06:04 | 14/10/2018
Còn nhiều vi phạm
Ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế - cho hay, khoảng 40 năm nay, nước đóng bình, đóng chai; nước đá dùng liền đã trở thành hàng tiêu dùng thường xuyên của người dân. Việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) mặt hàng này để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng được các cấp, ngành và người dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về ATTP còn nhiều. Ở một số địa bàn, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc kiểm soát ATTP nói chung cũng như kiểm soát ATTP nước uống đóng chai, đóng bình nói riêng, khiến những sai phạm còn nhiều.
![]() |
Kiểm soát chất lượng nước đóng bình gặp nhiều khó khăn |
Trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội - cho biết, từ đầu năm đến nay, đã thanh tra, kiểm tra 416 cơ sở trên toàn thành phố. Kết quả, có 44 cơ sở dừng hoạt động, đóng cửa; 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 226 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn. Phòng Công tác thanh tra (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 3 vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không bảo đảm ATTP; không chấp hành pháp luật về chất lượng, mẫu mã…
Đẩy mạnh công tác hậu kiểm
Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai gặp nhiều khó khăn do không ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện; khi cơ sở thôi hoạt động hoặc sản xuất thử cũng không có báo cáo về phía cơ quan quản lý. Do đó, ông Trần Ngọc Tụ đề nghị, phòng y tế địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở trên địa bàn để nhanh chóng phát hiện cơ sở không bảo đảm. Bên cạnh đó, phải rà soát thường xuyên cơ sở sản xuất trên địa bàn; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong quản lý loại nước uống này, đặc biệt khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Cao Văn Trung - Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế) - chia sẻ, đang có sự chuyển đổi về tư duy quản lý của các cơ quan thẩm quyền, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Vì vậy, nên để các DN tự công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm của cơ sở sản xuất sản phẩm tiêu dùng; cần công khai những vi phạm của các cơ sở sản xuất trên phương tiện truyền thông để người dân nắm được.
Vấn đề hậu kiểm về ATTP được chuyên gia đánh giá cao. Công tác hậu kiểm sẽ ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Nhiên- Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế: Công tác quản lý ATTP nước đóng bình còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho người dân, người sản xuất, chủ doanh nghiệp. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/nhieu-sai-pham-110170.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.