Báo chí Việt Nam cần đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa vì lợi ích của đất nước và nhân dân

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư mong muốn, các cấp hội, đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, đổi mới, thích ứng với hội nhập để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Chính thức khai mạc Đại hội Hội Nhà báo lần thứ XI Hội nhà báo Việt Nam tổ chức trao giải ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2020, đầu năm 2021

Tham dự Đại hội có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương và hơn 500 đại biểu đại diện cho đại diện cho 27.448 hội viên Hội nhà Báo Việt Nam trên cả nước.

Báo chí Việt Nam cần đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa vì lợi ích của đất nước và Nhân dân
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới phải thu hẹp hoạt động, giảm bớt việc làm do vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn công nghệ-truyền thông khổng lồ, doanh thu quảng cáo giảm sút không chỉ với báo in mà ngay cả phát thanh-truyền hình và báo điện tử, sự thay đổi về hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng cũng tạo ra nhiều thách thức với báo chí chính thống. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động báo chí của nước ta, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

“Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” - đồng chí Lê Quốc Minh nói.

Báo chí Việt Nam phải đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa để phát triển đất nước
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc

Báo cáo của Hội nhà báo cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết được đội ngũ hội viên – nhà báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực. Tổ chức Hội Nhà báo ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người làm báo tự nguyện tham gia. Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 43-CT/TƯ tiếp tục khẳng định sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động Hội và người làm báo.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội Nhà báo Việt Nam, đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nhà báo Việt Nam đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp của hội viên, quyền lợi chính đáng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp.

Hội đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, khích lệ tinh thần cống hiến của người làm báo Cách mạng, góp phần khắc phục các vi phạm, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành; Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn; Cổng thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập, đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Năm 2016, Hội báo toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức thay cho Hội báo Xuân 5 năm một lần. Các năm 2017, 2018, 2019, Hội báo toàn quốc đều được tổ chức thành công (Hội báo toàn quốc năm 2020, 2021 không tổ chức do đại dịch toàn cầu Covid-19), bao gồm nhiều hoạt động nghiệp vụ báo chí, văn hoá, thông tin, xã hội phong phú, là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn liền với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước; tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng.

Báo chí Việt Nam phải đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa để phát triển đất nước

Cùng với các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua tiếp tục được triển khai một cách chủ động, tích cực, góp phần triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với giới báo chí và nhân dân các nước; nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Các cấp hội đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nhà báo Việt Nam, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cấp Hội tiếp tục rà soát, kiện toàn xây dựng hệ thống tổ chức Hội theo hướng tinh giảm đầu mối trực thuộc Trung ương Hội.

Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội nhà báo Việt Nam cũng như đội ngũ những người làm báo cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục đó là: Việc tổ chức quán triệt, thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp còn mang tính hình thức; trách nhiệm giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, quản lý hội viên còn buông lỏng, nội dung, phương thức, chất lượng hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...

Đồng chí Võ Văn Thưởng mong rằng, giai đoạn tới, các cấp hội, đội ngũ những người làm báo cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí Việt Nam phải đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa để phát triển đất nước
Các đại biểu bỏ phiếu Bầu Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam

Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Báo chí Việt Nam phải đổi mới, đóng góp nhiều hơn nữa để phát triển đất nước
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt

Trước đó, tại phiên trù bị, Đại hội đã bầu 52 đồng chí vào Ban chấp hành; 15 đồng chí trong Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đình Dũng - Phạm Tiệp

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.