14:18 | 16/11/2022
Đấy là cảm nhận của chúng tôi khi kết thúc buổi chiều nghe ông Vũ Kỳ hồi tưởng những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Ông Vũ Kỳ được chọn giúp việc Bác từ ngày 27-8-1945 đến khi Người đi xa. Ngần ấy năm tháng được giúp việc Bác, ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ. Nhưng hôm nay, chúng tôi được nghe ông nói về đề tài Bác Hồ với Dân, Bác rèn luyện cán bộ, đảng viên trở thành đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên là chất kết gắn máu thịt giữa Dân với Đảng.
Đấy là cảm nhận của chúng tôi khi kết thúc buổi chiều nghe ông Vũ Kỳ hồi tưởng những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Ông Vũ Kỳ được chọn giúp việc Bác từ ngày 27-8-1945 đến khi Người đi xa. Ngần ấy năm tháng được giúp việc Bác, ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ. Nhưng hôm nay, chúng tôi được nghe ông nói về đề tài Bác Hồ với Dân, Bác rèn luyện cán bộ, đảng viên trở thành đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên là chất kết gắn máu thịt giữa Dân với Đảng.
Tất cả là vì dân
Chuyện bắt đầu từ bản Di chúc của Người. Hãy đọc và suy ngẫm một câu trong Di chúc của Bác: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...". Tại sao đã cần rồi còn phải; không chỉ là tốt mà phải thật tốt? Hẳn đã rõ, Bác day dứt đến nhường nào về nhiệm vụ nặng nề của Đảng là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài mục đích ấy. Thời gian càng lùi xa, điều Bác dặn hôm nay còn nóng hổi tính thời sự. Từ bản Di chúc, đồng chí hồi tưởng những ngày tháng tám năm 1945, Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Bác từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, nơi dừng chân đầu tiên trên đất Thăng Long là làng Phú Gia. Bác viết Tuyên ngôn Độc lập đến ngày 30-8 thì xong và thông qua Thường vụ T.Ư Đảng. Chúng tôi xiết bao xúc động khi biết rằng: Vừa buông bút sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập hoàn thành là Bác nghĩ ngay đến Dân, những người chứng kiến thời khắc lịch sử đó. Theo yêu cầu của Bác, ông Vũ Kỳ vẽ sơ đồ Quảng trường Ba Đình. Hỏi đồng bào đứng ở đâu và đứng được bao nhiêu người rồi thì mới hỏi Bác và Chính phủ đứng ở đâu? Thật bất ngờ, Bác hỏi:
- Các chú bố trí nơi vệ sinh cho đồng bào ở chỗ nào?
Bác giảng dạy rằng, hồi còn hoạt động cách mạng ở bên Hương Cảng, thực dân Anh bao giờ cũng nhượng bộ nhanh nhất trước những cuộc bãi công của công nhân vệ sinh. Nói đoạn, Bác bảo là nếu trời mưa thì cố gắng kết thúc buổi lễ sớm để đồng bào khỏi bị ướt, phát sinh bệnh tật.
Tại buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập, có một chi tiết rất đáng chú ý là - theo ông Vũ Kỳ cho biết: Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập đến đoạn "Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói". Giọng Bác như chùng xuống. Cả quảng trường im lặng. Bác bỏ kính hỏi: Đồng - bào - nghe rõ - tiếng - tôi - không? Cả quảng trường vang lên như sấm dậy: Có. Chắc Bác lo đồng bào nghe không rõ vì chất giọng xứ Nghệ, lại nói nhiều thứ tiếng nước ngoài trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước.
Những năm đầu của chính quyền non trẻ, bản thân Bác từ chiến khu về Hà Nội vẫn bị những cơn sốt rét rừng hành hạ. Có lúc đang làm việc cơn sốt ập đến, Bác phải nằm xuống đi văng. Là vị Chủ tịch nước, nhưng mỗi đêm Bác có thể thay đổi vài nơi ngủ; đi đường phải đổi xe mấy lần. Bác cảnh giác đến cao độ vì bọn giặc Tưởng công khai ý đồ "Diệt Cộng, cầm Hồ". Có lần ông Vũ Kỳ ái ngại hỏi: Thưa Cụ, sao Cụ khổ thế. Bác ôn tồn trả lời:
- Tất cả là vì dân. Chú mà không hiểu điều đó thì không đi theo Bác được đâu!
