Sẽ hạn chế được hiện tượng trốn thuế, chuyển giá
Bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, các doanh nghiệp FDI lớn hiện nay đang rất quan tâm tới việc Quốc hội thảo luận về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vì liên quan trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên |
Nhiều doanh nghiệp FDI đang được hưởng những ưu đãi nhất định về thuế thu nhập doanh nghiệp trong suốt cả vòng đời dự án, kể cả khi đã hết thời hạn về ưu đãi thuế và nếu áp dụng chính sách mới này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn của dự án... mà trước đây đã được ưu đãi như đã ghi trong giấy phép đầu tư.
Bà Tạ Thị Yên đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ khi cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, và cũng không phải là cam kết quốc tế, nên không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy có nghĩa là, dù mình có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI như thế nào đi nữa (dưới 15%), thì các quốc gia khác cũng sẽ thu của doanh nghiệp đó phần chênh lệch.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, Việt Nam cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp và theo quy định của Hiến pháp thì Quốc hội sẽ xem xét, quy định việc này.
Hơn thế nữa, theo giải trình của Bộ Tài chính thì thuế tối thiểu toàn cầu không mâu thuẫn với quy định về bảo hộ đầu tư với các quy định về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, đối xử đầu tư, bồi thường thiệt hại, trưng dụng, chuyển tiền và thế quyền của các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết.
Bà Tạ Thị Yên cũng đồng tình với quan điểm là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là khoản thuế mới, bổ sung thêm so với thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, chưa được quy định trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vì vậy, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết quy định về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo đề nghị của Chính phủ.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời cũng hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Đại biểu cũng đồng tình với đề nghị của Chính phủ về thời hạn áp dụng từ năm tài chính 2024, trùng với lộ trình chung của các nước, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm, tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.
“Tôi cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu gồm 8 Điều, áp dụng cho các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ như trong Tờ trình của Chính phủ” - đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Sau khi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính cần có đánh giá tác động của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thu ngân sách nhà nước để từ đó cân đối lại ngân sách nhà nước trung hạn 5 năm 2021 - 2025, rà soát, điều chỉnh chính sách chi, có thể là tăng chi cho đầu tư phát triển, báo cáo Quốc hội, vì thuế thu nhập doanh nghiệp luôn được coi là công cụ mạnh để Chính phủ điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Theo bà Tạ Thị Yên, một khi có nguồn thu bổ sung cho ngân sách nhà nước từ sắc thuế doanh nghiệp bổ sung này, Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc, báo cáo Quốc hội sửa đổi thuế thu nhập cá nhân theo hướng: Điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như ngưỡng thu nhập chịu thuế của thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả từ các nước, để kích cầu tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế theo xu thế chung và định hướng cải cách chính sách thuế.
Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu có khả năng sẽ làm mất đi một trong những chính sách ưu đãi về thuế quan trọng mà doanh nghiệp đầu tư FDI từng mong muốn được hưởng để đầu tư vào Việt Nam.
Vì thế, để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đại biểu tin tưởng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ tìm ra được những đòn bẩy kinh tế mới, kể cả các ưu đãi khác hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng, hữu hiệu, toàn diện, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính của ngành mình, địa phương mình, để quá trình chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn được diễn ra một cách thuận lợi, nhất là khi đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng mới, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và sự phát triển cho đất nước.
Làm rõ tác động đến môi trường thu hút đầu tư
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đại biểu Nguyễn Thành Trung - đoàn Yên Bái băn khoăn về tính khả thi trong việc thu phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu do Luật Đầu tư và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam có đưa ra các quy định về bảo đảm đầu tư và ổn định chính sách, trong trường hợp doanh nghiệp không thống nhất với quy định này thì có thể áp dụng Điều 13 Luật Đầu tư quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.
Ưu đãi về thuế là yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài |
Do đó, doanh nghiệp chỉ phải nộp phần thuế thu nhập doanh nghiệp đang được ưu đãi tại Việt Nam, phần thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nộp bổ sung tại nước mẹ. Vì vậy, việc giành quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 là khó khả thi.
Thực tiễn đã chứng minh, sau hơn 30 năm đổi mới, nguồn lực từ thu hút đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Do đó, đề nghị làm rõ tác động đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong trường hợp áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
"Vì ngoài yếu tố ổn định chính trị, nguồn lao động dồi dào, thì ưu đãi về thuế, tiền thuê đất là những yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài" - ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, đối với trường hợp doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành thì có áp dụng ưu đãi đầu tư về thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hay áp dụng thuế suất theo quy định của Nghị quyết.
Về hình thức văn bản và thời hạn áp dụng, Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp. Đây là vấn đề về hình thức văn bản.
Song thực chất, Nghị quyết này vẫn là một Nghị quyết thí điểm do có những quy định về chính sách mới, khác với các quy định của các luật hiện hành. Theo đó, cần có các quy định cụ thể về thời hạn áp dụng Nghị quyết.
Đối chiếu với điều khoản thi hành, Dự thảo Nghị quyết quy định “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024 cho đến ngày Nghị quyết này được thay thế bởi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Theo đại biểu, quy định như trên là chưa rõ thời điểm kết thúc áp dụng thí điểm do chưa rõ thời điểm Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp.
Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “cho đến ngày Nghị quyết này được thay thế bởi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”, khi sửa luật thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ bổ sung quy định bãi bỏ Nghị quyết này kể từ ngày áp dụng luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự kiến, ngày 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. |