Đảng của công nhân

Một cơ quan công nhân không thể tán thành Đảng dân quyền hay Đảng bảo thủ...

Một cơ quan công nhân không thể tán thành Đảng dân quyền hay Đảng bảo thủ, cũng không thể tán thành phái bảo thủ hay phái tự do, và lại càng không thể tán thành phái cấp tiến, theo ý nghĩa đảng hiện nay của từ đó.

Chúng tôi rất thường hay được bạn bè và những người có cảm tình phòng ngừa trước: "Hãy lánh xa cái chính trị đảng phái ra?" Và họ hoàn toàn có lý, trong chừng mực đó là nói tới cái chính trị đảng phái ở Anh hiện nay. Một cơ quan công nhân không thể tán thành Đảng dân quyền hay Đảng bảo thủ, cũng không thể tán thành phái bảo thủ hay phái tự do, và lại càng không thể tán thành phái cấp tiến, theo ý nghĩa đảng hiện nay của từ đó. Phái bảo thủ, tự do, cấp tiến - tất cả bọn họ chỉ đại biểu cho lợi ích của các giai cấp thống trị, và những màu sắc khác nhau của những ý kiến đang ngự trị trong bọn địa chủ, tư bản, và tiểu thương. Nếu họ đại biểu cho giai cấp công nhân, thì nhất định họ sẽ đại biểu một cách hoàn toàn sai và tồi cho giai cấp ấy. Giai cấp công nhân có những lợi ích của bản thân mình, về chính trị cũng như về xã hội.

Giai cấp đó đã bảo vệ như thế nào những cái mà nó coi là lợi ích xã hội của nó thì lịch sử của các tổ chức Công liên và của phong trào đòi rút ngắn ngày lao động, đã chỉ rõ. Thế nhưng nó lại hầu như hoàn toàn để cho phái bảo thủ, dân quyền và cấp tiến, những người của giai cấp trên bảo vệ những lợi ích chính trị của nó; và trong gần một phần tư thế kỷ, giai cấp công nhân Anh đã tự bằng lòng với việc gọi là làm cái đuôi của "đảng tự do lớn".

Một lập trường chính trị như vậy thật không xứng đáng với giai cấp công nhân có tổ chức tốt nhất ở châu Âu ở các nước khác, công nhân đã tích cực hơn nhiều.

Từ hơn mười năm nay, nước Đức đã có một đảng công nhân (Đảng dân chủ - xã hội); đảng này chiếm được mười ghế trong quốc hội, và sự lớn mạnh của nó đã làm cho Bismarck khiếp sợ đến nỗi ông ta đã phải đưa ra những biện pháp đàn áp nổi tiếng mà chúng tôi sẽ nói đến trong một bài báo khác. Nhưng, bất chấp Bismarck, đảng công nhân vẫn không ngừng tiến lên; chỉ mới trong tuần qua, đảng chiếm được 16 ghế trong hội đồng thành phố Mannhein, và một ghế trong Nghị viện Sachsen. ở Bỉ, Hà-lan và ý, người ta cũng noi gương người Đức; trong mỗi nước này đều có một đảng công nhân, tuy rằng tư cách cử tri ở các nước đó quy định quá cao, khiến họ không thể cử được đại biểu vào cơ quan lập pháp lúc này.

Ở Pháp, quá trình tổ chức đảng công nhân đã đạt tới đỉnh cao của nó; nó đã chiếm được đa số trong nhiều hội đồng thành phố trong cuộc bầu cử gần đây, và chắc chắn sẽ chiếm được một số ghế trong cuộc tổng tuyển cử bầu vào nghị viện vào tháng mười sắp tới. Ngay cả ở Mỹ, nơi mà giai cấp công nhân còn tương đối dễ chuyển thành phéc-mi-ê, thương nhân hay nhà tư bản, thì công nhân cũng vẫn thấy cần thiết phải tự tổ chức thành một đảng độc lập. Khắp nơi, công nhân đấu tranh giành chính quyền, giành quyền đại diện trực tiếp cho giai cấp mình trong các cơ quan lập pháp, - khắp nơi đều như vậy, chỉ trừ ở nước Anh.

