Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành nông nghiệp phải khơi gợi khát vọng của dân tộc

Ngành nông nghiệp phải khơi gợi khát vọng của dân tộc, phấn đấu 10 năm nữa lọt vào nhóm 15 quốc gia nông nghiệp lớn nhất thế giới, Việt Nam phải trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ thế giới, sản xuất tôm trong nhóm đầu thế giới.

Sáng ngày 3/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

thu tuong nguyen xuan phuc nganh nong nghiep phai khoi goi khat vong cua dan toc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành nông nghiệp phải khơi gợi khát vọng của dân tộc

Tăng trưởng nông nghiệp cao nhất trong 7 năm qua

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, các chỉ tiêu chủ yếu tổng hợp của ngành Nông nghiệp năm 2018 đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. Cụ thể, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây, giá trị sản xuất tăng 3,86%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; kim ngạch xuất khẩu (XK) 40,02 tỷ USD; Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu.

Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, XK đạt kỷ lục mới, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường, nhất là những thị trường lớn và các mặt hàng thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar; vú sữa vào Hoa Kỳ; chôm chôm vào New Zealand; chanh leo vào EU...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn nhiều thách thức. Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị và công tác dự báo cung, cầu còn bất cập; việc “giải cứu” thịt lợn là bài học sâu sắc; chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; sản phẩm cây công nghiệp giá cả bất lợi; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn rất khó khăn, phức tạp...

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - nhận định: Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có nút thắt ở việc tích tụ ruộng đất. Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có cơ chế chính sách để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là cây lúa và cây ăn quả. Bên cạnh đó, Bộ cần nghiên cứu bổ sung một số chính sách phát triển nông nghiệp, hướng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn hiện đại phù hợp với lợi thế địa phương, làm động lực cho địa phương phát triển.

Ngành nông nghiệp cần nâng tầm của mình giai đoạn mới

Năm 2019, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch XK khoảng 42 - 43 tỷ USD;... Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tích cực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường XK; triển khai hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại.

Về phía doanh nghiệp (DN), để đạt được mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra cho năm 2019, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Giống cây trồng Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần tháo gỡ các nút thắt. Theo đó, phải phát triển ngành công nghệ giống cây trồng Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu cho thiết bị chế biến, xem xét lại thuế đối với thuế thu nhập cá nhân vì DN nông nghiệp rủi ro cao; cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, các ý kiến của địa phương và DN tập trung vào thể chế, cơ chế, chứ không đề xuất ưu đãi. Đây là hướng đi rất quan trọng cho Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ giải quyết.

Trả lời câu hỏi tại sao ngành nông nghiệp năm 2018 đạt được thành tích tốt như vậy? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hướng vào mục tiêu phục vụ cụ thể cho DN. Thể hiện rất rõ ở cả cải cách hành chính, điều kiện kinh doanh, tiếp cận thị trường, chất lượng sản phẩm...

Tuy nhiên, năm 2019, Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,… Chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian tới yêu cầu ngành nông nghiệp cần nâng tầm của mình lên giai đoạn mới. Đây sẽ không còn là câu chuyện của Trung ương, địa phương với DN mà cần chung tầm nhìn với nhau.

thu tuong nguyen xuan phuc nganh nong nghiep phai khoi goi khat vong cua dan toc
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ cùng nhau thống nhất chương trình hành động của 2 Bộ

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, cần khắc phục cho được những hạn chế, trước hết là công tác phát triển thị trường. Năm 2018 XK nông lâm thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD, năm 2019 có thể lên 42-43 tỷ USD không? Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năng lực sản xuất làm được nhưng phải khai thác được thị trường các nước tham gia CPTPP, EVFTA,… Do đó, cần phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật của các nước.

Lấy ví dụ về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, mặt hàng sữa đã vào Trung Quốc, không có lý gì mặt hàng khác không vào được. Câu chuyện chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để chiếm lĩnh và giữ vững thị trường.

Đồng tình với ý kiến của các Bộ ngành, câu chuyên liên quan đến thương hiệu dựa trên nền tảng chất lượng sản phẩm phải được coi là yếu tố hàng đầu. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ cùng nhau thống nhất chương trình hành động của 2 Bộ, sắp tới sẽ cùng rà lại từng vùng kinh tế trọng điểm theo từng ngành, sản phẩm mà trước tiên sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm nông nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, cần chủ động đánh giá thị trường, tổ chức công tác đào tạo cho người nông dân, người sản xuất, hiệp hội ngành hàng về hội nhập.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: Trong năm 2019, khi câu chuyện tiền tệ, tín dụng sẽ là yếu tố tác động rất mạnh đến năng lực của sản phẩm cũng như DN. Do đó, cơ chế điều hành linh hoạt, kịp thời dựa trên bài học kinh nghiệm tốt trong năm 2018 của Chính phủ trong chính sách XK và sự phối hợp kịp thời giữa các Bộ, ngành Công Thương, NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước cần phải được tiếp tục phát huy.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phải khơi gợi khát vọng của dân tộc, phấn đấu 10 năm nữa lọt vào nhóm 15 quốc gia nông nghiệp lớn nhất thế giới, Việt Nam phải trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ thế giới, sản xuất tôm trong nhóm đầu thế giới. Tăng trưởng nông nghiệp năm 2019 ít nhất 3%, xuất khẩu nông sản đạt khoảng 43 tỷ USD. Cần tìm tòi mọi cách để vượt qua các mục tiêu này, nếu không đạt được, đời sống nông dân sẽ vẫn còn khó khăn.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần có thể chế pháp luật tốt để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến. Phải tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn trong đó có sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm đặc sản các địa phương. Phải phân tích, nghiên cứu thị trường và tìm kiếm thị trường mới, xây dựng thương hiệu Việt Nam, từ gạo, lúa tôm, cá. "Phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như cá tra, gạo, công tác này Việt Nam đang “trầm” hơn so với Thái Lan và Campuchia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghê, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn vào phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nhấn mạnh tiêu chí thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các DN, các hiệp hội ngành hàng cần được chú trọng hơn nữa, để thu hút DN đầu tư vào ngành nông nghiệp, không chỉ dừng ở con số 8%.

Nguyễn Hạnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.