Những đóng góp xuất sắc của Ăngghen trong việc sáng lập kinh tế học mác xít

Mác và Ăngghen đã cống hiến cả cuộc đời để xây dựng nên kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác...

Mác và Ăngghen đã cống hiến cả cuộc đời để xây dựng nên kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác, trọng tâm là triết học mác xít, kinh tế chính trị học mác xít, và chủ nghĩa xã hội khoa học với hai phát kiến vĩ đại - chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư.

Năm 1867, trước khi xuất bản lần thứ nhất tập I bộ Tư bản bằng tiếng Đức, Mác đã bày tỏ chân thành với Ăng ghen: “Tôi sẽ vui sướng nhường nào nếu trong tác phẩm chủ yếu của tôi… anh sẽ đứng tên trực tiếp với tư cách đồng tác giả, chứ không phải chỉ là nguồn tài liệu được trích dẫn”. Quả thật, Ăngghen đã có những đóng góp không nhỏ vào việc sáng tạo Tập I bộ Tư bản của Mác.

Ăngghen đã giúp Mác giải quyết một số vấn đề quan trọng trong việc nghiên cứu biên soạn, đặc biệt là những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến sự vận hành thực tế trong các xí nghiệp công nghiệp của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tháng 3 - l862, Mác được Ăngghen cung cấp những số liệu thực tế về tỷ lệ số lượng các loại công việc trong công xưởng. Tháng 6 năm đó, Mác cùng Ăngghen nghiên cứu những vấn đề như khấu hao tư bản cố định, quan hệ giữa quỹ khấu hao và tích luỹ tư bản. Tháng l - l863, Mác đề nghị Ăngghen mô tả quá trình cải biến từ khung dệt con thoi thành máy dệt sợi như thế nào. Thời kỳ này, Mác còn cùng Ăngghen nghiên cứu vấn đề tái sản xuất tư bản, lý luận về địa tô...

Ăngghen còn có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện kết cấu tập I bộ Tư bản. Sau khi nhận được một số trang in phần mở đầu do Mác gửi đến và tha thiết đề nghị góp ý tỉ mỉ, Ăngghen đã đọc cẩn thận và đóng góp những ý kiến quan trọng về cách trình bày cũng như kết cấu tác phẩm. Về lý luận các hình thái giá trị, ngoài hình thức trình bày cần “chứng minh một cách tỉ mỉ hơn một chút nữa, về mặt lịch sử những gì đã đạt được ở đây bằng phương pháp biện chứng”. Về kết cấu, có thể phân chia đề mục nhỏ hơn và mỗi đề mục nhỏ nên có đầu đề riêng để nhấn mạnh từng bước chuyển quá độ một cách biện chứng”. Ăngghen cho rằng việc sắp xếp “cấu trúc bên ngoài”. Chương IV “Giá trị thặng dư tương đối” là không thích hợp, “mạch tư duy luôn luôn bị gián đoạn bởi những chỗ minh hoạ...”. Cách kết cấu do Ăngghen đề xuất được Mác nhanh chóng tiếp thu. Phụ lục “Hình thái của giá trị”, Mác đã viết bổ sung cho sự trình bày còn chưa đầy đủ về hình thái giá trị ở lần xuất bản thứ I là một bước hoàn thiện tác phẩm khi xuất bản lần thứ II.

Sau khi hoàn thành việc xuất bản tập I bộ Tư bản, Mác đã nhiều lần biểu lộ tình cảm sâu sắc với Ăng ghen: “Thiếu anh, chắc tôi không bao giờ có thể viết trọn vẹn tác phẩm này được và tôi xin cam đoan với anh rằng lương tâm tôi như trong cơn ác mộng, thường xuyên bị dằn vặt bởi ý nghĩ, anh dành cả tài năng của mình vào công việc kinh doanh - thương mại, nhưng anh đã để cho những tài năng ấy bị mai một chủ yếu vì tôi. Ngoài ra, anh lại còn phải cùng tôi chịu đựng mọi nỗi gian truân vụn vặt… Nếu không có sự hy sinh quên mình của anh vì tôi thì tôi đã không tài này có thể hoàn thành được toàn bộ khối lượng công việc to lớn đó”.

Thực ra, đóng góp xuất sắc của Ăngghen đối với sự phát triển kinh tế học mác xít không chỉ ở sự hợp tác và giúp đỡ Mác sáng tạo bộ Tư bản, mà còn thể hiện ở việc bản thân ông độc lập nghiên cứu những vấn đề lý luận của bộ môn khoa học này.

Ngay từ cuối năm 1843, Ăngghen đã công bố những thành tựu lý luận của tác phẩm Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị trên các sách báo mác xít. Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị là một văn kiện quan trọng đầu tiên về kinh tế chính trị học của giai cấp vô sản, trong đó lần đầu tiên Ăngghen đứng trên lập trường giai cấp vô sản để phê phán nghiêm túc phương pháp và một số quan điểm 1ý luận chủ yếu của kinh tế chính trị học của giai cấp tư sản.

