nhằm đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Kiểm điểm những việc làm được và những việc chưa làm được, tìm nguyên nhân của thành tựu và của khó khăn, của ưu điểm và của khuyết điểm, chúng ta thấy nổi lên một câu hỏi lớn: vì sao đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đại hội lần thứ IV của Đảng đề ra là đúng đắn, mà sau 5 năm thực hiện, chúng ta không đạt được những kết quả về kinh tế như đất nước yêu cầu và khả năng cho phép?

Trước hết, cần nhìn lại đường lối do Đại hội lần thứ IV của Đảng đề ra.

Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ rõ phải nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học, kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học, kỹ thuật là then chốt, xây dựng chế độ làm chủ tập thể về mọi mặt, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa; thấu suốt nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp thành cơ cấu công - nông nghiệp; vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng; kết hợp phát triển kinh tế trong nước với mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài, trước hết với Liên Xô và cộng đồng xã hội chủ nghĩa.

Đó là sự vận dụng đúng đắn những quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa và của chủ nghĩa xã hội vào điều kiện của nước ta dựa trên sự đánh giá đúng những đặc điểm lớn của đất nước và của thế giới trong thời đại ngày nay, phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta phấn đấu từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng của nước ta, với những thành tựu và những thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện, đã chứng tỏ sự đúng đắn của đường lối của Đảng.

Vì là đường lối cho cả thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, cho nên đường lối làm nổi bật sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Lẽ ra, chúng ta phải "cụ thể hoá đường lối chung và đường lối kinh tế, căn cứ vào đường lối để vạch ra chiến lược kinh tế, xã hội, những kế hoạch phát triển, những chủ trương, chính sách và biện pháp lớn cho cả nước cũng như cho từng ngành, từng lĩnh vực, sát với những điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, với những yêu cầu và khả năng của nhân dân ta trong từng chặng đường", như Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh. Thế nhưng, chúng ta chưa làm tốt việc ấy! Chúng ta chưa xác định được rõ ràng chiến lược của chặng đường đầu tiên trong sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nhà nước 1976 - 1980 có căn cứ khoa học. Chúng ta chưa vận dụng đường lối chung và đường lối kinh tế sát với tình hình cụ thể của nước nhà vừa thống nhất sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá, nhằm giải quyết những yêu cầu cấp thiết nhất về kinh tế và xã hội, phù hợp với khả năng hiện thực và tiềm tàng của đất nước.

Chúng ta thấy chưa hết những khó khăn, phức tạp về nhiều mặt trong cả thời gian dài phải trải qua để tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến; thấy chưa hết quy mô của những đảo lộn về kinh tế, xã hội sau chiến tranh và những hậu quả nghiêm trọng của chủ nghĩa thực dân mới; dự kiến chưa hết những khó khăn gây ra bởi chính sách thù địch và hai cuộc chiến tranh xâm lược... ở biên giới tây nam và biên giới phía bắc nước ta; thấy chưa hết khó khăn, phức tạp trong việc khắc phục những yếu kém về quản lý kinh tế và xã hội; lường chưa hết những diễn biến có mặt không thuận lợi trong tình hình thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng thấy chưa hết những khả năng thực tế to lớn có thể phát huy để đáp ứng yêu cầu của chặng đường đầu tiên trong sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

Từ sự nhận định tình hình không sát đúng như vậy, một mặt chúng ta chủ quan, nóng vội, đề ra những nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước quá cao so với khả năng, những chủ trương sản xuất, xây dựng, phân phối, lưu thông thiếu căn cứ xác đáng, dẫn đến lãng phí lớn về sức người, sức của; mặt khác chúng ta rất bảo thủ, trì trệ trong việc chấp hành đường lối của Đảng và nhiều nghị quyết của Trung ương, trong việc đánh giá và vận dụng những khả năng về nhiều mặt của đất nước.

Chúng ta kéo dài cơ chế quản lý quan liêu bao cấp với cách kế hoạch hoá gò bó, cứng nhắc, không đề cao trách nhiệm và mở rộng quyền chủ động cho cơ sở, địa phương và ngành, và cũng không tập trung thích đáng những vấn đề mà Trung ương cần và phải quản lý. Chúng ta duy trì quá lâu một số chính sách kinh tế không còn thích hợp, cản trở sản xuất và không phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo của những người lao động.

Chưa nhạy bén trước những chuyển biến của tình hình, thiếu những biện pháp có hiệu quả, đó là thiếu sót lớn của chúng ta trong công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện. Khi nền kinh tế quốc dân đứng trước những biến động lớn, nếu chúng ta kịp thời điều chỉnh một cách cơ bản kế hoạch, đề ra những biện pháp đồng bộ và kiên quyết, phối hợp chặt chẽ hoạt động của các ngành, các cấp nhằm từng bước, từng phần khắc phục những mất cân đối, thì chắc chắn tình hình đã có chuyển biến và tốt hơn hiện nay.

Kinh tế phát triển chậm và có những mặt giảm sút đương nhiên tác động không tốt đến các mặt hoạt động khác; đồng thời, kinh tế cũng chịu ảnh hưởng của những thiếu sót từ các lĩnh vực ngoài kinh tế.

Công tác tư tưởng, văn hoá thiếu sắc bén, thiếu tính chiến đấu, chưa làm thấu suốt đường lối của Đảng trong toàn Đảng, toàn dân. Pháp chế xã hội chủ nghĩa kém hiệu lực, cuộc đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, chống tội phạm thiếu kiên quyết và triệt để. Công tác cán bộ có những thiếu sót trên các khâu đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đãi ngộ, trong đó có vấn đề sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế.

Những khuyết điểm và sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, xã hội trong 5 năm qua là rất nghiêm trọng. Tiếp theo sự tự phê bình nghiêm khắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày trong Báo cáo chính trị, tôi xin nhấn mạnh trách nhiệm trực tiếp về những sai sót kể trên - nhất là trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch - trước hết thuộc về Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Hiện nay, tình hình kinh tế và xã hội của nước ta đang có những vấn đề gay gắt: đời sống nhân dân, nhất là đời sống công nhân, viên chức có nhiều khó khăn; nguồn cung ứng năng lượng và nguyên liệu, lực lượng giao thông vận tải không bảo đảm phát huy các năng lực sản xuất sẵn có; xuất khẩu không bù đắp được nhập khẩu; thị trường, giá cả diễn biến phức tạp; trên một số mặt, trận địa xã hội chủ nghĩa bị những nhân tố tư bản chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa xâm lấn; cơ chế quản lý và kế hoạch hoá còn mang nặng tính chất quan liêu, bao cấp; hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội kéo dài.

Nước ta đang ở trong tình thế vừa có hoà bình, vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt ..., đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược lớn. Tình thế ấy đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, hết sức chú trọng củng cố quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu cao.

Kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa trong những năm 80 tiếp tục biến động. Cuộc khủng hoảng năng lượng và nguyên liệu, đà tăng vọt của giá cả quốc tế, chính sách phá hoại, cấm vận của đế quốc Mỹ và phản động... làm cho nền kinh tế nước ta thêm những khó khăn mới.

Để khắc phục khó khăn, đưa nền kinh tế tiến lên, chúng ta có những khả năng và thuận lợi to lớn.

Đó là hàng triệu hécta đất nông nghiệp có thể khai hoang và đưa vào sản xuất, là khả năng tăng vụ và thâm canh, tăng năng suất cây trồng, là hàng triệu hécta đất rừng chưa được bảo vệ và khai thác tốt.

Đó là lực lượng lao động chưa được huy động hết, là đội ngũ công nhân có nghề, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đông đảo chưa được sử dụng hợp lý để đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, mở mang ngành nghề, làm hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, xây dựng từng bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Đó là những năng lực sản xuất hiện có chưa được sử dụng hết, là một số công trình sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất như: các nhà máy ximăng, điện, phân bón, hoá chất, cơ khí động lực, cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền, sợi, giấy, đường, các bến cảng, v.v..

Đó là những tài nguyên đa dạng về khoáng sản, nguồn nước, dầu và khí đang được thăm dò và sẽ thai thác.

Đó là những tiến bộ của chúng ta trong lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội, những hiểu biết sâu hơn về thực tế của đất nước, sự nhận thức sâu hơn về đường lối của Đảng, những bài học kinh nghiệm của 5 năm qua.

Đó là sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Sự hợp tác toàn diện giữa nước ta với Liên Xô và các nước khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế là một nhân tố cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta khắc phục khó khăn và tiến lên. Mối quan hệ về nhiều mặt và ngày càng chặt chẽ giữa ba nước Đông Dương mở ra khả năng mới về hợp tác kinh tế và giúp đỡ lẫn nhau, tạo nguồn bổ sung cho nền kinh tế của mỗi nước. Trong quan hệ kinh tế với các nước khác, chúng ta có thể sử dụng nhiều hình thức để mở rộng trao đổi về hợp tác.

Năm 1981, năm đầu của thời kỳ kế hoạch 5 năm (1981-1985), nhân dân ta đã tạo nên những chuyển biến bước đầu đáng phấn khởi trong một số lĩnh vực, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Đáng chú ý là gần đây, để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương và những chính sách của Đảng và Nhà nước mới ban hành, một số cơ sở, địa phương và ngành đã có những sáng kiến về sản xuất, kinh doanh và quản lý. Những nhân tố mới đó cần được nghiên cứu một cách chu đáo, sâu sắc rút ra những kết luận bổ ích để vận dụng trong thực tiễn.

Trong nông nghiệp, chúng ta đạt và vượt kế hoạch về sản xuất lương thực và nhiều loại cây công nghiệp, mặc dầu phân bón, thuốc trừ sâu, năng lượng được cung ứng ít hơn trước. Nhu cầu lương thực trong nông thôn được bảo đảm tốt hơn, nông dân hăng hái làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, hậu quả nặng nề của thiên tai năm 1980 ở miền Bắc được khắc phục về cơ bản. Trước mắt, hình thức khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đang trở thành một động lực thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp. Hình thức khoán này đang đặt ra nhiều vấn đề mới về tổ chức và quản lý, về củng cố hợp tác xã, về chuyên canh và thâm canh, về trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, mà các cơ quan nhà nước phải kịp thời giải quyết để chỉ đạo phong trào tiếp tục tiến lên phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Trong công nghiệp cũng như trong xây dựng cơ bản và giao thông vận tải, việc mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, việc áp dụng các hình thức lương sản phẩm, lương khoán, tiền thưởng cùng với các chính sách kích thích sản xuất khác đang thúc đẩy những người lao động ở nhiều cơ sở, nhiều ngành và địa phương phát huy năng lực sáng tạo, khắc phục khó khăn trong sản xuất và đã đạt những kết quả bước đầu đáng phấn khởi; sản lượng công nghiệp, nhất là công nghiệp địa phương, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, tăng hơn năm 1980; một số công trình xây dựng cơ bản trọng điểm được thực hiện đúng tiến độ thi công; một phương thức mới: "Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm" đang được mở rộng từng bước.

Những chuyển biến trong năm 1981 chưa mạnh, chưa đều, nhưng nói lên sức lao động phong phú và tài năng sáng tạo của nhân dân ta, của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật nước ta, đã được phát huy bước đầu nhờ những cải tiến về cơ chế quản lý thể hiện qua các chính sách mới đã ban hành, đánh dấu một bước phát triển của quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Quá trình chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng là dịp để toàn Đảng, toàn dân nhìn lại và suy nghĩ về đoạn đường vừa qua, rút ra những bài học bổ ích, thấy sáng hơn đoạn đường đi tới. Đó là sự trưởng thành của chúng ta, đó cũng là nhân tố mới để chúng ta tin tưởng: chúng ta đã lớn lên một bước sau những năm 1976 - 1980.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta còn khó khăn lâu dài, những khó khăn cũ chưa khắc phục xong cùng với những khó khăn mới nảy sinh, đang làm gay gắt thêm một số mặt mất cân đối của nền kinh tế. Trước mắt, có nhiều vấn đề cấp bách phải khẩn trương giải quyết như lương thực, thực phẩm, vải mặc, thuốc chữa bệnh, năng lượng, nguyên liệu, giao thông vận tải, giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ...

Với những kinh nghiệm quý báu trong đoạn đường vừa qua, nhân dân ta quyết phát huy truyền thống kiên cường, đem hết tinh thần và nghị lực, phấn đấu bền bỉ để chiến thắng khó khăn. Nhân dân ta có đủ khả năng để tạo ra sự chuyển biến cách mạng về kinh tế và xã hội, đưa đất nước tiếp tục tiến lên trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Phần thứ hai: Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981 - 1985) và những năm 80

Thưa các đồng chí đại biểu,

Báo cáo chính trị đã trình bày những chủ trương có tính nguyên tắc, chỉ đạo việc xây dựng chiến lược kinh tế và xã hội cho chặng đường những năm 80 của quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà, nêu lên những nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội trong 5 năm (1981 - 1985). Những chủ trương chiến lược đó là sự vận dụng đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Đảng phù hợp với điều kiện cụ thể của chặng đường hiện nay.

Báo cáo nêu lên những mục tiêu tổng quát về kinh tế và xã hội trong những năm 80 như sau:

1. Đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, trước hết giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về mặc, về học hành, chữa bệnh, về ở, đi lại, về chăm sóc trẻ em và các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu khác.

2. Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời tăng thêm trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế khác, và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của công nghiệp nặng trong chặng đường tiếp theo.

3. Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước.

4. Đáp ứng các nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh, trật tự.

Từ các mục tiêu tổng quát ấy, phải cụ thể hoá thành những mục tiêu bộ phận, những mức phấn đấu định lượng cho từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở. Việc này gắn liền với việc kiểm kê, tính toán để phát huy khả năng, cân đối giữa yêu cầu và khả năng, thông qua việc lập các phương án kinh tế - kỹ thuật, xác định các biện pháp thực hiện về chính sách, tư tưởng, tổ chức. Đó chính là quá trình xây dựng chiến lược kinh tế, xã hội, xây dựng kế hoạch nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý.

Căn cứ kết quả nghiên cứu đã đạt được cho đến nay, Báo cáo này trình bày phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981 - 1985) và những năm 80.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, thời gian thực tế còn lại cho kế hoạch 5 năm (1981 - 1985) chỉ là hơn ba năm. Vì vậy, mức độ về mục tiêu, chủ trương và biện pháp cần rất thiết thực và vững chắc.

