Doanh nghiệp dệt may bán nội địa vẫn thờ ơ trước Thông tư 21

Từ ngày 1/5 tới, tất cả các doanh nghiệp dệt may bán hàng tại thị trường trong nước phải tuân thủ theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Tuy nhiên, theo thông tin mà Hiệp hội dệt may nắm được, đến thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ trong ngành dệt may lại khá thờ ơ, thậm chí không biết về thông tư này.

Doanh nghiệp dệt may bán nội địa vẫn thờ ơ trước Thông tư 21
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng đại diện Vitas tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin cho báo giới ngày 20/4

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng đại diện Vitas tại TP. Hồ Chí Minh đã cho biết tại buổi họp báo về tình hình ngành dệt may quí 1/2018 của ngành may Việt Nam.

Theo bà Mai, hiện nay ngành dệt may Việt Nam có tới 80% doanh nghiệp làm xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp làm hàng bán nội địa chỉ chiếm khoảng 20%. Trong số này, đa số là doanh nghiệp nhỏ, không tham gia vào hiệp hội; chỉ có số ít đơn vị là thành viên của Vitas nhưng khi hiệp hội đưa thông tin dự thảo về thông tư 21 để doanh nghiệp góp ý thì đa phần thờ ơ. Tới nay khi Bộ Công Thương đã ban hành thành thông tư họ mới bắt đầu lo lắng, gọi đến hiệp hội than phiền...

Trước thực tế này, bà Mai cho rằng, đến thời điểm 1/5 tới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 21. Mặc dù vậy, bà Mai cũng khẳng định, việc áp dụng thông tư này là bắt buộc và cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nội địa. Do đó, Vitas khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thông tư này để áp dụng đúng theo quy định đã ban hành.

Liên quan đến tình hình xuất khẩu dệt may trong quý 1/2018, đại diện Vitas cho biết, trong quí 1, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước đạt 7,62 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 11,9% của cùng kỳ 2017, đạt 22,4% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Trong đó, riêng mặt hàng may mặc đạt 5,98 tỉ đô la, tăng 12,49%, tăng khá so với mức 9,7% của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng xuất khẩu rất tốt. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất về nhóm mặt hàng này của Việt Nam chiếm khoảng 48,56%; các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đứng thứ hai. Thị trường EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... cũng có tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng mừng hơn, hiện tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quí 3 và cả năm nay. Với triển vọng như vậy, Vitas dự báo mục tiêu xuất khẩu 34-34,5 tỉ đô la cho ngành của cả năm 2018 là rất khả quan.

Mai Ca

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.