10:08 | 15/11/2022
Thực dân Pháp coi tôi như tù chính trị và chuyển đến nhà tù Sơn La để lưu đày khổ sai. Trong tù cuộc chiến đấu lại tiếp diễn và tôi đã trở thành Đảng viên cộng sản.
Tôi sinh nǎm 1912 với tên Nguyễn Hữu Cao tại xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Biết đôi chút võ nghệ, côn, quyền, nên tôi sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp. Cuối nǎm 1940, tôi được huyện điều đi bảo vệ cuộc mít-tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga do tỉnh tổ chức. Vì kế hoạch bị lộ, địch cho ém quân sẵn đàn áp cuộc biểu tình và tôi bị bắt khi phải tả xung hữu đột bằng tay không để đánh tháo cho đồng chí cán bộ tỉnh chạy thoát. Thực dân Pháp coi tôi như tù chính trị và chuyển đến nhà tù Sơn La để lưu đày khổ sai. Trong tù cuộc chiến đấu lại tiếp diễn và tôi đã trở thành Đảng viên cộng sản. Cuối nǎm 1941 nhóm anh em tù chính trị chúng tôi gồm các anh: Tạ Xuân Thu, Nguyễn Cơ Thạch, Hoàng Đình Rong, Nguyễn Tạo và Song Hào được Chi bộ bí mật trong tù Sơn La tổ chức cho vượt ngục. Ra tù tôi được anh em đặt cho tên mới: Nguyễn Vǎn Lý. Tôi tiếp tục tham gia Quân giải phóng đánh Nhật ở chợ Chu, chợ Đồn, Đèo Khế... Có lúc đem quân về tận thị xã Thái Nguyên để lấy đồn. Khi trường Quân chính kháng Nhật thành lập ở Tân Trào, anh Thái (sau này là Đại tướng Hoàng Vǎn Thái) làm hiệu trưởng (lúc đó gọi là phụ trách) thì tôi được điều sang phụ trách công tác hành chính, hậu cần của trường. Đến tháng 3-1945, tôi được Trung ương giao phụ trách công tác tài chính quản trị cho Cơ quan Trung ương đóng ở cǎn cứ Tân Trào. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Bác Hồ và Trung ương về Hà Nội thành lập Chính phủ công nông mới, tôi được Bác giao ở lại xây dựng "hậu phương lưu trú". Mãi đến tháng 10-1945, anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) thay mặt Trung ương gọi về Hà Nội và giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Và tôi bắt đầu sự nghiệp của một chiến sĩ cận vệ từ những ngày lịch sử vẻ vang ấy của dân tộc. Tháng 2-1953, khi Chính phủ ban hành sắc lệnh 141 thành lập Cục Cảnh vệ Trung ương thuộc Thứ Bộ Công an, tôi được giao trọng trách phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ và kiêm Đội trưởng Đội bảo vệ Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, và đã có hơn 25 nǎm phục vụ và bảo vệ Bác Hồ.
Tôi nhớ khi bảo vệ Bác ở Tân Trào, đang đêm cơ quan Bác nhận được tin có một toán phỉ đang trên đường vượt đèo De vào khu Cǎn cứ để xin hàng hợp tác cùng Việt Minh đánh Nhật. Nghe tin xong Bác nói với tôi: "Chú Lý bảo chú Xuân Thu tổ chức quân chặn ngay chúng lại ở đèo De. Đó là bọn trá hàng lợi dụng vào cǎn cứ của ta để phá hoại. Dặn chú Thu bảo chúng muốn đánh Nhật thì đưa quân xuống Định Hóa hoặc Thái Nguyên mà đánh. ở đây làm gì có Nhật". Nghe tin này một số anh em trong cơ quan rất lo, có người còn hoang mang. Nhưng Bác vẫn ung dung làm việc với anh Vǎn (Võ Nguyên Giáp) để chờ kết quả anh Thu báo về. Anh Thu đã thực hiện đúng chỉ thị của Bác. Chặn bọn phỉ trá hàng ở đèo De. Gặp quân ta, chúng (khoảng 40 tên) nổ súng quyết liệt. Khi bọn này bị đánh trả kiên quyết và lực lượng chúng bị tiêu hao nặng thì bọn Nhật ở chợ Chu kéo lên tiếp ứng. Té ra bọn trá hàng này là tay sai của phát-xít Nhật và ý đồ của chúng đúng như Bác Hồ đã nhận định.
