Hàng nghìn tỷ đồng sẵn sàng cho vay tới doanh nghiệp ngành lúa gạo

Lãi suất cho vay 6%/năm, hàng nghìn tỷ đồng đã được các “nhà băng” sẵn sàng cung ứng cho các doanh nghiệp ngành lúa gạo để hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân 2019.

Thông tin trên được các ngân hàng thương mại cam kết tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long”, diễn ra sáng nay, 26/2/2019, tại Đồng Tháp.

Theo đó, Agribank, Vietcombank, Sacombank cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo.

hang nghin ty dong san sang cho vay toi doanh nghiep nganh lua gao
Ngành Ngân hàng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về đảm bảo cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp thu mua, tạm trữ, xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định, ngân hàng sẽ dành khoảng trên 9.000 tỷ đồng cho vay các nhu cầu thu mua lúa gạo. Đồng thời cam kết đủ vốn cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ lúa gạo có phương án, dự án khả thi; tăng cường làm việc với các doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân. Theo ông Thành, Vietcombank chia sẻ khó khăn với doanh ngiệp, nông dân với 3 “không”: không lợi nhuận trong cho vay, không lợi nhuận trong thanh toán, không lợi nhuận trong mua bán ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cũng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn, đồng thời, hoàn thiện các phương thức, cách thức cho vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận vốn. Còn ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank đã “vào cuộc” chỉ đạo kịp thời các chi nhánh, cung cấp thông tin đại diện lãnh đạo ngân hàng để giáp quyết các nhu cầu vốn của doanh nghiệp, trong trường hợp có vướng mắc thì gửi thông tin lên HĐQT nhằm tạo điều kiện cho người dân trong tiếp cận vốn sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo…

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất, thời hạn, chu kỳ cho vay phù hợp; góp phần tạo môi trường vĩ mô ổn định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiêu thụ lúa gạo.

Từ sau tết Nguyên đán 2019 đến nay, trước diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu lúa gạo, triển khai Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, NHNN đã chủ động ban hành văn bản số 928/NHNN-TD ngày 18/2/2019 chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho nông dân; các ngân hàng phải làm việc trực tiếp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phối hợp với doanh nghiệp có giải pháp tháo gỡ cụ thể: xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để doanh nghiệp kịp thời thu mua thóc, gạo cho người dân. Đồng thời NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải bám sát diễn biến thị trường lúa gạo, hoạt động tín dụng trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, NHNN các giải pháp đẩy mạnh cho vay phát triển ngành lúa gạo một cách hiệu quả.

Trong điều kiện hiện nay khi thị trường có nhiều biến động, ngành Ngân hàng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về đảm bảo cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp thu mua, tạm trữ, xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo; Tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý- lãnh đạo NHNN khẳng định.

Được biết, cho vay ngành hàng lúa gạo nói riêng và cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung là lĩnh vực được ngành ngân hàng tập trung cấp tín dụng. Dư nợ của lĩnh vực này luôn tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng toàn nền kinh tế

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 12/2018 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019 dư nợ tăng 1% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với khu vực ĐBSCL đến cuối tháng 12/2018 chiếm 17,24% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc; cuối tháng 01/2019 tăng khoảng 0,3% so với cuối năm 2018.

Riêng đối với ngành lúa gạo, năm 2018 có dư nợ đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 29.789 tỷ đồng so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019, dư nợ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng (trong đó ĐBSCL đạt 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%), tăng 0,8% so với cuối năm 2018.

Duy Minh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.