19:00 | 21/04/2022
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch VTA - cho biết, trong các năm qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Ban chỉ đạo 389 cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới thường xuyên và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện thành công nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp.
Đặc biệt trong hai năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình Covid-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể, cụ thể số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2%.
![]() |
“Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách đặt ra cho Chính phủ và các lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc lá lậu” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo các diễn giả tại hội thảo, thực trạng này là do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội.
Các đối tượng đã lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo các chuyên gia, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung phòng, chống thuốc lá lậu nhưng do địa bàn rộng, nhân sự và phương tiện thiếu thốn, sinh kế người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên việc kiểm soát thuốc lá lậu vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Góp ý về mặt giải pháp, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, có rất nhiều các biện pháp ngăn chặn buôn lậu thuốc lá toàn diện từ việc kiểm soát cửa khẩu đến kiểm soát trong nước. Mặc dù các lực lượng thực thi đã cố gắng nỗ lực triển khai tuy nhiên tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn không suy giảm mà có xu hướng gia tăng để lại nhiều hệ lụy.
Dưới góc độ kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, phải nhắc tới mối quan hệ của việc buôn lậu thuốc lá với trốn thuế bởi như VTA cho hay, buôn lậu thuốc lá có thể mang lại lợi nhuận tới 400% nên nhiều người vẫn bị hấp dẫn, nhất là những người dân nghèo vùng biên giới không có thu nhập ổn định.
![]() |
Tán thành với ý kiến của đại diện Công ty Thuốc lá Sài Gòn là cân nhắc tăng thuế ở mức độ nào đó, ông Cường cho hay: “Thuốc lá hợp pháp là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng, phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu dùng.
Tuy nhiên ở đây cần nhìn thấy là khi công tác chống buôn lậu thuốc lá chưa thực sự hiệu quả, có nhiều điều còn phải rút kinh nghiệm thì chính sách thuế với thuốc lá sản xuất hợp pháp cần được điều chỉnh để làm giảm động lực của những người đi buôn lậu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp trong nước kiểm soát chất lượng”.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng có lựa chọn dù không thể bỏ ngay thói quen nghiện thuốc nhưng sẽ thay đổi dần hành vi, chuyển từ sử dụng sản phẩm độc hại nhiều gây thiệt hại mạnh sang sản phẩm ít gây hại hơn rồi bỏ hẳn.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Nguyễn Mạnh Cường cũng khẳng định, tăng thuế đối với thuốc lá phải đi đôi với xử lý tốt chống lậu. Nếu chỉ tăng thuế thôi không giải quyết được vấn đề, bỏ quên việc chống buôn lậu thì sẽ ảnh hưởng nặng nề.
Để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả hoạt động này, ông Hồ Lê Nghĩa kiến nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường các địa phương, các lực lượng chức năng tăn cường ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu. Nên thực hiện thường xuyên, liên tục bởi tình trạng này hiện tràn lan, rất dễ phát hiện.
Đồng thời, ông Nghĩa kiến nghị ban hành khung pháp lý hoặc cơ chế thí điểm cho việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tạo hành lang pháp lý cho nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp.
Đối với thuốc lá thế hệ mới, theo ông Nghĩa, hiện nay thuốc lá thế hệ mới đang được buôn bán bất hợp pháp tại hàng nghìn địa điểm bán lẻ. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đang đề xuất Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 67 trình Thủ tướng để thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng, quản lý chặt chẽ… sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất triển khai với giải pháp đồng bộ, toàn diện để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thuốc lá lậu, bao gồm: tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này; trích một phần kinh phí trong Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu; kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ lãnh thổ Campuchia về Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cân nhắc lộ trình phù hợp với Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tức việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2024 trở đi, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá hợp pháp tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra sự bền vững về an sinh xã hội.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/chong-thuoc-la-lau-can-nhung-giai-phap-dong-bo-va-hieu-qua-175735.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.