Công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam - Cơ hội cho các nhà đầu tư

Tại hội thảo “Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm” diễn ra bên lề triển lãm Vietnam Foodexpo 2018, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định: mặc dù còn nhiều thách thức nhưng công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam còn nhiều dư địa và cơ hội lớn cho các nhà đầu tư .  

Tiềm năng và thách thức

Các báo cáo tại hội thảo chỉ rõ, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.

cong nghiep che bien thuc pham viet nam co hoi cho cac nha dau tu
Các chuyên gia trong nước và quốc tế phân tích về cơ hội cho nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm Việ t Nam

Hiện thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam, chiếm khoảng 35% mức chi tiêu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và đang có xu hướng gia tăng. Thói quen sử dụng thực phẩm chế biến và xu hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, hữu cơ ngày càng phổ biến với mức tăng trung bình 9,12%/năm (đối với thực phẩm chế biến) và 11,28%/năm đối với đồ uống. Chỉ riêng năm 2017, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tăng trưởng mạnh với 18%... Những con số trên đã cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm - đồ uống rất tiềm năng.

Về phía thị trường xuất khẩu, bà Trần Kim Oanh, Giám đốc trung tâm Xúc tiến đầu tư – Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017, chỉ riêng xuất khẩu rau quả Việt Nam đã trên 3,5 tỷ USD (vượt cả dầu thô) và đã vào được nhiều thị trường khó tính ở châu Âu. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới đến 164 nước và vùng lãnh thổ trong đó, các thị trường chính là EU, Mỹ và Nhật bản chiếm 54% tỷ trọng.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) cũng nhìn nhận: Thương mại hai chiều Việt Nam – EU đang gia tăng nhanh chóng và Việt Nam đang xuất siêu vào châu Âu. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê duyệt đầu năm 2019 sẽ thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai. Các loại rau củ quả, thủy sản của Việt Nam sẽ xuất khẩu mạnh hơn vào EU. Nhưng quan trọng, Việt Nam cần quan tâm đến các chuỗi thực hành về an toàn thực phẩm vào EU. Vì tuy chúng ta được giảm thuế nhưng sẽ có các rào cản kỹ thuật thương mại (TBT); Qui định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) và chỉ dẫn địa lý (GIs)... bắt buộc vào EU.

Vùng nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, sản lượng nông thủy sản phong phú, Việt Nam có những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm vẫn còn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao, chưa chú trọng đến gia tăng giá trị an toàn toàn thực phẩm là những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang phải đối mặt.

Còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, thách thức về công nghệ, thực hành chuỗi gia tăng giá trị và an toàn thực phẩm trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.

cong nghiep che bien thuc pham viet nam co hoi cho cac nha dau tu
Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế

Bà Trần Kim Oanh phân tích: qui mô cuả ngành chưa lớn, chỉ chiếm tỷ trọng 2,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng có tổng doanh thu chiếm 7,3% tỷ trọng của cả nước và tỷ suất sinh lời 8%, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2016 là 12,5%/năm. Về xu hướng phát triển các ngành hàng: chế biến thuỷ sản, sữa và sản phẩm từ sữa và nông sản là những ngành hàng đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là thuỷ sản. Chỉ riêng 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,3 tỷ USD. Còn ngành sữa Việt Nam đang thay đổi vị thế từ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sang chủ động đầu tư, sản xuất... đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: an toàn thực phẩm là nút thắt nhưng cũng là yếu tố bổ trợ để gia tăng hàng thực phẩm vào châu Âu nếu giải quyết được nút thắt này. Năm 2017 xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đạt 36,5 tỷ USD. Tuy nhiên thị trường nội địa cũng đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm nông sản thực phẩm. Theo ông Toản, sơ chế, bảo quản và đóng gói rất quan trọng cùng với mảng chế biến sâu để gia tăng giá trị. Đây là 2 mảng cần gia tăng đầu tư trong công nghiệp chế biến thực phẩm ở Việt Nam.

Đứng ở góc độ cơ quan hoạch định chính sách, ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích: Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Việt Nam có 10% dân số ở tầng lớp trung lưu và sẽ gia tăng mạnh nên tiêu dùng về lương thực thực phẩm an toàn sẽ lớn. Về vốn FDI, hiện Việt Nam thu hút trên 22.000 dự án với tổng vốn đăng ký trên 336 tỷ USD, đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm lại chưa nhiều, chỉ có 770 dự án với 11,2 tỷ USD (chưa tính M&A và mua cổ phần). Trong khi đó, Việt Nam đang có rất nhiều chính sách ưu đãi vào lĩnh vực này. Hiện phần lớn các dự án đầu tư vào chế biến nông nghiệp đều nằm trong khu vực được hưởng ưu đãi cao nhất như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ từ 10-15% (bình thường là 20%); ưu đãi tiền thuê đất... Thủ tục cấp phép đầu tư được thực hiện chỉ trong vòng 15 ngày và ngày càng đơn giản hóa. Hiện Việt Nam đang thực hiện đề án thí điểm Chính phủ làm thủ tục cấp phép đầu tư trực tuyến.

Theo ông Yuho Richark Kim - Công ty Luật Baker & McKenzie, ngoài cơ hội đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam là xu hướng đầu tư nhanh theo hình thức M&A vào lĩnh vực này. Chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, hàng loạt các thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam đã diễn ra thành công điển hình là Thai Beverage mua 53% cổ phiếu SABECO với giá trị gần 5 tỷ USD; Singha Group mua cổ phần của Masan Group với 470 triệu USD... Theo ông Richark Kim, M&A trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư nhanh lựa chọn.

Trên thực tế, hấp lực để đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam đã được minh chứng từ chia sẻ của ông Lee Dong - Hoon đến từ công ty CJ CheiJeDang qua bài học thành công của công ty này tại thị trường Việt Nam khi đầu tư và mua lại cổ phần của Công ty Cầu Tre và Minh Đạt.

Minh Long

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.