Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Theo giải trình của Bộ Tài chính, cơ sở đưa nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB là nhằm “cơ cấu lại thuế để tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng (cụ thể là ngăn chặn bệnh béo phì và tiểu đường)”.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, nếu Luật được ban hành, mức thuế TTĐB DN sản xuất sẽ phải chịu là 10%. Điều này kéo theo chi phí sản xuất tăng, giá sản phẩm trên thị trường tăng khoảng 12%, làm giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu... Giá bán sản phẩm giải khát trên thị trường cao sẽ tạo cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn. Ngoài ra, giải trình đưa nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB thiếu thuyết phục. Để tăng thu cho ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chưa nói rõ được khi áp thuế TTĐB, sẽ thu được thêm bao nhiêu tiền thuế? Việc này tác động đến sản xuất, kinh doanh và xã hội như thế nào, mức độ ra sao? Cơ quan soạn thảo cũng không đưa ra được dữ liệu, bằng chứng khoa học cụ thể khẳng định nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính chưa áp thuế TTĐB đối với sản phẩm này. Trong trường hợp cần thiết phải áp thuế TTĐB, cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, với cơ sở khoa học biện chứng, rõ ràng về tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế, sản xuất - kinh doanh của DN...
Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang – nhấn mạnh: Giải trình nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì và tiểu đường là một trong những cơ sở để áp thuế TTĐB không hợp lý, thiếu chính xác. Nếu chỉ áp thuế TTĐB với nước ngọt như dự thảo đề xuất, mà không áp dụng với sản phẩm có đường tương tự, là bất bình đẳng. Ngoài ra, khái niệm “nước ngọt” cũng chưa xác định rõ ràng là nước uống có đường, hay tất cả các đồ uống có vị ngọt? Nếu “nước ngọt” được định nghĩa là đồ uống có đường, mức thuế áp dụng phải thay đổi theo hàm lượng đường, vì giữa sản phẩm có hàm lượng đường thấp với hàm lượng đường cao ảnh hưởng là khác nhau, không thể áp dụng chung một mức thuế.