Về đời sống, phải bảo đảm cho được nhu cầu ăn của xã hội với mức cố gắng có đủ lương thực, rau, đậu, nước chấm, tăng thêm đường, mật, cá và thịt, trứng. Cung ứng ổn định lương thực, thực phẩm, chất đốt theo định lượng cho công nhân, cán bộ, bộ đội, nhất là ở các thành phố, khu công nghiệp, biên giới và hải đảo. Giải quyết vải mặc cho toàn dân ở mức cần thiết và hợp với khả năng. Bảo đảm giấy viết, giấy in sách giáo khoa, giấy in báo và một phần thích đáng giấy in các loại sách khác. Khẩn trương giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trước hết là những loại thuốc chữa bệnh thiết yếu. Cung ứng khá hơn các đồ dùng gia đình và đồ dùng cá nhân thông thường. Tăng thêm phương tiện đi lại. Giảm bớt khó khăn về thiếu nhà ở, tăng thêm nước sinh hoạt, cung ứng điện hợp lý và bảo đảm vệ sinh các khu dân cư. Trong khi chăm lo đời sống của nhân dân nói chung, phải coi những người trực tiếp sản xuất, đặc biệt là công nhân, cùng với cán bộ, bộ đội là đối tượng cần được chú ý trước hết. Đi đôi với việc phấn đấu ổn định và cải thiện một bước đời sống vật chất, phải hết sức coi trọng tổ chức tốt đời sống văn hoá trong từng xí nghiệp và hợp tác xã, tại các xã, phường, trên các địa bàn huyện, quận và tỉnh, thành phố. Phát huy các nhân tố tích cực, kiên quyết chặn đứng và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội, xây dựng trật tự xã hội chủ nghĩa, nếp làm ăn chân chính, những quan hệ xã hội tốt đẹp, lối sống lành mạnh, tươi vui.

Về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phải rất coi trọng phát triển chiều sâu, tức là cải tạo, bổ sung và nâng cao, nhằm khai thác tốt những năng lực sản xuất sẵn có; đồng thời tiếp tục phát triển chiều rộng, xây dựng mới một cách có trọng điểm, vừa tăng cường những cơ sở vật chất - kỹ thuật có thể sử dụng ngay trong kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), vừa tích cực chuẩn bị cho việc xây dựng với quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn trong những kế hoạch sau. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật theo chiều sâu cũng như theo chiều rộng đều phải tập trung vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng năng lực sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, tạo thêm nguồn năng lượng và nguyên liệu, vật liệu, phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là năng lực giao thông vận tải, đồng thời bảo đảm trang bị đủ các loại công cụ thường, công cụ cải tiến, và tăng thêm một số thiết bị, máy móc vừa và nhỏ cho các hoạt động kinh tế, trước nhất nhằm thúc đẩy các ngành trọng điểm.

Về cải tạo xã hội chủ nghĩa, phải tiến hành rất kiên quyết cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, theo bước đi và hình thức thích hợp. Bất cứ sự do dự và chậm trễ nào, bất cứ hành động nào làm suy yếu quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa cũng là buông lỏng đấu tranh giữa hai con đường, mang lại hậu quả nguy hiểm về kinh tế và xã hội. Phải xác lập và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, làm cho tình hình kinh tế được ổn định và phát triển trên cơ sở lành mạnh và đúng hướng. Chúng ta chủ trương sử dụng một cơ cấu kinh tế có nhiều thành phần, trong đó kinh tế xã hội chủ nghĩa là chủ đạo; điều đó có nghĩa là phải đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách đúng đắn. Trong 5 năm (1981-1985), phải kiên quyết điều chỉnh lại ruộng đất và cơ bản hoàn thành việc đưa nông dân các tỉnh Nam Bộ vào con đường làm ăn tập thể bằng hình thức tập đoàn sản xuất là chủ yếu, tiếp tục tổ chức và củng cố vững chắc các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Trung; đẩy mạnh cải tạo đối với thương nghiệp, vận tải, ngư nghiệp và công nghiệp ở miền Nam; ráo riết sắp xếp lại và quản lý thị trường trong cả nước; hoàn thiện thêm một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Về quốc phòng và an ninh, phải cố gắng đến mức cao nhất làm tốt công cuộc phòng thủ đất nước và giữ vững an ninh của Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, có kế hoạch chủ động để khi cần thiết chuyển được nhanh chóng nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến. Đáp ứng tốt những nhu cầu kinh tế của công cuộc củng cố quốc phòng, mặt khác, tổ chức cho các đơn vị bộ đội có điều kiện tiến hành sản xuất để tự cung ứng một phần nhu cầu, huy động năng lực các xí nghiệp quốc phòng và sử dụng hợp lý lực lượng quân đội vào những hoạt động kinh tế thích hợp.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại. Xây dựng quân đội có ý chí quyết thắng, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ chính quy, hiện đại ngày càng cao, có trình độ sẵn sàng chiến đấu không ngừng hoàn thiện. Xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Kết hợp chặt chẽ lực lượng công an, quân đội với phong trào quần chúng để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chặn đứng và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, chúng ta phải vận dụng đúng đắn đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đại hội IV đề ra và các chính sách lớn trong chặng đường những năm 80, mà Báo cáo chính trị trước Đại hội V đã vạch rõ.

Trong khi thực hiện đường lối và các chính sách ấy, cần đặc biệt chú ý một số điểm rất quan trọng sau đây:

Trước hết, phải luôn luôn nắm vững nội dung chính của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong 5 năm (1981 - 1985) và những năm 80 là: Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý.

Phải đẩy mạnh mặt trận nông nghiệp toàn diện, cùng với lâm nghiệp và ngư nghiệp, nhất là đẩy mạnh sản xuất lương thực và thực phẩm. Gắn liền với nông nghiệp toàn diện, phải tận dụng mọi lực lượng, từ các cơ sở công nghiệp lớn đến tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và từng người thủ công cá thể, để phát triển sản xuất hàng tiêu dùng. Toàn bộ hoạt động kinh tế quốc dân phải coi trọng và cố gắng vượt bậc về xuất khẩu, sớm tạo ra những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị. Qua việc tập trung sức phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, phải tạo thêm công ăn việc làm ở mức cao nhất mà khả năng cho phép, sử dụng đến mức tối đa lực lượng lao động, mở rộng phân công và phân bố lại lao động xã hội trên địa bàn cả nước.

Phải tiếp tục xây dựng kinh tế trung ương thành xương sống của nền kinh tế quốc dân, nắm vững những vị trí then chốt, đồng thời hết sức chú ý phát triển kinh tế địa phương, phát huy tác dụng quan trọng của kinh tế địa phương đối với sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Tích cực tổ chức các ngành kinh tế - kỹ thuật thành trụ cột của nền kinh tế, đồng thời ra sức xây dựng kinh tế nông - công nghiệp huyện, và xây dựng kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng từng bước tạo ra cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp tỉnh.

Phải phát triển những quan hệ phân công và hợp tác trong cả nước cũng như trên từng địa bàn, gắn bó chặt chẽ kinh tế trung ương với kinh tế địa phương thành một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, thanh toán những sự chồng chéo, vướng mắc hiện nay.

Xác định rõ cơ cấu kinh tế trung ương và cơ cấu kinh tế từng địa phương, thực hiện phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương là vấn đề cần phải khẩn trương giải quyết. Trong tình hình hiện nay, phải mở rộng đúng mức phạm vi kinh tế địa phương về sản xuất cũng như phân phối, lưu thông, giao thêm quyền hạn, phương tiện và trách nhiệm cho chính quyền địa phương, đòi hỏi địa phương hoạt động có hiệu quả hơn; một mặt phải khắc phục những biểu hiện tập trung quan liêu, mặt khác phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhà nước, xoá bỏ hiện tượng phân tán, cục bộ, bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của trung ương.

Các thành thị, đặc biệt là các thành phố lớn, có vai trò rất quan trọng và phải phát huy tác dụng ngày càng lớn của mình về kinh tế, nhất là về công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Trung ương và các địa phương đều có trách nhiệm xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hoá, xứng đáng tiêu biểu cho cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh, với những khả năng phong phú, phải trở thành một trung tâm kinh tế, văn hoá, một trung tâm giao dịch quan trọng với nước ngoài.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng có những khả năng rất to lớn và phong phú, là trọng điểm về lương thực và nông nghiệp toàn diện của đất nước. Các ngành ở trung ương và các địa phương có liên quan cùng với các tỉnh nói trên, phải làm hết sức mình để cùng với các tỉnh kể trên phát huy đến mức cao nhất các khả năng to lớn đó.

Các tỉnh trung du và miền núi phía bắc có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quốc phòng, có những thế mạnh rất lớn về kinh tế và có nhiều khu công nghiệp quan trọng. Các tỉnh ở Tây Nguyên cũng có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quốc phòng, có tiềm năng dồi dào về lương thực, nhất là về các loại hoa màu, về chăn nuôi, về cây công nghiệp dài ngày, về rừng với nhiều loại gỗ quý, và một số khoáng sản quý. Trung ương và các ngành, các địa phương khác phải tích cực giúp đỡ và các tỉnh trên đây phải phấn đấu vươn lên, khắc phục các khó khăn trước mắt về lương thực, lao động, giao thông và thủy lợi, để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tỉnh ven biển miền Trung có những thế mạnh kinh tế nhiều mặt. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có khả năng nông nghiệp toàn diện và có những cơ sở công nghiệp quan trọng. Những địa phương ấy cần ra sức phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, từng tỉnh cần chọn đúng và khai thác tốt thế mạnh của mình, tăng thêm nguyên liệu cho công nghiệp và tăng hàng xuất khẩu.

Phải có quy hoạch và kế hoạch nhằm từng bước phát huy những tiềm lực đa dạng và quý báu của những vùng kể trên.

Trong khi nền kinh tế nước ta còn nhiều thành phần, việc mở rộng trận địa và nêu cao vai trò chủ đạo của kinh tế xã hội chủ nghĩa là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải ra sức củng cố và kiện toàn các đơn vị kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác. Phải làm cho kinh tế quốc doanh trở thành những tấm gương về năng suất lao động, về chất lượng sản phẩm, về hiệu quả sản xuất và kinh doanh, về thi hành chính sách và pháp luật. Phải khuyến khích, hướng dẫn, giúp đỡ kinh tế gia đình, bảo đảm kinh tế gia đình thực sự là bộ phận hợp thành của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Phải làm cho các đơn vị công tư hợp doanh ở miền Nam có thực chất hợp doanh và hoạt động đạt hiệu quả tốt. Trong khi chưa cải tạo và suốt quá trình cải tạo, phải sử dụng và hướng dẫn đúng đắn kinh tế cá thể và kinh tế tư doanh, đồng thời phải ngăn chặn và khắc phục những mặt tiêu cực của mỗi thành phần kinh tế ấy. Sau khi đã hoàn thành cải tạo quan hệ sản xuất, trong một số ngành, nghề vẫn tồn tại các hoạt động kinh tế cá thể thích hợp, hỗ trợ cho kinh tế xã hội chủ nghĩa, có tác dụng cần thiết đối với nền kinh tế quốc dân; chúng ta cần có những biện pháp có hiệu quả để hướng các hoạt động ấy phục vụ tốt cho sản xuất và lưu thông. Phải lấy kinh tế quốc doanh làm nòng cốt, liên kết các thành phần kinh tế khác nhau bằng những hình thức thích hợp, đưa mọi thành phần kinh tế phát triển theo quỹ đạo xã hội chủ nghĩa.

Để khắc phục các khó khăn trước mắt và đưa nền kinh tế tiến lên, chúng ta phải ra sức phát huy những vốn quý và thế mạnh của bản thân nền kinh tế, của nhân dân ta và đất nước ta. Đồng thời, phải tranh thủ và sử dụng thật tốt sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế, mở rộng hợp tác toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau với hai nước Lào và Campuchia anh em, coi sự giúp đỡ và sự hợp tác toàn diện ấy là nhân tố cơ bản có tính quy luật để thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà. Đối với các nước khác, chúng ta tranh thủ phát triển quan hệ mậu dịch và hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật trên nguyên tắc bảo đảm độc lập, chủ quyền và các bên đều có lợi.

Thể hiện những mục tiêu và phương hướng trên đây, kế hoạch 5 năm (1981 - 1985) là kế hoạch phát triển thêm một bước, sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân; ba mặt đó kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm cơ bản ổn định tình hình kinh tế, xã hội, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất về đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, giảm bớt những mất cân đối nghiêm trọng nhất của nền kinh tế, khắc phục một bước quan trọng tình trạng không bình thường về phân phối, lưu thông, tăng thêm tiền đề và điều kiện để tiến lên mạnh mẽ và vững chắc hơn trong những năm sau.

Toàn bộ hoạt động kinh tế phải luôn luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng suất, giảm tiêu hao vật chất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và hiệu quả; ra sức vận dụng ba nhân tố: đổi mới quản lý, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều có ý nghĩa cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt là phải khẩn trương làm tốt việc sắp xếp lại kinh tế theo những phương hướng sau đây:

Phải chỉnh đốn và cải tiến cơ cấu sản xuất, xây dựng, lao động, phân phối, lưu thông và tiêu dùng, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cấp bách, hợp với khả năng thực tế trong những năm trước mắt, nhất là khả năng về năng lượng, nguyên liệu, giao thông vận tải, đồng thời hợp với hướng tiến lên lâu dài, làm cho nền kinh tế phát triển ổn định, đúng hướng và đạt hiệu quả ngày càng cao.

Trong việc sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, phải ưu tiên dành các điều kiện vật chất cho việc đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm phục vụ đời sống, xuất khẩu và củng cố quốc phòng. Theo tinh thần đó, có những cơ sở cần được bổ sung thiết bị, máy móc và tăng thêm năng lượng, vật tư; có cơ sở phải điều chỉnh hoặc chuyển hướng sản xuất. Phải tổ chức lại hệ thống sản xuất, kinh doanh của các ngành, nghề từ trung ương đến địa phương và cơ sở, tạo ra một cơ cấu sản xuất gồm những bộ phận ăn khớp nhau, có sức năng động, có thế vươn lên.

Trong việc bố trí lại xây dựng cơ bản, phải soát xét cơ cấu đầu tư, quy mô và tiến độ xây dựng cơ bản, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn đều, không đồng bộ và kém hiệu quả kinh tế. Kiên quyết không đầu tư xây dựng thêm các công trình mới nếu công suất của các cơ sở cùng loại chưa được dùng hết. Kiên quyết đình hoặc hoãn khởi công những công trình không có điều kiện xây dựng, không đủ năng lượng và nguyên liệu để đi vào hoạt động. Theo hướng đó, phải điều chỉnh lại lực lượng lao động và thiết bị thi công.