Khi được về trực tiếp làm cận vệ Bác ở Hà Nội thì có biết bao điều đáng nói. Thường trực bên Bác từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa và từ 13 giờ 30 phút trực cho đến 17 giờ chiều. Có lúc phải cố ghìm cái tính nóng bốc lửa của mình để Bác yên tâm làm việc, vì ở cương vị là một Chủ tịch Chính phủ, Bác tiếp các đại biểu đoàn thể chính Đảng và vǎn sĩ tri thức trong nước thì không có gì đáng nói. Nhưng với những đại biểu là tay sai quốc dân Đảng, là đại biểu cái gọi là đồng minh như quân Tưởng, Anh, Mỹ,... thì nhiều chuyện lắm. Đầu tiên là chúng đặt điều kiện dọa dẫm. Sau là dùng sức mạnh quân sự khiêu khích. Nhưng Bác rất khôn khéo, nhẹ nhàng giải thích bằng thực tế và chúng đều phải im lặng. Thấy trơ tráo quá, và cũng không còn lý gì để gây sức ép tâm lý với Bác, chúng chuyển sang đòi hỏi vật chất. Đủ thứ, từ bóng đèn, chậu rửa mặt, gạo, muối và rau. Thấy Bác tiếp chúng vất vả và cǎng thẳng quá, tôi nghĩ cách đối phó: Trước đây mỗi lần chúng đến xin gặp Bác thì ngồi ở phòng chờ. Khi Bác đồng ý tiếp thì có người đưa vào, thế là chúng kiếm cớ lỳ ra, quấy rầy Bác mà không có cách đuổi được ra. Tôi báo cáo và được anh Nguyễn Lương Bằng đồng ý cho làm một loại "card" hẹn gặp đối với người nước ngoài. Trong "card" ghi thời gian quy định cụ thể. Khi chúng đến, người tiếp tân giữ "card" cho chúng và giải thích. Cứ thế người này ra, người khác vào theo thứ tự. Tên nào có ý quấy nhiễu, ngồi lỳ, đồng chí lễ tân mang "card" của người tiếp theo vào đưa cho Bác xem và cố tình để cho chúng thấy. Thế là dù lỳ lợm đến mấy chúng cũng phải liệu mà đứng lên...
Tiếp theo đó là một sự kiện tôi nhớ đời, khắc cốt không bao giờ quên. Đó là vào một buổi sáng ở Bắc Bộ phủ. Bác và tôi, hai Bác cháu đang đi quyền, tập thể dục buổi sáng, Bác nói với tôi: "Hôm nay chú Lý đi với Bác. Không biết Lư Hán mời Bác đến có việc gì?". Tôi vâng khẽ một tiếng rồi suy nghĩ miên man: Chắc bọn giặc đói này nghĩ ra trò khiêu khích gì đây. Liệu có liên quan đến vụ tên Pháp kiều bị bắn chết ở trước cửa ngân hàng hôm qua không? Nghĩ vậy và tôi chuẩn bị dự kiến những tình huống để chủ động đối phó. Đến giờ đi gặp Lư Hán, Bác cho tôi, anh Vũ Long Chuẩn (tức Vũ Kỳ) đi cùng anh Hảo trực tiếp lái xe cho Bác. Lúc ấy tình hình Hà Nội lộn xộn lắm nên số anh em chúng tôi bất kể là lái xe hay phục vụ bảo vệ Bác đều được trang bị súng ngắn. Riêng tôi lần đi này có mang thêm khẩu tiểu liên. Khi xe đến Phủ toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) chúng mời Bác lên, còn chúng tôi phải ở ngoài đợi. Khoảng nửa giờ Bác ra, đi sau Bác là viên sĩ quan Tưởng. Thấy Bác vẫn bình thản, chúng tôi yên tâm. Lúc lên xe vì có tên Tưởng ngồi cùng nên chúng tôi không tiện hỏi Bác, chúng định đưa Bác đi đâu. Xe chạy theo sự hướng dẫn của tên sĩ quan Tưởng. Bác đến nhà tên Triệu Bạch Xương, Chính ủy quân đội Tưởng ở phố Trần Hưng Đạo. Bác vào, khoảng 15 phút, Bác lại ra khỏi nhà Triệu và lên xe. Nhưng khi xe Bác vừa chuyển bánh thì lập tức có một xe zép không mui chở đầy lính Tàu Tưởng, súng ống đầy đủ, nai nịt nghiêm trang áp tải phía sau ngay. Bọn chúng ép xe Bác đến 33 Phạm Ngũ Lão nơi ở của tên Chu Phúc Thành, Tư lệnh quân đội Tưởng ở Hà Nội. Khi Bác đến 33 Phạm Ngũ Lão, trước lúc đi theo tên sĩ quan Tưởng lên gác, Bác nhìn anh em chúng tôi với ánh mắt như dặn dò tất cả chúng tôi hãy bình tĩnh. Tôi thầm nghĩ Bác vừa dặn anh em chúng tôi hãy kiềm chế kẻo mắc mưu địch. Bác vừa đi khỏi thì có đến một tiểu đội lính Tưởng đến dàn hàng vây quanh ba anh em chúng tôi. Chúng dồn cả tôi, anh