Gia Lai: Sản phẩm OCOP phát huy lợi thế vùng, miền

Qua một năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của các vùng, miền của tỉnh Gia Lai đã khẳng định được lợi thế trên thị trường.

Mỗi khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt nên đã tạo ra những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau. Thực hiện chương trình OCOP đã mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở các vùng, miền. Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai có chất lượng tốt từ chương trình OCOP là: Cà phê bột, khoai lang Lệ Cần, cá lăng sông Sê San, thịt bò một nắng Krông Pa, mật ong rừng, nấm linh chi, tinh bột nghệ, hồ tiêu Lệ Chí… không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong cả nước.

gia lai san pham ocop phat huy loi the vung mien
Các sản phẩm tiêu biểu của huyện Chư Pưh tham gia hội chợ nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu

Ngay từ đầu năm 2019, huyện Kbang đã chỉ đạo lập kế hoạch triển khai chương trình OCOP cấp huyện theo hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch tại địa phương. Đây là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm đặc trưng của huyện tham gia vào chương trình OCOP. Huyện cũng xác định, tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú như: Trái cây, hạt mắc ca, măng khô, mật ong; dược liệu thu hái từ rừng tự nhiên và dược liệu trồng; dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ, nhạc cụ chế tác bằng tre, nứa, mây tre đan; các di tích lịch sử văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng, du lịch sinh thái… Trên cơ sở đã định hướng, huyện thành lập hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn hợp đồng với chuyên gia Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp – Phát triển nông thôn II tư vấn xây dựng mô hình điểm thành lập HTX nông nghiệp từ các tổ hợp tác gắn với phát triển sản phẩm OCOP, tổ chức lớp tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm và ý tưởng kinh doanh, tư vấn hỗ trợ cho cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP. Thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện Kbang sẽ tiếp tục hướng dẫn các chủ thể đã đạt sao hoàn thiện hồ sơ để tham gia nâng cấp vào năm 2020. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể có ý tưởng, có sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia chương trình OCOP, phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ đặc trưng của huyện.

Năm 2020, huyện Chư Pưh đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để phát triển chương trình OCOP. Trong đó, tập trung chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ về xây dựng kế hoạch sản xuất và đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP huyện, xã và chủ các cơ sở có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, HTX; hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm; xét chọn ý tưởng sản phẩm; tổ chức sản xuất các sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Huyện cũng định hướng các địa phương xây dựng chương trình đề ra một “sân chơi” mở nhưng theo một chu trình, được kiểm soát chặt chẽ, theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng. Điều này sẽ góp phần phát triển sản phẩm, từ ý tưởng cũng như nhu cầu, khả năng thực tế của mỗi cơ sở sản xuất, các địa phương. Hiện nay, huyện Chư Pưh đã có 4 sản phẩm OCOP được tỉnh Gia Lai xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. 6 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã trong huyện đã đăng ký 14 sản phẩm OCOP.

Nhằm tìm ra các giải pháp phát triển chương trình OCOP, gần đây, huyện Chư Pưh đã tổ chức hội thảo bằng hình thức trực tuyến với tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Phó Giáo sư -Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Trần Văn Ơn - Cố vấn OCOP Quốc gia truyền đạt những nội dung liên quan đến OCOP như: Hệ thống tổ chức sản xuất và nguồn nhân lực để thực hiện OCOP; ý tưởng sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm trong nền kinh tế thị trường; trách nhiệm của cả hệ thống trong thực hiện OCOP… Việc tổ chức hội thảo lần này thể hiện sự quyết tâm của huyện Chư Pưh trong việc phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở địa phương.

Sau 1 năm thực hiện chương trình OCOP, đã có 47 sản phẩm đặc trưng của 11 địa phương trong tỉnh Gia Lai được lựa chọn gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để đánh giá, phân hạng. Kết quả, đã có 41/47 sản phẩm được chấm đạt từ 3 đến 4 sao.
Mai Liên

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.