WHO và UNICEF kêu gọi tăng cường vi chất trong thực phẩm

Ngày 7/6/2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn, sử dụng muối iốt và bột mì đã bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm.
WHO và UNICEF kêu gọi tăng cường vi chất trong thực phẩm
Ảnh minh họa

Lý do, theo WHO và UNICEF, đây là một nghị định đã được ban hành dựa trên cơ sở các bằng chứng khoa học, về việc cần phải hành động giải quyết thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng của người dân Việt Nam; phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp giúp phòng ngừa, kiểm soát thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, cho thấy cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện sức khỏe cho nhân dân.
Bổ sung vi chất vào thực phẩm góp phần tạo ra một lực lượng dân số khoẻ mạnh, thông minh, sẽ đóng góp nhiều lợi ích cho xã hội và sự phát triển của quốc gia, bao gồm phát triển năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, WHO và UNICEF cho rằng, Nghị định 09 chưa được thực hiện sau hơn hai năm ra đời, mặc dù tăng cường vi chất vào thực phẩm là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thiếu hụt iốt là nguyên nhân chính dẫn đến mất khả năng trí tuệ ở trẻ em, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ. Việt Nam đang nằm trong nhóm 19 nước còn lại trên thế giới bị thiếu iốt. Việc bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến và các loại gia vị mặn, dầu ăn và bột mì, đã được toàn cầu ghi nhận và là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Ước tính mỗi USD chi cho việc bổ sung iốt vào muối và tăng cường vi chất vào bột mì sẽ mang lại lợi ích 10 USD.

WHO đã khuyến cáo, toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường iốt để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu iốt gây ra. Đã có các chứng cứ khoa học trên toàn cầu về việc sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm không gây ra các tác động bất lợi nào tới màu, mùi và vị của thành phẩm.

WHO cũng đề nghị bổ sung vi chất vào bột mì khi đa số dân trong một quốc gia thường xuyên tiêu thụ bột mì được chế biến công nghiệp. Trong số 108 quốc gia đang bắt buộc bổ sung iốt vào muối ăn, có 98 nước yêu cầu dùng muối đã bổ sung iốt cho thực phẩm chế biến.

Theo đánh giá của WHO và UNICEF, trong hai năm qua, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất tích cực vì sức khoẻ cộng đồng, phòng chống và kiểm soát thiếu hụt vi chất, cần tiếp tục tăng cường thực hiện Nghị định 09, trong đó bao gồm đảm bảo thực phẩm được chế biến bằng muối iốt và bột mì đã được bổ sung vi chất, các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ qui định này. Doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định 09.

Ở Việt Nam, phần lớn nguồn muối và bột mì được tiêu thụ là từ thực phẩm chế biến và bữa ăn ngoài gia đình. Do đó, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm qui định trong Nghị định 09 không phải là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và ngành công nghiệp thực phẩm. Thậm chí, doanh nghiệp còn có cơ hội miễn trừ những trường hợp hãn hữu khi chứng minh được có các tác động tiêu cực đến sản phẩm hoặc doanh thu cuối cùng.

WHO và UNICEF cho rằng, bắt buộc bổ sung vi chất vào muối, bột mì và dầu ăn là những biện pháp quan trọng giúp thực hiện Nghị Quyết 20/NQ-TW mới đây của Trung ương Đảng về nâng cao sức khoẻ nhân dân, thúc đẩy phát triển vốn con người của Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Liên hợp quốc về Thập kỷ Hành động vì dinh dưỡng. WHO và UNICEF khẳng định, sẽ luôn sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ việc thực hiện Nghị định 09./.

Ngọc Quỳnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.