Trong việc bố trí lại lao động, phải mở rộng phân công và phân bố lại lao động trong từng cơ sở, từng địa phương, từng ngành và trên địa bàn cả nước, giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, nhằm tận dụng mọi khả năng đất đai, rừng, biển và các cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có. Kiên quyết giảm biên chế hành chính. Rất coi trọng giảm tỷ lệ tăng dân số. Xác định lại quy mô và phương hướng đào tạo cán bộ và công nhân hợp với yêu cầu và khả năng của nền kinh tế trong những năm trước mắt và các năm tiếp theo; bố trí và sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ và công nhân đã được đào tạo.

Trong việc sắp xếp lại phân phối, lưu thông, phải thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa trên mặt trận rất phức tạp này, khẩn trương tổ chức và mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa, hạn chế và quản lý chặt thị trường không có tổ chức, kiên quyết áp dụng nguyên tắc phân phối theo lao động và thực hiện hạch toán kinh tế, điều tiết cho công bằng thu nhập của các tầng lớp dân cư, phát huy tác dụng đòn xeo và cầu nối của phân phối, lưu thông đối với nông nghiệp và công nghiệp, thành thị và nông thôn, để thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng.

Trong việc sắp xếp lại tiêu dùng xã hội, phải hết sức tiết kiệm về đầu tư và sản xuất, về sự nghiệp văn hoá và xã hội, về chi phí quốc phòng và hành chính, thể hiện chủ trương tiết kiệm thành những chỉ tiêu cụ thể hằng năm phải phấn đấu đạt cho bằng được. Toàn xã hội cũng như từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở và từng cá nhân đều phải triệt để thực hiện nguyên tắc "chỉ tiêu dùng trong giới hạn mà sản xuất cho phép", sống bằng kết quả lao động của mình và phấn đấu tăng tích luỹ.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Sau đây là phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của những ngành và lĩnh vực quan trọng:

1. Mặt trận nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản

Tập trung sức phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là một chủ trương chiến lược của Đảng ta, có tác dụng cực kỳ to lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội. Nhằm thực hiện chủ trương chiến lược đó, trong 5 năm (1981 - 1985), chúng ta phải ra sức làm tốt những công việc chính sau đây:

Nông nghiệp

Lương thực và thực phẩm
là vấn đề bức thiết nhất và rất cơ bản, mà chúng ta phải giải quyết để ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng. Trước mắt, phải đáp ứng bằng được nhu cầu về lương thực của toàn xã hội và phải huy động bằng được số lương thực cần thiết vào tay Nhà nước.

Phấn đấu đạt sản lượng lương thực bình quân một năm trong 5 năm (1981 - 1985) là 17 triệu tấn quy thóc (tăng 3,6 triệu tấn so với sản lượng bình quân một năm trong thời kỳ 1976 - 1980), trong đó Nhà nước huy động bình quân một năm là 3,5 triệu tấn.

Để đạt được mục tiêu quan trọng hàng đầu này, chúng ta cần có kế hoạch giải quyết đồng bộ, từ sản xuất, thu mua, vận chuyển, bảo quản, chế biến đến tiêu dùng. Phải cân đối mọi điều kiện để đến năm 1985 có thể đạt tới sản lượng khoảng 19 - 20 triệu tấn lương thực, trong đó 16 - 16,5 triệu tấn thóc và 3 - 3,5 triệu tấn màu quy thóc.

Các địa phương phải phát huy thế mạnh của mình, cố gắng tới mức cao nhất để giải quyết lương thực, thực phẩm tại chỗ (trừ các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, các vùng rừng tập trung và vùng có hoàn cảnh đặc biệt), cố gắng tự cân đối lấy nhu cầu lương thực, thực phẩm, theo cơ cấu sản xuất và tiêu dùng hợp với điều kiện cụ thể từng nơi, bằng những biện pháp tích cực, kể cả thông qua trao đổi với địa phương khác và xuất nhập khẩu; phấn đấu đóng góp ngày càng nhiều cho cả nước.

Tận lực phát triển cả lúa và màu. Về lúa, đi đôi với khai hoang để mở rộng diện tích, hướng chính là đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, hình thành những vùng lúa cao sản, có khối lượng hàng hoá lớn. Về hoa màu, phát triển mạnh trồng ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột khác. Xác định đúng cơ cấu cây màu ở mỗi tỉnh, mỗi huyện. Tận dụng đất đai trồng màu trên đất chuyên màu, trên đất một vụ lúa, phát triển vụ đông trên diện tích hai vụ lúa, trồng xen trên đất trồng cây công nghiệp, vừa làm tập trung, vừa làm phân tán ở khắp nơi. Coi trọng nâng cao năng suất của các loại hoa màu. Đưa tỷ trọng màu trong sản lượng lương thực lên 18 - 20%. Đặc biệt quan tâm tổ chức chế biến, vận tải, bảo quản màu cho tốt và khuyến khích tiêu thụ màu, đưa màu vào thành phần lương thực chính, cải tiến dần cơ cấu bữa ăn phù hợp với đặc điểm sản xuất của từng vùng.

Thực hiện hàng loạt biện pháp đồng bộ để bảo đảm mục tiêu sản xuất và thu mua lương thực. Hoàn chỉnh các công trình thủy lợi đã có, làm mới những công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ là chủ yếu, chuẩn bị điều kiện để xây dựng những công trình thuỷ lợi lớn, đặc biệt phát triển thuỷ lợi hợp lý, có hiệu quả thiết thực ở đồng bằng sông Cửu Long và tích cực thu hẹp diện tích bị úng ở đồng bằng Bắc Bộ. Hoàn chỉnh sớm hệ thống giống lúa và màu, cung ứng đầy đủ, kịp thời và phổ biến rộng rãi các loại giống mới có năng suất cao, chịu sâu bệnh, chịu hạn, chịu úng, chịu chua mặn; sớm chấm dứt tình trạng thiếu giống, lẫn giống, giống không thích hợp với đồng đất và mùa vụ. Cố gắng cung ứng phân bón và thuốc trừ sâu, tập trung trước hết vào những vùng có điều kiện thâm canh cao và những vùng mà Nhà nước thu mua nhiều lương thực; ngoài số phân bón và thuốc trừ sâu sản xuất trong nước và nhập từ các nước xã hội chủ nghĩa, cố gắng xuất một số nông sản để nhập thêm phân đạm và thuốc trừ sâu, đồng thời tăng mạnh phân chuồng, phân xanh, thực hiện luân canh và xen canh cây họ đậu để bồi dưỡng và cải tạo đất. Xây dựng và thực hiện quy chế thâm canh cho từng vùng, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất lương thực, khuyến khích sản xuất, chế biến, tiêu thụ màu, khuyến khích phát triển các loại phân hữu cơ và phân hoá học. Hoàn thiện và ổn định chính sách thuế và thu mua; xác định giá cả hợp lý, dành tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng để trao đổi lấy nông sản, khuyến khích nông dân làm tốt nghĩa vụ đóng thuế và bán lương thực cho Nhà nước, bảo đảm Nhà nước nắm được tuyệt đại bộ phận lương thực hàng hóa, hạn chế thị trường tự do, chống đầu cơ tích trữ lương thực, tiến đến Nhà nước làm chủ được thị trường lương thực xã hội. Xây dựng hệ thống kho tàng, tăng thêm phương tiện chế biến, bao bì, cân đong, vận tải, làm cho việc thu mua, vận chuyển và bảo quản lương thực được nhanh gọn, tránh hư hao, mất mát.

Đầu tư thêm lao động và tiến hành cơ giới hóa một cách thích hợp, có trọng tâm, trọng điểm để đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ và khai hoang. Trong 5 năm (1981 - 1985), phải củng cố 30 vạn hécta đã khai hoang, và khai hoang thêm vài chục vạn hécta, ngoài ra vận động và tổ chức nhân dân khai hoang thêm nữa. Tổng kết kinh nghiệm xây dựng vùng kinh tế mới, có biện pháp và bước đi đúng, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đạt hiệu quả cao với vốn đầu tư ít hơn.

Phấn đấu tạo dự trữ lương thực để chủ động trong mọi tình huống. Tiết kiệm lương thực phải thành kỷ luật nhà nước.

Chú trọng phát triển cây thực phẩm, bảo đảm cung ứng đủ rau và đậu các loại. Xây dựng các vùng chuyên canh rau, đậu xuất khẩu; xây dựng các vành đai thực phẩm quanh các thành phố và khu công nghiệp.

Đỗ tương cần được phát triển mạnh mẽ để tăng nguồn đạm cho người, cho gia súc, cho đất đai và trở thành một loại hàng xuất khẩu chủ lực ngày càng quan trọng. Có chính sách khuyến khích phát triển, giải quyết tốt các khâu giống, phân bón, trừ sâu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; xen canh, luân canh, tăng vụ, tận dụng đất đai để trồng đỗ tương rộng rãi ở khắp nơi, xây dựng một vùng chuyên canh, thâm canh có năng suất cao. Phấn đấu tăng sản lượng đỗ tương lên ít nhất là 25 - 30 vạn tấn năm 1985. Phát triển trồng các loại đỗ, như đỗ xanh, đỗ đen ở các vùng thích hợp.

Mở nhanh diện tích cây có dầu như lạc, vừng, dừa, sở, cọ dầu, v.v. để tăng thực phẩm cho bữa ăn, tăng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu.

Mở rộng diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả theo hướng vừa tập trung chuyên canh, vừa vận động nhân dân tận dụng đất đai để trồng rộng rãi, nhất là những loại cây ngắn ngày mau cho sản phẩm.

Phát triển mạnh trồng mía, hình thành các vùng chuyên canh lớn để cung ứng đủ mía cho các nhà máy đường hiện có và đang xây dựng. Mở rộng trồng mía ở các huyện, xã, xây dựng nhiều cơ sở chế biến đường theo phương pháp thủ công và nửa cơ giới. Tăng nhanh diện tích trồng thuốc lá để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu. Phát triển trồng cây ăn quả rộng rãi trong nhân dân và xây dựng một số vùng chuyên canh, chú trọng dứa, chuối, cam..., khuyến khích phát triển trồng dừa, nhất là ở vùng ven biển miền Trung và Nam Bộ. Đẩy mạnh việc trồng và khai thác, chế biến các loại cây làm thuốc, cây tinh dầu, cây thầu dầu, cây gia vị, v.v..

Dành diện tích ở những vùng có khí hậu thích hợp để trồng bông. Đẩy mạnh trồng đay, gai, lanh, bông cỏ, bông gòn, dứa dại, đặc biệt là phát triển rộng rãi phong trào trồng dâu nuôi tằm để góp phần giải quyết nhu cầu về mặc. Phát triển trồng cói để bảo đảm đủ chiếu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chăm sóc và thu hoạch tốt các vườn cây công nghiệp dài ngày hiện có. Trồng mới nhiều cao su, cà phê, chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, chè ở trung du, miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên để tăng nguồn xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 1985, có diện tích 15 - 16 vạn hécta cao su, 3 - 4 vạn hécta cà phê, 6 - 7 vạn hécta chè.

Đi đôi với trồng trọt, phải tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng nguồn thực phẩm và thêm phân bón cho cây trồng. Chú trọng phát triển gia súc có sừng và những loại ít ăn lương thực.

Phải có kế hoạch cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi trong từng hợp tác xã, từng huyện, từng tỉnh để bảo đảm nhu cầu tại chỗ và bán sản phẩm chăn nuôi ngày càng nhiều cho Nhà nước. Dành một tỷ lệ hợp lý đất đai phù hợp với cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi ở từng địa phương, để trồng cây thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cung ứng đủ thức ăn gia súc cho các cơ sở chăn nuôi lợn, gà công nghiệp ở các vành đai thực phẩm quanh các thành phố và khu công nghiệp.

Củng cố và phát triển hệ thống giống trâu, bò, lợn, gà; làm tốt công tác thú y, phòng bệnh, phòng dịch cho gia súc, gia cầm. áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất chăn nuôi.

Kết hợp tốt và phát triển cả ba hình thức chăn nuôi: hợp tác, quốc doanh và gia đình, khuyến khích phát triển rộng rãi chăn nuôi của gia đình xã viên. Cơ quan, bộ đội và công nhân, viên chức ở những nơi có điều kiện cũng phải phát triển chăn nuôi để cải thiện đời sống. Nhà nước cần có chính sách và kế hoạch cung ứng giống, thuốc thú y và hướng dẫn phát triển chăn nuôi gia đình.

Phát triển mạnh chăn nuôi lợn ở những vùng trồng nhiều hoa màu; chú trọng chăn nuôi trâu bò để giải quyết sức kéo, phân bón và thịt, sữa; phát triển nuôi gà, vịt, dê, thỏ và nuôi ong. Phấn đấu đến năm 1985 có đàn lợn khoảng 13 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 4,7 - 5 triệu con, đàn gia cầm khoảng 100 triệu con.

Lâm nghiệp

Sớm hoàn thành quy hoạch lâm nghiệp theo hướng lâm - nông - công nghiệp kết hợp, sử dụng tổng hợp tài nguyên, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các tỉnh, huyện miền núi. Phân bố lại lao động trong cả nước, tăng cường đầu tư và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để từng bước xây dựng và sử dụng hợp lý 15 triệu hécta đất rừng.

Coi phương thức kinh doanh lâm - nông nghiệp kết hợp là hướng quan trọng trong việc phát triển nghề rừng; kết hợp chặt chẽ việc trồng rừng, bảo vệ rừng với khai thác, chế biến gỗ và các lâm sản khác, đẩy mạnh sản xuất lương thực và chăn nuôi.

Kiên quyết áp dụng các biện pháp có hiệu quả để bảo vệ, khôi phục rừng, nhất thiết chặn đứng tình trạng phá rừng, cháy rừng, xây dựng và phát triển vốn rừng, trước hết quản lý cho được vốn rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có; đẩy mạnh phong trào trồng cây, gây rừng theo hướng chuyên canh, thâm canh; từ đó vươn lên đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu về gỗ, củi, lâm sản và đặc sản rừng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm phòng hộ môi trường, góp phần giữ vững cân bằng sinh thái trong cả nước và ở từng khu vực. Từng bước tạo những khu rừng tập trung có năng suất cao để phục vụ công nghiệp. Gắn liền công tác định canh, định cư với việc xây dựng vốn rừng và việc phát triển nông, lâm nghiệp ở miền núi.