Tuy vậy ở nước Anh, hơn lúc nào hết, hiện nay người ta có cái ý thức rộng lớn cho rằng các đảng phái cũ đã đến ngày tàn, những câu thần chú cũ kỹ không còn ý nghĩa gì nữa, những khẩu hiệu cũ đã trở nên lỗi thời và những liều thuốc vạn năng cũ không còn tác dụng nữa. Những người khôn ngoan trong tất cả các giai cấp đều bắt đầu thấy rằng cần phải mở ra một con đường mới, và con đường này chỉ có thể hướng về phía dân chủ thôi. Nhưng ở Anh, nơi mà giai cấp công nhân công nghiệp và nông nghiệp chiếm tuyệt đại đa số trong nhân dân, nên dân chủ có nghĩa là sự thống trị của giai cấp công nhân không hơn không kém. Vậy hãy để cho giai cấp công nhân chuẩn bị gánh vác lấy nhiệm vụ đã dành cho nó, tức là thống trị cái đế chế Anh vĩ đại đó; hãy để cho họ hiểu được cái trách nhiệm tất yếu mà họ phải gánh vác. Và cái biện pháp tốt nhất để làm việc này là sử dụng lực lượng đã có sẵn trong tay họ, tức là sử dụng cái đa số thực tế mà họ chiếm được tại mỗi thành phố lớn trong Vương quốc, đề cử những người trong hàng ngũ của chính mình vào quốc hội. Với quyền bầu cử hiện nay của những người thuê nhà, người ta có thể dễ dàng cử bốn mươi hay năm mươi công nhân vào Hạ nghị viện, nơi thực tế đang rất cần được tiếp thêm loại máu hoàn toàn tươi như thế. Chỉ riêng với số công nhân như vậy trong nghị viện thì không thể biến dự luật về ruộng đất ở Ai-rơ-len như trường hợp hiện nay, ngày càng trở thành một sự lừa bịp về ruộng đất ở Ai-rơ-len nghĩa là thành một đạo luật bồi thường cho các địa chủ Ai-rơ-len; không thể chống lại những yêu sách đòi phân phối lại số ghế, đòi trừng phạt có hiệu quả vụ mua chuộc trong tuyển cử, đòi nhà nước phải gánh những chi phí bầu cử, như đã xảy ra ở khắp nơi trừ nước Anh, v.v..

Hơn nữa, ở Anh, không thể có được một đảng dân chủ thật sự nào ngoài đảng công nhân. Những người có học vấn trong các giai cấp khác (vả lại trong các giai cấp ấy những người này cũng không nhiều lắm như người ta muốn chúng ta tin như vậy) có thể gia nhập đảng đó và có thể thay mặt đảng ở nghị viện sau khi họ đă chứng minh lòng chân thành của họ. Khắp nơi đều có trường hợp như vậy. Ví dụ như ở Đức, không phải trong bất cứ trường hợp nào các đại biểu công nhân cũng là những người công nhân thật sự. Nhưng ở Anh, cũng như ở bất cứ nơi nào khác, không một đảng dân chủ nào có thể thành công thực sự nếu nó không phải là một đảng công nhân với tính chất giai cấp rõ ràng của nó. Nếu người ta từ chối điều đó, thì chỉ còn lại có sự bè phái và sự lừa bịp mà thôi.

Thậm chí điều này còn đúng với nước Anh nhiều hơn là đúng với nước ngoài. Đáng tiếc là, những sự lừa bịp của đảng cấp tiến đã có khá nhiều từ khi đảng công nhân đầu tiên trong lịch sử, tức là đảng Hiến chương, bị tan vỡ. Đúng, nhưng phái Hiến chương đã bị thất bại mà không đạt được gì cả. Sự việc liệu có đúng như vậy không ? Trong sáu điểm của bản Hiến chương nhân dân, thì hiện nay có hai điểm - bầu phiếu kín và không cần có điều kiện tài sản - đã trở thành luật pháp ở trong nước. Điểm thứ ba, quyền phổ thông đầu phiếu thì ít nhất cũng gần đạt được dưới hình thức quyền bầu cử của những người thuê nhà; điểm thứ tư, những khu bầu cử ngang nhau, rõ ràng sẽ được thực hiện như là một cuộc cải cách mà chính phủ hiện nay đã hứa. Như vậy là, phong trào Hiến chương tan vỡ đã dẫn tới những kết quả là cả một nửa cương lĩnh của họ đã được thực hiện. Và nếu chỉ có một hồi ức nào đó về một tổ chức chính trị trước đây của giai cấp công nhân cũng dã có thể đưa tới những cuộc cải cách chính trị ấy và ngoài ra còn đưa đến một loạt những cải cách xã hội nữa, thế thì kết quả thật sự của sự tồn tại của một chính đảng của giai cấp công nhân, mà được sự ủng hộ của bốn mươi hay năm mươi đại biểu trong nghị viện, sẽ có ảnh hưởng đến như thế nào ? Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người phải quan tâm đến bản thân mình.

Thế mà giai cấp công nhân Anh lại để cho các giai cấp địa chủ, tư bản, tiểu thương, với cái đuôi của họ là các luật sư nhà báo, v.v., chăm lo hộ quyền lợi cho mình. Không có gì đáng ngạc nhiên là những cải cách vì lợi ích của công nhân lại được thực hiện chậm chạp và nhỏ giọt một cách thảm hại như vậy. Công nhân Anh chỉ cần muốn thôi là họ cũng có đủ lực lượng để tiến hành mọi cuộc cải cách xã hội và chính trị mà tình cảnh của họ đòi hỏi. Vậy thì tại sao họ lại không cố gắng như vậy đi?

Các Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t. 19, tr. 277-279

Viết vào giữa tháng bảy 1881. Theo đúng bản đăng trên tờ: "The Labour Standard",

số 12, ngày 23 tháng bảy 1881.

Dịch từ tiếng Anh.

.

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.