06:08 | 01/02/2019
Người viết bài này cũng từng có cảm giác ấy nhưng may mắn bởi được đi, được "níu" lại cái cảm giác thanh bình đến mộc mạc nơi chợ quê. Từ những khu chợ miền đồng bằng, chợ nơi duyên hải chỉ bán, mua một buổi ngắn ngủi vào bình minh hay chiều tối thường gọi là "chợ mai", "chợ chiều", đến những chợ phiên nơi miền núi họp vài lần trong tháng…
Bữa len lỏi trong đám đông rực rỡ sắc màu vùng cao nơi chợ tình Sa Pa, Khâu Vai và những phiên chợ của đồng bào vùng cao Tây Bắc, tôi đã bị "hớp hồn" bởi rập rìu xiêm áo, véo von sáo, khèn, chếnh choáng men rượu ngô mà nhớ rằng, những chàng trai dân tộc cuồng si trong điệu khèn Hoẵng mắc dây. Họ hát: Mình chưa có vợ/mình lên đường đi tìm/bố mẹ mình làm bữa cơm sớm/thế là mình xuống chợ/mình len vào đám đông/ mình tìm xem cô nào chưa chồng… Và đáp lại, những cô gái vùng cao má đỏ hồng ánh lửa, giọng đằm thắm hơi men: Nếu ta là chiếc lá/ta xin tan dưới bàn chân chàng/nếu ta là hạt mưa sương/ta xin tan trên bàn tay chàng.
![]() |
Rồi đêm mồng 7 Tết năm nào, trong phảng phất mưa xuân, cơn gió se lạnh từ cánh đồng làng đưa vào mùi hoang hoải của rạ, rơm khô, ngái ngái hương đất cày ải chờ vụ cấy Xuân, những món đồ cũ hơn cả thời bao cấp được bày ngay trên nền đất… Chợ Viềng, nơi người bán, kẻ mua giao tiếp trong hơi thở, nhẹ như sợ bay đi những may mắn của một năm mới.
Và một sáng tinh mơ nơi chợ phiên làng nón Chuông. Đâu đó vài tiếng gà gáy trong ngái ngủ, những bà, những cô với quang gánh lỉnh kỉnh nan tre, sợi guột, lá buông cùng những chồng nón trắng tinh sương đã có mặt trong sân đình đợi khách. Bỏm bẻm nhai trầu để nụ cười hồng tươi nơi khoé miệng, họ bán mua, trao đổi cái tinh tuý của làng nghề, nét hồn Việt hơn là bán hàng.
Nhiều, còn nhiều những phiên chợ quê mộc mạc chỉ có vài mái tre, mái lá. Người địa phương vẫn chờ được đi chợ như đi lễ hội, họ đến chợ không chỉ để bán, mua mà hơn thế là bởi nhu cầu gặp gỡ, giao lưu văn hoá và cố kết nghĩa tình, trao gửi tình cảm nồng thắm và có cả những nuối tiếc của những chàng trai, cô gái… với những nét rất riêng mang yếu tố vùng, miền, mang dấu ấn đặc sắc gắn với lịch sử và đời sống tâm linh của đồng bào.
Dù còn mang tính tự cấp, tự túc nhưng chợ quê không vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với cuộc sống thường ngày. Hàng hoá nơi chợ quê đơn giản nhưng phong phú lắm, từ mớ rau, củ khoai trong vườn nhà hay con gà, con vịt nhà nuôi, con cá, lọ tương, mắm muối, vải vóc, áo quần, những nông cụ gắn bó với cuộc sống sản xuất hàng ngày. Chợ quê còn đặc biệt bởi không thể thiếu những món quà vặt giản dị như xôi, chè, ngô nướng, bánh đa quê vừa túi tiền, ai ưng thì mua về làm quà hay cứ ngồi xuống ăn thoải mái. Buổi chợ toát lên cái giản dị, dân dã, mộc mạc, thân quen và tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt.
Nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế, chợ quê giờ không còn nhiều như trước, đâu đó, nó đang dần mai một và có dấu hiệu lu mờ. Chả thế mà nơi chợ tình Sa Pa, Khâu Vai, trong khi các chàng trai, cô gái mải miết hát giao duyên thì bên kia, dãy hàng hội chợ loa công suất lớn thản nhiên xập xình những ca khúc của người Tây; chợ Viềng đêm Xuân ấy đã có vị khách khiếu nại với người viết về món hàng giả cổ tinh vi quá; rồi vẫn chủ yếu là nón làng Chuông nhưng nghệ nhân làng nón Lê Văn Tuy tâm trạng lắm khi đứng bên chồng nón nhựa Trung Quốc mà bảo rằng, "cứ thế này còn đâu cái tinh tuý của làng nghề ở cái tuổi hơn 300 năm có lẻ".
Rồi những BigC, những Mediamart, những Metro, những trung tâm thương mại, những chợ huyện, chợ trung tâm xã được đầu tư xây dựng mới khang trang với bê tông sắt thép. Hàng quán ngang bằng, xổ thẳng khô khan cùng loa đài, ánh sáng trang hoàng hơn đám cưới mọc lên khắp nơi. Công bằng mà nói, đó cũng là mong đợi của mọi người. Hình như cũng vì thế mà người đi chợ, dù là chợ quê, ngày nay cũng khác, họ như vội vã hơn, lạnh nhạt hơn khi "tiền trao, cháo múc", và cạnh họ, dù vẫn là người làng, vẫn bà bác, ông chú trong họ nhưng cùng đã có rất nhiều khách du lịch phương xa. Họ chụp ảnh, họ selfie và cười đùa tự nhiên lắm.
Bất giác nhớ mấy câu thơ đầy tâm tư của nhà thơ Nguyễn Bính từ hơn 80 năm trước, rằng: "Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều", người viết phân vân, phải chăng từ ngày ấy thi sỹ đã lo sự phồn vinh phố thị làm phai nhạt hồn quê?.
Tự thấy mình không phải là người quá hoài cổ và cũng hiểu rằng, trong xu hướng phát triển thì sự đổi thay của phương thức giao thương là không thể đảo ngược. Nhưng vẫn níu kéo mà rằng, làng là chốn duy nhất mà mỗi người con tha hương, dù có đi đến góc biển chân trời không bao giờ cảm thấy xa xôi, nhưng hồn chợ quê, nơi làng quê đang phai nhạt, như mất mát chút gì đã từng dưỡng nuôi trong ký ức.
Đi giữa chợ quê mà vẫn thấy nhớ chợ quê...
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/cho-que-con-lai-chut-gi-115339.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.