22:01 | 08/01/2021
Bà Natalia Kovalenko - Giám đốc Công ty MoneyCat giải thích đây là do lỗi trên hệ thống đã sai nội dung gửi tới khách hàng qua email, dẫn tới sai về kỳ hạn thanh toán, số ngày vay.
![]() |
Bà Natalia Kovalenko - Giám đốc Công ty MoneyCat |
Lý giải cụ thể bà Natalia Kovalenko cho biết, vào đầu tháng 11, ứng dụng này đưa ra một sản phẩm mới trên thị trường với 2 kỳ hạn thanh toán, trong 30 ngày. Tuy nhiên ngay tại thời điểm tung ra sản phẩm mới MoneyCat đã gặp lỗi dẫn đến lỗi sai nội dung trong email.
Theo đó, có 310 trường hợp khách hàng vay vốn qua app MoneyCat trong khoảng thời gian từ 6/11/2020 đến 28/11/2020 đã nhận được email lỗi này. “Ngay lập tức chúng tôi đã quyết định khấu trừ các khoản phí và lãi suất đối với các hợp đồng cho vay nhận được lỗi email. Theo chúng tôi, đó là quyết định đúng đắn nhất. MoneyCat cam đoan sẽ cẩn thận hơn khi tung ra các sản phẩm mới” - bà Natalia Kovalenko nói thêm.
Được biết trước đó một số báo đã đăng tải thông tin phản ánh của khách hàng ở khu vực TP. Hồ Chí Minh truy cập app MoneyCat để vay tiền. Cụ thể khách hàng này 3,5 triệu đồng và sau khi hoàn tất thủ tục vay hợp lệ khách hàng này nhận được email thông báo thanh toán khoản vay trong 90 ngày, đóng 6 kỳ, 15 ngày đóng 1 kỳ với tổng số tiền phải trả lên tới 17,115 triệu đồng (bao gồm gốc, lãi, phí dịch vụ....). Mỗi kỳ đóng 2.852.500 đồng. Khách hàng này sau đó đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan công an đề nghị làm rõ mức lãi suất mà MoneyCat đưa ra. Tuy nhiên theo MoneyCat thì lãi suất bảo đảm theo đúng quy định của Việt Nam.
Liên quan đến dịch vụ cho vay P2P lending (còn được gọi là cho vay ngang hàng), theo giới chuyên gia, hoạt động này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ 2016 và tới nay có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng. Hiện nay cả nước có khoảng 100 công ty bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan… Đối với khoản vay cá nhân, các công ty đưa ra các gói sản phẩm vay rất đa dạng như vay tín chấp theo lương, vay theo sổ hộ khẩu, vay theo đang ký xe máy, vay trả góp, vay theo hóa đơn điện nước, vay theo đăng ký xe ôtô, cầm ôtô, cầm sổ đỏ... Đối với các khoản vay doanh nghiệp nhỏ như: Tài trợ các khoản phải thu, tài trợ bên mua hàng, tài trợ vốn lưu động, tài trợ thương mại điện tử ...
Đối tượng vay vốn trong mô hình P2P Lending chủ yếu là nhóm người lao động trẻ tuổi, có thu nhập thấp, không tiếp cận được tín dụng chính thức. Dù vậy tới nay khuôn khổ quản lý pháp lý cho lĩnh vực vay ngang hàng ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/vay-truc-tuyen-phai-tra-lai-suat-cao-moneycat-ly-giai-do-loi-he-thong-150697.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.