06:10 | 15/10/2018
![]() |
Việc sáp nhập Fivimart sẽ tăng sức mạnh cho VinMart |
Theo thông tin từ Vingroup, mới đây, tập đoàn này đã hoàn thành việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart. Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce - công ty con của Vingroup sẽ chính thức nắm giữ toàn bộ hệ thống gồm siêu thị Fivimart. Sau khi toàn tất sáp nhập, hệ thống Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.
Như vậy, sau khi thương vụ hoàn tất, VinCommerce sẽ sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới năm 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) là hoạt động diễn ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam và việc này thường xuyên được thực hiện theo nhu cầu kinh doanh, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp theo từng giai đoạn.
Thực tế, có những doanh nghiệp giai đoạn này sở hữu chuỗi siêu thị này, nhưng giai đoạn sau bí vốn lại bán đi, một thời gian sau có vốn mua lại, đó là chuyện đã xảy ra với Central Group trước đây sở hữu chuỗi siêu thị Big C. Sau thời gian khủng hoảng kinh tế, họ phải bán chuỗi đó đi cho người Pháp, đến khi muốn mua lại thì mới mua được chuỗi ở Việt Nam là Big C Việt Nam.
Với câu chuyện cụ thể của Fivimart, một thời gian dài, Fivimart là chuỗi phân phối của Việt Nam. Trong 2 năm qua, họ bán cho Aeon 30%và người Việt Nam vẫn giữ vai trò sở hữu.
“Tuy vậy, điều đáng mừng, thương vụ này là của Vingroup, vì đây là chuỗi thuần Việt, lại bán hàng Việt với chiến lược tiếp tục mở rộng hơn nữa thì Bộ Công Thương ủng hộ vì đã hỗ trợ rất lớn cho nhu cầu tiêu dùng hàng Việt của người Việt Nam. Vingroup với chuỗi siêu thị VinMart hiện nay cũng là niềm tự hào của ngành bán lẻ Việt Nam, song song với Saigon Coop”- bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Về tỷ lệ hàng Việt Nam, hiện tại, VinMart, Big C, Lotte… có tỷ lệ khá tương đồng, trong đó VinMart nhỉnh hơn 1 chút. Đó là thành tựu Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) đã đạt được trong suốt gần 10 năm triển khai tại Việt Nam. CVĐ đã vận động các chuỗi bán lẻ, dù có vốn FDI hay thuần Việt thì cũng ưu tiên nhập hàng Việt vào bán trong siêu thị. Đồng thời, việc người Việt Nam chủ động ủng hộ cho hàng Việt Nam cũng là yếu tố giúp tỷ lệ này được giữ vững.
Đồng ý kiến với bà Lê Việt Nga, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia ngành bán lẻ - cho biết, trong ngành bán lẻ, việc mua bán sáp nhập là bình thường, phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu như trước đây, các vụ mua bán sáp nhập chủ yếu diễn ra trong phạm vi các doanh nghiệp nước ngoài thì việc VinMart mua lại Fivimart là việc đáng mừng.
“Các doanh nghiệp nội bây giờ cũng đã xắn tay để hợp tác thành những tập đoàn mạnh. Bản thân Fivimart có 23 điểm bán hàng thì việc sáp nhập sẽ tăng sức mạnh cho VinMart. Chưa kể, việc VinMart có tỷ lệ lớn là hàng Việt Nam, lại gia tăng hệ thống phân phối thì cơ hội tăng tiêu thụ và quảng bá hàng Việt Nam sẽ tăng cao” - ông Vũ Vinh Phú nhìn nhận.
Hiện Fivimart đã có 23 siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các điểm đều xuất hiện ở các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương, thích hợp cho quảng bá và tiêu thụ hàng Việt Nam. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/vingroup-mua-lai-chuoi-sieu-thi-fivimart-dau-an-moi-trong-hoat-dong-ma-110149.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.