Đang làm việc trong Bắc Bộ phủ, nghe thấy tiếng trống ếch ngoài đường phố. Bác gọi ông Vũ Kỳ ra trước rồi đứng sau lưng, nhìn qua vai đồng chí để xem các cháu thiếu nhi đầu đội mũ ca-nô đánh trống ếch đi qua. Bác thèm muốn gặp các cháu thiếu nhi quá. Lại một lần khác vào những năm 1960, trên đường đi công tác, Bác gặp các cháu gái tóc chấm ngang vai, cổ quàng khăn đỏ. Chạnh lòng nhớ thân mẫu của mình và cũng có ý muốn nói với đồng chí Vũ Kỳ: Chú nhìn thấy có vui không? Mẹ Bác ngày xưa là con gái một cụ đồ nho có danh tiếng nhưng không được học chữ. Nói đoạn, đồng chí Vũ Kỳ nhìn sang thấy gương mặt rạng rỡ nhìn theo các cháu gái vừa đạp xe vừa trò chuyện. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành thời gian xuống với dân, gần dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Đi đến đâu Bác cũng thăm già, hỏi trẻ, kiểm tra cán bộ có là công bộc của dân không.
Có lần đi cơ sở, ở đó khó khăn quá, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ rang mấy bơ lạc để phát cho các cháu thiếu nhi - "Cháu nào tay sạch sẽ ra nhận lạc rang của Bác Hồ". Không chỉ là vài củ lạc rang, mà chính là Bác Hồ đang làm công việc "vận động" thiếu nhi "giữ vệ sinh tốt". Tiếp dân, Bác tiếp bằng tấm lòng, bằng sự khoan dung, thu phục nhân tâm của mọi người.
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh Bác vẫn đau đáu nỗi lo cho dân. Ngày 27-8-1969, bệnh của Bác ngày càng trầm trọng, tim mạch diễn biến phức tạp, phải tăng cường thêm năm giáo sư, bác sĩ chuyên khoa tim mạch để theo dõi. Mắt Bác nhắm nghiền. Chợt tỉnh, chợt mê. Ai nấy càng lo. Lúc mở mắt, Bác hỏi ông Vũ Kỳ: - Trời mưa hở chú?
Trời Hà Nội mưa như trút. Mực nước sông Hồng mấp mé báo động số ba. Trong Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Công binh bố trí hai xe lội nước túc trực, sẵn sàng đón Bác sơ tán khi tình huống hiểm nghèo. Khu vực ga Hàng Cỏ và Phủ Chủ tịch là trũng nhất so với mặt bằng Hà Nội. Đồng chí Vũ Kỳ mạo muội:
- Thưa Bác, mưa to ạ. Nước sông Hồng đã gần báo động số ba. Các bác sĩ muốn xin được đón Bác lên hang núi cao ở Hòa Bình, bảo đảm an toàn cho Bác khi điều trị. Bác nhắm mắt không trả lời, Bác mệt quá rồi, không nói để dành sức. Một lát sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm, Bác mới nói trong hơi thở:
- Chú Kỳ vừa báo cáo việc di chuyển Bác đi chỗ khác. Các chú phải bảo vệ cho kỳ được đê điều, bảo vệ kỳ được tính mạng của nhân dân. Bác ở đây điều trị, không đi đâu cả. Bác không bỏ dân lúc này đâu.
Nghe Bác nói thế, ai cũng nước mắt lã chã mà không dám khóc. Chuyện xảy ra đã 31 năm rồi, chiều nay ngồi nghe, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Ngay khi giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thù trong giặc ngoài đe dọa chính quyền non trẻ còn trong trứng nước, Bác đã coi: "diệt giặc đói, giặc dốt" rồi mới "giặc ngoại xâm".
Rèn luyện "công bộc" cho dân
Chính phủ bố trí một tiểu đội được giúp việc Bác trong những năm toàn quốc kháng chiến, cứu nước. Tất cả đều được Bác đặt tên là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Đây là tiểu đội vừa giúp việc Bác, vừa tuyên truyền vận động nhân dân. Bác viết đề cương tuyên truyền cho tiểu đội. Bác di chuyển đến đâu cả tiểu đội đi theo để giải thích, vận động đồng bào theo Chính phủ để trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Nhiệm vụ của tiểu đội này là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho vị Chủ tịch nước, cho nên Bác dặn:
- Chỉ riêng các chú không bảo vệ được Bác đâu. Dễ mấy cũng không làm được. Việc trước tiên là đến đâu các chú cũng phải làm công tác dân vận. Dân vận từ bán kính một km đến 10 km. Vận động, giác ngộ nhân dân thì họ mới giữ bí mật và bảo vệ cho Bác cháu ta. Xuống với dân, các chú cứ thật thà như với Bác. Chớ có giấu dốt!
Một lần cả tiểu đội Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi bị đồng bào dân tộc thiểu số cật vấn rằng: cứ trường kỳ kháng chiến thì đến bao giờ thắng lợi? Bí quá, tất cả xin khất về xin ý kiến của Người.
