17:03 | 23/11/2021
Chú trọng xây dựng giá trị con người
Xây dựng hệ giá trị con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người và luôn được đề cao, coi trọng tại nhiều quốc gia.
![]() |
Lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, con người Việt |
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam luôn được thử thách, tôi luyện để hình thành nên nhiều giá trị tốt đẹp, đó là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Đây là những giá trị đặc trưng có tính chất căn bản nhất trong các giá trị của con người Việt Nam. Những giá trị này được hun đúc và tỏa sáng qua hàng nghìn năm lịch sử, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, qua 35 năm công cuộc đổi mới đất nước và đạt được những thành tựu lớn.
Do vậy, việc xây dựng chuẩn mực giá trị văn hóa và con người luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tại Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Trong thời đại mới, các giá trị đạo đức truyền thống càng phải được gìn giữ, phát huy và đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Từng bước hình thành nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp; tính chuyên nghiệp, hiệu quả; đề cao, tôn trọng con người; dân chủ xã hội từng bước được mở rộng và phát huy cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã làm cho con người Việt Nam đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
Cho tới cuối nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, cũng nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Giá trị con người thời đại mới
Trong 2 năm qua, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cả đất nước lại cùng đồng lòng chống dịch. Mọi giai tầng trong xã hội, từ những người ở tuyến đầu đến những người dân, già, trẻ, gái, trai đều mang trong mình tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân; đã có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương, người dân gặp khó khăn từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nhân và nhà hảo tâm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của nhà nước, sự tập hợp lực lượng của Mặt trận Tổ quốc các cấp, cả hệ thống chính trị, các giới, các lực lượng, tiêu biểu là ngành y tế, quân đội, công an, công đoàn, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, nông dân, báo chí, văn hóa, văn nghệ… đã hăng hái đi đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Nhiều công trình, tác phẩm văn hóa, văn nghệ ra đời để động viên, khích lệ, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu; nhiều đơn vị văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sỹ đã hăng hái đi vào vùng tâm dịch… Những giá trị, tinh thần tốt đẹp ấy chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc, đã và sẽ thôi thúc mỗi người Việt cống hiến hết mình trong lao động, sáng tạo, vì một Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Cũng trong năm 2000, trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu đã chỉ ra, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt bình đẳng giới. Với chỉ số phát triển giới 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đưa Việt Nam vào nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.
Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới.
Những bước tiến ấy, có vai trò quan trọng của Đảng trong phát huy sức lao động sáng tạo của mọi giai tầng xã hội; xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu xác định hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn mới và tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hiện thực hóa hệ giá trị ấy trong thực tiễn là nhiệm vụ vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Xây dựng và phát triển văn hóa phải có con người văn hóa và con người là mục tiêu của phát triển. Chính vì thế, hệ giá trị gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/xay-dung-con-nguoi-viet-nam-thoi-dai-moi-167859.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.