Nâng cao năng suất: Giải pháp hữu hiệu vượt đại dịch

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến các doanh nghiệp (DN) một lần nữa rơi vào khó khăn, nhiều DN đã phải dừng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng. Để vượt qua khó khăn trong điều kiện giãn cách, nâng cao năng suất được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay.

Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Xác định sáng tạo là yếu tố để DN tồn tại, phát triển và cạnh tranh, Ban Giám đốc Công ty TNHH Nhôm định hình Sapa Bến Thành (Tổng công ty Bến Thành) đã quyết định hỗ trợ 100% kinh phí để NLĐ thực hiện sáng kiến, đồng thời đi kèm chính sách khen thưởng xứng đáng. “Với mỗi sáng kiến có giá trị làm lợi, DN sẽ trích 50% lợi nhuận thưởng cho bộ phận thực hiện. Trong năm 2020, tập thể lao động công ty đã thực hiện 7 sáng kiến có giá trị, tiết kiệm cho DN hơn 20 tỷ đồng” - ông Trần Văn Việt - Giám đốc Công ty TNHH Nhôm định hình Sapa Bến Thành - cho biết. Trong đó, điển hình là sáng kiến chế tạo “Máy rửa pillet” do bộ phận bảo trì kết hợp bộ phận ép và khuôn thực hiện. Sáng kiến này tiết kiệm cho DN hơn 1 tỷ đồng/năm.

Nâng cao năng suất: Giải pháp hữu hiệu vượt đại dịch
Khuyến khích, động viên người lao động phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh

Cũng theo ông Trần Văn Việt, sáng kiến hữu ích thì chất lượng sản phẩm được cải thiện, từ đó giúp DN nâng cao sức cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi DN càng phát triển thì việc làm và đời sống NLĐ sẽ được bảo đảm, phúc lợi được nâng cao.

Còn tại Công ty Cổ phần Dược phẩm An Thiên (TP. Hồ Chí Minh), để khuyến khích, động viên NLĐ phát huy khả năng sáng tạo, Ban Giám đốc công ty đã ký bản cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NLĐ phát huy niềm đam mê sáng tạo. Công ty sẽ thưởng 5% tổng giá trị làm lợi nếu sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến liên tục được Ban Giám đốc và Công đoàn cơ sở phát động. Một trong những sáng kiến khiến lãnh đạo công ty tâm đắc nhất là “Cải tiến quy trình sản xuất thuốc tiêm đông khô” của kỹ sư trẻ Nguyễn Trường Đoàn Trung (Phòng Nghiên cứu và phát triển). Sáng kiến này không chỉ giúp rút ngắn thời gian sản xuất từ 20%-30% mà còn tiết kiệm năng lượng và nhân công. Tổng giá trị làm lợi mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là hai trong nhiều DN ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều sáng kiến cải tiến, giúp DN tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Sự vào cuộc của cơ quan quản lý

Nhằm giúp DN vượt qua những khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình “Hỗ trợ DN về năng suất, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo”. Đây là một trong tám chương trình hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố vừa được Sở công bố, nhằm góp phần giúp DN vượt qua những khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19. Các chương trình này được đẩy mạnh triển khai trong tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và sẽ thực hiện xuyên suốt trong năm, tiến đến chào mừng 45 năm thành lập Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình “Hỗ trợ DN về năng suất, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo” dành cho các đối tượng DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố có nhu cầu về tập huấn, huấn luyện, tư vấn; DN cung ứng dịch vụ KH&CN với các nội dung hỗ trợ gồm: Huấn luyện các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về tiêu chuẩn, hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho nhân sự của các DN; huấn luyện các chuyên gia về quản lý năng suất chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ, quản lý đổi mới sáng tạo (bộ tiêu chuẩn ISO 56000), đánh giá Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; tư vấn DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, đo lường, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, dịch vụ thông minh…

Thu Hường

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.