Trong 5 năm (1981 - 1985), cần quản lý, tu bổ và khai thác tốt số rừng hiện có, trồng mới khoảng 30 vạn hécta rừng và phát triển rộng khắp phong trào trồng cây của nhân dân. Ban hành các chính sách khuyến khích trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng, huy động mọi tầng lớp lao động, nông dân, công nhân, học sinh các trường học, cán bộ, bộ đội... tham gia trồng rừng, nhanh chóng phủ xanh đồi trọc và trả lại màu mỡ cho những diện tích bị cằn cỗi. Vùng ven biển phải chú ý trồng cây chắn gió, chắn cát; miền núi phải bảo vệ và đẩy mạnh trồng cây đầu nguồn.

Coi trọng các biện pháp tái sinh rừng; trồng mới các loại cây làm nguyên liệu cho giấy, sợi, gỗ xây dựng, gỗ trụ mỏ, gỗ đóng tàu, thuyền và gỗ xuất khẩu. Tổ chức việc trồng rừng lấy củi và than củi để giải quyết tại chỗ chất đốt cho công nghiệp chế biến, cho việc sơ chế nông sản, cho các khu dân cư.

Đẩy mạnh khai thác và chế biến gỗ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ sử dụng gỗ, tận dụng gỗ nhỏ và cành ngọn để tiêu dùng ở địa phương; trong 5 năm khai thác khoảng 8 triệu m3 gỗ. Phải có biện pháp giải quyết đồng bộ các khâu chặt hạ, vận chuyển, chế biến, bảo quản để bảo đảm cung ứng gỗ kịp thời và đúng chất lượng cho các nhu cầu.

Tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác các lâm sản quý như cánh kiến, hồi, quế, tre, mây, song và các loại cây có dầu, cây dược liệu; đặc biệt chú ý việc trồng thông và khai thác nhựa thông.

Đi đôi với việc củng cố và phát triển lâm trường quốc doanh, cần lấy huyện làm địa bàn chính để phát triển lâm nghiệp. Thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng cho hợp tác xã kinh doanh theo quy hoạch và kế hoạch nhà nước.

Để hoàn thành những nhiệm vụ trên đây về nghề rừng, cần nắm vững phương châm: "lấy rừng nuôi rừng, trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm", tích luỹ ngày càng nhiều cho Nhà nước và cải thiện đời sống của nhân dân.

Thuỷ sản

Tổ chức lại và phát triển nghề đánh, bắt hải sản; tận dụng mọi diện tích mặt nước để phát triển rộng rãi nghề nuôi cá, nuôi tôm và các thuỷ sản khác, đưa sản lượng đánh, bắt cá biển và cá nuôi năm 1985 lên khoảng 70 vạn tấn (trong đó 47 - 50 vạn tấn cá biển). Tăng thêm sản lượng cá khô, cá chế biến và nước mắm.

Tập trung đầu tư cho những vùng có nhiều khả năng về nghề cá biển, phát triển lực lượng đánh cá thủ công và nửa cơ giới, mở rộng kinh doanh xuất nhập khẩu nhằm bảo đảm xăng dầu, phụ tùng, ngư cụ cho lực lượng đánh cá cơ giới.

Tổ chức hợp lý dây chuyền sản xuất, kết hợp tốt các khâu thu mua, vận chuyển, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thuỷ sản. Thông qua đầu tư có trọng điểm và các chính sách khuyến khích sản xuất, ra sức củng cố và phát triển các cơ sở quốc doanh và hợp tác xã, khôi phục và phát triển lực lượng đánh cá của nhân dân, nâng cao hiệu quả và năng suất trong các khâu đánh, bắt, chế biến; tổ chức ngư dân các tỉnh miền Nam và hợp tác xã nghề cá và các hình thức thích hợp khác; lấy huyện vùng biển làm địa bàn chính để tổ chức lại sản xuất, thiết lập quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với ngư dân, khai thác vùng biển theo hướng ngư - nông - công nghiệp kết hợp.

Ban hành các chính sách khuyến khích và giúp đỡ các hợp tác xã và nhân dân tận dụng diện tích sông, ao, hồ, ruộng để nuôi cá, tôm. Tổ chức những cơ sở nuôi cá để bảo đảm cung ứng cá tươi cho các thành phố, khu công nghiệp. Các nông trường, lâm trường, cơ quan, đơn vị bộ đội đóng ở những nơi có điều kiện phải tổ chức nuôi cá để cải thiện đời sống.

2. Sản xuất hàng tiêu dùng

Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa của xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng nguồn hàng để mở rộng thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, mở rộng phân công lao động, tăng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, góp phần tích luỹ cho nền kinh tế.

Đây cũng là công việc vô cùng cấp bách, để ổn định đời sống nhân dân, góp phần to lớn vào việc cân đối tiền - hàng, ổn định thị trường, giá cả.

Phải có hàng loạt chính sách và biện pháp đồng bộ để phát huy mọi năng lực sản xuất hiện có và khả năng tiềm tàng của công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, kể cả công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương; tích cực mở mang các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp ở thành thị và nông thôn, sử dụng tốt thợ thủ công cá thể. Thực hiện sự liên kết giữa quốc doanh, hợp tác xã và cá thể để đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng. Tận dụng năng lực sản xuất của các xí nghiệp quốc phòng để làm hàng tiêu dùng. Đặc biệt, phải khai thác thế mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng của các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Sớm ban hành các chính sách về đầu tư, về tín dụng, về cung ứng nguyên liệu, phế liệu, về tiêu thụ sản phẩm, về giá cả. Tăng cường trang bị kỹ thuật, bảo đảm cung ứng vật tư, tạo thêm nguồn nguyên liệu trong nước, mở rộng kinh doanh xuất, nhập khẩu và hợp tác sản xuất với nước ngoài; phân công và hiệp tác sản xuất hợp lý trong từng ngành, từng địa phương và trong cả nước, vận dụng các đòn bẩy kinh tế để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là phát triển rộng rãi tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, từ những ngành, nghề cổ truyền đến những ngành, nghề mới.

Khai thác tốt các cơ sở kéo sợi và dệt vải hiện có, hoàn thành xây dựng các nhà máy kéo sợi mới, để năm 1985 đạt sản lượng khoảng 380 - 400 triệu mét vải. Tăng xuất khẩu nông sản để nhập thêm bông, sợi, phụ tùng, hoá chất và thuốc nhuộm cho ngành dệt.

Đưa sản lượng đường mật các loại lên 35 - 40 vạn tấn năm 1985. Sử dụng hết công suất các nhà máy đường hiện có. Phát triển các lò đường thủ công. Tiếp tục xây dựng Nhà máy đường La Ngà và Lam Sơn. Chế tạo thiết bị để xây dựng những cơ sở sản xuất đường loại vừa và nhỏ ở các địa phương.

Cung ứng đủ nguyên liệu và phát huy hết công suất hiện có, đưa sản lượng thuốc lá điếu năm 1985 lên trên một tỷ bao, dành phần quan trọng cho xuất khẩu. Nâng cao kỹ thuật chế biến để tăng thêm thuốc lá lá xuất khẩu.

Cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy giấy, khuyến khích việc sản xuất giấy thủ công ở các địa phương, để năm 1985 sản xuất được 9 - 10 vạn tấn giấy các loại, trong đó bảo đảm nhu cầu giấy viết, giấy in sách giáo khoa và in báo, tăng giấy bao bì ximăng.

Thâm canh và mở rộng sản xuất muối, nhất là ở miền Bắc, để bảo đảm muối ăn và muối cho công nghiệp.

Tăng sản xuất xe đạp và nhất là phụ tùng, săm lốp. Bảo đảm nhu cầu tối thiểu của nhân dân về xà phòng, bột giặt, thuốc chữa bệnh. Phát triển sản xuất, mở rộng mặt hàng, nâng cao chất lượng các loại đồ gỗ, đồ gốm, sành sứ, thủy tinh, hàng mây tre, đay, cói, dụng cụ gia đình, đồ dùng học sinh, dụng cụ y tế, văn hóa, dụng cụ bảo hộ lao động.

Hết sức chú ý tăng số lượng và chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, làm ra những mặt hàng ngày càng tinh xảo, đặc biệt là hàng sứ, may mặc, thêu đan, dệt thảm, hàng mỹ nghệ, kim khí tiêu dùng.

3. Công nghiệp nặng

Sắp xếp lại, cải tạo, bổ sung, nâng cao các cơ sở sản xuất hiện có và tạo thêm nguồn cung ứng năng lượng, nguyên liệu để tận dụng công suất, thiết thực phát huy tác dụng rất quan trọng của công nghiệp nặng đối với nông nghiệp, đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; tiếp tục xây dựng có trọng điểm một số cơ sở mới nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt và chuẩn bị cho những năm tiếp theo. Đồng thời, ra sức đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, lập các luận chứng và phương án kinh tế - kỹ thuật, tiến hành thiết kế, đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân, từng bước tăng cường kết cấu kinh tế hạ tầng, ráo riết chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn của các ngành công nghiệp nặng trong các kế hoạch sau. Chúng ta luôn luôn nhớ rằng nhiệm vụ trung tâm suốt thời kỳ quá độ là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, rằng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí hoá. Điều quyết định để tạo ra năng suất lao động cao là trang bị kỹ thuật mới, chẳng những cho nông nghiệp, mà cho cả các ngành khác của nền kinh tế quốc dân. Coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu và đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng trong chặng đường hiện nay là nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của đời sống, tạo ra tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, cũng chính là góp phần thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, tăng cường cơ sở cho sự phát triển trước mắt và về sau của các ngành công nghiệp nặng.

Điện

Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển điện lực trong cả nước khoảng 15 - 20 năm và vạch kế hoạch cụ thể thực hiện quy hoạch đó trong 5 năm (1981 - 1985) theo hướng kết hợp thủy điện với nhiệt điện, đẩy mạnh phát triển thuỷ điện, kết hợp quy mô lớn, vừa và nhỏ. Bảo đảm cân đối giữa phát triển sản xuất điện với mạng lưới tải điện và các công trình phục vụ cho ngành điện, giữa nguồn phát điện với các cơ sở tiêu thụ điện, để khai thác năng lượng có hiệu quả nhất.

Phấn đấu đưa sản lượng điện đến cuối năm 1985 đạt 5,5 đến 6 tỷ kwh.

Phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy nhiệt điện và thủy điện hiện có, sử dụng hợp lý nguồn điện chạy bằng dầu. Giảm mạnh lượng điện hao hụt và mất mát, điện tự dùng, và giảm tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất.

Khẩn trương xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại và các công trình đồng bộ, đưa tổ máy đầu tiên vào phát điện đầu năm 1983, hoàn thành ba tổ máy trong năm 1985. Bảo đảm tiến độ xây dựng thủy điện Hoà Bình để sớm đưa tổ máy đầu tiên vào phát điện. Tìm mọi cách tăng thêm nguồn điện cho các tỉnh miền Nam. Khẩn trương chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng thuỷ điện Trị An. Xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ ở miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía bắc; tận dụng nguồn khí để phát điện. Xúc tiến nghiên cứu và khai thác các nguồn điện khác.

Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt. Phân phối điện phải ưu tiên cho các mục tiêu sản xuất chủ yếu, các cơ sở trọng điểm.

Than

Phấn đấu đưa sản lượng than năm 1985 lên 8 - 9 triệu tấn và tạo thêm gần 5 triệu tấn công suất gối đầu cho kế hoạch 1986 - 1990.

Tăng nhanh sản lượng và chất lượng than ở các mỏ Hà Tu, Đèo Nai, Cọc 6, Vàng Danh, Mạo Khê và các mỏ phụ; tiếp tục xây dựng và mở rộng các mỏ Cao Sơn, Na Dương, núi Béo, núi Hồng, Nông Sơn; hoàn thành xây dựng các mỏ Mông Dương, Khe Chàm, Hà Lầm, Thống Nhất. Hoàn thành cải tạo mỏ than mỡ Phấn Mễ, đẩy mạnh xây dựng mỏ than mỡ Làng Cẩm. Tận lực khai thác các mỏ than đá, than mỡ, than bùn tại các địa phương.

Cải tiến tổ chức và quản lý ngành than. Tăng cường công tác địa chất. Nâng cao năng suất sử dụng xe, máy. Đẩy mạnh sửa chữa thiết bị và cung ứng phụ tùng, đồng bộ hoá các khâu khai thác, vận chuyển, bốc rót, mở rộng việc vận chuyển bằng băng tải và bằng các phương tiện khác. Cải thiện điều kiện làm việc và đời sống, có chính sách động viên nhiệt tình lao động và nâng cao năng suất của công nhân mỏ.

Quản lý chặt chẽ việc vận chuyển và phân phối, nâng cao hiệu quả sử dụng, thực hành nghiêm ngặt chế độ tiết kiệm than. Tận thu các loại than rơi vãi ở vùng mỏ, thu hồi và sử dụng tốt số than qua lửa của các nhà máy điện. Giải quyết việc chế biến than để đun nấu thay cho dầu lửa.

Dầu và khí

Dầu và khí là ngành kinh tế - kỹ thuật ngày càng có tác dụng quan trọng đối với toàn bộ sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Trước mắt, cần tập trung sức thực hiện tốt việc hợp tác với Liên Xô nhằm đẩy mạnh thăm dò và tiến tới khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía nam. Phấn đấu để có sản lượng dầu thô trong kế hoạch 5 năm này. Xây dựng cơ sở hậu cần và dịch vụ dầu, khí ở Vũng Tàu. Đẩy mạnh thăm dò và khai thác khí đốt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cơ khí

Quy hoạch và sắp xếp lại ngành cơ khí trong cả nước theo hướng chuyên môn hoá và hiệp tác, chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực hiện có kết hợp với xây dựng một số công trình mới. Phấn đấu tăng chất lượng, giảm tiêu hao vật tư và năng lượng; thông qua kinh doanh tổng hợp và xuất, nhập khẩu tạo thêm nguyên liệu cho sản xuất cơ khí để tận dụng tốt các năng lực sản xuất. Trong 5 năm (1981 - 1985), chủ yếu là bảo đảm sửa chữa máy móc, thiết bị và sản xuất phụ tùng cho các ngành, nhất là phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng, than, điện, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng... Sản xuất đủ các loại công cụ thông thường và công cụ cải tiến, một số máy móc, thiết bị cỡ nhỏ và vừa cho nông nghiệp, sà lan, toa xe, thiết bị mỏ, động cơ điện, thiết bị thuỷ điện nhỏ, thiết bị sản xuất đường, giấy, chế biến màu... Nâng cao chất lượng chế tạo để tăng xuất khẩu một số sản phẩm cơ khí như xe đạp, máy công cụ, quạt điện, dụng cụ đồ nghề, v.v..