Kỳ, anh Hảo vào một phòng con rồi tước hết vũ khí. Khi tôi định ra ngoài quan sát xem bọn Tưởng vây quanh chúng tôi đông hay ít, thì bị một tên sĩ quan Tưởng da mặt xám xịt ấn vai tôi ngồi xuống. Lúc đó tôi uất đến nổ tung lồng ngực và nghĩ. Con nhà võ, tuy súng đã bị tước, mà chịu để bị bắt nạt. Nhưng khi nghĩ đến ánh mắt dặn lại của Bác, đành phải nén chặt nỗi cǎm uất ấy lại chờ và đợi xem sao? Những tên lính Tưởng súng lǎm lǎm chĩa về phía chúng tôi. Một bọn khoảng 3 - 4 tên kéo nhau ra lục lọi trên xe Porol mầu đen Bác dùng hằng ngày. Mãi quá trưa, chúng mới cho Bác về nhưng giữ chiếc xe của Bác và anh Hảo lái xe lại. Anh Kỳ phải gọi điện về nhà mang xe khác đến đón Bác. Lên xe, tôi báo cáo với Bác là anh em chúng tôi đã bị bọn Tưởng đe dọa và tước hết vũ khí. Bác nghe, nhưng vẫn ngồi im, không nói gì, hình như Bác đã biết trước được sự việc sẽ xảy ra như vậy. Một tháng sau chúng thả anh Hảo về. Anh kể lại rằng bọn Tưởng tra tấn đánh đập anh rất dã man bằng mọi thứ đòn. Chúng trước sau như một cứ một mực bắt anh phải nhận đã dùng chiếc xe của Bác chở một người có tên là Sơn đi bắn chết người Pháp kiều. Nhưng anh đã kiên cường cắn rǎng chịu đòn, bảo vệ lẽ phải và sự thật, bảo vệ uy tín Bác. Không đủ chứng cứ buộc tội anh Hảo, bọn Tưởng phải thả anh về, nhưng chúng vẫn giữ cái xe của Bác lại và sau không bao giờ trả. Sau này có dịp nhắc lại chuyện trên, Bác cười và nói vui: "Hôm ấy, Bác chỉ sợ các chú ở ngoài vì muốn diệt mấy con nhặng bẩn mà quá tay đập vỡ bình quý thì khốn".
Sau Hiệp định sơ bộ mồng Sáu tháng Ba, nhất là những ngày Bác dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ đi thǎm Cộng hòa Pháp về, tình hình hoạt động của địch gây cho ta cǎng thẳng và khó khǎn từ nhiều phía. Thực tình lúc đó tôi rất lo vì trách nhiệm. Nhưng được anh Cả động viên và hằng ngày được Bác chỉ bảo nên phần nào yên tâm với trách nhiệm hơn. Hàng ngày Bác vẫn đến làm việc tại Bắc Bộ Phủ rất đúng giờ. Ngoài vườn hoa Chí Linh, vườn hoa Con Cóc, lúc nào cũng có mật thám địch lởn vởn. Chiếc xe đưa Bác đi làm vẫn cứ đúng giờ vào cửa, hết giờ ra về như không có chuyện gì xảy ra. Thế mà chúng vẫn không tin vào chính mắt chúng nó, lại còn bầy chuyện giả dạng xin tiếp kiến để xem có thực Bác đang làm việc ở Bắc Bộ Phủ hay không. Khi biết đúng là sự thật thì chúng lại tìm cách bám đuôi để tìm xem đêm Bác nghỉ ở đâu. Thế mà bọn mật thám nhà nghề Pháp và cả lũ tay sai Tưởng đành bất lực. Nơi công khai của Bác lúc đó là số 8 phố Vua Lê. Phòng làm việc của Bác ở tầng 2 đêm nào cũng cứ sáng đèn đến quá 11 giờ mới tắt. Kẻ thù vẫn yên trí là Nhà nước công nông đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" bởi thù trong giặc ngoài, thì làm sao Bác có thể ngồi ở một nơi mà ai cũng biết, để làm việc. Những ngày ấy có hôm, Bác phải chủ trì một cuộc họp Thường vụ Trung ương ở các địa danh bí mật như làng Nhân Chính, ở Quần Ngựa, hoặc Tân Vạn Phúc, Hà Đông. Có đêm Bác nghỉ tại 112 Lò Đúc hoặc ở nhà ông Đặng Thai Mai, v.v... Tôi và một số đồng nghiệp khác đã vinh dự theo dấu chân Bác trong những ngày cách mạng nóng bỏng đó để làm nhiệm vụ người cận vệ. Tôi nhớ những bữa cơm ở núi rừng Việt Bắc, Bác gắp thêm cho tôi đũa mǎng, nhường thêm miếng cháy và nói rằng: "Chú vất vả quá, cố mà ǎn để có sức khỏe". Chiếc áo trấn thủ Bác cho để mặc trong những mùa đông giá rét ở núi rừng mãi như nguồn sinh lực đốt nóng con tim tôi, trên đường cách mạng. Vâng, những vật kỷ niệm mà Bác dành cho tôi còn đó: khẩu súng ngắn, khẩu các-bin, chiếc ba lô, chiếc mền chǎn mỏng...
