Ngành Công Thương Hà Nội

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid- 19

Để phấn đấu hoàn thành thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 8% trong bối cảnh dịch Covid- 19, ngành Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương, 57 Thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu nguyên liệu đầu vào; rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu...

Nhằm ứng phó với tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid-19), phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội năm 2020, chiều 5/3, tại Hà Nội, Sở Công Thương TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tập trung bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Công Thương thành phố Hà Nội trong điều kiện dịch Covid 19.

Tác động mạnh đến sản xuất, xuất khẩu

Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế không chỉ của các quốc gia tâm dịch mà trên phạm vi toàn cầu. Do tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế các nước trong thời kỳ hội nhập, hoạt động ngoại thương của Việt Nam và thành phố Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay cũng chịu tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 1.728 triệu USD, giảm 19%; trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 18% và xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 35,5%. Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 3.711 triệu USD, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 20,9% và nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm 15,8%.

dong hanh thao go kho khan cho doanh nghiep truoc tac dong cua dich covid 19

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - cho biết, những diễn biến hiện nay của dịch Covid-19 đang khiến cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô rất quan tâm và không khỏi lo lắng ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước.

Trong đó, ngành sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 50% kim ngạch xuất khẩu, 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tính theo cơ cấu sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp thì trên 60% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ thuộc từ 35 – 45% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thậm chí có doanh nghiệp ngành may mặc là 65 - 70% nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc do vậy ảnh hưởng sẽ rất năng nề. Nguyên liệu dự trữ chỉ sản xuất được hết tháng 3, do đó quý II/2020, sản xuất công nghiệp khả năng sẽ không có tăng trưởng.

Nhóm hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc - hai quốc gia đang là tâm dịch virus corona lớn nhất trên thế giới cũng bị ảnh hưởng nặng. Đơn cử nhưCông ty CP Sunhouse bị ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ vì thiếu linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Tuy các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nguyên liệu khác nhưng không thể thay thế được 100% trong thời gian ngắn; mặt khác, khi nguồn cung lớn của thế giới là Trung Quốc bị ảnh hưởng, giá thành nguyên liệu tăng lên khiến sức cạnh tranh bị giảm sút. Vì vậy, mức suy giảm của ngành này khoảng 30% sau từng quý, nếu dịch bệnh kéo dài.

Máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải có nguồn nhập khẩu 25% từ Trung Quốc và 5,7% từ Hàn Quốc ứớc tính suy giảm khoảng 20% với từng quý kéo dài dịch bệnh.

Ông Mạc Quốc Anh cho hay, theo thông tin phản ánh từ các doanh nghiệp, nguyên liệu phục vụ sản xuất chỉ có thể duy trì đến hết quý I/2020. Sau thời điểm này, nếu không có nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ phải dừng hoặc giảm quy mô hoạt động. Việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cũng có những khó khăn nhất định. Với 80% đơn hàng gia công hiện nay, 100% nguyên phụ liệu đều do khách hàng chỉ định nhà cung cấp nên doanh nghiệp Việt Nam không thể tự quyết khi nguồn cung thiếu hụt. Trong trường hợp các doanh nghiệp có thể chủ động những nơi cung ứng nguyên liệu mới như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh… thì giá thành cao hơn Trung Quốc và mất thời gian đàm phán để bù đắp nguyên liệu.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất bị thiệt hại mà các doanh nghiệp thương mại cũng đang chịu chung số phận khi dịch Covid – 19 khiến doanh thu của ngành này giảm sút nhiều.

Kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ

Trước khó khăn do dịch bệnh, nhiều ý kiến đề xuất cho các doanh nghiệp được sử dụng các nguồn vốn ưu đãi để được hưởng lãi suất thấp, vòng thu hồi vốn phải linh hoạt, kéo để doanh nghiệp chủ động nguồn vốn nhập hàng hóa, nguyên liệu dự trữ sản xuất kinh doanh. Đồng thời nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp dãn thời gian nộp thuế…. “Trong thời điểm hiện tại nếu vòng quay vốn như doanh nghiệp thương mại đang vay chỉ 3 tháng phải đáo nợ 1 lần thì rất khó để đáo nợ thời điểm hiện nay”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại và dịch vụ tổng hợp Đức Thành cho hay.

Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Big C Thăng Long - chia sẻ, dịch Covid- 19 ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phân phối hàng hóa với Big C. Do đó, các cơ quan, ban, ngành của TP Hà Nội tới đây cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp vào hệ thống bán lẻ hiện đại; có nhiều nhà cung cấp uy tín mới, giúp người dân có thể yên tâm về nguồn cung hàng hóa, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có nhu cầu cao này.

dong hanh thao go kho khan cho doanh nghiep truoc tac dong cua dich covid 19
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp "vượt bão"

Để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua ‘bão’ Covid-19, qua đó thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, cần cải cách thủ tục hành chính, hải quan cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư các cụm công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ và du lịch về giảm thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giãn thời gian trả nợ Ngân hàng, khoanh nợ…

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương, 57 Thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử, ...); rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu (như thị trường Nga, châu Mỹ Latin, châu Phi), giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Sở sẽ phối hợp với các Sở, ngành, các hiệp hội ngành hàng tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực: hải quan, thuế, đất đai, ngân hàng.

Đặc biệt, tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp tăng cường trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác để giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các tỉnh, thành để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.

Nguyễn Hạnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.