Chú trọng phát triển công nghiệp điện tử theo bước đi thích hợp với hoàn cảnh nước ta. Khai thác hết năng lực lắp ráp và chế tạo hiện có, xây dựng thêm một số cơ sở lắp ráp và dây chuyền sản xuất mới, để đáp ứng khá hơn nhu cầu của nền kinh tế về thiết bị điện tử, tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm điện tử lắp ráp để xuất khẩu.

Hoàn thành xây dựng Nhà máy sản xuất động cơ điêden Gò Đầm, Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Mở rộng Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, Nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh; khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô 6.000 tấn/năm, v.v.. Tích cực chuẩn bị để xây dựng một số công trình cơ khí nặng trong kế hoạch sau.

Luyện kim

Ra sức huy động năng lực luyện thép, cán thép hiện có ở Thái Nguyên và miền Nam; cung ứng than mỡ, cực điện và thu thập sắt vụn để tăng sản lượng thép cán năm 1985 lên gấp đôi so với năm 1981. Mở rộng thí nghiệm phương pháp hoàn nguyên trực tiếp trong luyện kim. Nghiên cứu sản xuất thép hợp kim. Tích cực chuẩn bị xây dựng công trình luyện thép lớn trong các kế hoạch sau.

Xây dựng hoàn chỉnh Nhà máy thiếc Tĩnh Túc, Sơn Dương; khởi công xây dựng Xí nghiệp liên hiệp thiếc Quỳ Hợp. Hoàn thành xây dựng nhà máy sản xuất chì và kẽm. Mở rộng khai thác quặng crômmít. Đi đôi với xây dựng nhà máy, cần tổ chức sản xuất thiếc, chì, kẽm, crômmít bằng phương pháp nửa cơ giới và thủ công.

Hợp tác với Liên Xô và các nước thành viên khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế nghiên cứu khai thác bốcxít. Phát triển khai thác kim loại quý và đá quý.

Phân bón và hoá chất

Đẩy mạnh sản xuất phân bón (đạm, lân) và thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp. Khai thác và sử dụng các nguyên liệu trong nước, tổ chức sản xuất theo quy mô vừa và nhỏ các loại hóa chất cần thiết để kịp thời thay thế hoá chất nhập khẩu.

Khôi phục và mở rộng mỏ apatít Lào Cai, chuẩn bị xây dựng nhà máy làm giàu quặng apatít, mở rộng Nhà máy supe phốtphát Lâm Thao; khai thác và nhập thêm quặng pirít, phát triển phân lân nung chảy để tăng sản lượng phân lân các loại lên 35 - 40 vạn tấn/năm 1985.

Khai thác khả năng của Nhà máy phân đạm Hà Bắc, chuẩn bị xây dựng nhà máy phân đạm mới trong kế hoạch sau.

Tăng sản xuất săm lốp ôtô, săm lốp xe đạp, sản phẩm cao su kỹ thuật, thuốc trừ sâu, sơn, đất đèn, xút, sôđa, phèn, bột nhẹ...

Vật liệu xây dựng

Hoàn thành xây dựng các Nhà máy ximăng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hà Tiên, củng cố Nhà máy ximăng Hải Phòng, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất ximăng nhỏ. Cung ứng đủ điện, than và thạch cao, bao giấy, dầu đốt cho các nhà máy, đưa sản lượng ximăng năm 1985 lên ít nhất là 2 triệu tấn.

Chú trọng sản xuất gạch, ngói, tấm lợp, các loại vật liệu gốm, sứ, vật liệu chịu lửa... Mở rộng sản xuất các loại vật liệu thông dụng từ nguyên liệu địa phương, nhất là vật liệu không nung. Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng vật liệu xuất khẩu.

Điều tra, thăm dò địa chất

Xúc tiến có trọng điểm việc điều tra, thăm dò địa chất, đặc biệt chú ý công tác địa chất trực tiếp phục vụ việc tăng cường khai thác các tài nguyên ngay trong kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), đồng thời tiếp tục điều tra các loại tài nguyên của đất nước. Chú trọng phát hiện các mỏ mới về khoáng sản có giá trị cao như thiếc, vônphram, môlípđen..., khẩn trương tìm kiếm phục vụ việc khai thác than mỡ, pirít, mangan...; thăm dò các mỏ nhỏ về than bùn, phốtphát, vật liệu xây dựng, nước ngầm... phục vụ công nghiệp địa phương.

4. Giao thông, vận tải và thông tin bưu điện

Gấp rút chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, nâng cao năng lực quản lý, tăng năng suất và hiệu quả, đi đôi với trang bị thêm phương tiện vật chất để khắc phục một bước sự yếu kém và mất cân đối nghiêm trọng giữa giao thông vận tải với yêu cầu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng.

Khối lượng vận tải trong nước tăng bình quân hằng năm 10 - 12 %, trong đó vận tải hàng xuất khẩu và vận tải Bắc - Nam tăng gấp ba lần.

Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải hợp lý trong cả nước, ưu tiên phát triển vận tải đường biển, đường sông; củng cố và phát huy năng lực vận tải đường sắt; tổ chức lại vận tải ôtô hợp với khả năng xăng dầu, phụ tùng, săm lốp; tiếp tục xây dựng hàng không dân dụng. Phát triển rộng rãi vận tải thô sơ. Phát triển giao thông vận tải ở nông thôn và đặc biệt là ở miền núi gắn liền với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và củng cố quốc phòng.

Tập trung xây dựng hệ thống cảng biển, cảng sông và nạo vét lòng sông, hoàn thành khu vực cảng Hải Phòng, xây dựng cảng Cửa Lò. Tăng cường các cảng ở miền Trung và miền Nam. Củng cố và nâng cao năng lực các tuyến đường sắt hiện có, chủ yếu là tuyến đường sắt Bắc - Nam, xây dựng mới một số tuyến đường sắt đến các khu công nghiệp. Mở mang một số trục chính và đầu mối giao thông đường bộ.

Kịp thời sửa chữa và tăng thêm phương tiện, nhất là sà lan và tàu vận tải sông, biển, đầu máy và toa xe lửa, tăng cường bốc dỡ, rút ngắn thời gian quay vòng phương tiện, tăng tốc độ, bảo đảm an toàn, giải phóng nhanh hàng ở các cảng, ga, bến, và khu đầu mối.

Tập trung sức giải quyết việc tiếp nhận hàng nhập khẩu, bảo đảm hàng xuất khẩu và vận tải Bắc - Nam; ưu tiên vận tải than, lương thực, vận tải phục vụ nông nghiệp, vận tải cho các công trường và xí nghiệp trọng điểm, vận tải cho biên giới, vận tải cho hai nước anh em Lào và Campuchia.

Phân công, phân cấp vận tải đúng đắn giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương. Trong bố trí kinh tế, phải bảo đảm tính hợp lý về vận tải, tính toán kỹ khả năng vận tải.

Củng cố, cải tạo và khai thác tiềm năng của các mạng lưới thông tin hiện có, xây dựng thêm cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng thông tin, bưu điện.

Phối hợp chặt chẽ hệ thống thông tin quốc gia với hệ thống thông tin chuyên dùng của các ngành để phục vụ tốt cho kinh tế và quốc phòng.

5. Xây dựng cơ bản

Khả năng vật tư, tiền vốn của ta có hạn, lại phải ưu tiên giải quyết những yêu cầu cấp bách của đời sống và xuất khẩu, do đó phải bố trí hợp lý tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn đầu tư đúng hướng và có hiệu quả cao. Theo tinh thần ấy, phải tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, các ngành then chốt, các sản phẩm quan trọng nhất; kiên quyết khắc phục tình trạng phân tán, dàn đều trong xây dựng. Thực hiện đầu tư đồng bộ, nhằm trước hết phát huy năng lực sản xuất hiện có. Hết sức chú trọng đầu tư theo chiều sâu, kết hợp đúng đắn đầu tư theo chiều sâu với đầu tư theo chiều rộng. Tích cực thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân, trung ương và địa phương cùng làm".

Củng cố và nâng cao trình độ nghề nghiệp cho các lực lượng xây lắp, tổ chức hợp lý các lực lượng xây dựng chuyên ngành. Căn cứ phương hướng sắp xếp lại các công trình xây dựng cơ bản để tổ chức lại lực lượng lao động nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong xây dựng.

Tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của Nhà nước trong 5 năm (1981 - 1985) dự kiến khoảng 16 -18 tỷ đồng (theo giá cũ). Ngoài ra, các ngành, các địa phương phải huy động nguồn vốn tự có, nguồn vốn của các hợp tác xã và nhân dân, để cải tạo và mở rộng các cơ sở sản xuất, các công trình phúc lợi và văn hoá, giáo dục, y tế.

Soát xét lại từng công trình, giảm bớt các hạng mục chưa thật sự bức thiết, nhất là nhà hành chính, hội trường; thay đổi một số thiết kế và vật liệu, tận dụng những cơ sở sẵn có để lắp thiết bị, chỉ xây dựng mới khi thật cần thiết. Triệt để tiết kiệm để giảm cho được 10 - 15% số vốn xây lắp.

Đẩy nhanh tiến bộ xây dựng các công trình trọng điểm thuộc các ngành nông nghiệp, điện, than, dầu và khí, cơ khí, giấy, sợi, đường, giao thông vận tải, xuất khẩu. Tích cực chuẩn bị xây dựng các công trình lớn về luyện kim, cơ khí, hoá chất, vật liệu xây dựng trong các kế hoạch sau. Bảo đảm quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình.

6. Lao động và dân số

Khẩn trương nghiên cứu và ban hành Luật Lao động. Giải quyết việc làm cho lao động xã hội theo hướng chủ yếu là phân công lao động tại chỗ để tham gia sản xuất nông nghiệp; mở mang ngành, nghề ở nông thôn, ở các thị xã, thành phố, nhất là tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; khai thác lâm nghiệp, ngư nghiệp; mở mang dịch vụ ở thành phố, v.v..

Từng tỉnh, từng huyện phải có kế hoạch sắp xếp lao động. Chú trọng giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, cho học sinh đã ra trường, nhất là học sinh Thủ đô Hà Nội, các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và các thành phố, thị xã khác. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần có kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích, mở mang ngành, nghề để nâng mức sử dụng lao động.

Tổ chức đưa một triệu người, bao gồm lao động và nhân khẩu, đi xây dựng các vùng kinh tế mới, theo ba hướng: trong địa phương, trong vùng và từ Bắc vào Nam. Sử dụng cả hai hình thức: nhân dân tự đi với sự giúp đỡ của Nhà nước để mở thêm diện tích lương thực và cây công nghiệp; Nhà nước đầu tư và đưa dân đi để xây dựng những vùng chuyên canh lớn. Giải quyết tốt các vấn đề về chính sách và tổ chức để tạo cho được phong trào cách mạng của quần chúng đi khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới, theo những kế hoạch được tính toán chặt chẽ, những phương án kinh tế - kỹ thuật đúng đắn và có hiệu quả vững chắc. Giảm bớt lao động và dân số phi nông nghiệp hiện quá lớn để tăng lao động cho nông nghiệp và lâm nghiệp. Có chính sách và biện pháp khuyến khích, động viên, tổ chức và giúp đỡ nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn (kể cả người trong biên chế nhà nước) mở mang các ngành, nghề sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, và phát triển nông nghiệp. Điều động thêm lực lượng cán bộ kỹ thuật và quản lý kinh tế cho huyện và các hợp tác xã nông nghiệp.

Rút gọn bộ máy hành chính, kiên quyết giảm biên chế nhà nước. Thay đổi cơ cấu lao động, tăng chất lượng bộ máy nhà nước, chỉ tuyển mới vào biên chế những người đã qua đào tạo.

Đẩy mạnh giáo dục, vận động và kiên quyết áp dụng một số biện pháp hành chính - kinh tế, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện phong trào sinh đẻ có kế hoạch, để giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hằng năm xuống 1,7% vào năm 1985.

7. Mặt trận phân phối, lưu thông

Phải sớm thiết lập trật tự mới, xã hội chủ nghĩa, trên mặt trận phân phối, lưu thông để góp phần ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, chuyển tốt tình hình kinh tế, xã hội. Nhà nước phải nắm hàng, nắm tiền, phân phối hợp lý thu nhập quốc dân, điều tiết cho được những thu nhập không hợp lý, không chính đáng, tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh chống đầu cơ, làm ăn phi pháp.

Muốn vậy cần thực hiện những chủ trương và biện pháp lớn như sau:

Tăng cường và củng cố tài chính nhà nước, khẩn trương xây dựng chính sách tài chính quốc gia tích cực, thích hợp cho chặng đường hiện nay.

Động viên cao độ mọi nguồn vốn vào tay Nhà nước, kể cả hiện vật và tài chính, bằng thu quốc doanh, trích nộp lãi và các loại thuế, bảo đảm thu đủ thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp. Các ngành, các cấp, các đơn vị phải xem việc động viên tài chính cho Nhà nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa, hết sức tranh thủ khai thác thật tốt và sử dụng hợp lý các nguồn vốn từ ngoài nước để bổ sung cho nguồn vốn trong nước.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tiết kiệm nghiêm ngặt về mọi mặt. Thực hiện khẩu hiệu: "Với nguồn vốn bằng hoặc ít hơn trước, làm ra của cải nhiều hơn và tốt hơn trước". Cắt giảm đáng kể các chi tiêu hành chính. Chấp hành đúng các quy định chung của Nhà nước về chi tiêu. Phân phối vật tư, lao động, tiền vốn cho sản xuất phải bảo đảm đạt hiệu quả cao, phân phối cho tiêu dùng phải gắn với số lượng và chất lượng lao động. Giảm đến mức thấp nhất các khoản bù lỗ của ngân sách, nhất là bù lỗ cho tiêu dùng.

Cải tiến và mở rộng hoạt động tín dụng ngân hàng gắn liền với mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Cải tiến cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thông qua ngân hàng. Đẩy mạnh quản lý và huy động vốn, huy động tiền tiết kiệm. Tăng cường quản lý tiền tệ, tăng nhanh vòng quay đồng tiền qua ngân hàng. Bằng nhiều biện pháp tích cực, phấn đấu giảm dần bội chi tiền mặt trên cơ sở cân đối ngân sách và cân đối tín dụng, bảo đảm hiệu quả kinh tế của vốn tín dụng; cung ứng vốn tín dụng và tiền mặt cho các nhu cầu hợp lý và cần thiết của sản xuất và đời sống.

Thông qua hoạt động tài chính, tín dụng, thanh toán để tăng cường sự kiểm kê, kiểm soát của Nhà nước về sản xuất và phân phối sản phẩm xã hội.

