06:00 | 28/11/2018
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, dự kiến, diễn đàn năm nay gồm hai nhóm nội dung chính: Thứ nhất, Việt Nam trước những sự kiện nổi bật và xu thế mới trong kinh tế, thương mại quốc tế; đề xuất quan điểm chính sách phù hợp để ứng phó với diễn biến mới của tình hình hội nhập thế giới và khu vực. Thứ hai, vấn đề thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam; cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế, tiếp cận thị trường.
![]() |
Diễn đàn năm nay được tổ chức trên cơ sở tiếp nối thành công của Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 với chủ đề "Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới" đã thu hút nhiều khuyến nghị chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… Các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và các khuyến nghị tại diễn đàn năm 2017 đã tạo cơ sở cho việc xây dựng Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc "đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn". Sau đó, tại Phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lần thứ nhất năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban đã chỉ đạo tổ chức diễn đàn năm 2018, hướng tới tổ chức thường niên và có xem xét mở rộng về quy mô quốc tế với các đối tác quan trọng của Việt Nam.
Đáng chú ý, Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào tháng 3/2018 và Quốc hội biểu quyết phê chuẩn hiệp định vào ngày 12/11. Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất tách hiệp định bảo hộ đầu tư ra khỏi FTA hồi tháng 6 để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định này… Trong khi đó, trên thế giới, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đe dọa nghiêm trọng tới tự do hóa thương mại và hệ thống thương mại đa phương...
Những sự kiện này đòi hỏi Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, chủ động các giải pháp cho giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-trong-tinh-hinh-moi-chu-dong-doi-moi-thiet-thuc-va-hieu-qua-112404.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.