14:49 | 23/04/2019
Hội nhập kinh tế- Điểm sáng của kinh tế Việt Nam
Tham gia hội nghị có đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương liên quan, các tổ chức quốc tế và 63 tỉnh, thành phố. Hội nghị đã nhìn lại quá trình triển khai Nghị quyết 22, khóa XI của Bộ Chính trị và Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế, trong nước đang có nhiều biến động, nhất là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Thủ tướng nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Công tác hội nhập quốc tế trong 5 năm qua đã thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hội nhập kinh tế là điểm sáng của phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 5 năm qua, tạo thị trường ổn định, tăng cường năng lực sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Đồng thời khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong toàn cầu hoá và trong các diễn đàn. Đặc biệt, trong nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định được chỗ đứng, có sự cải thiện đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, và nhiều doanh nghiệp đã tham gia được vào chuỗi giá trị của thế giới.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiện ta đang thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với châu Âu trong năm 2019. Đồng thời, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục được thúc đẩy. Hai FTA với Hàn Quốc và với Liên minh Kinh tế Á - Âu được đưa vào thực thi lần lượt vào ngày 20/12/2015 và 5/10/2016, CPTPP được thực thi từ ngày 14/1/2019 đã và đang tạo xung lực quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Việt Nam đã và đang trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tăng dần từ 22,35 tỷ USD năm 2013 lên 35,46 tỷ USD vào năm 2018. Ngoài dệt may, da giày, các loại nông sản như xoài, nhãn, vải, thanh long đã có mặt tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia.
![]() |
Bên cạnh đó, các hoạt động hội nhập quốc tế trong tổ chức diễn đàn và khu vực thương mại tự do được triển khai tích cực, hiệu quả. Công tác thông tin, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai mạnh mẽ, góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các Bộ ngành, và địa phương đã phối hợp tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, khóa đào tạo... về hội nhập kinh tế, trong đó có các cơ hội, thách thức mà các FTA mang lại và các giải pháp nhằm tối ưu hóa những lợi ích mang lại cho Việt Nam. Hình thức thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện đa dạng thông qua các hình thức khác như báo viết, bản tin, cổng thông tin điện tử. Công tác tham mưu và thể chế hóa chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được tăng cường.
Nâng tầm và đổi mới hội nhập trong giai đoạn mới
Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, không được chủ quan với thành quả đã đạt được mà cần tập trung theo sát tình hình để có đối sách phù hợp. Đặc biệt, đẩy mạnh hội nhập quốc tế với phương châm: “Nâng tầm, toàn diện và sâu rộng, Đổi mới sáng tạo và hiệu quả”. Đối với hội nhập kinh tế, nâng cao năng lực nội tại và khả năng thích ứng của nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc đẩy mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục nghiên cứu các đề án dài hạn, đánh giá sớm tình hình để có bước đi phù hợp, đưa các FTA triển khai có hiệu quả, trong đó cần đặc biệt chú trọng thông tin đến các địa phương, doanh nghiệp.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/hoi-nhap-quoc-te-tao-vi-the-moi-cho-viet-nam-118721.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.