Đời sống đang là vấn đề rất cấp bách. Điều quan trọng hàng đầu là làm cho những người lao động trong xã hội có việc làm và làm việc có năng suất, đó là cơ sở để tăng thu nhập và có đời sống ngày càng được cải thiện. Mỗi người có thu nhập xứng đáng với cống hiến của mình.

Tổ chức tốt việc phân phối hàng hoá theo giá ổn định, nhất là những hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc các nhu cầu bức thiết nhất về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh. Chú ý cải thiện việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho các thành phố lớn, các khu công nghiệp; dành lực lượng thích đáng hàng công nghiệp cho nông thôn, các vùng biên giới và vùng cao.

Cố gắng cải thiện đời sống của công nhân, viên chức, cán bộ khoa học, kỹ thuật, giáo viên, cán bộ y tế; giữ vững tiền lương thực tế, bảo đảm cung ứng theo định lượng những mặt hàng đã quy định. Mở rộng diện lương sản phẩm, lương khoán theo các định mức tiến bộ. Tiếp tục cải tiến tiền lương. Khẩn trương nghiên cứu phương án và tạo điều kiện để cải cách chế độ tiền lương.

Giá cả là vấn đề rất phức tạp. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về điều chỉnh giá, bao gồm cả giá thu mua, giá bán buôn, giá bán lẻ và giá dịch vụ, là cần thiết và đúng đắn. Vừa qua, trong tổ chức thực hiện, đã có những sai lầm: tính toán sai về một số mức giá, công bố và thi hành giá mới thiếu chuẩn bị, chưa phối hợp ăn khớp giữa kế hoạch, tài chính, giá và thương nghiệp; đồng thời, có sự tuỳ tiện của một số ngành và địa phương trong việc chấp hành chính sách giá.

Vấn đề cấp bách trước mắt là tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về điều chỉnh giá, khắc phục những hậu quả của thiếu sót, sai lầm vừa qua, sửa ngay giá một số mặt hàng đã thấy rõ là bất hợp lý, làm cản trở đến sản xuất và đời sống nhân dân, phấn đấu ổn định từng bước giá cả trên cơ sở phát triển sản xuất và khắc phục dần những mất cân đối về sản xuất, tài chính, tiền tệ và ngoại tệ.

Đặc biệt coi trọng quản lý giá thành và phí lưu thông. Hạ giá thành và phí lưu thông là một tiềm năng rất lớn, vừa tạo cơ sở cho việc xây dựng giá hợp lý, ổn định giá, vừa tăng tích luỹ xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào việc cân đối tài chính nhà nước.

Xúc tiến nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện để thông qua các bước thích hợp về điều chỉnh giá, tiến tới cải cách hệ thống giá, đi đôi với cải cách chế độ tiền lương.

Giá phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ với kế hoạch, tài chính, tiền tệ, thương nghiệp, quản lý thị trường. Tăng cường quản lý giá theo hướng kế hoạch hoá là chính, đề cao kỷ luật nhà nước về giá, chấm dứt tình trạng nâng giá tuỳ tiện, chạy theo giá thị trường tự do.

Gấp rút ban hành các quy chế về quản lý giá, thực hiện việc thống nhất quản lý giá một cách nghiêm ngặt.

Công tác thương nghiệp phải tập trung được nguồn vật tư, hàng hoá vào tay Nhà nước, kể cả nông sản, lâm sản, hải sản và hàng công nghiệp, hàng trong nước cũng như hàng nhập khẩu, quản lý chặt chẽ và phân phối công bằng, đáp ứng tốt lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của người lao động. Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán phải được củng cố vững mạnh để nắm vai trò chủ đạo trong thị trường xã hội. Các cơ sở sản xuất quốc doanh và cơ sở có quan hệ kinh tế với Nhà nước phải thi hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ giao nộp sản phẩm cho Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ thương nghiệp phải vươn lên mạnh mẽ, học tập buôn bán, sử dụng linh hoạt các phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa để làm chủ thị trường, phân phối hàng đúng đối tượng, kiên quyết chống tham ô, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác trong kinh doanh.

Cải tiến cung ứng vật tư hợp với việc đổi mới quản lý và kế hoạch hoá, cung ứng đồng bộ, kịp thời cho sản xuất, tập trung ưu tiên cho những nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm vật tư được sử dụng với hiệu quả cao, khuyến khích tiết kiệm vật tư.

Củng cố và mở rộng trận địa thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, nắm đại bộ phận bán buôn, chi phối bán lẻ, về cơ bản làm chủ thị trường xã hội, hạn chế và quản chặt thị trường không có tổ chức, bài trừ triệt để nạn đầu cơ, buôn lậu, ăn cắp vật tư, hàng hoá của Nhà nước. Tổ chức và sử dụng đầy đủ công tác hải quan và thuế quan để chống buôn lậu qua biên giới. Trong quản lý thị trường, phải kết hợp thật tốt các biện pháp kinh tế, hành chính, giáo dục, kết hợp giữa các ngành, các cấp, trước hết là các ngành có liên quan trực tiếp như thương nghiệp, tài chính, công an, hải quan dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền. Đây là một mặt của cuộc đấu tranh cách mạng rất quyết liệt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, cuộc đấu tranh "ai thắng ai" rất gay gắt mà chúng ta phải là người thắng cuộc, thiết lập bằng được trật tự xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực phân phối, lưu thông, trong đời sống kinh tế và xã hội.

8. Quan hệ kinh tế với nước ngoài, xuất nhập khẩu

Nước ta ở vùng nhiệt đới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có sức lao động dồi dào và giàu tài năng, có điều kiện rất thuận lợi để phát triển quan hệ kinh tế với nước ngoài.

Ưu tiên mở rộng sự hợp tác toàn diện giữa nước ta với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế, về chiều rộng cũng như chiều sâu. Chúng ta phải làm hết sức mình để tranh thủ đến mức cao nhất sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô và các nước anh em khác, sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ đó, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ của chúng ta, trên nguyên tắc có đi, có lại, không được tùy tiện, ỷ lại. Theo tinh thần đó, phù hợp với những điều kiện và khả năng thực tế, nước ta cần tích cực tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, chuyên môn hoá và hiệp tác quốc tế trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế trên những lĩnh vực thích hợp.

Sự liên minh giữa ba nước Đông Dương là sự liên minh đặc biệt của những người đồng chí, người anh em, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Chúng ta cần cùng với hai nước Lào và Campuchia xây dựng quy hoạch và kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế và giúp đỡ lẫn nhau về nhiều mặt, phát huy tốt tiềm năng và tạo nguồn bổ sung mới cho nền kinh tế của mỗi nước.

Mở rộng quan hệ chính trị và kinh tế, văn hoá với các nước trong phong trào Không liên kết, phát huy vị trí và tác dụng của Việt Nam trong phong trào và trong cuộc đấu tranh cho một trật tự kinh tế thế giới mới. Tranh thủ quan hệ với các nước khác, sử dụng nhiều hình thức để mở rộng trao đổi và hợp tác, làm thất bại những thủ đoạn phá hoại kinh tế của địch.

Xuất khẩu là nhiệm vụ có tầm chiến lược cực kỳ quan trọng, là nghĩa vụ lớn của mọi ngành, mọi cấp. Phải ra sức đẩy mạnh xuất khẩu để bảo đảm nhập khẩu các loại thiết bị, vật tư kỹ thuật cần thiết cho những hoạt động bình thường của nền kinh tế quốc dân, cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và để từng bước cân bằng xuất - nhập, cân bằng thanh toán quốc tế. Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm tiêu dùng để tăng nguồn hàng xuất khẩu, phải tích cực mở mang dịch vụ, du lịch và các hoạt động kinh doanh khác để tăng thu ngoại tệ. Trong 5 năm (1981 - 1985), phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu lên gấp hai lần so với mức 5 năm (1976 - 1980).

ưu tiên đầu tư để tăng năng lực xuất khẩu, phấn đấu xây dựng nguồn hàng xuất khẩu chủ lực có hiệu quả kinh tế và có vị trí ổn định trên thị trường thế giới, chú trọng các nguồn xuất khẩu về nông sản, lâm sản, thuỷ sản, khoáng sản, hàng tiêu dùng, cơ khí, v.v..

Các ngành, các địa phương đều có nghĩa vụ đóng góp đến mức cao nhất vào kế hoạch xuất khẩu của cả nước, phấn đấu tăng xuất khẩu để tự cân đối lấy nhu cầu nhập khẩu của mình và góp phần tăng kim ngạch cho Nhà nước ta. Ban hành các chính sách khuyến khích các ngành, các địa phương đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu và tham gia kinh doanh xuất khẩu, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý ngoại thương, ngoại hối.

Gấp rút kiện toàn các tổ chức ngoại thương, giải quyết những vướng mắc về cơ chế quản lý, về kế hoạch hoá, về các chính sách đang làm trở ngại công tác xuất khẩu.

Hết sức chặt chẽ trong nhập khẩu. Tận dụng những thiết bị hiện có trong nước (máy công cụ, ôtô, máy kéo...), kiên quyết điều chỉnh nơi thừa sang nơi thiếu; chỉ nhập những thiết bị, vật tư hết sức thiết yếu mà trong nước không sản xuất được. Sử dụng hàng nhập tiết kiệm, có hiệu quả và luôn luôn tính đến khả năng thanh toán.

Mở rộng kinh doanh du lịch, làm cho du lịch dần dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng, xứng đáng với tiềm năng của nước ta về lĩnh vực này.

9. Công tác khoa học và kỹ thuật

Nghị quyết của Bộ Chính trị về chính sách khoa học và kỹ thuật đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và những phương hướng cơ bản phát triển khoa học và kỹ thuật nhằm phục vụ những mục tiêu kinh tế và xã hội trước mắt và lâu dài.

Nghị quyết ấy đã cụ thể hoá đường lối của Đảng về cách mạng khoa học - kỹ thuật; các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt nghị quyết ấy.

Yêu cầu cấp bách hiện nay là triển khai có hiệu quả các chương trình khoa học và kỹ thuật trọng điểm, đặc biệt coi trọng việc nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Khoa học, kỹ thuật phải là một trong những nhân tố hàng đầu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao, thúc đẩy quá trình tái sản xuất mở rộng.

Trước hết khoa học và kỹ thuật phải phục vụ tốt nhất cho việc đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý. Phải ứng dụng rộng rãi thành tựu của cách mạng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt chú ý những thành tựu về sinh học (trước hết về giống) nhằm thúc đẩy nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến phát triển. Đồng thời, phải hướng khoa học và kỹ thuật phục vụ các ngành công nghiệp quan trọng như điện, than, dầu khí, cơ khí, luyện kim, hoá chất... và phục vụ giao thông vận tải... Trước mắt, tích cực nghiên cứu các phương án kinh tế - kỹ thuật chủ yếu, góp phần xây dựng kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), nhằm giải quyết các khó khăn về năng lượng, nguyên liệu và phụ tùng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về tổ chức và quản lý.

Xúc tiến có trọng điểm công tác điều tra cơ bản và công tác dự báo, chuẩn bị cơ sở khoa học cho việc phân tích, đánh giá tài nguyên, việc phân vùng, quy hoạch và xây dựng chiến lược kinh tế và xã hội.

Kết hợp chặt chẽ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, phát huy sức mạnh sáng tạo của các ngành khoa học và kỹ thuật kết hợp với tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất của nhân dân lao động.

Phát huy cao độ tinh thần chủ động, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật với các nước trên thế giới, trước hết với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế, đặc biệt coi trọng hợp tác với hai nước Lào và Campuchia anh em.

Phát triển và sử dụng có hiệu quả tiềm lực khoa học và kỹ thuật hiện có và sẽ có. Xây dựng và củng cố hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai hệ thống giáo dục và đào tạo. Tăng cường hệ thống các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật. Đầu tư thích đáng và bảo đảm tốt cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và kỹ thuật. Có chính sách bồi dưỡng, sử dụng và tạo điều kiện làm việc nhằm phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. Tổ chức tốt quy trình phân công và hợp tác trong nghiên cứu, triển khai và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học, kỹ thuật trong đời sống kinh tế và xã hội. Hết sức coi trọng công tác thông tin kinh tế và khoa học, kỹ thuật.

Phấn đấu xây dựng từng bước nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có cơ cấu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội, có khả năng giải quyết những yêu cầu trước mắt và những mục tiêu lâu dài của sản xuất, đời sống và quốc phòng, đón trước và mở ra cho nền kinh tế và xã hội những phương hướng phát triển mới, chú trọng phát triển những ngành khoa học và kỹ thuật gắn liền với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện nhiệt đới và con người Việt Nam.

10. Công tác giáo dục, đào tạo và văn hoá, y tế, xã hội

Thực hiện cải cách giáo dục một cách tích cực và vững chắc, phù hợp với khả năng kinh tế, chú trọng đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở vùng núi và vùng đồng bằng sông Cửu Long từng bước theo kịp các vùng khác. Củng cố và phát triển giáo dục mầm non; từng bước phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở bằng nhiều hình thức học tập. Có chính sách thoả đáng để xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cải tiến công tác quản lý giáo dục. Hết sức coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Gắn chặt hơn nữa giáo dục với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, với sản xuất và đời sống. Đẩy mạnh giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh. Tổ chức tốt việc nhà trường tham gia lao động sản xuất. Ra sức phát triển phong trào bổ túc văn hoá. Nắm vững phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong sự nghiệp phát triển giáo dục, kết hợp chặt chẽ nhà trường, gia đình với xã hội để thực hiện thắng lợi cải cách giáo dục.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân lành nghề, cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế, cân đối và đồng bộ, hợp với yêu cầu cách mạng trong chặng đường hiện nay và sắp tới. Sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, kết hợp tốt giữa đào tạo và lao động sản xuất. Xác định quy mô đào tạo hợp lý, mở rộng công tác đào tạo tại chức, đào tạo cán bộ cho khu vực kinh tế tập thể. Bồi dưỡng cán bộ chuyên môn đã tốt nghiệp các cấp, nhất là đào tạo trên và sau đại học. Có biện pháp thích hợp để đào tạo, bồi dưỡng công nhân và cán bộ dân tộc ít người. Kiểm kê và bố trí lại đội ngũ cán bộ chuyên môn hiện có, để sử dụng hợp lý và có hiệu quả hơn.

Sắp xếp lại các trường, lớp dạy nghề của các bộ, các địa phương và các cơ sở, cải tiến công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Xác định quy mô đào tạo công nhân hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, rất chú trọng việc đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.

