07:00 | 03/02/2019
Theo định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021 - 2030 được Ủy ban Dân tộc đề xuất, để thực hiện hiệu quả những mục tiêu đặt ra cho công tác dân tộc giai đoạn này, mỗi lĩnh vực chính sách sẽ có những ưu tiên cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như nguồn lực hạn chế của quốc gia.
Cụ thể như: Với lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, cần ưu tiên đầu tư đường, hệ thống giao thông kết nối từ vùng sản xuất tập trung có nhiều đồng bào DTTS với các đường xuyên tỉnh, tạo điều kiện phát triển thương mại, sản xuất gắn với thị trường, làm cơ sở để hỗ trợ các vùng DTTS phát triển kinh tế. Trong đó, làm đường nên ưu tiên cho miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ưu tiên hỗ trợ điện cho những vùng sản xuất tập trung, có nhiều đồng bào DTTS như: Vùng sản xuất lúa gạo, cà phê, chè, tiêu, điều; nước sạch ưu tiên cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ…
![]() |
Với lĩnh vực phát triển sản xuất, sinh kế, giảm nghèo bền vững: Ưu tiên chính sách tín dụng ưu đãi mang tính đột phá cho đồng bào DTTS, thời gian vay có thể 5 năm đến 10 hay 20 năm, giúp hộ vay đủ thời gian để triển khai và duy trì phát triển dự án. Kết hợp tín dụng ưu đãi với hỗ trợ khoa học kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, có thể thử nghiệm triển khai bảo hiểm khoản vay, giúp chia sẻ rủi ro. Với lĩnh vực nâng cao chất lượng dịch vụ y tế: Xây dựng trạm y tế tuyến cơ sở, ưu tiên một số vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ. Xây dựng cơ chế thu hút cán bộ chuyên môn tốt về công tác tại các tuyến xã, bệnh viện huyện. Giảm tải những thủ tục hành chính phức tạp; ứng dụng công nghệ thông tin để đồng bào DTTS không phải di chuyển nhiều lần từ nhà đến các cơ sở khám chữa bệnh.
Với vấn đề giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Cùng với việc tập trung xây dựng nhà trẻ mẫu giáo và giáo viên mầm non ở các vùng (ưu tiên Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên); đào tạo nguồn nhân lực nên tập trung vào nhóm thanh niên có sức khỏe, có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại. Đối tượng cử tuyển nên dành cho DTTS rất ít người (16 dân tộc dưới 10.000 người). Xem xét phương án cấp học bổng toàn phần (học phí và chi phí sinh hoạt) cho học sinh DTTS đủ điều kiện đi học trung cấp, cao đẳng, đại học thay vì chính sách cử tuyển…
Bên cạnh những định hướng ưu tiên chính sách trên, với những vấn đề bức xúc kéo dài (suy giảm chất lượng dân số, nguy cơ đồng hóa dân tộc, vùng không có điều kiện phát triển sản xuất), giai đoạn tới, quá trình xây dựng chính sách sẽ phải lưu ý đến một số chính sách hỗ trợ các đối tượng đặc thù, vùng đặc thù như: Chính sách hỗ trợ đặc thù bảo vệ biên giới, quản lý và bảo vệ rừng…
Một số mục tiêu cụ thể của công tác dân tộc đến năm 2025 Giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) bình quân 3%/năm. Giảm ít nhất 40% số xã ĐBKK, 60% các thôn, bản ĐBKK ở các xã vùng II, giảm ít nhất 25 huyện 30a (huyện nghèo nhất nước). Phấn đấu ít nhất 30% số xã vùng DTTS đạt nông thôn mới; có ít nhất 50% số hộ nông dân biết làm kinh tế, nông lâm nghiệp hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng DTTS, thu hút ít nhất đươc 3%/năm sang làm ngành nghề phi nông nghiệp. Phấn đấu ít nhất 90% số người trong độ tuổi tốt nghiệp tiểu học, 80% THCS, 70% học sinh THPT và ít nhất 50% lao động được học nghề. Đảm bảo thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS theo quy định tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/chon-linh-vuc-uu-tien-de-but-pha-117730.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.