Lào Cai đặt mục tiêu giảm 5% tần suất tai nạn lao động

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, góp phần hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) cho người lao động tại địa phương.

Trong nhiều năm qua, nhằm mục tiêu đảm bảo ATVSLĐ, Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai (Vimico) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động và đầu tư thiết bị bảo hộ phù hợp với quy trình vận hành, sản xuất của nhà máy.

Tại Phân xưởng luyện axít 2 - một trong những công đoạn có nguy cơ dễ xảy ra TNLĐ nhất trong chuỗi sản xuất của Vimico - tất cả các công nhân làm việc tại đây đều được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như mũ, khẩu trang, găng tay và mỗi người công nhân luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, với đặc thù ngành nghề luyện kim và hóa chất, những khu vực lò nấu, luyện, điện phân, sản xuất a xít… công nhân đều được trang bị quần áo đặc chủng, chống nguy hiểm do xỉ đồng bắn khi nấu và giọt bắn axít khi vận hành.

Theo đại diện Vimico, ở mỗi phân xưởng, nhà máy đều có tổ an toàn lao động, thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn trong từng công đoạn sản xuất; kịp thời phát hiện những dấu hiệu, nguy cơ mất an toàn để có phương án khắc phục.

Bên cạnh các giải pháp đảm bảo an toàn lao động, việc cải thiện môi trường làm việc và các điều kiện khác cho người lao động cũng được công ty chăm lo. Đảm bảo người lao động được làm việc trong môi trường tốt nhất, giúp họ yên tâm cống hiến vì sự phát triển bền vững của công ty.

Đảm bảo an toàn lao động tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai
Đảm bảo an toàn lao động tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai

Nhằm bảo đảm ATVSLĐ và phòng, chống TNLĐ xảy ra, theo kế hoạch triển khai Chương trình ATVSLĐ năm 2022, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu trung bình giảm 5% tần suất TNLĐ, tần suất TNLĐ chết người; 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật; 100% hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATVSLĐ được giải quyết đúng thời gian quy định…

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; nâng cao năng lực và hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý Nhà nước về công tác ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ của các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Cũng với đó, nâng cao nghiệp vụ quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc. Trong đó, triển khai các biện pháp phòng, chống một số BNN phổ biến, thường gặp trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về BNN… Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về công tác ATVSLĐ.

Đồng thời, triển khai các dự án về ATVSLĐ của tỉnh: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; nâng cao năng lực phòng, chống BNN, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về công tác ATVSLĐ.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ATVSLĐ năm 2022.

Sở Y tế tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng trên các hệ thống thông tin đại chúng về phòng, chống BNN và chăm sóc sức khỏe người lao động tới các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt quan tâm người lao động làm việc trong các bộ phận, doanh nghiệp có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm.

Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai chủ động phối hợp các sở, ban, ngành liên quan; chỉ đạo Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành thực hiện tốt công tác ATVSLĐ và phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp - bảo đảm ATVSLĐ” tại các cơ quan, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên đối với công tác ATVSLĐ.

Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; thống kê quản lý tình hình TNLĐ đối với người lao động không có quan hệ lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn quản lý…

Trang Anh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.