- Sao các chú không trả lời - Bác dạy - trồng khoai thì mất ba tháng cho củ. Trồng lúa mất sáu tháng thì cho hạt nếu được tưới tắm, chăm sóc tốt. Trồng cây "kháng chiến" mùa thu hoạch không hẹn trước nên ai ai cũng phải gắng sức chăm bón tất sẽ sớm thành công. Đồng bào đừng hỏi trước mà nên gắng sức vun trồng cây "kháng chiến" trước.
Thế đấy, Bác dạy cán bộ, đảng viên nói cho dân hiểu một cách mộc mạc, cứ thật thà như củ khoai, hạt gạo vậy. Có lần trò chuyện với cán bộ địa phương, Bác nói:
- Các chú là cán bộ "đầu ruồi".
Mọi người giật mình. Có anh tưởng Bác phê bình khuyết tật của mình rồi ví như con ruồi, con nhặng. Nhưng không. Bác giải thích đại thể: Đầu ruồi của khẩu súng quan trọng lắm. Phải ngay thẳng, phân minh. Nếu không thế, sai một ly sẽ đi một dặm. Súng mà không có đầu ruồi thì bắn chỉ thiên, tốn đạn. Bác đặt rất cao vai trò, vị trí của người cán bộ trong các cuộc vận động cách mạng. Và cũng do vậy, Bác dày công rèn luyện cán bộ, đảng viên không chỉ về lý tưởng, tri thức khoa học, vốn sống thực tiễn và trước hết là đạo đức lối sống, nếp sống người cán bộ.
Thuở ấy, Bộ Chính trị thường họp vào ngày thứ sáu và thứ bảy. Hai ngày ấy thư ký Vũ Kỳ rảnh rỗi. Một hôm Bác nói với ông rằng: "Bây giờ Bác đột nhiên xuống nhà dân, đồng bào tổ chức đón tiếp sẽ gây tốn thời gian. Chú chịu khó xuống nhà dân, có chuyện gì hay kể cho Bác nghe". Tuần sau, ông Vũ Kỳ thưa chuyện với Bác về một cháu gái ngồi dưới cột đèn ở Bờ Hồ vừa bán ngô nướng, vừa ăn cơm, vừa học bài. Cháu bán ngô thay cho mẹ về ăn cơm... Bác gật đầu tỏ ý khen cháu gái. Trầm ngâm một lúc Bác nói:
- Con cháu cán bộ nhà ta phải học cháu gái đó! Bác trực tiếp khởi xướng và chỉ đạo việc viết loại sách người tốt, việc tốt lấy người thật việc thật để giáo dục mọi người. Những ngày đầu từ trên rừng núi về thủ đô nắm chính quyền, Bác đã phát hiện mầm bệnh "lên mặt làm quan cách mạng" ở một số ít cán bộ, đảng viên, cho nên Bác không một ngày buông lơi việc rèn dạy cán bộ. Ông Vũ Kỳ nhớ lại, vào năm 1946, ở Hà Nội, sau bữa ăn, Bác cùng một số cán bộ được tráng miệng một nải chuối có nhiều quả giập, nẫu. Bên cạnh Bác, một cán bộ bẻ đến quả thứ ba mới chịu ăn. Bác lẳng lặng lấy con dao cắt bỏ phần giập nẫu của quả chuối mà vị cán bộ kia bỏ ra và ăn, vừa ăn Bác vừa nói một mình.
- ở chiến khu, chuối nẫu nữa cũng ăn.
Vị cán bộ kia nghe được giật mình, nhận bài học nhớ đời. Và sau này chính anh cán bộ đó được anh em quý trọng vì đức tính tiết kiệm. Càng nghiêm khắc, càng bao dung với cán bộ, đảng viên bao nhiêu, Bác càng chăm lo chu đáo đến đời sống của họ và gia đình họ bấy nhiêu.
Đi đến đâu Bác cũng thường căn dặn cán bộ, đảng viên phải khéo làm công tác dân vận. Giác ngộ nhân dân, tổ chức lực lượng nhân dân thật khéo thì mới trở thành lực lượng vô địch. Những cán bộ, đảng viên làm dân vận tốt chính là làm cho dân tin, dân yêu, dân phục và dân làm theo. Có những cán bộ, đảng viên thường đặt trách nhiệm với cấp trên, trách nhiệm với công việc, cuối cùng mới là trách nhiệm với dân, thế là không tốt. Phải đặt ngược lại mới tốt.
Càng nghe chuyện về Bác Hồ với dân, Bác Hồ đào tạo, rèn luyện cán bộ, đảng viên trở thành "người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", càng thấy học mãi chữ Dân ở Bác sao thấy lớn lao quá. Chữ Dân trong Bác sáng lòng ta là vì thế.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/nhan-dan-trong-long-bac-226252.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.