Ăngghen cho rằng loại “kinh tế học tư nhân” là sản phẩm của sự phát triển kinh tế dưới chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa và phát triển lên cùng với xã hội tư sản từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX. Do đó, Ăngghen cho rằng : “Các nhà kinh tế học càng gần với thời đại của chúng ta bao nhiêu, thì họ càng không trung thực bấy nhiêu. Với mỗi sự tiến bộ của thời đại thì sự nguỵ biện nhất thiết phải tăng lên để duy trì khoa kinh tế chính trị ngang trình độ của thời đại”. Khi đó, Ăngghen chưa phân biệt được kinh tế chính trị học cổ điển với kinh tế chính trị học tầm thường, nhưng bằng sự nhậy bén khoa học, ông đã vạch rõ bản chất và các khuynh hướng lý luận trong kinh tế học của giai cấp tư sản thời đại đó. Vì vậy, những quan điểm lý luận của Ăngghen mới hình thành trong lúc nghiên cứu kinh tế chính trị học đã được nâng tầm lên cao hơn hẳn một số quan điểm lý luận của chủ nghĩa xã hội không tưởng và các loại kinh tế chính trị học khác của giai cấp tiểu tư sản đương thời.

Trong Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, Ăngghen đã phân tích phê phán một số phạm trù cơ bản của kinh tế học tư sản: giá trị, tiêu dùng sản xuất, tư bản và lợi nhuận, quyền sở hữu ruộng đất và địa tô, lao động... Đồng thời, ông còn bàn nhiều về quy luật cạnh tranh. Ông cho rằng, khi nào còn tồn tại kinh tế tư hữu thì cạnh tranh tất nhiên vẫn tồn tại. Cạnh tranh tất yếu dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Quy luật này là “quy luật thuần tuý tự nhiên, không phải là quy luật của tinh thần”. Mặc dù các nhà kinh tế học tư sản kịch liệt phản đối luận thuyết này, nhưng cứ 5-7 năm khủng hoảng kinh tế lại xuất hiện một lần. Đó chính là quy luật tự nhiên, thuần túy tự nhiên diễn ra ngoài ý muốn của những người tham gia vào quá trình hình thành nó. Ăngghen còn chỉ ra, khi cạnh tranh dẫn đến khủng hoảng kinh tế, tất nhiên cũng sẽ dẫn đến tập trung sản xuất và tập trung tư bản, hơn nữa sẽ dẫn đến độc quyền, nhưng độc quyền không thể loại trừ được cạnh tranh tự do, cạnh tranh còn đưa đến sự sa sút về mặt xã hội, làm gia tăng tội phạm.

Tóm lại, cạnh tranh bao trùm mọi lĩnh vực đời sống kinh tế tư bản chủ nghĩa, tạo nên trạng thái nô dịch lẫn nhau giữa người với người. Cạnh tranh là quy luật chủ yếu của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Sau khi hoàn thành, Ăngghen đã gửi tác phẩm này cho Mác khi đó đang là chủ bút tờ Niên giám Pháp - Đức. Sau này, khi biên soạn Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Mác đã chịu ảnh hưởng sâu sắc những gợi ý và tư tưởng của Ăngghen. Mác gọi Lược thảo của Ăngghen là bản “sơ thảo thiên tài... phê phán các phạm trù kinh tế”. Đương nhiên, trong tác phẩm này, tư tưởng của Ăngghen còn chưa thật nhuần nhuyễn. Trong đó còn không tránh khỏi có một số quan điểm lý luận còn chưa chuẩn xác. Nhưng không thể hạ thấp giá trị lịch sử của tác phẩm này, nó không hổ thẹn với tên gọi “bản sơ thảo thiên tài” trong lịch sử phát triển kinh tế chính trị học mác xít.

Năm 1845, Ăngghen viết cuốn Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh. Trong tác phẩm này, ông đã nghiên cứu vấn đề bần cùng hoá giai cấp công nhân và vấn đề nhân khẩu thừa dưới giác độ kinh tế chính trị học. Sự bần cùng hoá giai cấp công nhân có quan hệ chặt chẽ với vấn đề nhân khẩu dư thừa trong quá trình tích luỹ tư bản. Nhân khẩu quá thừa trong chủ nghĩa tư bản là kết quả tất yếu của hai quá trình,- tích luỹ tư bản và vận động theo chu kỳ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Những năm 1850, Ăngghen đặc biệt chú trọng nghiên cứu lý luận về khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong lĩnh vực này,ông nêu ra nhiều ý kiến độc đáo. Ăngghen không lấy quy luật cạnh tranh làm tâm điểm để triển khai nghiên cứu vấn đề khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh vận động hiện thực của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, ông tập trung phân tích các mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chỉ ra những nguyên nhân xã hội sâu sắc của khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Thời gian sau (l864-1865), Ăng ghen đã nêu những ý kiến về tác động của cơ chế giá cả đối với khủng hoảng kinh tế ở nước Anh. Theo ông, khủng hoảng kinh tế thường xuất hiện cùng với hiện tượng biến động giá cả, nhưng biến động giá cả không dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Chẳng hạn, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, sự biến động của giá cả về thực chất là “bởi tình hình chung của thị trường tiền tệ”, chứ không phải do trạng thái cung cầu của thị trường hàng hoá quyết định. Do vậy, tác động của cơ chế giá cả có thể làm sâu sắc thêm mức độ khủng hoảng kinh tế chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế…

Nhân dịp kỷ niệm 185 năm ngày sinh của Phrirđích Ăngghen (28/11/1820 – 28/1l/2005) chúng ta cùng ôn lại những đóng góp xuất sắc của ông trong việc sáng lập ra kinh tế học mác xít, một bộ môn khoa học quan trọng của hệ thống lý luận mác xít bằng sự tham gia sáng tạo bộ Tư bản của Mác và những công trình nghiên cứu độc lập của mình.

.

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.