Và kỷ niệm thiêng liêng nhất là cái tên Hoàng Hữu Kháng mà Bác đặt cho trên đường bảo vệ Bác trở lại cǎn cứ địa Việt Bắc đầu 1947. Với ba cái tên trong cuộc đời: Nguyễn Hữu Cao, tên do cha sinh mẹ đẻ đặt, tên Nguyễn Hữu Lý do đồng đội chung lưng đấu cật cùng chiến hào đã từng hợp sức đồng lòng phá gông xiềng từ tay đế quốc để trở thành chiến sĩ, đặt cho. Còn Hoàng Hữu Kháng, là một chữ trong khẩu hiệu động viên kháng chiến của Bác: "Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi" và do chính Bác đặt cho.
Có đồng chí hỏi những nǎm tháng bên Bác tôi có được Bác khen hoặc phê bình gì không? Tôi nghĩ, dù Bác khen hay phê bình đều là bài học cả. Nếu chúng tôi làm tốt thì Bác khen chê lẫn dặn dò: "Hôm nay các chú làm thế là tốt, nhưng vẫn phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn". Những chuyến bảo vệ Bác đi công tác nơi rừng núi hẻo lánh, đi biên giới hải đảo hoặc đi gặt lúa chống hạn với dân... Chúng tôi thường bố trí quân hóa trang. Nhưng do cách làm của mình chưa tốt, Bác không phê bình mà chỉ nhắc khi ngồi trên xe: "Cô gái đội cái nón quai nylon đứng ở gốc cây gạo kia là quân chú Kháng" rồi lại tiếp "Cái chú đang vờ chữa xích xe đằng kia v.v... cũng là quân chú Kháng". Và có lần Bác nói rõ hơn "Chú Kháng hôm nay rải quân đông quá, mấy nông dân mặc quần áo gụ đầu chít khǎn mỏ quạ, bắp chân trắng, đang gánh lúa chạy theo kia là quân chú Kháng cả đấy". Nhưng sau mỗi lần như vậy lại là một bài học mà tôi và đồng sự phải tổ chức rút kinh nghiệm ngay. Có lần do chúng tôi làm kín đáo và tốt, Bác lại nhắc tôi: "Hôm nay các cô chú cảnh vệ làm như vậy là tốt". Bác khen vậy, nhưng với chúng tôi đó là lời Người dạy tiếp tục rút kinh nghiệm, phải cố gắng hơn nữa.
Tôi nhớ nǎm 1963, khi đến thǎm Hội nghị tổng kết cảnh vệ, Bác khen cán bộ chiến sĩ chúng tôi và dạy rằng: "Các cô chú muốn bảo vệ tốt, phải có kỹ thuật, phải dựa vào dân. Nhân dân có thương mến Bác thì thấy Bác họ mới muốn lại gần. Các cô chú lúc nào cũng cứ xem Bác như quả trứng vỏ mỏng dễ vỡ, nên Bác đi đến đâu cũng chặn trước, chặn sau không cho ai đến gần". Nghe Bác dạy như vậy tôi nghĩ đến thời kỳ còn ở Tân Trào. Hôm đó Bác đi tắm ở một khúc suối sâu. Thấy Bác bơi ra xa, tôi và mấy đồng chí nữa vội bơi theo quây chung quanh, đề phòng "bất trắc". Thấy vậy, Bác vừa bơi vừa nói vui: "Các chú là những chiếc Dakota chiến đấu, còn Bác là máy bay bà già". Hai trường hợp trên, một là Bác chê, một là Bác khen ý thức bảo vệ. Và sau đó, cả hai lần đúng thời gian có khoảng cách khác nhau nhưng đều là bài học thực tiễn mà chúng tôi đã ghi nhớ mãi mãi không bao giờ quên.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/nguoi-can-ve-cua-bac-ho-226232.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.