Thúc đẩy thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang lấy ý kiến góp ý lần cuối cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, trong đó có nội dung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu về tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng (EPR). Những quy định này được thể hiện như thế nào trong Nghị định, và nếu Nghị định thông qua thì doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị những gì để hệ thống EPR đi vào hoạt động hiệu quả.

Quy định rõ trách nhiệm

Trên thế giới, EPR là cơ chế được áp dụng rộng rãi, thành công và đem lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường, xã hội và kinh tế, là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Còn tại Việt Nam, EPR được quy định lần đầu tiên tại Luật BVMT 2005 với quy định thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và được cụ thể hóa tại Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, EPR được tiếp tục kế thừa và quy định tại Luật BVMT 2014 với quy định trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và được cụ thể hóa tại Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên EPR gần như chưa được triển khai trên thực tế tại Việt Nam.

Thúc đẩy thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
Nhà sản xuất cần chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm

Đến cuối năm 2020, Luật BVMT 2020 được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, có thay đổi lớn khi liên quan đến EPR quy định 2 trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu gồm: Trách nhiệm tái chế (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55). Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT: EPR lần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Về trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc. Các sản phẩm, bao bì phải được tái chế là sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế, bao gồm pin, ắc quy; thiết bị điện và điện tử; săm lốp; dầu nhớt; ô tô, xe máy; bao bì. Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; thuê đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ BVMT Việt Nam để tổ chức tái chế.

Mục tiêu của quy định này nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động tái chế, tăng tỷ lệ tái chế; từng bước thiết lập ngành công nghiệp tái chế và phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Về trách nhiệm xử lý, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa các chất độc hại, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý hoặc không có khả năng tái chế (bao gồm bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu có sử dụng nhựa như một thành phần nguyên liệu) thì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam, để hỗ trợ trực tiếp hoạt động thu gom, xử lý, nghiên cứu, sáng kiến quản lý chất thải sinh hoạt.

Mục tiêu nhằm thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường; đồng thời chia sẻ một phần gánh nặng tài chính cho quản lý chất thải sinh hoạt từ nhà nước sang nhà sản xuất, nhập khẩu.

Đánh giá về điều 54 và 55 của Luật BVMT đưa ra công cụ EPR, nhiều ý kiến đồng tình, đã có phần tiến bộ hơn so với các quy định cũ, giúp đa dạng dòng chất thải, tăng khả năng tiếp cận và độ bao phủ cũng như khắc phục sự bất bình đẳng.

Cần công khai, minh bạch

Dưới góc độ chuyên gia của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), bà Trần Thị Hải – Giám đốc Chương trình phát triển bền vững của WWF - cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, vì vậy phải có chính sách để tránh tình trạng xử lý chất thải bằng công nghệ tái chế thấp. Trong vấn đề này, tính công khai minh bạch, sự tham gia của các bên rất quan trọng, bởi thế, kết quả tái chế cần được kiểm toán độc lập, và mức phải nộp vào Quỹ BVMT cần được công khai.

Việc thực thi EPR được cơ bản DN đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ nhà nhập khẩu, nhà sản xuất có nghĩa vụ thực thi EPR phải là những DN có tác động cũng như quyền quyết định cao nhất tới cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi sản xuất, từ đó tạo ra sự đồng bộ ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, lựa chọn nguyên vật liệu cho tới công đoạn thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, DN cần phải chịu trách nhiệm cho cả những bao bì kém chất lượng, ít giá trị tái chế để thực sự làm giảm áp lực cho hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Đặc biệt cần có sự quan tâm nhất định tới nhóm DN vừa và nhỏ. Những DN lớn có những chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ thực hiện EPR.

Chia sẻ cùng mối quan tâm đến cơ chế EPR, ông Đỗ Thanh Bái – Hội Hóa học Việt Nam - đề xuất, nên lồng ghép chặt chẽ với nền kinh tế tuần hoàn và hạn chế nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Nếu không siết chặt nhập khẩu phế liệu thì không giải quyết được rác thải trong nước, đặc biệt là nhựa và giấy. Điều này cần động viên DN hướng vào công nghệ tái chế để thực sự EPR có hiệu quả.

Chúng ta có thể hiểu, ERP là một cách tiếp cận trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Theo đó, ERP yêu cầu nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; chuẩn bị cho tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng. Do đó, ERP được coi là cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam.

Các chuyên gia môi trường cũng lưu ý: EPR không phải công cụ vạn năng mà cần được kết hợp với những chính sách về quản lý chất thải khác như thu phí dựa theo khối lượng/ trọng lượng rác thải theo quy định của của Luật BVMT 2020. Khi cả hai chính sách này đi vào hiệu lực sẽ bổ trợ cho nhau trong việc thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn – điều kiện cần để đảm bảo hiệu quả thực hiện EPR cũng như hệ thống quản lý chất thải rắn, qua đó, thúc đẩy một ngành công nghiệp môi trường phát triển bền vững ở Việt Nam.
Thanh Tâm

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.