Ra sức phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao. Ngoài số đầu tư của Nhà nước, cần động viên khả năng của nhân dân, của các cơ sở, các đoàn thể và sử dụng tốt quỹ phúc lợi xí nghiệp để phát triển sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, nhất là phong trào văn hoá quần chúng, phong trào rèn luyện thân thể. Chú trọng phục vụ cơ sở, như các công trường, nông trường, lâm trường và đơn vị vũ trang..., nhất là ở các tỉnh biên giới, các vùng kinh tế mới.

Đấu tranh ráo riết và liên tục để quét sạch các loại văn hoá nô dịch, phản động, lạc hậu, đồi truỵ. Kiên quyết bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.

Tăng cường bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng nền y học dân tộc Việt Nam trên cơ sở kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Làm tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh và vệ sinh môi trường. Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác y tế, hộ sinh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân bằng cách sử dụng ngân sách nhà nước, quỹ phúc lợi công cộng và động viên sự đóng góp của nhân dân.

Khai thác nguồn dược liệu trong nước, chế biến các loại thuốc thông thường, tích cực khắc phục tình trạng thiếu thuốc. Mỗi xã, mỗi huyện đều phải dành đất đai và lao động để trồng cây thuốc. Đẩy mạnh xuất khẩu, hợp tác trồng cây thuốc và gia công sản xuất thuốc chữa bệnh cho nước ngoài để đổi lấy nguyên liệu hoá dược và tân dược. Tích cực chuẩn bị điều kiện, tiến tới tự sản xuất thuốc kháng sinh.

Cải tiến chính sách, chế độ và tận tình chăm sóc, giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng, anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ. Củng cố các trại nuôi dưỡng thương binh, các cơ sở chỉnh hình, để phục hồi chức năng lao động và mở rộng việc dạy nghề cho thương binh. Tổ chức tốt việc nuôi dạy các trẻ mồ côi, giúp đỡ những người già yếu, tàn tật.

Đảng và Nhà nước cần chăm sóc chu đáo những người đã về hưu, đặc biệt chú ý trên tinh thần trân trọng và thương yêu đối với các đồng chí lão thành.

*

* *

Những phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trình bày trên đây là dự thảo chỉ thị của Đại hội lần thứ V của Đảng để hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch 5 năm (1981 - 1985). Căn cứ chỉ thị của Đại hội, các cấp, các ngành, các cơ sở phải cùng nhau làm việc rất khẩn trương, để hoàn chỉnh các phương án kinh tế - kỹ thuật, vạch ra các chính sách và biện pháp cụ thể, xác định các mục tiêu, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch 5 năm (1981 - 1985).

Theo những phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu được nêu trong báo cáo này, dự kiến trong 5 năm (1981-1985), hằng năm sản xuất nông nghiệp tăng bình quân khoảng 6-7%, sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 4 - 5%, thu nhập quốc dân sản xuất tăng bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Đến năm 1985, so với năm 1980, sản lượng lương thực tăng 32%, lợn 30%, cá tăng 25%, đường mật các loại tăng 100%, vải lụa tăng 119%, giấy tăng 87%, điện tăng 51%, than tăng 54%, ximăng tăng 184%, phân bón hoá học tăng 23%, gỗ tròn tăng 14%.

Như vậy, tình hình kinh tế và xã hội có những chuyển biến tốt, nhất là về mặt ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân. Song, những mất cân đối lớn khác của nền kinh tế vẫn tồn tại, tuy mức độ bớt gay gắt hơn. Từ một nền sản xuất nhỏ sau 30 năm chiến tranh ác liệt đi lên, chúng ta nhất thiết phải trải qua những chặng đường phấn đấu gian khổ, từng bước đưa nền kinh tế quốc dân vào thế phát triển theo trật tự xã hội chủ nghĩa, tiếp tục tiến lên trong sự nghiệp tất thắng của chúng ta.

Phần thứ ba: Đổi mới quản lý kinh tế, phát động phong trào quần chúng tạo ra chuyển biến cách mạng



Thưa các đồng chí đại biểu,

Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực điều hành của các cấp, và phát động phong trào quần chúng, tạo ra chuyển biến cách mạng là hai loại biện pháp tổng hợp có tính chất quyết định để xây dựng và hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước.

Nền kinh tế nước ta hiện nay gồm nhiều thành phần, nhiều trình độ kỹ thuật, nhiều quy mô hoạt động, nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh, và đang có nhiều mất cân đối gay gắt. Thích ứng với nền kinh tế ấy, phải có một cơ chế quản lý năng động, có khả năng xoá bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ trì trệ và bao cấp tràn lan, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ chế quản lý mới mà chúng ta áp dụng phải mở rộng quyền chủ động cho cơ sở, địa phương và ngành, đồng thời bảo đảm cho trung ương nắm chắc những việc, những khâu cần quản lý. Cơ chế quản lý mới lấy kế hoạch nhà nước làm trung tâm, không ngừng nâng cao vị trí của kế hoạch, rất coi trọng các đòn bẩy kinh tế, vận dụng các quan hệ thị trường, chủ yếu là thị trường có tổ chức, kiên quyết chống xu hướng chạy theo thị trường tự do. Cơ chế quản lý mới khuyến khích sáng kiến và tài năng, đòi hỏi cao về kỷ luật và trách nhiệm, khắc phục các hiện tượng tiêu cực, thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa.

Trong việc xây dựng cơ chế quản lý mới, điều quan trọng nhất là phải đổi mới kế hoạch hoá, làm cho kế hoạch nhà nước thật sự là cương lĩnh thứ hai của Đảng, là công cụ trung tâm của hệ thống quản lý.

Mỗi cấp kế hoạch, từ trung ương đến cơ sở, phải thực sự làm chủ kế hoạch, nghĩa là chủ động xây dựng, cân đối, bảo vệ và thực hiện kế hoạch của mình theo phương hướng kế hoạch chung của cả nước.

ở trung ương, kế hoạch nhà nước nắm các cân đối lớn, các chỉ tiêu chủ yếu, các công trình xây dựng then chốt và các sản phẩm quan trọng, nắm phần lớn số vốn tập trung qua ngân sách, từ đó mà quyết định phương hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.

ở cơ sở, kế hoạch thể hiện sự sáng tạo và tính chủ động trên nguyên tắc tự chủ tài chính, đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao, kinh doanh có lãi và phân phối lợi nhuận đáp ứng thoả đáng cả ba loại lợi ích. Phải hết sức coi trọng kế hoạch cơ sở, vì chất lượng kế hoạch cơ sở có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ hệ thống kế hoạch nhà nước.

Phải khẩn trương rút kinh nghiệm những mặt tốt và chưa tốt trong công tác khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động, từng bước bổ sung các quy định để hoàn chỉnh chủ trương khoán thành một cơ chế kế hoạch hoá và quản lý toàn diện đối với các đơn vị sản xuất tập thể trong nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Đối với các cơ sở kinh tế quốc doanh, Nhà nước khuyến khích xí nghiệp tận dụng mọi khả năng, kể cả việc tìm thêm nguồn nguyên liệu và huy động vật tư tồn kho để đặt kế hoạch sản xuất mặt hàng chính cao hơn mức kế hoạch nhà nước giao, ngoài ra, tận dụng phế liệu, phế phẩm làm thêm các mặt hàng phụ. Trong các chính sách về lợi ích như tiền lương, tiền thưởng, mức trích lợi nhuận cho các quỹ xí nghiệp, phải mạnh dạn khuyến khích những kết quả tốt do làm vượt chỉ tiêu kế hoạch. Song, quan trọng nhất là phải nâng cao phần khuyến khích các cơ sở trong việc hoàn thành kế hoạch nhà nước. Theo tinh thần nói trên, phải sớm bổ sung, nâng cao và hoàn chỉnh các quy định đã có, hình thành cơ chế kế hoạch hoá và quản lý thích hợp cho các cơ sở kinh tế quốc doanh.

Đối với các cơ sở kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân, Nhà nước dùng các chính sách kinh tế và biện pháp hành chính kết hợp với sự kiểm tra của quần chúng để hướng dẫn, điều khiển hoạt động của các cơ sở ấy theo quỹ đạo kế hoạch nhà nước.

Mỗi tỉnh, mỗi huyện cần nắm chắc lao động, đất đai, ngành, nghề, cơ sở vật chất của địa phương mình, khả năng hợp tác với các đơn vị khác và xuất nhập khẩu, vật tư và hàng hoá nhận của Nhà nước hằng năm. Trên cơ sở ấy, mỗi địa phương đặt kế hoạch tái sản xuất mở rộng, bảo đảm đời sống cho nhân dân địa phương, bảo đảm giao nộp sản phẩm và nguồn thu tài chính cho Nhà nước tương xứng với khả năng địa phương và với vật tư, nguồn vốn do Nhà nước cung ứng. Kế hoạch của mỗi địa phương phải là kế hoạch đẩy mạnh chuyên môn hoá và hiệp tác sản xuất phù hợp với thế mạnh của mình, mở rộng trao đổi với các ngành và các địa phương khác, tăng cường xuất nhập khẩu.

Các bộ quản lý ngành có nhiệm vụ kế hoạch hoá toàn ngành kinh tế, kỹ thuật phù hợp với các đặc điểm của từng ngành. Kế hoạch của từng ngành phải được xây dựng theo tinh thần phấn đấu cho bản thân ngành ngày càng lớn mạnh và đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế cả nước. Kế hoạch của các công ty và liên hiệp sản xuất phải được xây dựng trên nguyên tắc tự chủ tài chính, kinh doanh có lãi.

Cơ chế kế hoạch hoá trên đây gắn liền kế hoạch với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phát huy các đòn bẩy kinh tế, tăng cường căn cứ khoa học của kế hoạch, cải tiến phương pháp và trình tự làm kế hoạch, gắn liền xây dựng với điều hành thực hiện kế hoạch.

Về đòn bẩy kinh tế, cần nhanh chóng sửa đổi những chính sách không còn thích hợp, xây dựng mới các chính sách đồng bộ, gắn liền với chế độ kế hoạch hoá thành một cơ chế quản lý kinh tế thống nhất, tăng cường vị trí của kế hoạch nhà nước đồng thời mở rộng quyền chủ động cho các ngành, các địa phương, các cơ sở. Các chính sách đòn bẩy kinh tế, mà phần lớn đã được trình bày ở phần thứ hai của báo cáo này, đều phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể và lợi ích của người lao động. Nâng cao vai trò hợp đồng kinh tế trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị kinh tế và người quản lý đối với các hợp đồng đã ký, phát huy hiệu lực của công tác trọng tài kinh tế. Tích cực tạo điều kiện và thực hiện hạch toán kinh tế một cách thích hợp cho các loại xí nghiệp, thống nhất kế hoạch sản xuất và kế hoạch tài chính của xí nghiệp.

Về căn cứ khoa học của kế hoạch, cần tiếp tục làm tốt các công tác điều tra cơ bản, dự đoán kinh tế, xã hội và dự đoán khoa học, kỹ thuật, xây dựng chiến lược kinh tế và xã hội, lập tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng kế hoạch dài hạn trên cơ sở phương án kinh tế, kỹ thuật cho từng sản phẩm. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn và định mức, đơn giá, phục vụ cho tính toán và đánh giá hoàn thành kế hoạch. Gắn chặt kế hoạch kinh tế với kế hoạch khoa học, kỹ thuật.

Về phương pháp và trình tự kế hoạch hoá, Nhà nước cần sớm đưa con số kiểm tra, với hệ thống chỉ tiêu thu gọn hơn hiện nay, tập trung vào bốn điểm: sản lượng, sản phẩm giao cho Nhà nước, lợi nhuận và thuế nộp Nhà nước, phương tiện do Nhà nước cung ứng. Hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh giao cho cơ sở, ngành và địa phương cần được quy định một cách thích hợp và gọn. ở tất cả các cấp, phải coi trọng làm tốt hơn các bảng cân đối của kế hoạch, phải tôn trọng các định mức và tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật. Để nâng cao tính pháp lệnh của kế hoạch, cần hoàn chỉnh từng bước hệ thống luật lệ kinh tế, tăng cường kỷ luật kế hoạch, kỷ luật hợp đồng, kỷ luật tài chính đối với các đơn vị và cá nhân, xử phạt nghiêm minh những sự vi phạm và khen thưởng thích đáng những việc làm tốt.

Để tạo ra tiền đề thuận lợi cho cơ chế kế hoạch hoá mới, phải tổ chức lại sản xuất, phấn đấu khẩn trương để sớm hình thành hệ thống sản xuất, kinh doanh thông suốt và hợp lý. Trước mắt, củng cố và kiện toàn các cơ sở của kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể là việc rất quan trọng và có tác dụng thiết thực. Kiên quyết khắc phục tình trạng làm ăn thua lỗ.

Phù hợp với trình độ phát triển và đặc điểm cụ thể của từng ngành, cần từng bước tổ chức liên hiệp sản xuất trong từng khu vực hoặc trong cả nước theo những hình thức thích hợp, như liên hiệp xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, công ty, nhóm sản phẩm... Củng cố các liên hiệp sản xuất hiện có để thực sự chuyên môn hoá và hiệp tác sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế và xã hội cao hơn. Chuẩn bị vững chắc và thành lập một số liên hiệp mới, nhằm vào những ngành và những địa bàn trọng điểm.

Ra sức xây dựng huyện, gắn liền với củng cố hợp tác xã, theo những mô hình thích hợp cho từng loại huyện. Về đại thể, kinh tế trên địa bàn huyện bao gồm: các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, một số xí nghiệp sản xuất và chế biến, các cơ sở tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, một số trạm, trại kỹ thuật nông nghiệp, một số cửa hàng cung ứng vật tư, thu mua nông sản và bán lẻ hàng tiêu dùng... gắn bó với nhau bằng các quan hệ kinh tế, theo kế hoạch, qua hợp đồng, hoặc bằng liên doanh. Tập trung lực lượng xây dựng thật tốt những huyện quan trọng, có tỷ suất hàng hoá cao.

Coi trọng quá trình xây dựng kinh tế tỉnh, đẩy mạnh hoạt động điều hoà, phối hợp của chính quyền tỉnh nhằm liên kết kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trên địa bàn tỉnh, tăng cường sự hợp tác và trao đổi kinh tế giữa các huyện trong tỉnh và giữa các tỉnh với nhau.

Tổ chức và quản lý tốt các thành phố, thị xã, xác định rõ vị trí và nội dung quản lý của quận và phường.

Phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế kế hoạch hoá, phát huy các đòn bẩy kinh tế và tổ chức lại sản xuất, phải chấn chỉnh bộ máy quản lý, cải tiến công tác cán bộ và cải tiến chế độ làm việc.

