15:04 | 13/05/2021
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, trong những năm qua, Tuyên Quang đã có những nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 5,24%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt dự toán được giao.
Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã có những kết quả tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 16,3%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10,8%, đã thu hút được 37 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 13.300 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án đóng góp nhiều cho thu ngân sách và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A, 8B, nhà máy chế biến gỗ Tuyên Quang, nhà máy thép Tuyên Quang…
![]() |
Tuyên Quang có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp chế biến nhất là chế biến nông lâm sản. Nền công nghiệp xanh này đã mang lại nhiều giá trị cho người dân nhờ có sự liên kết với doanh nghiệp, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa rộng lớn. |
Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được phát triển đồng bộ, từng bước hình thành các kênh lưu thông các mặt hàng thiết yếu với sự tham gia của các thành phần kinh tế đã thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, góp phần tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất khẩu, cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 119 triệu USD.
Cũng theo ông Tuấn, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng.
“Với một khát vọng để Tuyên Quang bứt phá trong tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện trong 5 năm tới, Tuyên Quang cần huy động nhiều nguồn lực cho phát triển”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Chú trọng phát triển công nghiệp xanh
Xác định phát triển công nghiệp là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và những khó khăn trong phát triển công nghiệp thời gian qua, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề có tiềm năng, lợi thế, có giá trị kinh tế và có hàm lượng công nghệ cao.
Theo ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang: Tại dự thảo Nghị quyết phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã xác định mục tiêu xuyên suốt là không đánh đổi môi trường lấy dự án mà tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp thân thiện với môi trường. Do đó, tỉnh chú trọng đầu tư hiện đại hóa công nghệ sản xuất công nghiệp ở tất cả các ngành nghề, nhất là lĩnh vực tỉnh có lợi thế như chế biến nông lâm sản, cơ khí, chế tạo, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh thu hút các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển nguồn điện như thủy điện, năng lượng điện sinh khối, năng lượng gió.
“Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tăng cả về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh cao như chế biến nông lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện; dệt may, da giày... Để đạt mục tiêu trên, ngành Công Thương sẽ tổ chức đánh giá lại việc phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có; tiến hành quy hoạch rõ ngành nghề trong các khu, cụm công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; mở mới các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ gắn với hình thành đô thị động lực tạo đột phá để phát triển” - ông Cương bày tỏ.
Bên cạnh đó, về mặt cơ chế, hiện tỉnh cần sự hỗ trợ trong việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về công nghiệp, thương mại, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Trong 5 năm tới, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân đạt 14%, cơ cấu lao động ngành công nghiệp chiếm 25,8%, tương đương 127.900 lao động; cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 24,7%. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/tuyen-quang-tap-trung-phat-trien-cong-nghiep-xanh-than-thien-voi-moi-truong-156997.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.