6 tháng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt 103% kế hoạch lợi nhuận năm

Nửa đầu năm 2022, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
“Điểm mặt” thách thức của dệt may Việt Nam nửa cuối năm 2022

Tập đoàn Dệt may Việt Nam vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 10.295 tỷ đồng, bằng 138,1% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 980 tỷ đồng, bằng 155,6% cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm. Đây cũng là năm tiếp theo các doanh nghiệp thành viên có vốn chi phối đóng góp 68,4% vào lợi nhuận, còn lại 31,6% đến từ các doanh nghiệp liên kết.

Nếu so với lợi nhuận 6 tháng năm 2021, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn có vốn chi phối đóng góp 55,6% thì bước sang 6 tháng đầu năm 2022 con số này đã có sự tăng trưởng 12,8%.

Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, các nhóm ngành sản xuất của tập đoàn cũng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành sợi doanh thu tăng 31%, lợi nhuận tăng 49%; ngành may doanh thu tăng 27%, lợi nhuận tăng 140%.

Ngành sợi vẫn thu được kết quả khả quan trong nửa đầu năm do tận dụng được giá bông tốt đã mua cuối năm 2021; ngành may có đơn hàng đầy tải, dịch bệnh được kiểm soát tốt nên lực lượng lao động yên tâm quay trở lại sản xuất, giữ vững năng suất lao động.

Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phát huy nội lực, khích lệ cán bộ nhân viên, người lao động vượt khó, linh hoạt ứng phó với biến động của thị trường và tận dụng lợi thế tăng tốc sản xuất để chạm đích quý II/2022.

Dệt may Việt Nam được nhận định đối mặt với nhiều thách thức nửa cuối năm 2022
6 tháng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt 103% kế hoạch lợi nhuận năm

Cùng đó, công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động quản trị và sản xuất kinh doanh. Dự kiến trong năm 2022 – 2023, tập đoàn sẽ triển khai các gói giải pháp tập trung vào việc nâng cấp hệ thống tài chính kế toán; xây dựng hệ thống quản lý thiết bị; quản trị dự án và danh mục đầu tư; hệ thống quản trị nguồn nhân lực; xây dựng nền tảng công nghệ học tập số - Digital Learning; xây dựng hệ thống quản lý khách hàng.

Trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn triển khai định kỳ hàng tháng các hội thảo chuyên đề nhằm thông tin về thị trường, kinh tế vĩ mô, dự báo thị trường nguyên phụ liệu (bông, xơ, sợi), dự báo tình hình tài chính, tiền tệ… đến toàn bộ các đơn vị trong tập đoàn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cho cán bộ với trọng tâm là lớp cán bộ trẻ đã được triển khai tập trung.

Đặc biệt, tập đoàn và Tập đoàn Kova đã chính thức giới thiệu sản phẩm vải chống cháy Vinatex – Kova với nội hàm 100% kiến thức, kỹ thuật do người Việt nghiên cứu và sản xuất, được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam mang tính hữu dụng và đem lại giá trị cho người tiêu dùng Việt với giá cả phải chăng.

Trong những tháng cuối năm 2022, trước những dự báo xấu về thị trường do: Kinh tế thế giới đình trệ - lạm phát; lãi suất tăng mạnh; hàng tồn kho cao, sức mua thấp, dòng tiền hạn chế…, tập đoàn đề ra nhiều giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tập đoàn tập trung giữ ổn định hệ thống sản xuất, việc làm trong điều kiện đơn hàng biến động; linh hoạt trong điều hành sản xuất, duy trì và ổn định chất lượng sản phẩm; xây dựng kế hoạch đầu tư đáp ứng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp dệt may.

Tập đoàn nỗ lực giữ vững kết quả 6 tháng đầu năm đối với ngành sợi, tăng cường các đơn hàng của ngành may, tập trung chủ lực vào quý IV – thời điểm cao điểm trong sản xuất đối với ngành may.

Ngành dệt vải tiếp tục tổ chức theo hướng quy củ, có định hướng và mục tiêu rõ ràng, đồng thời liên kết với ngành may trong chuỗi để tạo ra lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết. Mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của đại hội đồng cổ đông.

Việt Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.