Nêu cao chức năng và tăng cường hiệu lực của Hội đồng Bộ trưởng và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội; nắm vững kế hoạch nhà nước; quyết định các chính sách kinh tế; chỉ đạo công việc của các ngành, các cấp; kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế và xã hội.

Về các bộ, cần nhấn mạnh rằng các bộ tổng hợp cũng như các bộ quản lý ngành đều có vai trò quan trọng, theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ. Các bộ tổng hợp như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Lao động, Bộ Vật tư... phải làm tốt chức năng quản lý tổng hợp và tham mưu, vừa phục vụ, vừa kiểm tra các ngành, các địa phương, các cơ sở. Các bộ phụ trách ngành phải thực sự quản lý ngành trong cả nước, thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về hành chính - kinh tế - kỹ thuật đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong quản lý sản xuất, kinh doanh.

Hợp lý hoá sự phân công giữa các bộ, xác định nội dung quản lý và cách tổ chức của từng bộ. Thực hiện một cách gắt gao việc tinh giản bộ máy, giảm bớt các tổ chức trung gian, ấn định biên chế hành chính hợp lý của các bộ.

Khẩn trương giải quyết việc phân cấp giữa trung ương và địa phương; mạnh dạn mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện và cơ sở, đi đôi với tăng cường thích đáng việc quản lý tập trung thống nhất hợp lý của trung ương.

Thực hiện kiên quyết và đầy đủ nghị quyết của Trung ương và của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nhằm đạt bằng được một chuyển biến về thực chất trong công tác cán bộ.

Bố trí đúng đội ngũ cán bộ chủ chốt, sử dụng tốt để phát huy tiềm lực của đội ngũ cán bộ nói chung. Sắp xếp lại số cán bộ quản lý các cơ sở, các liên hiệp xí nghiệp và công ty, làm cho mỗi đơn vị có một kíp cán bộ cốt cán và một người phụ trách có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện tốt chức năng được giao.

Kiện toàn những cơ quan trung ương mà cán bộ còn yếu. Tăng cường cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật cho các địa phương, đặc biệt là cho huyện và cơ sở.

Gấp rút mở rộng và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý ở các cấp để đáp ứng yêu cầu công tác trong thời gian tới.

Về chế độ và phong cách làm việc, trước nhất, mọi cơ quan, mọi cán bộ, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh chấp hành bốn chế độ đã ban hành: chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật lao động, chế độ bảo vệ của công, chế độ phục vụ nhân dân, cụ thể hóa các chế độ đó thành các nội quy công tác.

Xác định nội dung các việc mà từng chức danh cán bộ nhà nước phải đảm nhận, tạo điều kiện thi hành chế độ một người phụ trách, nâng cao trách nhiệm và kỷ cương nhà nước. Kiên quyết loại trừ tệ quan liêu, lạm dụng quyền hành, sách nhiễu và gây phiền hà cho nhân dân.

Sớm cụ thể hoá và ráo riết thi hành chế độ ra quyết định và thực hiện quyết định; đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng chuẩn bị các quyết định bằng cách huy động sự đóng góp của những tổ chức có liên quan và những người am hiểu về từng vấn đề; nâng cao hiệu quả chấp hành các quyết định bằng cách cải tiến chỉ đạo và tăng cường kỷ luật.

Một điều rất quan trọng cần nhấn mạnh là phải ra sức nâng cao năng lực điều hành của các cơ quan quản lý các cấp, từ Hội đồng Bộ trưởng đến cơ sở. Công tác điều hành của chúng ta mấy năm nay tuy có tiến bộ về một số mặt, song vẫn chưa ngang tầm của tình hình và nhiệm vụ. Công tác điều hành phải đòi hỏi mọi cơ quan, mọi người làm việc có kỷ luật, có trách nhiệm, có hiệu quả; phải phối hợp được các lực lượng một cách ăn khớp, kiểm tra sát sao việc thi hành kế hoạch và chính sách, phát hiện và có những quyết định kịp thời để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm tốt. Đây là một quá trình phấn đấu khắc phục bệnh quan liêu, bảo thủ, trì trệ và những sự yếu, kém về trình độ hiểu biết, về năng lực thực hành, về chế độ làm việc. Để nâng cao hiệu lực điều hành, chúng ta phải coi trọng việc chấn chỉnh hệ thống thông tin kinh tế, xã hội, bảo đảm nhanh chóng truyền đạt chủ trương, kế hoạch từ trung ương đến cơ sở và quần chúng, đồng thời phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến và nguyện vọng của cơ sở, của quần chúng lên các cấp trên, cho đến cấp trung ương, góp phần thiết thực vào việc thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Cơ chế quản lý mới cần được xây dựng một cách đồng bộ. Trước mắt, phải tập trung sức làm cho được một số việc cấp bách sau đây: đổi mới cách làm kế hoạch, thể hiện ngay trong việc xây dựng kế hoạch 5 năm (1981 - 1985) và kế hoạch năm 1983; giải quyết vấn đề phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương; hoàn thiện chủ trương khoán đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp và chủ trương mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở kinh tế quốc doanh; ban hành và thực hiện một số chính sách đòn bẩy mới, nhằm khuyến khích nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; sắp xếp lại một bước các cơ sở sản xuất và công trình xây dựng cơ bản; đẩy mạnh cải tạo và quản lý thị trường, giải quyết một bước vấn đề giá cả, tiền lương và điều tiết những thu nhập không hợp lý; cải tiến bộ máy nhà nước, sửa đổi chế độ làm việc; phát động phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa.

Đổi mới quản lý kinh tế là nhiệm vụ trực tiếp có tầm quan trọng hàng đầu của Nhà nước ta, với tư cách là công cụ sắc bén nhất của Đảng và của nhân dân để quản lý toàn bộ hoạt động và đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực nền tảng là hoạt động kinh tế. Trong tình hình hiện nay, Nhà nước ta phải tỏ rõ một cách mạnh mẽ thực chất chuyên chính vô sản, pháp chế hoá và thể hiện đầy đủ sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Phải vừa thực hiện tốt quyền quản lý hành chính nhà nước, vừa thực hiện tốt các phương thức quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực kinh tế, và quản lý sự nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật. Toàn bộ hoạt động quản lý đó phải dựa trên cơ sở pháp luật. Do đó, Nhà nước phải rất coi trọng việc xây dựng từng bước hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về kinh tế, và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Phải xác định bằng pháp luật vai trò rất quan trọng của các đoàn thể quần chúng, cùng phối hợp hành động và tạo điều kiện thuận lợi cho Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, và các đoàn thể quần chúng khác. Đó là trường học về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của các tầng lớp nhân dân, là những người cộng tác đắc lực của Nhà nước, là những dây chuyền nối liền Đảng với quần chúng.

Để làm tốt tất cả công tác quản lý phức tạp này, điều mấu chốt là thể chế hoá và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, trực tiếp ở cơ sở: xí nghiệp, hợp tác xã, thông qua các đoàn thể quần chúng, và thông qua hệ thống cơ quan quyền lực: các cấp Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, cho đến Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.



Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu,


Tình hình của đất nước và sự nghiệp cách mạng của chúng ta đòi hỏi một sự chuyển biến cách mạng rộng lớn và sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong mọi hoạt động của nhân dân ta, của mọi người chúng ta, trước hết là chuyển biến trong tư tưởng, đưa đến chuyển biến trong việc làm, chuyển biến trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong tổ chức quần chúng, trong các lực lượng vũ trang và trong các tầng lớp nhân dân.

Từ một nước sản xuất nhỏ, nghèo nàn, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là một quá trình đấu tranh cách mạng gian khổ, phức tạp, trong một thời gian lịch sử hàng mấy chục năm. Đó là cuộc đấu tranh cách mạng sâu rộng nhất, triệt để nhất, đưa đến những biến đổi cơ bản và toàn diện về mọi lĩnh vực của xã hội, của đời sống, của con người. Đối với nước ta trong tình hình hiện nay, đó là một cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, dưới nhiều hình thức, bằng nhiều biện pháp, chống mọi cái cũ, cái lỗi thời, cái hư hỏng đang cản trở bước tiến của chúng ta, đồng thời đấu tranh quyết liệt chống cuộc chiến tranh phá hoại về nhiều mặt của kẻ thù.

Mọi người chúng ta phải vũ trang cho mình những tư tưởng lớn của đường lối chung và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đại hội IV vạch ra, được vận dụng và cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách về mọi mặt nêu lên ở Đại hội V này, từ đó mà tạo ra sự chuyển biến cách mạng sâu rộng và mạnh mẽ.

Trong sự chuyển biến cách mạng này, chúng ta cần sáng tạo, bản thân sự chuyển biến là sáng tạo, và chuyển biến cốt để phát huy mạnh mẽ hơn những nhân tố sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta.

Tình hình trước mắt đòi hỏi chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và thanh toán các hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và trong đời sống xã hội. Đây là một cuộc đấu tranh tổng hợp mà chúng ta phải nhận thấy đầy đủ tầm quan trọng và tính chất phức tạp. Chúng ta tỉnh táo nhận rõ những hành động phá hoại về kinh tế, gieo rắc nọc độc về văn hóa và lối sống, tiến hành chiến tranh tâm lý, đó là những hoạt động của địch mà chúng ta phải kịp thời phát hiện và trấn áp. Đối với những hành vi phạm pháp của bọn đầu cơ, buôn lậu, của một số kẻ bóc lột mới, của những phần tử xấu, chúng ta phải vạch trần và kiên quyết trừng trị. Đối với những cách làm ăn không chính đáng, trái với pháp luật nhà nước, của những người hiện đang sản xuất và buôn bán cá thể, chúng ta phải kịp thời phê phán, uốn nắn, kiên trì cố gắng đưa họ vào con đường làm ăn chính đáng, ích nước lợi nhà. Còn phải thấy những việc làm sai trái đáng chê trách của một số người trong các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, đoàn thể quần chúng, như lợi dụng chức quyền, chây lười, vô kỷ luật, phát ngôn vô trách nhiệm, ăn cắp, móc ngoặc. Chúng ta phải kiên quyết lên án những việc làm sai trái ấy và xét xử nghiêm minh đối với những người có sai lầm nghiêm trọng. Kết quả của cuộc đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực kể trên được quyết định bởi vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, và vai trò chủ động của quần chúng, bởi sự hiệp đồng của các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp, bởi sự kết hợp chặt chẽ ba loại biện pháp kinh tế, hành chính và giáo dục. Kinh nghiệm cho thấy chỉ có thể khắc phục các hiện tượng tiêu cực có kết quả khi phát huy được các nhân tố tích cực, nghĩa là xây và chống quyện chặt với nhau, trong đó xây là cơ bản, và cách chống tốt nhất là xây tốt. Khi nhân tố tích cực được khơi dậy và trở thành xu thế áp đảo, thì hiện tượng tiêu cực chắc chắn bị đẩy lùi. Vấn đề ở đây là cơ quan nhà nước phải kịp thời đề ra và thực hiện những cơ chế thích hợp cho cả nước, cho từng ngành, từng cấp, từng loại đơn vị cơ sở, từ đó làm cho nhân dân lao động phấn khởi, tin tưởng, hăng hái lao động sản xuất và hăng hái tham gia cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực.

Hồ Chủ tịch đã nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa". Đó là con người chiến đấu kiên cường và bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, chống mọi lực lượng thù địch, chống mọi hiện tượng tiêu cực, quyết giành thắng lợi cho trật tự xã hội chủ nghĩa, cho sự ổn định kinh tế và đời sống, từ đó đưa sự nghiệp vĩ đại của chúng ta hướng về phía trước vững bước tiến lên. Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta phải ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng ta và dân tộc ta, suốt mấy thập kỷ vừa qua, đã đánh thắng những kẻ thù vô cùng hung bạo, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc ta, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Hơn lúc nào hết, mọi người chúng ta hãy vươn lên, phát huy vốn quý mà quá trình cách mạng đã hun đúc cho cả dân tộc và cho mỗi người chúng ta. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có những đạo đức cao quý, những tình cảm đẹp đẽ, một lòng, một dạ sống vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì nhân dân, làm việc tự giác và có kỷ luật. Ai nấy đều phải ra sức làm việc, lao động sản xuất, làm ra những sản phẩm vật chất và văn hóa ngày càng có giá trị. Đất nước còn nghèo, đời sống còn thiếu thốn thì mọi người càng phải làm việc với tất cả năng lực và lương tâm của mình, và mọi người phải hiểu chỉ có thể sống với cái mình làm ra.

Đảng ta là đảng tiên phong của giai cấp công nhân, mỗi đảng viên là một chiến sĩ cách mạng đi đầu trong mọi cuộc đấu tranh, đặc biệt là ở những lúc và những nơi gian khổ nhất. Hiện nay, đó là tiêu chuẩn nổi bật của đảng viên mà chúng ta phải quán triệt và thực hiện bằng việc làm. ở nước ta, đời sống đã chứng minh một chân lý phổ biến: đảng viên đi trước, làng nước đi theo. Đó là bí quyết để tạo ra chuyển biến cách mạng của tình hình kinh tế và xã hội.

Nhân dân lao động nước ta là những người có tinh thần cách mạng kiên cường, giàu lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo.

Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và công tác tổ chức, giáo dục, động viên của các đoàn thể quần chúng phải phát động cho được lực lượng vô cùng to lớn của nhân dân trong một phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa sôi nổi, rộng khắp và bền bỉ. Kinh nghiệm của tất cả những đơn vị xuất sắc của chúng ta đều chứng minh rằng: nhân dân lao động nước ta chẳng những là những người sản xuất giỏi, làm ra mọi của cải vật chất và văn hóa, mà còn là những người quản lý thông minh, có những sáng kiến có giá trị về quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Bằng một loạt biện pháp đồng bộ, bao gồm việc vạch ra mục tiêu thi đua cụ thể, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế diễn ra đều đặn, thi hành các chính sách khuyến khích lợi ích vật chất, nêu cao kỷ luật lao động và pháp luật nhà nước, chúng ta phải phát động cho được một phong trào cách mạng của nhân dân lao động ở thành thị và nông thôn, nhằm xây dựng và thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1982, năm 1983 và kế hoạch nhà nước 5 năm (1981 - 1985).

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Thực hiện quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của mình, nhân dân ta chắc chắn sẽ làm nên sự nghiệp lớn: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Toàn Đảng, toàn dân ta hãy phấn khởi tiến lên, đoàn kết và tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kính mến, thực hiện bằng được những điều căn dặn của Bác Hồ vĩ đại:

"Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".

Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân!

Sự nghiệp vĩ đại xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nhất định thành công!

Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb. Sự thật,
Hà Nội, 1982, t. II, tr. 5 - 90

.

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.